Văn hóa – Di sản

Nguyễn Tri Phương – dũng tướng tận nghĩa vì Hà Nội

Lưu Minh Trị 12/11/2023 16:13

Nguyễn Tri Phương, đại thần triều Nguyễn, tên tự là Nguyễn Văn Chương, sinh ngày 21 tháng 7 năm Canh Thân (1800), quê ở làng Đường Long (Chí Long), tổng Chánh Lộc, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên (nay thuộc tỉnh Thừa Thiên - Huế). Nguyễn Tri Phương không sinh ra ở Hà Nội nhưng đã dũng cảm hy sinh vì Hà Nội.

nguyen-tri-phuong.jpg
Tượng Danh tướng Nguyễn Tri Phương.

Nguyễn Tri Phương xuất thân trong một gia đình làm ruộng và nghề thợ mộc. Ông thân sinh là một nhà Nho tính tình chất phác, đôn hậu, thường hay cứu giúp những người nghèo khổ trong xóm làng, nên được nhiều người yêu mến và quý trọng. Từ thời niên thiếu, cậu bé Nguyễn Văn Chương cũng theo đòi kinh sử, học các sách Thượng thư, Thiếu linh, Luận ngữ, Tả truyện... Vì nhà nghèo, không theo con đường khoa bảng, ông không học theo lối từ chương để thi cho đỗ, mà tập trung chú ý vào những điều hay được ghi trong sách để sau này áp dụng vào đời. Ông không đỗ đạt gì.

Hồi trẻ tuổi, ông làm thơ lại tại huyện đường Phong Điền, dần dần được bổ làm thơ lại tại Bộ Hộ. Tại đây, ông được Thượng thư Nguyễn Đăng Tuân xem như tri kỷ, đem lòng yêu mến tiến cử lên triều đình, được vua Minh Mạng thu dụng.

Năm Quý Mùi (1823), vua Minh Mạng phong ông làm Điền Bộ (Bí thư ở Nội điện), năm sau thăng Tu soạn, rồi Thừa chỉ ở Nội các, hai năm sau thăng Thị độc, Thị giảng học sĩ (1831).... Năm 1835, ông nhận lệnh vua Minh Mạng vào Gia Định cùng Trương Minh Giảng bình định các vùng mới khai hoang. Việc thành công, ông được thăng hàm Thị lang.

Năm 1837, bị triều thần gièm pha, ông mạnh dạn chống lại những hành động xấu xa của các viên đại thần nên bị giáng xuống làm thơ lại ở Bộ Lại. Cuối năm được khôi phục làm Chủ sự, sung chức Lang trung. Năm sau thăng Thị lang Bộ Lễ, năm 1839 Thăng hàm Tham tri, làm việc ở Nội các. Năm 1840, ông được bổ làm Tuần phủ Quảng Nam - Quảng Ngãi, trông coi bố phòng cửa biển Đà Nẵng. Công việc hoàn thành tốt đẹp, ông được triệu về kinh, thăng Tham tri Bộ Công, được vua Thiệu Trị cử làm Tổng đốc An Hà (An Giang - Hà Tiên). Tại đây ông dẹp tan được các toán giặc cướp ngoài quấy phá. Sau đó, được cải bổ Tổng đốc Long Tường (Vĩnh Long, Định Tường) kiêm Khâm sai quân thứ đại thần, Hiệp biện đại học sĩ rồi được thưởng danh hiệu “An Tây trí dũng tướng”. Tháng 5 năm 1847, được triệu về kinh, thăng Thực thụ Hiệp biện đại học sĩ lãnh Thượng thư Bộ Công, tước Tráng liệt tư và được ban một bài ngọc có khắc bốn chữ “Quân kỳ thạc nhụ”, được chép công trạng vào bia đá ở toà võ miếu Huế. Sau khi vua Triệu Trị mất, ông được đình thần tôn làm phụ chính đại thần (theo di chiếu). Năm Mậu Thân (1848), vua Tự Đức phong ông tước Tráng Liệt Bá.

