Triển khai thí điểm lập Hồ sơ sức khoẻ điện tử, Sổ sức khoẻ điện tử trên địa bàn thành phố Hà Nội
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 269/KH-UBND về việc Triển khai thí điểm lập Hồ sơ sức khoẻ điện tử, Sổ sức khoẻ điện tử trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Thí điểm để nhân rộng trên phạm vi toàn quốc theo Đề án 06 Chính phủ
Mục đích của việc ban hành Kế hoạch nhằm đảm bảo việc triển khai thực hiện thí điểm việc quản lý Hồ sơ sức khỏe điện từ trên địa bàn Thành phố theo đúng chỉ đạo của Tổ công tác triển khai Đề án 06 Chính phủ; thực hiện đánh giá kết quả thí điểm, báo cáo Tổ công tác triển khai Đề án 06 Chính phủ để nhân rộng trên phạm vi toàn quốc.
Ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số nhằm kết nối các thông tin, dữ liệu điện tử hình thành trong quá trình khám, chữa bệnh của người dân tại các cơ sở y tế nhà nước và tư nhân thành Hồ sơ sức khỏe điện tử, Sổ sức khỏe điện phục vụ công tác quản lý chuyên ngành Y tế được đầy đủ, chính xác, kịp thời; hỗ trợ công tác tổng hợp, phân tích thông tin dữ liệu, giúp việc dự báo, hoạch định chính sách, chỉ đạo hiệu quả về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.
Trên cơ sở khai thác, sử dụng các tiện ích từ Hồ sơ sức khỏe điện tử, Sổ sức khỏe điện giúp người dân có thể theo dõi, quản lý thông tin sức khỏe của bản thân liên tục, suốt đời; chủ động trong việc phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe bản thân, giảm các chi phí khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế trên địa bàn Thành phố.
Đồng thời đảm bảo 100% người dân sống, làm việc ổn định trên địa bản thành phố Hà Nội được cấp hồ sơ sức khỏe điện tử cá nhân qua đó hình thành Cơ sở dữ liệu Hồ sơ sức khỏe điện tử thành phố Hà Nội; 100% các thông tin sức khỏe y tế của người dân trên địa bàn Thành phố được theo dõi, quản lý thông qua dữ liệu số; được chia sẻ, kết nối với các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành phục vụ nhu cầu giải quyết công việc, thủ tục hành chính của người dân, doanh nghiệp và các cơ quan, đơn vị trên địa bàn Thành phố.
Triển khai thí điểm lập Hồ sơ sức khoẻ điện tử, Sổ sức khoẻ điện tử nhằm kết nối, hiển thị thông tin sức khỏe người dân trên ứng dụng VnelD theo hướng dẫn tại Quyết định số 4026/QĐ-BYT ngày 31/10/2023 của Bộ Y tế.
Nội dung triển khai thí điểm lập Hồ sơ sức khoẻ điện tử, Sổ sức khoẻ điện tử
Thứ nhất, xây dựng và tổ chức triển khai thí điểm việc hiển thị thông tin sức khoẻ cá nhân trên ứng dụng VnelD. Triển khai thí điểm phần mềm quản lý Hồ sơ sức khỏe điện tử, Sổ sức khỏe điện tử của người dân trên địa bàn thành phố Hà Nội; đồng bộ, kết nối với Hệ thống dữ liệu ngành Y tế và chia sẻ, kết nối với các Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các Hệ thống, Cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác theo quy định, trên cơ sở đó hình thành cơ sở dữ liệu về sức khỏe của người dân trên địa bàn Thành phố; Triển khai thực hiện tích hợp thông tin sức khoẻ người dân vào Hồ sơ sức khoẻ điện tử từ các nguồn như: dữ liệu các đối tượng tham gia tiêm chủng Covid19; tiêm chủng mở rộng; tích hợp, liên thông dữ liệu khám bệnh, chữa bệnh từ các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn Thành phố; cập nhật các thông tin y tế có sẵn được quản lý tại các trạm y tế xã, phường, thị trấn: phòng, chống suy dinh dưỡng; quản lý sức khoẻ học sinh, sinh viên; quản lý sức khoẻ người cao tuổi; quản lý bệnh không lây nhiễm...
Thứ hai là, tổ chức triển khai thí điểm việc hiển thị thông tin sức khoẻ cá nhân trên ứng dụng VneID. Tổ chức kết nối, liên thông giữa Hồ sơ sức khỏe điện tử với ứng dụng VnelD do Cục C06 - Bộ Công an được giao quản lý để hiện thị thông tin sức khỏe cá nhân theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế tại Quyết định số 4026/QĐ-BYT ngày 31/10/2023; Thông tin sức khỏe cá nhân được hiển thị trên ứng dụng VneID là dữ liệu chính thống, đủ cơ sở pháp lý phục vụ cho việc khám chữa bệnh ban đầu của người dân tại cơ sở y tế trên địa bàn Thành phố (thay cho các giấy tờ truyền thống).
Cuối cùng là, thực hiện đánh giá hiệu quả việc triển khai thí điểm việc hiển thị thông tin sức khỏe cá nhân trên ứng dụng VneiD (Quyết định số 4026/QĐ-BYT ngày 31/10/2023 của Bộ Y tế) về việc thực hiện đánh giá hiệu quả, các vấn đề vướng mắc, khó khăn và các vấn đề cần báo cáo, xin ý kiến, đề xuất và khuyến nghị thực hiện; Đánh giá hiệu quả phần mềm quản lý Hồ sơ sức khỏe điện tử đó là việc thực hiện đánh giá tính hiệu quả, khả thi của phần mềm quản lý Hồ sơ sức khỏe điện tử; Báo cáo Tổ công tác triển khai Đề án 06 Chính phủ, xem xét, quyết định việc nhân rộng trên phạm vi toàn quốc.
