Văn hóa – Di sản

Huyền Trân Công Chúa

Vũ Khiêu 14/11/2023 10:24

Những thế kỷ trước, nhân dân Huế đã lập đền thờ Huyền Trân Công Chúa tại một điểm phía Nam thành phố Huế, nhưng do chiến tranh và những biến thiên của lịch sử nên đến nay không còn nữa. Nhân dịp kỷ niệm 700 năm Thuận Hóa - Phú Xuân - Thừa Thiên Huế (1306 - 2006), Lãnh đạo tỉnh đã cho phép Công ty Du lịch Hương Giang (nay là Công ty Cổ phần Du lịch Hương Giang) xây dựng Trung tâm Văn hóa Huyền Trân nằm về phía tây nam thành phố Huế, cách đàn Nam Giao chừng 6km.

Trong trung tâm này có ngôi đền thờ Đức vua Trần Nhân Tông và ngôi đền thờ Huyền Trân Công Chúa trên đỉnh núi Ngũ Phong ở độ cao 108 mét xây dựng tháp chuông Hòa Bình và treo một quả chuông đồng nguyên chất nặng 1,6 tấn, cao 2,16 mét, tiếng chuông ngân vang lan tỏa trong cõi thinh không tĩnh lặng để cầu nguyện Thế giới Hòa bình - Nhân loại Hạnh phúc.

huyen-tran-chua.png
Tượng thờ công chúa Huyền Trân tại Huế. Ảnh tư liệu

Tôi nhiệt liệt hoan nghênh sự sáng suốt của lãnh đạo và nhân dân thành phố Huế. Trước khi nói tới phẩm chất yêu nước và tinh thần nhân văn của công chúa, cần phải nói về người cha của bà. Đó là Đức vua Trần Nhân Tông (1258- 1308). Ngài là vua thứ 3 triều Trần, là vị vua anh hùng của dân tộc, văn võ song toàn, nhà chính trị và ngoại giao kiệt xuất đã hai lần lãnh đạo nhân dân đánh tan quân xâm lược Nguyên Mông (1285, 1288). Những chiến công ấy không chỉ nâng vị thế của Đại Việt lên một tầm cao mới trong khu vực mà còn góp phần giải phóng các nước Đông Nam Á thoát khỏi ách xâm lược của Đế quốc Nguyên Mông vào cuối thế kỷ XIII.

Sau khi đánh tan quân xâm lược, ổn định đất nước phát triển, Đức vua đã nhường ngôi cho con là vua Trần Anh Tông, làm Thái Thượng hoàng và chuyên tâm nghiên cứu Phật pháp, giáo hóa muôn dân. Năm 1299, Ngài xuất gia lên núi Yên Tử, lấy đạo hiệu Hương Vân Đại Đầu Đà thường xưng Trúc Lâm Đại Sĩ, khai sáng thiền phái Trúc Lâm. Sau Ngài trở thành vị tổ thứ nhất của Thiền phái này.

Năm 1301, Ngài xuống núi vân du khắp nơi trong nước, rồi sang Chiêm Thành vừa để củng cố mối bang giao vừa để thuyết pháp truyền đạo.

Ngài là thân phụ của Huyền Trân Công chúa, vị nữ thần anh thư nước Việt đã có công lớn trong việc góp phần xây dựng và củng cố mối quan hệ giữa hai dân tộc Đại Việt và Chiêm Thành, đồng thời mở mang và củng cố bờ cõi của đất nước, trong đó có tỉnh Thừa Thiên Huế ngày nay.

Công chúa Huyền Trân là người con gái yêu quý nhất của vua Trần Nhân Tông, vừa nhan sắc tuyệt vời, vừa thông minh tài trí. Công chúa đã vì nghĩa lớn của dân tộc, nhận lời của vua cha làm nhiệm vụ củng cố tình bang giao hữu nghị lâu dài giữa hai dân tộc Đại Việt, Chiêm Thành.

Lịch sử thường đánh giá sai bà ở chỗ: coi bà sang Chiêm Thành như kiểu Chiêu Quân cống Hồ thời nhà Hán. Nhà Hán phải nộp Chiêu Quân là sự bất đắc dĩ trước sức mạnh của Hung Nô. Còn Huyền Trân lấy vua Chế Mân là hành vi của một nước Đại Việt hùng cường muốn xây dựng một mối quan hệ đầy tình nghĩa với dân tộc anh em nhỏ bé.

Cũng không nên coi việc bà lấy vua Chiêm Thành là một sự hy sinh của bà để đổi lấy Châu Ô Lý. Ngày đó, nhân dân Đại Việt đã ở xen lẫn với đồng bào Chăm tại vùng này. Việc dâng hai Châu Ô Lý cho Đại Việt là một thiện ý của vua Chiêm Thành và là việc hợp pháp hóa một sự kiện lịch sử. Không thể coi đó là việc mua bán và đổi chác.

Chế Mân là một nhà vua anh hùng của dân tộc Chăm. Ông đã từng thảm gia chiến đấu chống quân Nguyên Mông.

Quan hệ vợ chồng giữa nhà vua Chăm và công chúa nước Việt là một mối tình rất đẹp giữa hai tâm hồn cao cả vì sự phồn vinh của hai nước anh em và cũng vì tình hữu nghị trong cộng đồng nhân loại.

Tiếc rằng, không bao lâu, vua Chế Mân qua đời. Theo tục lệ, mọi người vợ và cung nữ của nhà vua đều phải lên giàn hỏa táng để chết theo vua.

Vua Trần Anh Tông vì thương em gái đã cho tướng Trần Khắc Chung sang tìm cách cướp được công chúa để đưa về nước. Đây là một việc làm khiến cho công chúa Huyền Trân phải ân hận suốt đời. Khi trở về Thăng Long, bà đã từ chối mọi vinh hoa phú quý của người công chúa Đại Việt và cắt tóc đi tu mong tự giải thoát cho mình khỏi cảnh khổ ải, trầm luân và cầu chúc cho cha, cho chồng được siêu sinh tịnh độ.

Với tinh thần anh hùng và hào hiệp của đức vua Trần Nhân Tông và thái độ sáng suốt, cao cả vì nghĩa lớn của Trần Huyền Trân, nhân dân ta đời đời biết ơn và quý mến người cha như thế và người con như thế.

Nay đền thờ Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông cũng như đền thờ Công chúa Huyền Trân đã được xây dựng khang trang và được đồng bào không chỉ ở Huế mà ở toàn quốc thường đến thăm viếng với tinh thần chân thành ngưỡng mộ. Trước tình cảm sâu sắc của toàn dân, lãnh đạo thành phố Huế đã đặc biệt quan tâm tới việc không ngừng tôn tạo và phát triển khu trung tâm tối linh thiêng này của dân tộc.

Trước chủ trương sáng suốt của lãnh đạo và tấm lòng chân thành của nhân dân, Hội đồng Quản lý Quỹ bảo tồn và phát huy Văn hóa Huyền Trân đã quy tụ được sự chia sẻ về ý tưởng, sự đóng góp và ủng hộ thiết thực về vật chất, trí tuệ và tài chính của đông đảo nhân dân và các nhà công đức, nhằm góp phần làm cho Trung tâm văn hóa Huyền Trân ngày một khang trang và ngày một đáp ứng được lòng mong mỏi của đồng bào./.

Theo Danh nhân Thăng Long - Hà Nội

Vũ Khiêu