Năm Canh Tuất (1850), vua Tự Đức chuẩn phê cải tên ông là Nguyễn Tri Phương, lấy ý câu chữ “Dũng thả tri phương” (Dũng mãnh mà lắm mưu chước). Từ đó, tên Nguyễn Tri Phương trở thành tên chính của ông. Sau đó, ông được sung chức Khâm sai Tổng đốc các tỉnh Gia Định, Biên Hoà, Vĩnh Long, Định Tường, An Giang, Hà Tiên. Năm 1853, được thăng Thực thụ Điện hàm Đông các đại học sĩ, rồi lãnh chức Kinh lược sứ Nam kỳ. Trong thời gian này, ông có công khai khẩn đất hoang (chiêu tập 10.500 lưu dân khai khẩn ruộng đất, lập được 100 ấp đồn điền...), dân cư lạc nghiệp. Vua Tự Đức ban cho ông chiếc kim khánh khắc chữ “Liêm, Bình, Cần, Cán”.

Giữa năm 1857, công việc ở Nam Kỳ tạm ổn, ông xin về chầu vua ở Huế để trình bày sự thể ngoài biên rồi trở lại Nam Kỳ. Nào ngờ, ngày 1/9/1858, thực dân Pháp bắt đầu đánh chiếm Đà Nẵng. Vua Tự Đức cử ông làm Quân thứ tổng đốc đại thần trực tiếp chỉ huy quân đội chống giặc. Với vũ khí tối tân, Pháp đã uy hiếp và phá huỷ một số lớn đồn luỹ của ta, ông bị triều đình giáng cấp nhưng vẫn lưu tại chức. Năm 1860, ông được sung chức Gia Định quân thứ, Thống đốc quân vụ cùng Tham tán đại thần Phan Thế Hiển trông coi việc quân sự ở miền Nam. Tại đây ông xây dựng đại đồn Chí Hoà để chống nhau với giặc Pháp xâm lược. Ngày 25/10/1861, quân Pháp công phá đại đồn. Ông chỉ huy quân lính chống cự quyết liệt, nhưng rồi ông bị thương, em ruột ông là Nguyễn Duy tử trận, đại đồn thất thủ, Gia Định bị chiếm. Ông bị cách chức xuống làm Tham tri, qua năm sau lại được khôi phục làm Thượng thư Bộ Binh để vào Nam Kỳ cứu vãn tình hình. Nhưng ông đang trên đường đi vào miền Nam thì Biên Hoà đã bị mất nên ông được lệnh đóng quân ở Bình Thuận để cản giặc và ở đây cho đến sau hoà ước 5-6-1862 mới về Huế.

Nhưng về Huế chưa được bao lâu, cũng năm 1862, ông lại được cử làm Tây Bắc tổng đốc quân vụ, rồi sang năm 1863 làm Hải An tổng đốc quân vụ để đánh dẹp bọn Hoàng Sùng Anh, Tạ Văn Phụng, Tô Tứ... Cho nên cũng năm này ông được thăng hàm Vũ hiển điện đại học sĩ, rồi được triệu về Huế lĩnh chức Thượng thư Bộ Binh kiêm Hải Phòng sứ ở kinh kỳ và Cơ mật viện đại thần.

Tình hình Bắc kỳ lúc này vẫn ngày càng xấu đi vì bọn thổ phỉ Trung Hoa là Ngô Côn, Hoàng Sùng Anh, Bạch Quế Hương... quấy rối miền thượng du trong hàng chục năm trời. Cũng vì thế, cuối năm 1872, mặc dù đã 72 tuổi, Nguyễn Tri Phương vẫn hăng hái lĩnh chức Khâm mạng tuyên sát đổng sức đại thần ra Bắc dẹp giặc.

Sang năm 1873, ông đang tiễu phỉ dở dang thì lại được lệnh đến Hà Nội đối phó với thực dân Pháp xâm lược.

