Tác giả - tác phẩm

Cuốn sách “Quang Trung - Anh hùng dân tộc” của nhà nghiên cứu Hoàng Thúc Trâm đến với bạn đọc

Quỳnh Chi 07:21 15/11/2023

Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật cho biết, vừa phát hành cuốn sách “Quang Trung - Anh hùng dân tộc (1788-1792)” của nhà nghiên cứu sử học và văn học Hoàng Thúc Trâm (bút danh Hoa Bằng).

Hoàng Thúc Trâm (1902 – 1977) là nhà nghiên cứu văn học và sử học nổi tiếng của Việt Nam. Ông sinh ra tại làng Hạ Yên Quyết (sau gọi là làng Cót), phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông (nay thuộc phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội). Từ những năm 1920, Hoàng Thúc Trâm lấy bút hiệu Hoa Bằng và cái tên này đã lần lượt xuất hiện trên các báo, như Nước Nam, Thế giới, Tân văn,... Đặc biệt trên tờ Tri tân do ông làm Chủ bút – tờ báo đã để lại gần trăm bài viết về văn học, sử học có bút hiệu Hoa Bằng.

hoang-thuc-tram(1).png
Nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa Hoàng Thúc Trâm (Hoa Bằng). (Ảnh tư liệu).

Từ Cách mạng tháng Tám cho đến khi Kháng chiến chống Pháp (1946 - 1954) kết thúc, Hoàng Thúc Trâm ở lại Hà Nội tiếp tục làm báo và viết sách. Sau đó, ông lần lượt công tác tại Ban Văn sử địa, Viện Sử học, cuối cùng là ở Ban Hán Nôm thuộc Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam. Trong khoảng thời gian ấy, ông có trên 30 luận văn in ở các tạp chí Nghiên cứu văn sử địa, Nghiên cứu văn học, Nghiên cứu lịch sử...

Trong sự nghiệp nghiên cứu văn học và lịch sử, Hoàng Thúc Trâm đã để lại cho thế hệ sau nhiều tác phẩm, công trình nghiên cứu nổi bật, gồm: Tư tưởng đại đồng trong cổ học tinh hoa (1949), Gia Linh công chúa (tiểu thuyết lịch sử, 1949), Văn chương quốc âm đời Tây Sơn (biên khảo, 1950), Trần Hưng Đạo (biên khảo, 1950. Ngoài ra ông còn dịch chung với nhiều người khác trong các tập Thơ Đường, Thơ Lục Du, Thơ Tống, Thơ Cao Bá Quát; và các pho sử lớn Khâm định Việt sử Thông giám cương mục...

hoang-truc-tram1.png
Cuốn sách “Quang Trung - Anh hùng dân tộc (1788-1792)” của nhà nghiên cứu sử học và văn học Hoàng Thúc Trâm vừa được Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phát hành.

Đặc biệt, hơn 50 năm cầm bút, bằng niềm say mê và với một phương pháp nghiên cứu nghiêm túc, thận trọng; Hoàng Thúc Trâm đã có những đóng góp đáng kể vào việc nghiên cứu văn hóa Việt Nam. Trong đó có công trình nổi bật Quang Trung - Anh hùng dân tộc ra đời vào năm 1944. Kể từ lần xuất bản đầu tiên, cuốn sách Quang Trung - Anh hùng dân tộc trải qua nhiều lần xuất bản với nhiều đơn vị khác nhau, trở thành nguồn tư liệu quý đối với giới chuyên môn, bạn đọc muốn tìm hiểu về cuộc đời, sự nghiệp của vị “anh hùng áo vải” Quang Trung – Nguyễn Huệ.

Theo Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, việc phát hành cuốn “Quang Trung - Anh hùng dân tộc (1788-1792)” của nhà nghiên cứu Hoàng Thúc Trâm vừa qua, nhằm tiếp tục gìn giữ, kế thừa, tiếp bước và phát huy truyền thống lịch sử hào hùng của phong trào Tây Sơn và tỏ lòng thành kính, tri ân những đóng góp của vua Quang Trung - Nguyễn Huệ. Nội dung cuốn sách được đơn vị xuất bản lấy theo bản in năm 1998 do Trung tâm UNESCO Thông tin tư liệu lịch sử và văn hóa Việt Nam cung cấp.

Cuốn sách có độ dày gần 400 trang, được kết cấu gồm 4 phần: “Quật khởi”, “Bắc tiến”, “Đối ngoại” và “Nội trị”, khắc họa một cách sinh động về cuộc đời, thân thế, sự nghiệp của vua Quang Trung, cũng như các thành tích quân sự, chính trị, ngoại giao, văn hóa thời Tây Sơn. Dưới ngòi bút linh hoạt, đầy sức hấp dẫn, lôi cuốn người đọc của Hoa Bằng, cùng những tư liệu quý vừa phong phú, vừa mới mẻ, tầm vóc, tài năng của hoàng đế Quang Trung hiện lên vô cùng sống động và được tác giả làm sáng rõ với những nhận định, đánh giá xác đáng.

ban-in-1944.jpg
Quang Trung - Anh hùng dân tộc được xuất bản lần đầu tiên năm 1944.

Theo nhà sử học Tạ Ngọc Liễn - Ủy viên Hội đồng khoa học Trung tâm UNESCO Thông tin tư liệu lịch sử và văn hóa Việt Nam, người viết Lời giới thiệu cho cuốn sách, “Quang Trung - Anh hùng dân tộc” là công trình đặc sắc nhất, đồng thời cũng là một trong những tác phẩm xuất sắc của nền sử học hiện đại Việt Nam.

“Trong lịch sử nghiên cứu về thời Tây Sơn, Hoa Bằng là người đi đầu, đạt những thành tựu vững vàng nhất. Với cuốn “Quốc văn đời Tây Sơn” (1950), đặc biệt là cuốn “Quang Trung - Anh hùng dân tộc”, Hoa Bằng đã cắm một mốc chắc chắn, không ai quên được khi muốn tiếp tục đi vào nghiên cứu cuộc khởi nghĩa Tây Sơn cùng vương triều Tây Sơn.

Có thể nói, tất cả các thành tích quân sự, chính trị, ngoại giao, văn hóa thời Tây Sơn cũng như tầm vóc, tài năng của Nguyễn Huệ đã được Hoa Bằng làm sáng rõ và đánh giá xác đáng qua tác phẩm quan trọng này. Ngòi bút viết về người anh hùng Nguyễn Huệ của Hoa Bằng rất tươi tắn, linh hoạt, có sức hấp dẫn, lôi cuốn người đọc”, Lời giới thiệu trong cuốn “Quang Trung - Anh hùng dân tộc” do nhà sử học Tạ Ngọc Liễn, chắp bút.

Giới chuyên môn đánh giá, sở dĩ cuốn sách “Quang Trung - Anh hùng dân tộc” đứng vững được lâu, có giá trị cao chính là nhờ Hoàng Thúc Trâm (Hoa Bằng) đã khai thác, sử dụng được một khối lượng tư liệu vừa phong phú, vừa mới mẻ mà nhiều nhà nghiên cứu đương thời không tiếp cận được./.

Quỳnh Chi