Văn hóa – Di sản

Vũ Phạm Hàm – nhà khoa bảng, quan chức tài hoa

Nguyễn Tiến Thịnh 16/11/2023 15:54

Vũ Phạm Hàm sinh năm Giáp Tý (1864), niên hiệu Tự Đức thứ 17, quê ở làng Đôn Thư, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông (nay thuộc Hà Nội), tự là Mộng Hải, Mộng Hồ, hiệu là Thư Trì.

vu-pham-ham.jpg
Danh nhân Vũ Phạm Hàm.

Trải suốt gần ngàn năm khoa cử, nhà nước phong kiến Việt Nam đã tổ chức rất nhiều khoa thi để tuyển chọn nhân tài. Khoa thi đầu tiên được tổ chức vào năm Ất Mão (1075) có tên “Minh kinh bác học” dưới triều vua Lý Nhân Tông, khoa thi cuối cùng diễn ra vào năm Mậu Ngọ (1918) ở Trung Kỳ. Trong tất cả các khoa thi, chỉ có 5 người đỗ Tam nguyên, tức đã đậu Hương nguyên (hạng 1 khoa thi Hương), đậu Hội nguyên (hạng 1 khoa thi Hội) và đậu Đình nguyên (hạng 1 khoa thi Đình). Đó là các vị Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lê Quý Đôn, Trần Bích San, Nguyễn Khuyến và Vũ Phạm Hàm, trong đó đỗ Tam nguyên bậc đệ nhất giáp chỉ có ba người là Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lê Quý Đôn và Vũ Phạm Hàm.

Vũ Phạm Hàm sinh năm Giáp Tý (1864), niên hiệu Tự Đức thứ 17, quê ở làng Đôn Thư, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông (nay thuộc Hà Nội), tự là Mộng Hải, Mộng Hồ, hiệu là Thư Trì.

Vào đời vua Kiến Phúc (12/1883 – 7/1884), ông đã đỗ đầu kỳ thi Hương (Giải nguyên), khi mới 21 tuổi. Năm 1884, ông đi thi Hội, nhưng không đỗ. Phủ quan Hộ Bộ Thượng thư Phạm Thận Duật đã nhận ông vào làm gia sư dạy học cho con cháu trong phủ. Đến khoa năm Nhâm Thìn, Thành Thái thứ 4 (1892), ông đỗ thủ khoa (Hội Nguyên). Cũng trong năm đó, ông dự thi Đình và đỗ thủ khoa (Đình nguyên). Ông đã giành được học vị Đệ nhất Giáp Tiến sĩ cập đệ, đệ tam danh (tức Thám hoa) cho nên người đời thường gọi ông là Tam nguyên Thám hoa (hay Tam nguyên Đôn Thư Vũ Phạm Hàm). Ông cũng chính là vị Thám hoa cuối cùng của lịch sử khoa cử phong kiến Việt Nam.

Sau khi đỗ Thám hoa, Vũ Phạm Hàm được tiến cử vào làm báo Đồng Văn. Bài phú Lê triều tiến sĩ đề danh bi của ông được các báo Trung Hoa hồi ấy ngợi khen là người học vấn uyên thâm và có tài văn chương. Ông làm Giáo thụ rồi thăng Đốc học Hà Nội, hàm Quang lộc tự Thiếu khanh, kiêm sung Đồng Văn quán, sau đó ông được thăng làm Án sát Hải Dương. Trong thời gian làm Đốc học Hà Nội, Thám hoa Vũ Phạm Hàm đã gắng sức để phát triển nền học thuật, chú trọng và đề cao việc gây dựng nhân tài cho nước nhà. Sau đó, ông cáo quan về trí sĩ ở quê và dạy học cho đến cuối đời. Năm 1906 ông bị bệnh nặng rồi mất tại quê nhà, thọ 43 tuổi. Khu mộ ông được đặt tại làng Đôn Thư, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây (nay thuộc ngoại thành Hà Nội).

Vũ Phạm Hàm thường được người đời nhắc đến với đôi câu đối đề trước cổng đền Kiếp Bạc, nêu bật khí phách của đấng nam nhi, bậc quân tử.

-Vạn Kiếp hữu sơn giai kiếm khí

(Núi Vạn Kiếp khắp nơi đều có tiếng gươm đao)

- Lục Đầu vô thủy bất thu thanh

(Sông Lục Đầu không ngọn sóng nào không có tiếng trống trận)

Tác phẩm của Vũ Phạm Hàm còn lại không nhiều, hầu hết đều viết bằng chữ Hán, một số tập văn, thơ, phú khác được viết bằng chữ Nôm. Các tác phẩm chủ yếu của ông còn lưu giữ được có: Tập Đường thuật hoài, Vấn Kim Giang Nguyễn tướng công trướng văn, Ỷ ngữ tùng lục, Tiến lãm văn thảo, Hưng Hóa tỉnh phú. Một số bài thơ, bài phú đã phiên dịch, phiên âm và được nhiều người biết đến như bài Đề Liên Hoa động (Đề động Liên Hoa), Giải vịnh (Vịnh con cua), bài phú Hương Sơn phong cảnh ca và khoảng hơn một chục bài vịnh về hồ Tây và Hà Nội...