Sau khi chiến lũy Chí Hoà bị phá vỡ, Nguyễn Tri Phương bị thương phải lui về Biên Hoà điều trị, thì không còn tướng lĩnh nào của triều đình nhà Nguyễn dám đương đầu với thực dân Pháp nữa. Trong triều đình cũng như trong số những người cầm quân ở Nam Kỳ, người ta chỉ còn nói đến “hoà”, nghĩa là đầu hàng địch. Trong bối cảnh đó, hoà ước 1862 dâng ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ ra đời. Được đằng chân lân đằng đầu, năm 1867 thực dân Pháp chiếm nốt ba tỉnh miền Tây và cuối năm 1872, chúng bắt đầu can thiệp ra miền Bắc. Lúc này, tên thương lái Pháp là Jean Dupuis được bọn xâm lược điều từ Sài Gòn ra Bắc Kỳ kèm theo tàu chiến và sung đạn, binh lính. Y chở vũ khí sang Vân Nam (Trung Quốc) bán cho bọn tướng lĩnh ở đó rồi chở hàng từ Vân Nam về, bất chấp mọi sự phản kháng của các quan Việt Nam. Theo hòa ước 1862, nhà Nguyễn chỉ cho phép người Pháp đến buôn bán ở một số cửa biển Bắc Kỳ, không cho phép đi sâu vào nội địa này, nhưng tên thương lái người Pháp đã ngang ngược vi phạm hiệp ước vì y được sự ủng hộ của bọn tướng lĩnh Trung Hoa ở Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam cũng như bọn tướng lĩnh Mãn Thanh được cử sang Việt Nam tiễu phỉ theo yêu cầu của triều đình nhà Nguyễn. Bọn tướng lĩnh Vân Nam, sau khi nhận được súng đạn của Jean Dupuis đem bán, đã cho 150 tên lính Vân Nam áp tải hàng của bọn tư sản Trung Quốc xuống Hà Nội. Được nhiều phía ủng hộ như vậy, Jean Dupuis tỏ ra rất láo xược. Hắn bắn đe doạ những dân phu làm kè ngăn sông, hắn tự ý thuê thuyền chở hàng hoặc tự ý mua muối để đem đi Vân Nam mặc dù quan tỉnh Hà Nội ngăn cấm. Hắn tự ý đem quân lên bờ đóng đồn, bất chấp sự ngăn cản của các nhà chức trách Việt Nam. Láo xược hơn, hắn còn dùng vũ lực bắt quan phòng thành Việt Nam xuống tàu làm con tin để mặc cả với ta phải thả những người tiếp tế cho hắn. Trong hoàn cảnh đó, các quan Việt Nam đứng trước một tình thế rất lúng túng, khó xử. Cho Jean Dupuis tự do hành động thì trái với lệnh của triều đình; dùng vũ lực đối phó với hắn thì không dễ dàng gì. Họ đành phải báo cáo lên triều đình, và Nguyễn Tri Phương được phái ra làm Tổng đốc, giữ thành Hà Nội.

Nguyễn Tri Phương đến Hà Nội ngày 27/5/1873. Việc đầu tiên ông làm cho Vũ Đường đi gặp Jean Dupuis ở nhà hội quán Quảng Đông trách hắn làm trái lệnh của các nhà đương cục Việt Nam và yêu cầu hắn phải khai số người và vật dụng đem theo để tiện việc khám xét. Jean Dupuis không chịu, với lý do là làm theo yêu cầu của nhà Thanh mà các quan ta cũng có nhiệm vụ tuân thủ theo. Ngang ngược hơn, hắn còn yêu cầu ta phải cho hắn được tự do thông thương. Cuộc hội đàm không có kết quả. Thương lượng không được, Nguyễn Tri Phương đành dùng biện pháp cứng rắn. Ông cho dán bố cáo cấm không cho thuyền muối của Jean Dupuis đi Vân Nam, cấm người Việt Nam liên hệ với hắn và yêu cầu hắn phải lập tức rời khỏi Hà Nội. Với lực lượng quân sự trong tay, dĩ nhiên là Jean Dupuis không sợ. Hắn không những không rời Hà Nội, mà còn cho người đi bóc tờ bố cáo và đem chiếc lọng che tờ bố cáo đi diễu qua các phố rồi đốt đi. Mặt khác, hắn cứ cho đoàn thuyền muối của hắn đi Vân Nam. Nguyễn Tri Phương không chịu để hẳn hoành hành. Một mặt ông ra lệnh cho các đồn dọc sông bắn vào thuyền muối khiến cho nó phải quay trở về Hà Nội; mặt khác, ông cho thi hành nhiều biện pháp mạnh mẽ như lập thèm đồn binh dọc sông Hồng, cho người phục bắt quân lính của Jean Dupuis cũng như người Việt Nam và Hoa Kiều có liên lạc với Pháp, cho thả bè có chất dầu hoa để đốt tàu Jean Dupuis... Để đối phó lại, Jean Dupuis lập tức cho người đi yêu cầu Tổng đốc Lưỡng Quảng và Thống đốc Sài Gòn can thiệp. Tại Hà Nội, hắn ngang nhiên cho kéo cờ Pháp lên thay cho cờ Vân Nam, đồng thời cho quân có vũ trang đi tuần các khu phố để bảo vệ cho người của hắn khỏi bị bắt cóc, cho quân đi bắt các nhà chức trách Việt Nam tỏ ý chống cự hắn, cho bắt thuyền gạo công của ta để trả thù ta bắt người của hắn, thậm chí còn cho quân bắn chết người lý trưởng và bắn nhau với quân ta ở bờ sông... Jean Dupuis còn cho mộ thêm quân cờ vàng và những tên quân Thanh sang tiễu phỉ nhưng đào ngũ. Tổng số quân của hắn (cả cũ, cả tuyển mới) lên tới 500 người.

