Chuyển động Hà Nội

Hà Nội gợi hướng đi đột phá phát triển văn hoá, du lịch

Trung Kiên 13/11/2023 20:33

Trong bức tranh tổng thể hợp tác triển vọng chung giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc, tiềm năng hợp tác giao lưu văn hoá, phát triển du lịch, y tế, giáo dục giữa hai quốc gia nói chung và 5 tỉnh, thành phố Hà Nội, Lào Cai, Quảng Ninh, Hải Phòng với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) trong hành lang kinh tế Việt – Trung nói riêng còn rất lớn.

tc-2.jpg
Toàn cảnh thảo luận chuyên đề 2 với chủ đề “Văn hóa, du lịch, y tế, giáo dục” Hội nghị hành lang kinh tế 5 tỉnh, thành phố Lào Cai, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh (Việt Nam) và Vân Nam (Trung Quốc) lần thứ X tại Hà Nội.

Nằm trong khuôn khổ Hội nghị hành lang kinh tế 5 tỉnh, thành phố Lào Cai, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh (Việt Nam) và Vân Nam (Trung Quốc) lần thứ X, chiều ngày 13/11, Sở Văn hóa – Thể thao Hà Nội và Sở Du lịch Hà Nội chủ trì phiên thảo luận chuyên đề 2 với chủ đề “Văn hóa, du lịch, y tế, giáo dục”. Phiên thảo luận thu hút nhiều đại biểu là các quản lý các sở, ngành về văn hóa, du lịch, giáo dục và y tế thuộc các tỉnh, thành phố trong hành lang kinh tế Việt – Trung tham gia trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, đề xuất ý kiến để phát triển các lĩnh vực như chủ đề phiên thảo luận chuyên đề đặt ra.

Tiềm năng rất lớn nhưng chưa phát triển tương xứng

Theo Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng, tiềm năng để hợp tác phát triển trong lĩnh vực văn hoá, y tế, giáo dục và du lịch giữa tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) và các tỉnh dọc tuyến hành lang kinh tế Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh (Việt Nam) rất lớn, còn nhiều dư địa để hai bên tiếp tục khai thác trong giai đoạn tới. Trong đó, điển hình là lĩnh vực văn hoá và du lịch.

Tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) có lịch sử và văn hóa lâu đời, phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp, với phố cổ Lệ Giang, rừng đá Thạch Lâm, ruộng bậc thang, núi Ngọc Long Tuyết, hiện đang là điểm đến thu hút khách du lịch hàng đầu Trung Quốc. Trong khi đó, các tỉnh Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh (Việt Nam) cũng sở hữu nhiều danh lam, thắng cảnh, di tích lịch sử, ẩm thực độc đáo, các làng nghề truyền thống lâu đời đậm bản sắc văn hoá hấp dẫn du khách.

Nổi bật là Vịnh Hạ Long, Đảo Cát Bà, Hoàng Thành Thăng Long là những di sản thiên nhiên, văn hoá nổi tiếng được UNESCO và thế giới công nhận. Đó là những điều kiện vô cùng thuận lợi để hai bên tăng cường thúc đẩy hoạt động giao lưu, hợp tác quảng bá, phát triển du lịch, thúc đẩy giao lưu nhân dân, góp phần củng cố, vun đắp tình hữu nghị, hợp tác phát triển toàn diện giữa Chính phủ và Nhân dân hai nước.

a-hong.jpg
Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng phát biểu tại phiên thảo luận chuyên đề 2.

Tương tự, lĩnh vực y tế và giáo dục, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) và tỉnh Lào Cai, Thành phố Hà Nội, Hải Phòng, tỉnh Quảng Ninh (Việt Nam) đều có nhiều trường đại học, trung tâm đào tạo hàng đầu về khoa học, công nghệ; các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh nổi tiếng về y học hiện đại và y học cổ truyền để có thể hỗ trợ, bổ sung cho nhau trong quá trình hợp tác cùng phát triển. “Kể từ khi cơ chế hợp tác song phương được thành lập năm 2004, mối quan hệ hợp tác giữa các địa phương của hai nước trên tuyến hành lang kinh tế này đạt được nhiều tiến bộ đáng ghi nhận, góp phần tích cực vào việc thúc đẩy cơ chế hợp tác “Hai hành lang, một vành đai kinh tế” giữa Chính phủ hai nước”, ông Đỗ Đình Hồng, khẳng định.

Tuy nhiên, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao Hà Nội cho rằng, dù có nhiều tiềm năng, lợi thế và sự nỗ lực vượt bậc trong triển khai các hợp tác giữa các bên, nhưng thực tế vẫn còn chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có, năng lực của địa phương cũng như chưa đạt được nhu cầu mà hành lang kinh tế đặt ra.

Nguyên nhân chủ yếu do tồn tại sự khác biệt về cơ chế, chính sách, quy định pháp luật, tiêu chuẩn kỹ thuật, mức độ phát triển chưa thực sự đồng đều. Cơ sở hạ tầng như hệ thống giao thông cả đường bộ, đường sắt, dù đã cải thiện, những vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập; việc trao đổi thông tin cũng chưa được thường xuyên. Bên cạnh đó, do tác động của tình hình bất ổn định của kinh tế toàn cầu, đại dịch Covid-19 và những biến động kinh tế của hai nước trong những năm vừa qua cũng ảnh hưởng nhất định đến việc triển khai các thỏa thuận hợp tác.

