Văn hóa – Di sản

Đoàn Huyên – quan chức, nhà giáo, nhà thơ

Nguyễn Phương Thảo 12/11/2023 16:56

Theo Ứng Khê niên phả – Ứng Khê là biệt hiệu của Đoàn Huyên, sinh vào giờ Tỵ ngày Kỷ Sửu 25 tháng Bảy năm Mậu Thìn, niên hiệu Gia Long thứ 7 (1808). Cha ông là Quan viên Đoàn Trọng Khoái. Ứng Khê người làng Hữu Thanh Oai, xã Hữu Hòa, huyện Thanh Trì - Hà Nội. Ông đỗ cử nhân năm 23 tuổi và làm quan đến Hàn lâm viện Thị giảng học sĩ kiêm Đốc học.

Con người và sự nghiệp văn thơ của ông được xem là chuẩn mực, khuôn mẫu cho các thế hệ noi theo. Làm quan, ông thực hiện tốt bổn phận, chức trách được giao phó, mang lại niềm tin cho dân chúng. Là thi nhân, ông thể hiện một hồn thơ thuần khiết, tinh tế... Ở vị trí nào ông cũng thể hiện phong thái trung thực, ưu tư, nhã nhặn của một nhà Nho, một bậc trí giả đạt đức đạt đạo.

Nơi ông sinh là vùng đồng bằng phì nhiêu, màu mỡ, cách thành Thăng Long không xa. Vùng đất Thanh Oai này được coi là nơi kết tinh những truyền thống văn hóa dân tộc lâu đời. Đoàn Huyên như được thừa hưởng tinh hoa của mảnh đất địa linh nhân kiệt. Con người ông đã sớm hội tụ đầy đủ phẩm chất, tài năng và bản lĩnh của bậc thánh nhân tài cao đức trọng thời xưa. Ông sinh ra vào đầu thế kỷ XIX, là thời kỳ phục hưng Nho giáo. Bấy giờ tầng lớp Nho sĩ được đào tạo quy củ qua các kỳ thi (thi Hương, thi Hội), những người này đã thực sự được coi trọng, trở thành lực lượng chủ chốt, đảm đương việc chính trị quốc gia. Bởi vậy lớp Nho sĩ này được triều đình nhà Nguyễn hết sức quan tâm và chăm chút. Triều đình nhà Nguyễn khuyến khích học tập đến mọi người, mọi nhà. Thời trước, phải là con em nhà quyền quý mới được đi học, thì nay, từ dân quê đến người thành thị ai ai có thể cũng được học hành, thi cử. Có thể coi đây là nhân tố quan trọng cho đội ngũ trí thức thế kỷ XIX phát triển.