Lúc này tình hình Hà Nội rất căng thẳng. Mặc dù Jean Dupuis luôn luôn lấn tới, nhưng Nguyễn Tri Phương vẫn không dám công khai tiêu diệt hắn, vì sợ trái với lệnh của triều đình.

Về phần triều đình nhà Nguyễn, sau khi nhận được thư của Tổng đốc Lưỡng Quảng, đành phải ra lệnh cho Nguyễn Tri Phương để Jean Dupuis được tự do đem đoàn thuyền muối của hắn đi Vân Nam. Thắng thế, tên này trong khi đi Vân Nam đã ngang nhiên hăm doạ các đồn binh Việt Nam ven sông, phá các kè ngăn sông, bắn giết một số dân phu đang xây dựng đồn luỹ... Hắn còn cho lập một đồn binh có hơn 100 lính đóng ở vùng Yên Bái...

Triều đình nhà Nguyễn yêu cầu Thống đốc Sài Gòn cho người ra Hà Nội bắt Jean Dupuis phải đi khỏi Hà Nội. Thống đốc Sài Gòn chỉ chờ có thế, và dịp hành động đã đến. Hắn nhanh chóng cho đại uý thuỷ quân Francis Garnier đem 180 quân ra Bắc Kỳ. Tới Hà Nội ngày 5/11/1873, sau khi cho quân đến đóng ở Tràng Thi, Garnier tới gặp Nguyễn Tri Phương yêu cầu ông phải mở cửa sông Hồng cho người phương Tây thông thương và tuyệt nhiên không nói gì tới việc trục xuất Jean Dupuis. Nguyễn Tri Phương dứt khoát không chịu và trả lời rằng: Phái viên của Thống đốc Sài Gòn ra Hà Nội chỉ có việc duy nhất là trục xuất Jean Dupuis, chứ không có việc gì phải làm cả; còn việc thông thương là công việc sẽ phải giải quyết giữa triều đình Việt Nam và chính phủ Pháp.

Thấy tình hình đã xoay thế khác, Nguyễn Tri Phương cho gọi thêm quân về Hà Nội và cấm nhân dân không được liên lạc với tên phái viên Pháp.

Thấy Nguyễn Tri Phương kiên quyết như vậy, Garnier cho hai tên phản động, người của Jean Dupuis làm nội ứng cùng ba viên suất đội thuộc đơn vị bảo vệ Nguyễn Tri Phương. Ngày 19/11/1873, hắn viết tối hậu thư cho Nguyễn Tri Phương yêu cầu ông phải giải trừ vũ trang trong thành Hà Nội, cho Jean Dupuis được thông thương tự do và bỏ lệnh cấm người Việt Nam không được liên lạc với Pháp. Hắn đặt hạn cuối cùng là 6 giờ chiều ngày hôm ấy (19/11), Nguyễn Tri Phương phải trả lời.