Đặc biệt, tập thơ Tập Đường thuật hoài của ông đã thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu hơn cả. Lối chơi chữ bằng cách “tập” những câu thơ của người khác thành một bài thơ của mình, hợp vận mà không thất luật, đã được các nhà Nho thời trước sử dụng khá nhiều như lối thơ “lẩy Kiều”, “tập Kiều”. Tập Đường thuật hoài cũng vậy, từng bài thơ được sáng tác trên cơ sở tập hợp nhiều câu thơ của những nhà thơ đời Đường ghép lại. Tập thơ có 30 bài, nội dung không chỉ chứng minh cái tài chơi chữ điêu luyện của Thám hoa Vũ Phạm Hàm mà còn cho thấy tấm lòng yêu nước sâu sắc nhưng đành bất lực trước thời cuộc của tác giả. Về Tập Đường thuật hoài, tác giả Nguyễn Đức Toàn với bài viết Vũ Phạm Hàm với Tập Đường thuật hoài đã trình bày rất rõ về đặc điểm văn bản cũng như nội dung của tập thơ “.. gồm 30 bài thơ thể hiện lòng chán ghét danh lợi, mơ ước sống cảnh điền viên thanh nhàn... dưới mỗi câu đều có tên tác giả của câu đó, ghi bằng cỡ chữ nhỏ hơn”; “Tuy chưa từ quan để về ẩn dật nơi thâm sơn cùng cốc, song ý tứ của tập thơ cho ta thấy ông như một bậc “đại ẩn”, giữa chốn quan trường danh lợi xem phú quý như bèo nổi, xem vinh hoa như phù vân, không ẩn ở nơi lâm tuyền mà ẩn ngay nơi thành thị, không ẩn thân trốn đời mà ẩn ngay ở trong tim” (Tạp chí Hán Nôm, số 1-2006)...

Vũ Phạm Hàm là một nhà Nho chính thống, từng chứng kiến những biến động to lớn của lịch sử nước nhà. Đất nước bị thực dân Pháp xâm lược, quan lại của triều đình đã trở thành tay sai cho giặc, học thuật phương Tây lấn át và thay thế cái “cựu học”. Điều này có ảnh hưởng rất lớn đến tư tưởng một nho sĩ như ông. Cho nên một số sáng tác của ông ẩn chứa nỗi u sầu về thời thế, niềm day dứt khi đạo Nho đã suy tàn. Ông thấy mình bất lực, lạc lõng trước thời cuộc, trong Tập Đường thuật hoài ông viết:

Việc đời vinh hiển cùng suy lạc đều phó gửi đám mây nổi.

(Bài số 8)

Hối tiếc vì danh, vì lợi mà lụy thân vào những việc đâu đâu.

(Bài số 9)

Vào năm Nhâm Dần (1902), khi vua Thành Thái ra Hà Nội dự lễ khánh thành cầu Long Biên (Paul Doumer), Vũ Phạm Hàm có dâng một bài thơ:

Bao năm dấu vết lẫn trần sa,

Nay sửa cân đai yết bóng cờ.

Thần chức hân hoan ngoài trạm cỏ,

Thánh tâm soi xét xuống dân xa.

Sao chùm rạng rỡ chầu cao đẩu,

Xuân cuối tung bay ánh thái hà.

Lại được long nhan thương đoái đến,

Bên tại còn giắt cánh hoa xưa.

Như bao nhà Nho khác, Vũ Phạm Hàm khi nhận thức rõ được bản chất của xã hội đương thời muốn từ quan về ở ẩn, sống thanh thản, không vướng bận công danh, vui với những thú vui bình dị:

Sự khứ giang hồ lão điếu câu

(Đề Liên Hoa động)

(Việc rảnh, sông hồ thả cần câu)

(Đề động Liên Hoa)

Ông muốn về ở ẩn, nhưng cuộc đời ông không thể tránh được chốn quan trường, có lẽ trong con người Vũ Phạm Hàm luôn ấp ủ một nỗi niềm ái quốc, mong mỏi thay đổi thời cuộc.

- Mua xuân chính vào lúc đẹp mà chẳng được về,

Đường quan trường trước mắt vẫn phải đi.

(Tập Đường thuật hoài, bài 19)

- Ngẩng đầu thấy việc đời, không thể nào lẳng lặng được.

