Văn hóa – Di sản

Nguyễn Quyền – nhà trí sĩ một đời vì nước

Nguyễn Thanh Tùng 15/11/2023 16:57

Nguyễn Quyền, tên hiệu là Đông Đường, sinh năm Kỷ Tỵ (1869), tại làng Thượng Trì (tục gọi là làng Đìa), huyện Thượng Mão, phủ Thuận Thành (nay thuộc xã Mão Điền, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) trong một gia đình nhà Nho. Năm 1891, ông thi đỗ Tú tài và được bổ làm Huấn đạo tỉnh Lạng Sơn. Vì vậy, người đương thời thường gọi ông là “Huấn Quyền”.

nguyen-quyen.jpg
Danh nhân Nguyễn Quyền.

Năm 1905, Nguyễn Quyền từ chức Huấn đạo, về Hà Nội tham gia hoạt động cách mạng. Tháng 3 năm 1907, ông cùng Lương Văn Can, Ngô Đức Kế, Dương Bá Trạc, Đào Nguyên Phổ, Phạm Duy Tốn, Nguyễn Bá Học, v.v... thành lập trường Đông Kinh nghĩa thục học theo mô hình “trường cộng đồng” (public school) Khánh Ưng nghĩa thục của Phúc Trạch Dụ Cát (Fukuzawa Yukichi) ở Nhật Bản. Mục đích của phong trào Đông Kinh nghĩa thục là bài trừ tư tưởng Nho giáo, du nhập những tư tưởng mới, phát triển văn hoá, thúc đẩy sử dụng chữ quốc ngữ thông qua các hoạt động giáo dục, báo chí, tuyên truyền, cổ động; chấn hưng thực nghiệp, mở tiệm buôn, phát triển công thương,... Nguyễn Quyền được cử làm Giám học, Phó Ban giám hiệu, phụ trách Ban tài chính (giữ quỹ), đồng thời tham gia xây dựng chương trình (Ban Tu thư) và trực tiếp giảng dạy. Trong thời gian này, ông sáng tác nhiều tác phẩm phục vụ cho việc tuyên truyền, cổ động của phong trào, nhưng hiện chỉ còn 2 tác phẩm: Phen này cắt tóc đi tu, Chiêu hồn nước.

Bài Phen này cắt tóc đi tu mượn hình tượng chú tiểu đi tu, nhưng có cách tu và lí tưởng rất “lạ”: Phen này cắt tóc đi tu/ Tụng kinh Độc Lập ở chùa Duy Tân/ Đêm ngày khấn vái chuyên cần/ Cầu cho ích nước lợi dân mới là/ Tu sao mở trí dân nhà/ Tu sao mộ được nước ta phú cường/ Lòng thành thắp một tuần hương/ Nam mô Phật tổ Hồng Bàng chứng minh/ Tu hành một dạ đinh ninh/ Nắng mưa dám quản công trình một hai/ Chắp tay lạy chín phương trời/ Kêu trời phù hộ cho người nước tôi/ Tiểu tôi trông đứng trông ngồi/ Trông sao cho đặng giống nòi vẻ vang/ Nào là tín nữ thiện nam/ Nào là con cái thập phương giúp cùng/ Giúp tôi đúc quả chuông đồng/ Đúc thành quả phúc ta cùng hưởng chung/ Ai tu xin đốc một lòng/ Nghìn năm thu tạc một chữ đồng đến xương.