Thời hạn đánh giá trước ngày 30/6/2024.
Lộ trình triển khai thí điểm được chia làm ba gia đoạn
Giai đoạn 1: Hoàn thành các văn bản chỉ đạo điều hành, căn cứ triển khai hệ thống phần mềm Hồ sơ sức khoẻ điện tử. Xây dựng và từng bước hoàn thiện phần mềm phục vụ theo yêu cầu nghiệp vụ, chuyên môn, quản lý của Sở Y tế; Tập huấn, hướng dẫn sử dụng và cấp tài khoản, phân quyền cho 30 Trung tâm y tế quận/huyện/thị xã (54 phòng khám đa khoa quận/huyện/thị xã và 579 trạm y tế xã/phường/thị trấn); Cấp tài khoản cho các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bản liên thông dữ liệu khám, chữa bệnh lên phần mềm quản lý Hồ sơ sức khỏe điện tử; Tạo lập hồ sơ sức khoẻ người dân từ cơ sở dữ liệu đối tượng tham gia Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế; dữ liệu dân cư của người dân trên địa bàn Thành phố và chuẩn hoá thông tin; Tổ chức thông tin, tuyên truyền về phần mềm quản lý Hồ sơ sức khỏe điện tử; Sổ sức khoẻ điện tử trên ứng dụng VneID cho người dân.
Thời gian hoàn thành giai đoạn 1 trước ngày 31/12/2023.
Gia đoạn 2: Cập nhật kết quả khám, chữa bệnh người dân trên địa bàn Thành phố đi khám tại các cơ sở khám, chữa bệnh công lập và ngoài công lập trên địa bàn Thành phố lên kho dữ liệu Hồ sơ sức khỏe điện tử của thành phố Hà Nội; Cập nhật dữ liệu tiêm chủng của người dân lên phần mềm quản lý Hồ sơ sức khỏe điện tử của thành phố Hà Nội; Kết nối dữ liệu Hồ sơ sức khỏe điện tử của thành phố Hà Nội với CSDLQG về dân cư để làm sạch, xác minh thông tin; Kết nối, chia sẻ thông tin sức khỏe của người dân trên địa bàn Thành phố lên ứng dụng VneID của Bộ Công an; Kết nối dữ liệu Hồ sơ sức khỏe điện tử của thành phố Hà Nội với cơ sở dữ liệu quốc gia về đối tượng tham gia Bảo hiểm y tế của Bảo hiểm xã hội Việt Nam; Cập nhật, bổ sung các thông tin khám của người dân có sẵn như kết quả khám sàng lọc bệnh nhân không lây nhiễm, khám sức khỏe định kỳ, khám sức khỏe người cao tuổi, khám học sinh/sinh viên... lên hệ thống; Rà soát, làm sạch dữ liệu người dân trên địa bàn Thành phố; Đánh giá kết quả triển khai thí điểm.
Thời gian hoàn thành giai đoạn 2 trước ngày 31/3/2024.
Gia đoạn 3: Phối hợp với Công an địa bàn, các tổ chức đoàn thể (Tổ công nghệ số, Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ...) thường xuyên rà soát thông tin hành chính của người dân biến động (còn thiếu, đã chuyển khỏi địa bàn, tử vong...) lên hệ thống; tiếp tục cập nhật lên hệ thống kết quả khám sức khoẻ của người dân; Tổ chức kiểm tra, giám sát tiến độ, đánh giá kết quả triển khai áp dụng Hệ thống tại địa bàn của từng UBND các quận/huyện/xã phường để đưa vào tiêu chí đánh giá.
Thời gian thực hiện giai đoạn 3 từ ngày 01/4/2024.
Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu, các trường thông tin, dữ liệu để tạo lập Hồ sơ sức khỏe điện tử, Sổ sức khỏe điện tử (hiển thị trên các úng dụng phục vụ người dân) cần đảm bảo tuân thủ theo hướng dẫn và quy định của ngành Y tế. Việc xây dựng và triển khai thử nghiệm phần mềm quản lý Hồ sơ sức khỏe điện tử trên địa bàn Thành phố theo chỉ đạo của Tổ công tác triển khai Đề án 06 Chính phủ cần đảm bảo đáp ứng các yêu cầu về nghiệp vụ chuyên môn trong công tác quản lý sức khỏe; các chức năng, tính năng kỹ thuật phù hợp với hướng dẫn của Bộ Y tế; đảm bảo việc chia sẻ thông tin, dữ liệu và các quy định về an toàn thông tin của Bộ Thông tin và Truyền thông. Đặc biệt là việc kết nối, chia sẻ và hiển thị thông tin sức khỏe người dân trên ứng dụng VneiD theo hướng dẫn của Bộ Công an.
Đồng thời, đảm bảo tuyệt đối an toàn, an ninh thông tin trong quá trình lưu trữ, khai thác dữ liệu Hồ sơ sức khỏe điện tử, Sổ sức khỏe điện tử của người dân trị không để thất thoát, lộ lọt và sử dụng dữ liệu vào mục đích bất hợp pháp./.