Đoàn Huyện cũng không ngoại lệ, ông chọn cho mình con đường khoa cử rồi ra làm quan. Cậu bé Đoàn Huyên được gia đình chú ý giáo huấn từ rất nhỏ. Trong Ứng Khê niên phả có ghi chép: “Năm Nhâm Thân niên hiệu Gia Long thứ 11 (1812), Huyên lên 5 tuổi, chú ruột là Trọng Hài giúp cháu khai tâm nhập học... Năm Quý Dậu niên hiệu Gia Long thứ 12 (1813), bác trưởng là Trọng Hà mời kẻ sĩ ở làng Bát Tràng về làm gia sư, liền cho Huyên cùng với anh họ là Trọng Thạch đến học... Năm Ất Hợi niên hiệu Gia Long thứ 14 (1815), cùng thụ nghiệp với Phan Tùng Hiên tiên sinh... Năm Quý Mùi niên hiệu Minh Mệnh thứ 4 (1823)... theo học Phạm Tại Phủ tiên sinh làng Đan Loan...” (Nguyễn Thị Oanh soạn dịch, 1996). Có thể thấy, ngay từ nhỏ Đoàn Huyên đã được chăm sóc, giáo dục hết sức chu đáo. Đoàn Huyên được học các ông thầy có tiếng như Phan Tùng Hiên, Lê Bá Trùng, Phạm Tại Phủ (tức Phạm Duệ). Đường học của ông tiếp tục nở hoa. Đến năm Tân Mão (1831), ông thi đỗ cử nhân. Sau đó được trao chức quan Hành tẩu ở Bộ Binh. Năm 1838, khi mới 31 tuổi, ông được giao chức Tri huyện huyện Hưng Nhân. Trong mắt người dân huyện, ông là vị quan khẳng khái, luôn dốc sức chăm lo đời sống của nhân dân. Trong Niên biểu (Tập sách ghi chép của Đoàn Huyên về mọi sự việc trong gia đình và trong cuộc đời mình), có chép rằng: “Ngày 1 tháng Giêng, kính cáo rước sắc. Nha lại trong huyện xin mở yến tiệc đón sắc chúc tụng. Ta không muốn phiền nhiễu dân, chỉ tuyên đọc chiếu chỉ của nhà vua ở công đường của huyện, nhân tổ chức tiệc rượu nhỏ với các nha thuộc và chức mục ở tổng lân cận, mà không chúc tụng... dân trong hạt đều nghĩ rằng đã giảm bớt tốn phí mấy ngàn đồng cho huyện. Chỉ tính việc này mà nói thì từ xưa tới nay chưa hề có quan huyện doãn nào như thế cả, huống hồ việc chính sự giản dị chẳng đáng khen hay sao...”. Như vậy, khác với đám quan chức tham ô, nhũng nhiễu dân thì Đoàn Huyên lại tỏ ra là vị quan mẫu mực, liêm khiết, rất được lòng dân. Với cách xử dân, yêu dân như con, Tri huyện Đoàn Huyên thực sự được dân chúng yêu mến, kính trọng. Từ khi ông nhậm chức, trong huyện ít xảy ra kiện tụng, đời sống nhân dân được yên vui, hòa thuận. Có năm huyện Hưng Nhân gặp họa thiên tai, lụt lội, mất mùa, đói kém,... Đoàn Huyên một mặt gấp rút đốc thúc nhân dân làm việc ngày đêm cứu đê, một mặt cổ vũ tinh thần dân phu, tạo niềm tin cho dân chúng. Ông từng mắc võng ngủ lại đê để cùng nhân dân cứu đê. Nhờ thế mà thoát nạn đê vỡ. Việc này xưa nay thực hiếm có! Làm được những việc đại nghĩa như vậy là vì vị quan này có đức thanh cao, liêm khiết. Về mặt tài chính, ông không bao giờ nhận của đút lót nên những kẻ phạm luật, có tiền, dùng tiền mua chuộc cũng không thoát được tội. Dân chúng biết ơn ông lắm: “Có người nói rằng nay quan huyện doãn đến huyện, dân chúng không hay kiện tụng nữa. Hỏi kỹ xem duyên cớ vì sao thì được trả lời rằng, kiện tụng sinh ra chỉ vì không phân biệt được đúng sai, có thể dùng tiền của đút lót mà thắng. Nay tiền của không thể đút lót được, kẻ sai trái tự biết rằng không còn cách nào tranh chấp được với người ngay thẳng, như thế tự nhiên không còn ai thích kiện tụng nữa” (Niên biểu). Đoàn Huyên nhất quyết không nhận hối lộ, ông rạch ròi việc công tư. Với ông, việc chọn người hiền tài trong các kỳ thi thực sự quan trọng. Ông cho rằng, nếu chọn nhầm người thì quả là tai họa, không những không phò tá được vua mà có khi còn là sâu mọt trong nền chính sự, khoa cử nước nhà. Vậy nên, trên học chính đường ông treo một câu đối:

- Tác hưng cổ vũ vương cương kỷ

(Mở rộng công bằng lời dạy thánh)

- Quảng đại công bình đế huấn di.

(Chấn hưng cổ vũ kỷ cương vua)

Với mong muốn nối chí của bậc thánh nhân, Đoàn Huyện luôn luôn đề cao sự công bình trong xã hội. Có như vậy mới mong tìm được người hiền tài giúp ích cho vua, cho xã tắc nước nhà. Câu đối này thực có ý nghĩa sâu sắc trong việc nhắc nhở cho bản thân ông nói riêng và cả cho mọi người nói chung.