Nguyễn Tri Phương không trả lời, Garnier đã lệnh cho quân của Jean Dupuis đánh vào cửa Đông và cửa Bắc, còn quân của hắn thì đánh vào cửa Đông Nam, Tây Nam và Tây; bản thân hắn trực tiếp chỉ huy đánh cửa Đông - Nam thành Hà Nội. Hiệu lệnh tấn công cho các cánh quân là tiếng pháo của hai pháo hạm đậu trên sông Hồng bắn vào thành Hà Nội lúc 6 giờ sáng ngày 20/11/1873.

Nghe tiếng đại bác nổ, Nguyễn Tri Phương vội ra lệnh cho quân sĩ chiến đấu. Bản thân ông thì trực tiếp chỉ huy ở cửa Đông - Nam, đúng cửa mà đích thân tên Garnier tới đánh. Cuộc chiến đấu diễn ra hoàn toàn theo hướng bất lợi cho Nguyễn Tri Phương, vì ông không ngờ Pháp sẽ tấn công. Đại bác của quân Pháp đã kéo đến sát cổng thành nên phát huy được hiệu quả, trong khi đó, đại bác của ta khó phát huy tác dụng vì quân Pháp đã có chỗ ẩn nấp ở ngay dưới chân tường thành. Vì thế, chỉ sau một hồi pháo kích, cửa thành Đông - Nam và Tây - Nam đã bị phá vỡ, quân Pháp ùa vào. Còn của Đông, sau khi đại bác trên pháo hạm đã ngừng bắn vào hồi 6h30 phút, thì một đội quân của Jean Dupuis đã bắc thang trèo được vào thành, mở cửa cho cả bọn chúng ùa vào.

Địch tấn công rất dữ dội. Lúc đầu quân ta chiến đấu rất kiên cường. Nhưng khi các cửa thành đã bị phá thì các quan có trách nhiệm giữ thành như Tổng đốc Bùi Đức Kiên, Án sát Tôn Thất Trác đều bỏ chạy. Quân sĩ hoang mang cũng bỏ chạy. Nguyễn Tri Phương bị một mảnh đại bác xuyên vào bụng, bị thương nặng. Thành Hà Nội đã bị rơi vào tay thực dân Pháp.

Nguyễn Tri Phương bị quân Pháp bắt ngày 20/11/1873. Quân Pháp định chạy chữa, ông từ chối. Địch đổ thuốc, đổ cháo cho ông nhưng ông đều phun ra. Đến phút cuối cùng, ông đã nhờ tắm rửa sạch sẽ, mặc quần áo chỉnh tề và ung dung nói: “Nghĩa tôi phải chết”, rồi ra đi một cách bình thản ngày 20/11/1873. Sự hy sinh anh dũng, ý chí sắt đá không gì lay chuyển nổi của Nguyễn Tri Phương tiêu biểu cho ý chí quyết tiêu diệt kẻ thù xâm lược của dân tộc Việt Nam. Cái chết của Nguyễn Tri Phương đã làm cho kẻ địch phải kính phục. Tên E. Millot, một kẻ cộng sự của Jean Dupuis thường vào thuyết phục Nguyễn Tri Phương đầu hàng đã phải thú nhận: “... Những tỷ dụ anh hùng đó cho thấy rõ nghị lực yêu nước mà người dân Việt Nam có thể có, và dứt khoát gạt ra giả thiết muốn dẫn họ tới việc từ bỏ dễ dàng quyền lợi và nền độc lập của họ”

Cùng chiến đấu bảo vệ thành Hà Nội còn có phò mã Đô uý Nguyễn Lâm, con trai Nguyễn Tri Phương (Nguyễn Lâm lấy công chúa Đông Xuân, con gái vua Triệu Trị). Biết tin cha được lệnh giữ thành Hà Nội chống Pháp, Nguyễn Lâm đã tự nguyện xin ra Bắc Kỳ với cha. Pháp đã đánh thành, Nguyễn Lâm đã chiến đấu anh dũng bên cạnh cha tại cửa Đông - Nam và bị trúng đạn hy sinh.

Một nhà ba người cùng tự nguyện đi đánh giặc Pháp cứu nước, và cùng hy sinh dũng cảm. Anh em, cha con Nguyễn Tri Phương thực là những người tận trung muôn thuở. Người đương thời vô cùng thương xót và kính phục Nguyễn Tri Phương.