Bài Chiêu hồn nước tỏ rõ tâm huyết với vận mệnh và tương lai của dân tộc. Bằng động thái “gọi hồn” nước, tác giả làm sống dậy niềm tự hào dân tộc cũng như sự trăn trở của lương tâm những người con của đất nước: Hồn xưa: dòng dõi Lạc Long/ Con nhà Nam Việt, người trong giống vàng/ China chung một họ hàng/ Xiêm La, Nhật Bản cùng làng Á Đông/ Trời Nam một dải non sông/ Ngàn năm cơ nghiệp cha ông hãy còn/ Từ phen đá lở sóng cồn/ Nước non trợ đó nào hồn ở đâu?/ Chốc đà đã bấy nhiêu lâu/ Bơ vơ như thể bồ câu lạc đàn/ Sịch đâu một cuộc doanh hoàn/ Ngàn Đông nổi gió, sóng tràn bể Nam/ Người đi gọi, kẻ đi tìm/ Biết đâu đài múa mà đem hồn về?/ Mấy lần mưa ám, mây che/ Bâng khuâng như tinh, như mê nửa phần /Hay là ở chốn thôn dân/ Hồn còn tranh cạnh nơi ăn chốn ngồi/ Hay là ở chốn rong chơi/ Hồn còn ham muốn cuộc vui li bì Hay là ở chốn sơn khê/ Hồn còn ngơ ngẩn chưa nghe chuyện gì/ Hay là ở chốn khoa thi/ Hồn còn mê mải giữ nghề văn chương/ Hay là ở chốn quan trường/ Hồn còn tấp tểnh toan đường tìm ra/ Hỏi xem hồn ở gần xa/ Gọi ra cho tỉnh, tỉnh ra thì về/ Xin hồn hãy tỉnh đừng mê/ Tinh ra rồi sẽ liệu bề khuyên nhau/ Khuyên nhau lấy chữ đồng bào/ Lấy câu ích quốc, lấy điều lợi dân/ Đường bảo chúng, nghĩa hợp quần/ Tự cường thế ấy, duy tân thế nào/ Sự học ta lấy làm đầu/ Công thương mọi việc trước sau tính dần/ Cũng trong một bọn quốc dân/ Gánh giang sơn cũng một phần trên vai/ Than ôi, hồn nước ta ôi/ Tinh nghe ta gọi mấy lời đồng tâm!... Tuy là những tác phẩm có tính chất tuyên truyền, cổ động, nhưng tinh thần yêu nước, tư tưởng duy tân của ông gắn với phong trào Đông Kinh nghĩa thục được bộc lộ rất thiết tha, tâm huyết, rất đáng khâm phục. Hai bài thơ cũng nêu rõ chủ trương đoàn kết, giữ gìn truyền thống dân tộc cũng như nỗ lực duy tân, tự cường đất nước trong bầu không khí chung của thời đại. Đương thời, có người làm bài Nam thiên phong vân (Mây gió trời Nam), trong đó có đoạn viết về vai trò của Nguyễn Quyền với Đông Kinh nghĩa thục như sau: Người tỉnh Bắc, Nguyễn Quyền là một Cơn nhiệt thành lửa đốt buồng gan/ Đùng đùng gió cuốn mây tanh Lạng thành giáo chức từ quan cáo về/ Mở tân giới, xoay nghề tân học! Đón tân trào, dựng cuộc duy tân Tân thư, tân báo, tân văn/ Chân đi miệng nói xa gần thiếu đâu/ Trường Nghĩa thục đứng đầu dạy dỗi Khắp ba mươi sáu phố Hà thành... (Báo Mai, số 9, ngày 25 - 4 - 1936). Qua đánh giá của người đương thời có thể thấy được vị thế, vai trò và nhiệt huyết của Nguyễn Quyền với phong trào Đông Kinh nghĩa thục.

Ngoài việc tham gia ở trường Đông Kinh nghĩa thục, Nguyễn Quyền còn đứng ra thành lập hãng buôn Hồng Tân Hưng, chuyên buôn bán hàng công nghệ nội hóa với mục đích tự cường kinh tế và cạnh tranh với các hãng buôn ngoại quốc, đồng thời gây quỹ hoạt động cho nghĩa thục và mở rộng phong trào Duy tân. Cái tên “Hồng Tân Hưng” có nghĩa là “Hồng Lạc mới dấy lên” thể hiện lòng yêu nước cũng như hoài bão chấn hưng dân tộc của Nguyễn Quyền và đồng sự. Hãng Hồng Tân Hưng cũng là nơi liên lạc, gặp gỡ của những người yêu nước.

Phong trào Đông Kinh nghĩa thục phát triển mạnh mẽ và có ảnh hưởng rất rộng ở trong nước, tác động đến mọi mặt đời sống đương thời, khiến chính quyền thực dân hoang mang, lo sợ. Tháng 11 năm 1907, bọn chúng ra lệnh đóng cửa Đông Kinh nghĩa thục và cấm hoạt động vĩnh viễn. Nguyễn Quyền phải tạm ngừng hoạt động. Viên Thống sứ Bắc Kì còn buộc Nguyễn Quyền phải trở về đảm nhận chức Giáo thụ huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ nhưng ông lại xin từ chức. Năm 1908, nhân vụ đầu độc quân lính Pháp ở Hà Nội thất bại, thực dân Pháp khủng bố rất “rát” phong trào yêu nước của nhân dân. Nguyễn Quyền bị cho là có can dự tích cực vào sự kiện này. Bởi vậy, chưa đầy một tháng sau khi từ chức, Nguyễn Quyền bị bắt giam ở Hỏa Lò (Hà Nội). Năm 1909, Hội đồng đề hình (Commission Criminelle) của chính quyền thực dân khép ông vào án “trảm giam hậu”, sau đó đổi thành án chung thân khổ sai và đày ông ra Côn Đảo. Đến năm 1911, ông được tha về nhưng bị “an trí” tại Bến Tre cùng với một số chí sĩ yêu nước khác như Dương Bá Trạc (bị an trí ở Long Xuyên), Võ Hoành (bị an trí ở Sa Đéc), Phan Chu Trinh (bị an trí ở Mỹ Tho), Hoàng Tăng Bí (bị an trí ở Huế), v.v... Mục đích của chúng là giam lỏng và làm nản lòng các chí sĩ yêu nước, cách li họ khỏi môi trường hoạt động cách mạng. Theo một số tư liệu, hàng tháng chính quyền thực dân trợ cấp cho mỗi người 8 đồng bạc Đông Dương để chi tiêu sinh hoạt. Nguyễn Quyền ban đầu có nhận tiền trợ cấp này, nhưng không lâu sau đó, nhờ sự giúp đỡ của đồng bào, đồng chí, ông kiên quyết không nhận nữa. Tuy bị giam lỏng và bị bọn thực dân theo dõi gắt gao nhưng Nguyễn Quyền vẫn tìm cách bí mật liên lạc với những nhà yêu nước trong vùng lục tỉnh Nam Kì. Ông cho mở tiệm may tại thị xã Bến Tre để làm nơi liên lạc, trao đổi hợp pháp với bên ngoài, đồng thời tích cực vận động quần chúng đóng góp tiền của, gửi sang Nhật Bản giúp Phan Bội Châu tiến hành phong trào Đông du.

