Sự kiện & Bình luận

Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) có tầm quan trọng đặc biệt, điều khoản mang tính chất quy phạm rất rõ

Trung Kiên 11/11/2023 14:11

Theo đánh giá của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) của Chính phủ trình Quốc hội khóa XV - Kỳ họp thứ 6, được chuẩn bị kỹ lưỡng, các đại biểu ghi nhận có chất lượng khá tốt và đây là Dự án Luật có tầm quan trọng đặc biệt.

ctqh-vuong-dinh-hue.jpg
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại Tổ thảo luận số 4, trao đổi và nêu ý kiến về một số vấn đề chung của Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi). (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội).

Hồ sơ Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, chất lượng...

Trong ngày làm việc cuối cùng của Đợt 1, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, chiều 10/11, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã trình bày Tờ trình về Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi).

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) xây dựng dựa trên 5 quan điểm chỉ đạo: Thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng, phát triển Thủ đô; Quy định các cơ chế, chính sách đặc thù cho Thủ đô bảo đảm phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và tuân thủ Hiến pháp năm 2013; Bám sát 9 nhóm chính sách đã được Chính phủ thông qua; Chi tiết, cụ thể hóa tối đa các cơ chế, chính sách đặc thù trong Luật để áp dụng được ngay; Kế thừa, phát triển các quy định đang phát huy tác dụng tốt của Luật Thủ đô 2012 đã được thực tiễn kiểm nghiệm; Luật hóa các cơ chế, chính sách đặc thù đang thí điểm cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phù hợp với Thủ đô.

Việc soạn thảo Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) được thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Nội dung dự thảo Luật được xây dựng, hoàn thiện trên cơ sở đề xuất của UBND Thành phố Hà Nội, ý kiến của Chính phủ, kết luận của Chủ tịch Quốc hội tại buổi làm việc với Thường trực Thành ủy Hà Nội, kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp lần thứ 26 ngày 20/9/2023 và ý kiến thẩm tra của Ủy ban Pháp luật, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội.

bo-tu-phap.jpg
Chiều 10/11/2023, thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày Tờ trình tóm tắt Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội).

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) lần đầu trình Quốc hội khóa XV có bố cục gồm 7 chương, 59 điều (tăng 3 chương, 32 điều so với Luật Thủ đô 2012, trong đó giữ nguyên 3 Điều; sửa đổi, bổ sung 18 điều; quy định mới 38 điều). Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nêu rõ sự cần thiết ban hành luật, nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng, phát triển, quản lý, bảo vệ Thủ đô tại các Nghị quyết của Bộ Chính trị như Nghị quyết số 06-NQ/TW, Nghị quyết số 30-NQ/TW, đặc biệt là Nghị quyết số 15-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó xác định xây dựng, phát triển Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” và khắc phục những tồn tại, hạn chế đã được nhận diện qua hơn 9 năm thi hành Luật Thủ đô năm 2012.

Trình bày Báo cáo thẩm tra Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng, cho biết, Ủy ban Pháp luật và các cơ quan tham gia thẩm tra tán thành với sự cần thiết ban hành, phạm vi sửa đổi Luật Thủ đô của Chính phủ đã trình trước Quốc hội.

Hồ sơ Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) được Chính phủ chuẩn bị công phu, nghiêm túc, chất lượng, ngoài các tài liệu theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trong hồ sơ của dự thảo Luật còn kèm theo bản thuyết minh chi tiết về từng quy định, chính sách được đề xuất trong dự thảo Luật và dự thảo Kế hoạch triển khai thi hành Luật Thủ đô (sửa đổi), trong đó dự kiến các công việc, phân công trách nhiệm và tiến độ triển khai thực hiện sau khi Luật được ban hành.

chu-nhiem.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Thủ đô (sửa đổi).

Đặc biệt, Ủy ban Pháp luật và các cơ quan tham gia thẩm tra đánh giá cao, đồng tình với mục đích và các quan điểm xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi), nhất là quan điểm Luật Thủ đô cần tập trung quy định các cơ chế, chính sách đặc thù đối với Thủ đô trên những lĩnh vực quan trọng để cụ thể hóa chủ trương của Đảng về xây dựng và phát triển Thủ đô xứng đáng là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, hội nhập quốc tế, có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới, có sức lan tỏa nhằm thúc đẩy vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước cùng phát triển.

Các điều khoản mang tính chất quy phạm rất rõ để có thể áp dụng khả thi

Chiều cùng ngày 10/11/2023, các đại biểu đã thảo luận tại Tổ đối với Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi). Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ góp mặt tại Tổ thảo luận số 4, gồm các Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Lai Châu, Thừa Thiên – Huế, Bà Rịa – Vũng Tàu.

Phát biểu tại Tổ thảo luận số 4, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) có tầm quan trọng đặc biệt. Thủ đô được định nghĩa trong Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, xác định Thủ đô là trung tâm đầu não chính trị, hành chính quốc gia, trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, hội nhập quốc tế.

to-4.jpg
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng các đại biểu tại Tổ thảo luận số 4 nêu ý kiến, góp ý về Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi). (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội).

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Hà Nội đã đầu tư công sức rất lớn cho dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), khởi động ngay từ khi Nghị quyết Đại hội Đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ Thành phố Hà Nội đầu nhiệm kỳ. Đồng thời, các cơ quan liên quan thực hiện xây dựng, soạn thảo, thẩm tra và trình Dự án Luật đã làm việc với nhau từ sớm, đầu tư nhiều công sức. Đảng đoàn Quốc hội và cá nhân Chủ tịch Quốc hội đã trực tiếp làm việc chính thức với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội hai lần.

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV được các đại biểu ghi nhận, lần đầu được trình nhưng Dự án Luật có chất lượng khá tốt. Khắc phục tính chất luật khung, luật ống, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã bổ sung nhiều quy định cụ thể, tăng 3 chương và 27 Điều so với Luật Thủ đô 2012. Các điều khoản mang tính chất quy phạm rất rõ để có thể áp dụng khả thi.

Định hướng chung xây dựng Luật Thủ đô vừa quy định những vấn đề có tính phổ quát của một đô thị đặc biệt vừa có tính đặc thù của Thủ đô, riêng có của Thủ đô. Đây thực chất là đạo luật về cơ chế đặc thù, về giao quyền, phân quyền, phân cấp; trong đó có gắn với trách nhiệm giám sát và kiểm tra.

Từ những nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ mong muốn các đại biểu Quốc hội tiếp tục đóng góp ý kiến để qua hai kỳ họp, Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) đạt chất lượng tốt nhất./.

Trung Kiên