Những việc làm của Đoàn Huyện đã được bề trên ghi nhận. Quan Tuần phủ Hưng Yên Hà Thúc Lương đã tiến cử ông với triều đình. Và trong dịp mừng thọ 50 tuổi vua Minh Mệnh, Đoàn Huyên đã được thưởng tiền bạc, được thăng một cấp. Mùa thu năm 1841, ông về kinh nhậm chức Chủ sự ở Bộ Lễ.

Bên cạnh chức danh một vị quan, Đoàn Huyên còn là một nhà giáo mẫu mực, một tấm gương học hỏi không ngừng. Bố chánh Phạm Thận Duật từng nhận xét về ông với các sĩ phu rằng: “Học chính tiên sinh ở tỉnh ta, học hạnh có thể coi là khuôn mẫu cho các ông thầy, chuyên cần mà không có lòng tư lợi. Hiện nay học chính trong cả nước chỉ thấy có được một người như thế này thôi” (Niên biểu). Việc làm thầy thì ông được coi là một nghiêm sư chính trực: “Ngài dạy học thì theo đúng khuôn phép, khảo cử tuyệt vô tư lợi, thật là bậc nho sư quân tử. Hàng Đốc học ở tỉnh ít có người như vậy…” (Niên biểu).

Trong sử sách ít nhắc đến thành tựu của Đoàn Huyên trong việc giáo dục. Tuy nhiên, ông có nhiều học trò giỏi, một trong số đó là Nguyễn Cao - người từng đỗ Giải nguyên và được lưu danh trong sử sách. Tư tưởng giáo dục của ông đã ảnh hưởng không nhỏ đến các học trò của mình.

Đương thời Đoàn Huyên hay làm thơ. Ẩn bên trong dáng vẻ thanh liêm, mực thước của vị quan này là một tâm hồn thi ca trong trẻo, đầy nhiệt huyết, chan chứa tình đời và tình người. Hồn thơ Đoàn Huyện thường hướng đến sự giản dị, tinh tế, rất giàu cảm xúc trữ tình. Con trai thứ của ông là Đoàn Triển trong Lời tựa có ca ngợi tài thơ của cha mình: “.. không bay bướm, không cầu kỳ quái lạ, không thêu dệt làm lóa mắt... mà bình dị, thực ra lại hàm chứa sự tinh vi, đó là cái văn chương thấm nhuần căn cốt đạo đức, mang hương vị bát cơm manh áo...”. Đoàn Huyện để lại cho đời một tập thơ văn mang tên Ứng Khê thị văn tập. Sách này đã được tác giả Nguyễn Thị Oanh dày công sưu tầm, phiên dịch và được các nhà Hán học nổi tiếng như Bùi Hạnh Cẩn, Nguyễn Huệ Chi, Mai Xuân Hải, Nguyễn Tá Nhí, Trần Thị Băng Thanh... tham gia hiệu đính, kiểm duyệt. Có thể coi đây là công trình nghiên cứu công phu nhất về tác giả và tác phẩm Đoàn Huyên. Tập sách phiên dịch đầy đủ 74 bài thơ chữ Hán, 2 bài thơ chữ Nôm và phần Ứng Khê niên phả, đưa đến cái nhìn bao quát, tổng thể về con người, gia tộc Đoàn Huyên và toàn bộ hệ thống tác phẩm của ông.

Thơ ca Đoàn Huyên có một số chủ đề nổi trội, rất đáng chú ý. Chủ đề thiên nhiên và chủ đề tình cảm gia đình, bằng hữu là hai mảng sáng tác nổi bật của tác giả này.