Danh tướng Ông Ích Khiêm có câu đối điếu ông:

Thiên dục tương các hạ lập cương thường, cổ sử anh hùng vô tích tử

(Trời muốn dùng ông (ngài) dựng nên cường thường nên mới khiến cho kẻ anh hùng không tiếc thân)

Khiêm bất dự tướng cộng đồng tuẫn tiết, tự tàm vũ trụ cấu du sanh

(Khiêm đây không cùng tướng công tuẫn tiết, tự thẹn sống thừa trong vũ trụ)

Ông Cử Nguyễn Khắc Trạch, người làng Thuần Nhuế, tỉnh Sơn Tây đã làm bài văn tế Nguyễn Tri Phương, trong đó có đoạn viết:

Há vì thành bại, luận anh hùng hào kiệt trong thiên hạ,

Quyết đem lòng trung hiếu nên địa nghĩa thiên kinh giữa đất trời.

Người Trường An đang mong ông đến thì mờ mịt bên trời ông đã khuất,

Kẻ đương cục đương vì ông khóc, thì thăm thẳm suối vàng ông đã ngậm cười.

Hoàng Diệu mười năm sau kế chân Nguyễn Tri Phương giữ thành Hà Nội chống Pháp, trước khi chết vẫn không quên nhắc đến ông trong di biểu:

Lòng cô trung thề với cô thành,

Chết mong theo Nguyễn Tri Phương dưới đất.

Vua Tự Đức, kẻ đứng đầu triều đình mọt ruỗng đã từng cúi đầu nghe theo thực dân Pháp, cũng phải ca ngợi ông cùng em và con ông. Sau khi ông chết, Tự Đức đã ra lệnh cho thờ ông ở đền Trung Nghĩa, và sức cho cho các quan địa phương xây đền Trung Hiếu để thờ ông, em và con ông ở tại quê nhà; hàng năm vào mùa xuân và mùa thu đều có cúng tế. Bài văn tế bằng chữ Hán của Tự Đức có đoạn:

Tôi trung con hiếu, xưa nay có rồi,

Một nhà ba tiết, hiếm lắm than ôi!

Tôi chết vì trung, con chết vì hiếu,

Là việc thông thường, làm gương danh giáo.

Triều đình phong thờ, phải giữ tiết cao....

Khí thiêng chung đúc, tiếng để lâu dài,

Lập miến lên thờ, làm cách tưởng lệ.

Vào tiết trọng xuân thu, sai quản đến tế,

Đường long làng ấy, sẽ giữ tiếng hay.

Anh phong muôn thuở, núi cao sông dài...

Nguyễn Tri Phương làm quan từ chức nhỏ nhất và nhanh chóng tiến lên chức quan vào loại cao nhất trong triều đình. Ông tiến thân bằng tài năng và đức độ của chính mình. Ông không hề xu nịnh, rất cương trực, dám thẳng thắn nói lên những điều mình cho là đúng. Không phải ông chỉ dám lớn tiếng cãi lại quan Khâm sai đại thần hặc ông không đúng, mà nhiều lần ông còn dám trực tiếp phê phán cả nhà vua. Đó là khi Tự Đức mới lên ngôi, ông đã dâng sớ đề nghị nhà vua cần hoãn bớt việc phiền nhiễu dân, xa lánh bọn xu nịnh... Năm 1865, nhân Tự Đức ra lệnh cho đánh thuế thuốc phiện để tăng thêm khoản thu cho ngân sách, ông đã dâng biểu tha thiết chống lại. Vì theo ông, đánh thuế thuốc phiện tức là công khai cho phép nhân dân được dùng thứ thuốc độc đó, như vậy làm cho nòi giống ngày càng suy yếu đi. Năm 1866, nhân cuộc nổi dậy của Đoàn Trưng, Đoàn Trực, ông đã mạnh dạn nêu lên nguyên nhân chính của cuộc nổi dậy này là việc xây dựng Khiêm lăng của Tự Đức, đã làm phiền nhiễu quá nhiều đến binh lính và dân phu. Ông đã đề nghị trừng trị nghiêm khắc những quan lại hà khắc, có hành vi tàn bạo đối với quân dân; ông còn đề nghị vua Tự Đức phải tự mình trình bày khuyết điểm với toàn dân và hoãn việc xây dựng lăng đó lại.

