Chính sách & Quản lý

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương làm việc tại Huế về bảo tồn di tích và thăm Triển lãm Ảnh Việt Nam - Lào

Hà Oai 14/11/2023 15:52

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa làm việc tại Thừa Thiên - Huế về công tác quy hoạch, bảo tồn, quản lý, khai thác, phát huy giá trị di tích Cố đô Huế và thăm triển lãm ảnh “Ngày hội thắm tình hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào năm 2023”.

Khai thác, phát huy các giá trị di sản văn hóa Cố đô Huế

Đoàn công tác của Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đã có buổi làm việc với tỉnh Thừa Thiên - Huế về công tác quy hoạch, bảo tồn, quản lý, khai thác, phát huy giá trị di tích Cố đô Huế ngày 13/11.

Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế Nguyễn Văn Phương khẳng định, đầu tư quan tâm đến việc bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa là việc làm thường xuyên của tỉnh Thừa Thiên – Huế trong thời gian qua và mục tiêu lớn nhất là sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo tinh thần Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị.

7.jpg
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa làm việc với tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Thời gian qua, tỉnh Thừa Thiên – Huế đã thực hiện các nguồn đầu tư về văn hóa, di tích theo cơ chế của Quốc hội đã thông qua. Hiện đang giải phóng vành đai Kinh thành Huế và mong muốn hỗ trợ thêm kinh phí cho dự án giải phóng mặt bằng Kinh thành Huế. Với chương trình mục tiêu quốc gia mới cần có thêm danh mục duy tu, bảo tồn hệ thống Kinh thành Huế và xây dựng một bảo tàng mới tại khu vực Nội thành Huế.

Có ý kiến tại buổi làm việc, ông Hoàng Việt Trung - Giám đốc Trung tâm bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết, hiện Trung tâm bảo tồn Di tích Cố đô Huế đang quản lý 43 điểm di tích và thời gian qua đã trùng tu hàng trăm công trình, phục hồi nhiều hạng mục, công trình quan trọng, hiện đang xây dựng nhiều dự án để trung tu các điểm di tích quan trọng. “Theo đánh giá của UNESCO, công cuộc bảo tồn di sản Cố đô Huế hiện đang chuyển sang giai đoạn ổn định và phát triển bền vững” - ông Hoàng Việt Trung khẳng định.

Trong buổi làm việc, nhiều ý kiến đưa ra kiến nghị, đề xuất, đề ra các giải pháp để thực hiện tốt hơn nữa công tác quy hoạch, bảo tồn, quản lý, khai thác, phát huy giá trị di tích Cố đô Huế về công tác tuyên truyền, vận động nhân dân di dời, giải phóng mặt bằng khu vực Kinh thành Huế.

Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên – Huế Lê Trường Lưu cho biết, việc di dời dân cư, giải phóng mặt bằng di tích Kinh thành Huế gồm 11 khu vực với khoảng 5.190 hộ dân với tổng mức đầu tư giải phóng mặt bằng khoảng 2.005 tỷ đồng. Giai đoạn 2 (từ 2023 - 2025) tiếp tục di dời khoảng 1.287 hộ dân với tổng mức đầu tư giải phóng mặt bằng khoảng 664 tỷ đồng. Hiện, tỉnh Thừa Thiên – Huế đang cố gắng hoàn thành giai đoạn 1 và sớm triển khai giai đoạn 2, các điểm di tích được trùng tu tôn tạo 70% và hiện còn 30% điểm di tích chưa đủ nguồn lực để trùng tu. Hiện Trung tâm có hơn 11 ngàn cổ vật được giữ gìn và sớm nghiêm cứu thành lập bảo tàng cổ vật.

Kết luận sau buổi làm việc, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa hoan nghênh những thành tựu của tỉnh Thừa Thiên – Huế đã đạt được khi xác định phát triển kinh tế gắn với văn hóa. “Càng nghiên cứu sâu, cá nhân tôi cùng đoàn công tác càng tự hào về vùng đất Thừa Thiên - Huế. Mong rằng, Thừa Thiên Huế ngày càng phát triển hơn nữa về văn hóa với những thế mạnh hiện có - vùng đất nhiều di sản, dày đặc các điểm di tích - Thừa Thiên Huế có thể tự tin xây dựng đặc trưng văn hóa của riêng mình” - Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh.

w-bao-ton-9-1-1185.jpg

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định, Đảng bộ chính quyền, nhân dân tỉnh Thừa Thiên – Huế đã thực hiện rất tốt công tác bảo tồn, giữ gìn phát huy các di tích. Công tác bảo tồn làm kiên định, kiên trì và bền bỉ được quốc tế đánh giá cao.