Đành phải quay về với sóng gió cũng không ngại gian nan.

(Tập Đường thuật hoài, bài 19)

Không chỉ là nhà khoa bảng và ông quan nặng lòng trước hiện tình đất nước, Vũ Phạm Hàm còn thể hiện niềm yêu thiên nhiên và tiếng nói trữ tình sâu lắng. Trong bài thơ trường thiên Hương Sơn phong cảnh ca ứng tác trên đường đi thăm cảnh chùa Hương, Vũ Phạm Hàm nhập thân cùng non nước, đất trời và có được những vần thơ tả cảnh sinh động, thanh thoát:

Tản vân in đáy nước rành rành,

Chim trời mấy chiếc lệnh đênh.

Thuyền hải củi dập dềnh năm bảy lá,

Chú tiều tử rủi rong bến đá...

Thi nhân để lòng mình hòa hợp với cảnh sông núi, nâng tầm thiên nhiên lên ngang tầm vẻ đẹp của cõi trời, cõi tiên, cõi Phật:

Cây xanh xanh mà đá cũng xanh xanh,

Xuống một núi, mà trèo quanh một núi.

Nước công đức trong ngần không chút bụi,

Đường lên tiên đây là suối Giải Oan.

Thảnh thơi bạch thạch thanh tuyền,

Thế mới biết: thần tiên là diệu thủ...

Truyền thuyết kể, khi ở Hải Dương, viên Công sứ người Pháp thích chơi hoành phi, câu đối vốn biết Vũ Phạm Hàm là bậc danh Nho, mới xin một bức làm kỷ niệm. Ông cho bốn chữ: “Ôn kỳ như ngọc”. Chữ trong sách Kinh thi, thiên Tần phong, nguyên văn: “Ngôn niệm quân tử ôn kỳ như ngọc” (Mến người quân tử ôn hòa như ngọc quý). Chủ tâm ông Thám hoa cốt lấy điển Tần phong làm thơ khen người rợ phương Tây để tặng quan Công sứ người Pháp. Ông lập ý thật thâm thúy: ám chỉ người Pháp chẳng qua chỉ là như rợ Tây Nhung bên Tầu khi xưa. Công sứ Pháp tất nhiên chẳng hiểu gì, trịnh trọng treo bức hoành giữa nhà khách. Không may cho ông Thám, có một viên quan vốn bất bình với ông, nhân có dịp vào yết kiến Công sứ, đứng ngắm nghía bức tranh khen kiểu đẹp, chữ tốt, rồi trầm ngâm hồi lâu, gật gù nói: “Bốn chữ này tuy là khen tặng nhưng hình như có ý giễu cợt quan lớn thì phải”. Công sứ ngạc nhiên bảo cắt nghĩa, viên quan nói: “Ngọc đây nói bóng là ngọc hành, mà ngọc hành là “cái ấy”, quan lớn hiểu chưa, không tin quan lớn cứ hỏi mọi người thì rõ”. Đến chiều, Công sứ ra bàn giấy, gặp ai cũng chỉ vào đũng quần, hỏi: “Cái này là cái gì?”. Ai nấy đều trả lời lễ phép bằng tên chữ Hán không dám nói nôm, thành ra đúng như chữ viên quan đã nói. Chứng khẩu đồng từ, khiến Công sứ giận sôi lên, sùng sục cho chẻ ngay bức hoành phi sơn son thiếp vàng và tìm ông Thám trách cứ. Vì viên Công sứ chấp nê, ông Thám phân trần thế nào cũng không chịu nghe. Từ đó ông bị làm khó dễ trong công vụ, bèn cáo quan về trí sĩ. Về quê, ông Thám mở trường dạy học, học trò từ các tỉnh theo học rất đông, sau có nhiều người đỗ đạt.

Cũng giống như các nhà Nho đương thời, Vũ Phạm Hàm là người luôn nặng lòng với dân, với nước. Phần lớn sáng tác của ông đều thể hiện tấm lòng ái quốc, nhưng đi kèm với đó là nỗi niềm ưu quốc của vị Thám hoa cuối cùng trong lịch sử khoa cử Việt Nam. Yêu nước, thương dân nhưng bản thân ông lại bất lực trước thời thế, bị bế tắc trong cuộc sống của chính bản thân mình. Tất cả những suy tư này đều được Vũ Phạm Hàm chất chứa, gửi gắm trong các tác phẩm thơ văn. Những tác phẩm mà ông để lại không chỉ có giá trị nội dung, nghệ thuật đặc sắc mà còn có giá trị hiện thực to lớn cho việc nghiên cứu lịch sử tư tưởng, văn hóa nước nhà./.

Theo Danh nhân Thăng Long - Hà Nội

Nguyễn Tiến Thịnh