Như vậy, việc tiến nhanh trên đường làm quan của Nguyễn Tri Phương hoàn toàn chỉ trông vào tài năng, đức độ và ý chí quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ của ông mà thôi.

Xuất thân chỉ là quan văn và làm nhiều việc về lĩnh vực dân sự như phụ trách Bộ Công, Bộ Lại và đặc biệt là chiêu dân lập ấp có kết quả cao, hơn ai hết thời đó ông còn nổi bật về mặt quân sự. Trải qua suốt ba triều Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, ở đâu khó khăn nhất và nguy hiểm nhất là ông đều có mặt. Về mặt văn thơ, ông cũng được Tự Đức là tay sính thơ cũng đã phải khen.

Đức độ của ông cũng được thể hiện rất rõ ở nhiều mặt. Chiếc kim bài mà vua Tự Đức thưởng cho ông với bốn chữ Liêm, Bình, Cần, Cán (Liêm khiết, Công bình, Cần mẫn, Giỏi giang) là rất có ý nghĩa và nói được khá rõ đức độ của ông. Liêm khiết như Nguyễn Tri Phương trong triều đình phong kiến thật là hiếm có. Làm quan đến cực phẩm, làm tướng đến Tổng thống quân vụ, mà mỗi lần di chuyển địa điểm, người ta chỉ thấy đồ đạc riêng của ông được nằm gọn trong một gói nhỏ do một người lính treo trên đầu ngọn giáo đem theo. Tuy ông là người trực thiệt, khắt khe, luôn luôn yêu cầu cấp dưới phải trong sạch và làm đầy đủ nhiệm vụ của mình, nhưng ông lại rất thương yêu cấp dưới, rất thông cảm với sự khó khăn, gian khổ của cấp dưới.

Nhưng đáng chú ý hơn hết là ý chí sắt đá quyết tâm đánh giặc của ông. Lòng yêu nước, ý chí kiên cường đó làm cho ông không hề sợ sệt trước hiểm nguy và tự nguyện cầm quân đánh giặc. Ý chí và quyết tâm đó cộng với tài năng quân sự của ông đã làm cho ông trở thành một trong những võ tướng giỏi nhất của triều Nguyễn.

Nguyễn Tri Phương làm quan cho nhà Nguyễn 53 năm. Trong suốt thời gian đó, ông được cử đi tác chiến 6 lần, rải ra trong quãng thời gian từ năm 1836 tới năm 1873, tổng cộng thời gian ông cầm quân trong 6 đợt ấy là 13 năm (trong 6 lần cầm quân ấy, chỉ có lần đầu tiên đánh Lê Văn Khôi là ông ở vào vị trí thừa hành, còn trong 5 lần sau, ông đều giữ chức Tổng đốc quân vụ, nghĩa là tổng chỉ huy mặt trận). Nhưng đối với ông, và cả đối với chúng ta ngày nay nữa, thì có lẽ có ba lần cầm quân của ông là đáng kể nhất. Đó là các lần cầm quân đánh Pháp ở Đà Nẵng, Sài Gòn và Hà Nội. Đây là ba lần đánh giặc để cứu nước. Đó cũng là ba lần ông hao tâm tổn trí nhiều nhất, gian khổ nhất, ba lần phải đối đầu với một kẻ địch khác hẳn các loại địch thông thường, một kẻ địch vượt xa ta về vũ khí, kỹ năng chiến đấu cũng như âm mưu xảo quyệt. Tuy ba lần này ông đều bị thua nhưng chính ba lần chống giặc này đã làm cho ông vượt được hẳn lên trên tất cả bọn vua quan nhà Nguyễn tham sống sợ chết, run sợ trước sức mạnh của thực dân. Ba lần đó cũng đã phần nào cứu vớt được danh dự của quân đội nhà Nguyễn và phát huy được truyền thống đánh giặc cứu nước vô cùng anh dũng của dân tộc ta./.

Theo Danh nhân Thăng Long - Hà Nội

Lưu Minh Trị