Thơ thiên nhiên của Đoàn Huyên có một số nét tương đồng với thơ ca cổ. Nội dung chủ yếu là viết về phong, hoa, tuyết, nguyệt. Và thể thơ cũng hết sức phong phú: thể ngũ ngôn tuyệt cú, thất ngôn tuyệt cú, ngũ ngôn luật, thất ngôn luật, ngũ ngôn cổ phong, thất ngôn cổ phong... Viết về trăng có bài Trung thu đối nguyệt (Ngắm trăng đêm trung thu) Vịnh nguyệt (Vịnh trăng); thơ xuânXuân nhật (Ngày xuân), Thanh minh tiền tam nguyệt (Tháng Ba trước tiết Thanh minh), Xuân nhật đề trú phòng (Ngày xuân đề thơ tại phòng ở); thơ thuThu dạ ký văn (Ghi những điều nghe được trong đêm thu), Thu tiêu thính vũ (Đêm thu nghe tiếng mưa); mưaĐối vũ (Trước mưa), Dạ vũ ức hữu nhân Hoàng Trung (Đêm mưa nhớ bạn là Hoàng Trung); đề vịnhVịnh ngự hà (Vịnh sông Ngự), Vịnh đăng hoa (Vịnh hoa đèn), Vịnh Khánh Ninh kiều (Vịnh cầu Khánh Ninh)... Thiên nhiên trong thơ Đoàn Huyên có nét trong trẻo, yên tĩnh, mang ý vị của thiền học. Bài thơ ngũ ngôn luật Vãn hiên ngẫu thành (Buổi chiều ngoài hiên ngẫu hứng thành thơ):

Phất hạm lương sơ thấu,

Bằng lan hứng vị tiêu.

Khinh phong tài động trúc,

Sơ vũ đãn minh tiêu.

Huỳnh hỏa nhiên âm ế,

Trùng thanh phá tịch liêu.

Nam huân thời vị bán,

Mộ sắc dục tiêu tiêu.

Băng Thanh dịch thơ:

Hơi mát thoảng song ngoài,

Tựa hiên hứng chửa nguôi.

Bờ tre vừa gió động,

Khóm chuối đã mưa rơi.

Tiếng trùng phá yên đất,

Lửa đóm soi tối trời.

Gió nam chưa bén nửa,

Hiu hắt sắc chiều phơi.

Trước cảnh chiều mưa vừa dứt, gió mát thoảng qua, tâm hồn người nghệ sĩ chợt bâng khuâng, xao động. Thi nhân lắng nghe “tiếng” và ngắm nhìn “sắc màu” của thiên nhiên: tiếng bờ tre vi vu gió chiều, tiếng mưa rơi nơi vườn chuối, tiếng côn trùng trong đất; màu lửa đóm lúc tối trời và sắc vàng hiu hắt của chiều thu,... cảnh vật và con người như hòa làm một vẽ nên bức tranh thơ mộng. Quả là thi trung hữu họa! Thơ thiên nhiên của Đoàn Huyên không đơn thuần tả cảnh mà sâu xa hơn là tinh thần hướng nội, tả tình. Đây là ý thức mượn cảnh để nói tình thường gặp trong thơ cổ. Bài thơ Trung thu đối nguyệt (Ngắm trăng đêm trung thu) là một sáng tác tả cảnh ngụ tình như thế. Xa quê nhớ nhà, người lữ khách mang tâm trạng cô đơn. Trăng thu bỗng trở thành người bạn tâm tình, tri kỷ. Dưới ánh trăng trong trẻo nhà thơ hướng về quê nhà. Lòng nhớ cha mẹ khôn nguôi:

Tác khách phùng giai tiết,

Tư thân bội niệm đầu.

Ỷ môn thần tịch vọng,

Điện dũ tuế thời tu.

Đạo khởi vi bần bách...

Nguyễn Thị Oanh dịch nghĩa:

Lữ khách gặp tiết lành,

Nhớ cha mẹ càng da diết.

Cha mẹ sớm tối tựa cửa mong ngóng,

Còn ta hổ vì không săn sóc được việc thờ cúng...

Có thể nói mảng thơ thiên nhiên của thi sĩ họ Đoàn hiện lên hết sức sống động, giàu hình ảnh và giàu tình cảm. Chân thành, giản dị là những gì người đọc cảm nhận được trong các sáng tác của ông.

