Văn hóa – Di sản

Di tích khảo cổ Óc Eo - Ba Thê đang được hoàn thiện hồ sơ đề cử là Di sản văn hóa thế giới

Văn Thiện 11:08 12/11/2023

Vừa qua, UBND tỉnh An Giang đã làm việc với các chuyên gia của Hội đồng Di tích và Di chỉ quốc tế (ICOMOS) và các chuyên gia Việt Nam về Chương trình khảo sát, đánh giá Khu Di tích khảo cổ Óc Eo - Ba Thê.

6_di-1648253631584(1).jpg
Di tích khảo cổ Óc Eo - Ba Thê đang được hoàn thiện hồ sơ đề cử là Di sản văn hóa thế giới (ảnh: ANTĐ)

Tại buổi làm việc, các chuyên gia quốc tế ICOMOS đã giới thiệu tổng quan, kết quả nghiên cứu, khai quật khảo cổ học và việc quy hoạch khoanh vùng bảo vệ Khu Di tích khảo cổ Óc Eo - Ba Thê; khảo sát, tham vấn cộng đồng thực hiện quy trình tập trung về bảo vệ, quản lý di sản văn hóa Óc Eo theo tiêu chuẩn di sản thế giới…

Trước đó, từ ngày 6 – 10.11, đoàn chuyên gia ICOMOS và các chuyên gia của Việt Nam đã khảo sát các bộ sưu tập hiện vật văn hóa Óc Eo tại Bảo tàng An Giang, nhà trưng bày và kho lưu trữ hiện vật của Ban Quản lý Di tích văn hóa Óc Eo tìm hiểu về lịch sử, nguồn gốc phát hiện, kiến trúc, chất liệu… các di vật nền văn hóa Óc Eo.

Đồng thời, tiến hành thực địa tại các địa điểm di tích văn hóa Óc Eo trên địa bàn tỉnh An Giang, để xác định niên đại cho từng lớp văn hóa, di tích, địa tầng từng giai đoạn phát triển, cũng như không gian, đặc điểm phân bố trong từng địa điểm di tích. Từ đó, xây dựng hoàn thiện hồ sơ đề cử Khu Di tích khảo cổ Óc Eo – Ba Thê, trình UNESCO ghi danh là Di sản thế giới.

Óc Eo là một nền văn hóa khảo cổ nổi tiếng ở Nam Bộ - Việt Nam, là nền văn hóa gắn liền với lịch sử của Vương quốc Phù Nam, một bộ phận cấu thành lịch sử dân tộc Việt Nam. Những dấu vết vật chất thuộc nền văn hóa này được các học giả người Pháp phát hiện từ cuối thế kỷ 19. Dấu mốc quan trọng đánh dấu lịch sử phát hiện và nghiên cứu về nền văn hóa Óc Eo là cuộc khai quật khảo cổ tại cánh đồng Óc Eo, dưới chân núi Ba Thê, thuộc huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang, do Louis Malleret thực hiện vào năm 1944.

Từ sau cuộc khai quật lịch sử này, Malleret chính thức định danh tên gọi là Văn hóa Óc Eo. Kể từ khi đó đến nay, Óc Eo - Ba Thê đã trở thành di chỉ khảo cổ học nổi tiếng không chỉ ở vùng Nam Bộ - Việt Nam mà cả khu vực Đông Nam Á.

Việc Di tích khảo cổ và kiến trúc nghệ thuật Óc Eo-Ba Thê được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt là sự tôn vinh những giá trị to lớn của một trong ba nền văn hóa cổ Việt Nam, gồm: Đông Sơn, Sa Huỳnh và Óc Eo, qua đó góp phần gìn giữ, bảo vệ, tôn tạo, phát huy tốt những giá trị của di tích văn hóa Óc Eo, đưa di sản văn hóa Óc Eo xứng tầm với di sản văn hóa cả nước và thế giới.

Trải qua 10 năm hoạt động kể từ khi di tích được chính thức xếp hạng, và qua gần 79 năm, ngày khám phá ra nền văn hóa Óc Eo Nam Bộ, lịch sử tỉnh An Giang đã ghi nhận khi xưa, tại một vùng đất thuộc khu vực núi Ba Thê đã diễn ra một số sự kiện vô cùng quan trọng, đánh dấu sự khởi đầu, tạo nên bước ngoặt lịch sử trong hành trình khám phá, tìm hiểu, nghiên cứu về một nền văn hóa mới tại vùng đất này./.

Văn Thiện