Hà Nội gợi mở hướng hợp tác, phát triển văn hóa, du lịch, y tế giữa các thành viên trong hành lang kinh tế

Nhằm khai thác hiệu quả hợp tác song phương tương xứng với tiềm năng sẵn có hai bên, phát biểu tại thảo luận chuyên đề “Văn hóa, du lịch, y tế, giáo dục”, bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội đã đưa ra ý tưởng, đề xuất một số nội dung nhằm tăng cường thúc đẩy, làm sâu sắc, hiệu quả thiết thực hơn nữa mối quan hệ hợp tác toàn diện giữa các tỉnh, thành phố dọc hành lang kinh tế.

chi-giang.jpg
Bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội đã đưa ra một số ý tưởng tại thảo luận chuyên đề 2.

Về hợp tác văn hoá, bà Đặng Hương Giang cho rằng các tỉnh, thành phố Lào Cai, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh (Việt Nam) và Vân Nam (Trung Quốc) nói chung, Thủ đô Hà Nội và tỉnh Vân Nam nói riêng cần tăng cường hoạt động trao đổi đoàn nhằm chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý văn hoá; bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hoá; bảo tàng, thư viện, điện ảnh; tìm hiểu các cơ hội hợp tác đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp văn hoá, thảo luận về những vấn đề đặt ra trong hợp tác văn hoá và phát huy nguồn lực văn hoá xây dựng thành phố sáng tạo giữa hai Thành phố.

Đối với hoạt động hợp tác du lịch, Hà Nội và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) cần tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp lữ hành thuộc các tỉnh, thành phố trong hành lang kinh tế về cơ chế chính sách, thủ tục hành chính về xuất nhập cảnh nhằm tạo điều kiện hơn nữa cho khách du lịch đi lại giữa hai nước. Đồng thời tăng cường phối hợp quảng bá, xúc tiến du lịch chung thông qua mời các đoàn doanh nghiệp lữ hành, khách sạn, báo chí truyền thông hai bên tham quan khảo sát các điểm đến du lịch; tham dự hội chợ, hội thảo du lịch chuyên đề do các tỉnh, thành phố hai bên tổ chức.

Các tỉnh, thành phố trong hành lang kinh tế cần tăng cường trao đổi kinh nghiệm quản lý nhà nước về du lịch, hỗ trợ nhau trong công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực du lịch về quản lý, điều hành du lịch, xây dựng sản phẩm du lịch, hướng dẫn viên du lịch tiếng Trung Quốc và tiếng Việt Nam; trong đó trọng tâm là nghiên cứu hoàn thiện và triển khai chương trình (tour) du lịch kiểu mẫu “Hai quốc gia, sáu điểm đến”.

Phát triển tuyến du lịch bền vững nhằm thu hút khách du lịch hai nước và khách nước thứ 3 “Côn Minh - Châu Hồng Hà (Trung Quốc) - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh (Việt Nam). Khuyến khích hình thành các liên minh kích cầu giữa doanh nghiệp du lịch hai bên để xây dựng các tour du lịch theo tuyến Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh - Lào Cai - Vân Nam có chất lượng cao và giá cạnh tranh trên nguyên tắc bình đẳng và cùng có lợi.

“Thành phố Hà Nội cam kết chủ động, tích cực tham gia vào các chương trình quảng bá du lịch đối ứng với hành lang kinh tế 5 tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội, Lào Cai (Việt Nam) với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), và các hoạt động xúc tiến du lịch quốc tế khác, trong đó chúng tôi sẽ nghiên cứu để báo cáo UBND Thành phố Hà Nội tổ chức các chương trình quảng bá, xúc tiến sản phẩm du lịch tại tỉnh Vân Nam, Trung Quốc”, bà Đặng Hương Giang, khẳng định.

Trong lĩnh vực hợp tác y tế, đại diện Thành phố Hà Nội cho rằng, hai bên tăng cường hỗ trợ, hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý nhà nước, cung ứng dịch vụ y tế công, xây dựng chính sách, chiến lược, các giải pháp điều hành, điều tiết hoạt động của các bệnh viện, các cơ sở y tế nhằm hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác quản lý, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho người dân.

Cùng đó, hai bên phối hợp xây dựng cơ chế liên kết, hợp tác giữa các bệnh viện lớn, uy tín ở Thành phố Hà Nội và với các bệnh viện địa phương trong hành lang kinh tế Việt - Trung, xây dựng các đề án bệnh viện vệ tinh theo chuyên ngành. Hai bên đẩy mạnh liên kết vùng, tập trung vào các nội dung: trao đổi thông tin, phối hợp giám sát và phát hiện các bệnh truyền nhiễm và phòng chống dịch; triển khai mạng lưới bệnh viện vệ tinh chuyên ngành tim mạch, sản phụ khoa và ung bướu; thúc đẩy và hỗ trợ các chương trình trao đổi nhân lực với các Bệnh viện y học cổ truyền tại các tỉnh thành lân cận, tại Vân Nam - Trung Quốc và có thể mở rộng tại các bệnh viện y học cổ truyền của Trung Quốc, thông qua các khóa đào tạo ngắn hạn, chuyển giao các kỹ thuật, các mô hình điều trị bằng phương pháp y học cổ truyền kết hợp với y học hiện đại./.

Trung Kiên