Văn hóa – Di sản

Lễ hội xuống đồng tỉnh Quảng Ninh được ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia

Mai Chi 08:04 15/11/2023

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa ban hành quyết định ghi danh “Lễ hội xuống đồng” tại tỉnh Quảng Ninh vào danh mục “Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia”.

chu-te.jpg
Tại Lễ hội xuống đồng, ông chủ tế xuống ruộng trước cửa đình Cốc (phường Phong Cốc, Thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh) cấy những cây lúa đầu tiên trước sự chứng kiến của dân làng.

Lễ hội xuống đồng có ở phường Phong Cốc, Thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh. Đây là một lễ hội truyền thống đặc sắc của người dân địa phương cũng như của cả nước. Quyết định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nêu rõ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp nơi có di sản văn hóa phi vật thể Lễ hội xuống đồng, trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình, thực hiện việc quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.

Phường Phong Cốc, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh được coi là một trong những trung tâm lễ hội của thị xã Quảng Yên, có lịch sử hình thành, phát triển lâu đời với những truyền thống văn hoá còn lưu giữ được như lễ hội Tiên Công, hội Làng Cốc, tục thờ Thần Nông, Thần Biển… Trong đó Lễ hội xuống đồng là một trong những lễ hội lớn, mang nhiều giá trị văn hoá, đặc trưng của địa phương. Đây là lễ hội truyền thống có từ lâu đời, sau quá trình có phần mai một đã được phục dựng lại từ năm 2007.

Lễ hội xuống đồng phường Phong Cốc thường diễn ra vào tháng 6 âm lịch, trước khi bước vào gieo cấy vụ mùa, tại đình Cốc và sông Cửa Đình. Lễ hội nhằm biểu thị lòng biết ơn của người dân đối với các vị Thần Nông và Thành Hoàng làng phù hộ cho mùa màng tốt tươi. Xuất phát từ tục làm lễ “Hạ điền” và lễ “Thượng điền” của cư dân vùng Hà Nam, lễ hội đã được người dân thị xã Quảng Yên lưu giữ và trao truyền trong nhiều năm qua.

Sau nghi lễ Tế yết, cúng Thần Nông và Thành Hoàng tại đình Cốc, cầu mong các thần phù hộ cho dân làng một mùa vụ tươi tốt, ấm no, nhà nhà hạnh phúc, ông chủ tế xuống ruộng trước cửa đình Cốc cấy những cây lúa đầu tiên trước sự chứng kiến của dân làng. Sau nghi lễ cấy này, mọi gia đình trong làng mới được cấy lúa xuống ruộng nhà mình. Tại Lễ hội xuống đồng có hội thi cấy, diễn ra tại khu vực ruộng trước cửa đình Cốc. Hội thi cấy thường diễn ra sôi nổi, được cổ vũ bởi đông đảo người dân và du khách đến với Lễ hội.

hoi-thi-cay.jpg
Người dân địa phương tham gia Hội thi cấy tại Lễ hội xuống đồng tại phường Phong Cốc .

Lễ hội xuống đồng được đánh giá là một trong những hoạt động đặc sắc không chỉ góp phần bảo tồn, giới thiệu các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương mà còn là hoạt động kích cầu du lịch tỉnh Quảng Ninh nói chung, thúc đẩy phát triển du lịch dịch vụ trên địa bàn Thị xã Quảng Yên nói riêng.

Kể từ khi Lễ hội xuống đồng được phục dựng, các cơ quan ban ngành địa phương Thị xã Quảng Yên đã đẩy mạnh tăng cường công tác quản lý, tổ chức lễ hội, trong đó bao gồm công tác tuyên truyền, thông tin, cổ động, quản lý nguồn lực, quản lý dịch vụ, môi trường, trật tự an ninh trong lễ hội. Bên cạnh đó, công tác tổ chức, kiểm tra, giám sát trong quá trình diễn ra lễ hội, công tác quản lý của cộng đồng trong hoạt động lễ hội cũng được chính quyền, cơ quan hữu quan tại địa phương chú trọng.

Nhờ vậy Lễ hội xuống đồng phường Phong Cốc được tổ chức nề nếp, hiệu quả, an ninh trật tự được đảm bảo, không có những hiện tượng, hành vi tiêu cực, góp phần tạo sự linh thiêng cho lễ hội và nâng cao được những giá trị văn hoá đặc trưng của lễ hội.

Ngoài Lễ hội xuống đồng, theo các quyết định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa ban hành, Quảng Ninh có 4 Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia được công nhận, gồm: Nghệ thuật trình diễn dân gian hát Soóng Cọ của người Sán Chỉ; Nghệ thuật trình diễn dân gian hát Soọng Cô của người Sán Dìu; Lễ hội đình Đầm Hà (thị trấn Đầm Hà, huyện Đầm Hà); Lễ hội đình Vạn Ninh (xã Vạn Ninh, Thành phố Móng Cái).

Như vậy, đến nay, tỉnh Quảng Ninh đã có tổng cộng 12 Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Trước đó, Quảng Ninh có 7 Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia được công nhận: Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái; Hát Nhà tơ (hát cửa đình); Lễ hội đền Cửa Ông; Lễ hội Tiên Công; Lễ hội đình Trà Cổ; Lễ hội đình Quan Lạn và Lễ hội Bạch Đằng./.

Mai Chi