Mảng thơ thứ hai hướng về chủ đề gia đình, bằng hữu. Làm phép thống kê sơ bộ thấy trong 74 bài thơ chữ Hán có gần một nửa là những bài thơ viết về gia đình, bạn bè. Nội dung tiễn, mừng, viết tặng chiếm phần lớn. Các bài như Tiễn Cử nhân Nguyễn Giản Phủ đi nhậm chức hậu bổ ở Bắc Ninh, Tiễn phủ viện Hà đại nhân mới thăng đi Lạng Sơn, Cao Bằng, Tiễn Tiến sĩ người làng Vĩnh Trụ vinh quy, Tiễn ông Tri huyện Hung Nhân họ Lê lên kinh: đô, Tiễn ông Phó sứ, Mừng Tùng Hiên tôn sư

thọ 50 tuổi, Mừng ông Thái thú Lâm Thao Vũ Khả Thái tới ly sở nhậm chức, Viết tặng em trai được vào trường phủ huyện học, Mơ về người vợ đã khuất, Gửi vợ... Có thể thấy trong Ứng Khê thi văn tập có rất nhiều bài thơ được sáng tác theo cách này. Với hình thức là tiễn, mừng, viết tặng gắn với tên người và công việc, người đọc dễ dàng nhận ra đây là những bài thơ viết về gia đình, bạn bè của Đoàn Huyên.

Thời kỳ làm quan, Đoàn Huyên luôn phải xa nhà. Vì vậy mà thi nhân luôn hướng về quê hương, hướng về miền Bắc, nơi có kinh thành Thăng Long ngàn năm văn hiến:

Vĩnh Lợi bên cầu dạo bước quanh,

Chợt nhìn phương bắc xiết bao tình.

Một đường phẳng phẳng bụi lầm đỏ,

Chín nẻo giăng giăng cây lá xanh.

Mũ lọng ruổi rong khôn dứt mắt,

Ngựa xe qua lại rộn tơ mành.

Xa xa ngoài cổng lầu Tây Bắc,

Muôn dặm làn xuân nối Bắc Thành.

(Vĩnh Lợi kiều bắc vọng - Bùi Hạnh Cẩn dịch)

Đây là bài thơ tức cảnh sinh tình. Nhà thơ đứng trên cầu Vĩnh Lợi vọng tưởng đến quê nhà. Nơi kinh thành Thăng Long xa xôi chính là quê hương, là cội nguồn, là đất mẹ dấu yêu - nơi mà trái tim nhà thơ luôn hướng về.

Quả thực đây là những điều suy tư trăn trở, niềm tâm huyết sâu kín của Đoàn Huyên. Là học trò của cửa Khổng sân Trình, ông thi đỗ rồi ra làm quan. Ông có thực TÀI và thực ĐỨC. Cái tài của ông thể hiện ở khả năng thi phú, dạy học. Còn cái đức thể hiện ngay ở chính con người, cách đối nhân xử thế của vị quan thanh liêm, chính trực. Có thể coi đây là một trong số những “hiền tài đất Việt” ở thế kỉ XIX. Người con xứ Kinh Bắc này luôn trông mong quay về nơi “vườn cũ” để trao lại, dạy bảo lại cho cháu con chữ ĐỨC và chữ TÀI. Năm 69 tuổi, Đoàn Huyên viết câu đối đề ở nhà:

- Hạnh tam triều hoạn trật vãng lai, bất tài đa đắc vu tạo hóa

(May mắn trải tam triều hoạn lộ vãng lai, bất tài lại hay nhờ nơi tạo hóa)

- Vọng thất trật cố viên quy khứ, hữu dư dĩ hoàn chi tử tôn

(Trông mong đến thất phẩm, vườn cũ quay về, thừa để trao lại cháu con)

Đoàn Huyên mất năm Nhâm Ngọ (1882), hưởng thọ 75 tuổi./.

Theo Danh nhân Thăng Long - Hà Nội

Nguyễn Phương Thảo