Thừa Thiên - Huế đã và đang gìn giữ hài hòa giữa phát triển kinh tế giữ gìn văn hóa với nhiều cách làm hay, nhiều mô hình hay nên tiếp tục phát huy. Tuy thực tiễn còn nhiều khó khăn, mong muốn trong thời gian tới tiếp tục thực hiện hiệu quả các chiến lược chung, các nghị quyết về văn hóa, chương trình chấn hưng văn hóa, quan tâm tới công tác bảo tồn và phát huy văn hóa… với mục tiêu góp phần sớm đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết 54.

Để thực hiện hiệu quả, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị tỉnh Thừa Thiên – Huế tiếp tục thông tin tuyên truyền quảng bá những giá trị lịch sử của di tích, việc bảo tồn các di tích lịch sử và nhất là việc ứng xử của người dân với lịch sử, rà soát các nội dung cần tập trung lãnh đạo quản lý đưa vào chương trình mục tiêu quốc gia chấn hưng và phục hồi văn hóa. Công tác kiểm tra giám sát phải tiếp tục thực hiện một cách thường xuyên, liên tục tâm huyết vì văn hóa Huế, kiên quyết chống các biểu hiện, các hành vi xuyên tạc lịch sử của các thế lực thù địch. Phải bản lĩnh vững vàng, có tư duy nghiên cứu khoa học, phải thống nhất với các chính sử nhìn một cách khách quan đa dạng, phong phú. Công tác quy hoạch phải hài hòa, chặt chẽ với giữa phát triển kinh tế và văn hóa, lấy văn hóa là điểm sáng để phát triển. Công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ cần có sự quan tâm thường xuyên hơn và tiếp tục phát huy các nghiên cứu khoa học nghiên cứu, đặc biệt các di sản trọng điểm, tập trung vào công tác ứng dụng khoa học di sản, phát huy giá trị trong không gian số…

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương thăm triển lãm ảnh Việt Nam - Lào

Cùng ngày, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đã đến thăm triển lãm ảnh, hội chợ trong khuôn khổ chuỗi sự kiện “Ngày hội thắm tình hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào năm 2023” do Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp cùng UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức tại TP Huế từ ngày 11 - 15/11/2023.

Triển lãm ảnh có 200 bức ảnh được chia thành 4 chủ đề gồm Lịch sử 61 năm quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt Nam – Lào, Việt Nam và Lào trên đường phát triển, Thành tựu nổi bật về hợp tác Việt Nam - Lào trong lĩnh vực Thông tin và Truyền thông, Thừa Thiên - Huế đồng hành cùng sự phát triển của đất nước. Hội chợ có gần 60 gian hàng, được tổ chức với điểm nhấn là các gian hàng ấn phẩm thông tin, chương trình truyền thông bằng tiếng Lào của Thông tấn xã Việt Nam, Báo Nhân Dân, Đài Tiếng nói Việt Nam, Cổng thông tin đối ngoại quốc gia Vietnam.vn...

1.jpg
Hình ảnh triển lãm lịch sử 61 năm quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt Nam – Lào.
5.jpg
Những hình ảnh thể hiện quan hệ hữu nghị Việt Nam – Lào.
2(1).jpg
Hình ảnh triển lãm thành tựu nổi bật về hợp tác Việt Nam - Lào trong lĩnh vực Thông tin và Truyền thông.
4.jpg
Những hình ảnh quan hệ giữa Việt Nam - Lào tại triển lãm ảnh và hội trợ.
3.jpg
Hình ảnh triển lãm Việt Nam - Lào trên đường phát triển.

Tại triển lãm, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định, kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Lào (ngày 5/9/1962), quan hệ hai nước đã đạt được rất nhiều thành tựu trên tất cả các lĩnh vực và trở thành mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, truyền thống đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam – Lào./.

Hà Oai