Năm 1916, do có báo cáo từ cơ sở, ông bị Sở Mật thám Sài Gòn gọi lên xét hỏi, nhưng vì không đủ chứng cứ buộc tội, bọn chúng đành phải thả ông về lại Bến Tre. Năm 1920, ông chuyển qua sống ở Rạch Giá, Sa Đéc, nhưng không lâu sau lại về sống tại Bến Tre với gia đình. Năm 1924, chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng nhân chuyến vào Nam, có ghé lại Bến Tre thăm và có làm thơ tặng ông, trong đó có những câu:

Sơn Nam, sơn Bắc lưỡng trùng sơn,

Tản Đảo vân phi thủy khứ hoàn.

Kim mã tê thanh hồng nhật ánh,

Kê minh án kiếm quá trùng quan.

(Sơn Nam, Sơn Bắc, hai tầng núi cao,

Núi Tản Viên, núi Tam Đảo mây, sông chảy vòng quanh.

Ngựa sắt hí vang, mặt trời đỏ chói lọi,

Chống gươm vượt qua cửa quan trùng trùng lúc gà gáy)

Bài thơ gợi nhắc lại chí hướng và nhiệt huyết của người chiến sĩ cách mạng xông pha năm xưa. Nguyễn Quyền lại tích cực hoạt động trở lại. Tuy nhiên, vào giai đoạn cuối đời, do tuổi tác cao, bệnh tật nhiều, bạn bè đồng chí ngày một vắng bóng, không còn đủ năng lực và điều kiện theo kịp nhịp sống hiện đại cũng như không khí sôi nổi, quyết liệt của các phong trào yêu nước mới dồn dập diễn ra trên đất nước ta thập kỉ 30 của thế kỉ XX, ông lui về sống với cảnh vui thú điền viên, lặng lẽ, cố giữ lòng trong sạch, giản dị của một nhà Nho yêu nước. Ngoài ra, Nguyễn Quyền còn làm thêm nghề bốc thuốc, vừa là để kiếm sống vừa để phần nào có thể chữa bệnh giúp dân. Thời gian này, ông không sống một chỗ cố định. Khi thì ông lui về sống ở quê vợ thứ tại huyện Thạnh Phú (Bến Tre), lúc thì ở Cồn Ngao (xã Hiệp Thạnh, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh). Cuối cùng, năm 1939, ông lại chuyển về định cư ở thị xã Sa Đéc. Ông mất tại đây vào ngày 18-7-1941, hưởng thọ 72 tuổi. Trước khi từ trần, ông có đọc cho ông Ba Biện, một người đồng chí thân thiết ở Cao Lãnh (Đồng Tháp) lời trăng trối bằng chữ Hán như sau: “Dư trí lực quốc gia, thùy tứ thập hữu dư tải, cùng nam cực bắc, bôn tẩu gian nan, kỳ mục đích chí cầu thiên hạ hòa bình, vạn dân an lạc. Kim dư bất hạnh, bán đồ nhi thế, tòng tư dĩ vãng, phòng ngã đồng bào nghi bảo trọng tiến trình, vật dĩ dư niệm, dư nguyện túc hí” (Tôi để sức vào quốc gia, trải hơn bốn mươi năm, từ Bắc chí Nam bôn tẩu khó khăn, mục đích chỉ cầu cho thiên hạ hòa bình, vạn dân an lạc. Nay tôi chẳng may nửa đường mất đi, từ đây về sau, phàm đồng bào chúng ta nên thận trọng bước đường tới, chớ nghĩ đến tôi, thế là ý nguyện của tôi đủ lắm rồi!). Mộ của ông hiện nằm ở bên bờ rạch Xã Vạt (Xẻo Vạt), xã Tân Bình, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp./.

Theo Danh nhân Thăng Long - Hà Nội

Nguyễn Thanh Tùng