Chuyển động Hà Nội

Những chính sách đặc thù sẽ tạo ra hành lang pháp lý quan trọng để phát triển văn hoá Hà Nội theo tinh thần Nghị quyết số 15-NQ/TW

Thụy Phương 11/11/2023 06:43

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) được Chính phủ trình Quốc hội chiều 10/11 tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV. Nhiều nội dung trong dự thảo Luật thu hút sự quan tâm của dư luận, trong đó có các văn nghệ sĩ. Với vai trò Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật – nơi quy tụ hơn 4000 văn nghệ sĩ Thủ đô, NSND Trần Quốc Chiêm cũng đã có chia sẻ với phóng viên Người Hà Nội xoay quanh những chính sách văn hóa được đề xuất trong Dự thảo.

PV: Chính sách phát triển văn hóa là một trong số những nội dung đáng chú ý trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Theo đó, ngoài các quy định mang tính định hướng về phát triển văn hóa nói chung, Dự thảo đã có các quy định đặc thù để phát triển văn hóa ở Hà Nội? Ông đánh giá như thế nào về những đề xuất chính sách văn hóa trong Luật Thủ đô (sửa đổi)?

NSND Trần Quốc Chiêm: Hà Nội là Thủ đô, trung tâm chính trị - văn hóa - kinh tế của cả nước, bởi thế việc phát triển văn hóa là một trong những nhiệm vụ trong tâm của Thành phố. Những chính sách, cơ chế đặc thù sẽ tạo ra những hành lang pháp lý rất quan trọng để văn hóa ở Hà Nội phát triển.

tran-quoc-chiem.jpg
NSND Trần Quốc Chiêm - Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội.

Luật Thủ đô năm 2012 đã có những quy định chung về bảo tồn và phát triển văn hóa. Tuy nhiên, qua thời gian các quy định đã không còn phù hợp với thực tiễn vận động của đời sống văn hóa, nhất là khi Thành phố đang tập trung đẩy mạnh các ngành công nghiệp văn hóa, xây dựng Thành phố sáng tạo.

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã thể chế hóa Nghị quyết số 15-NQ/TW với một số cơ chế đặc thù mới để phát triển văn hóa Thủ đô như: Xây dựng Trung tâm công nghiệp văn hóa theo quy hoạch; giao HĐND Thành phố Hà Nội quy định nội dung, mức hỗ trợ cao hơn quy định hiện hành đối với văn nghệ sĩ, nghệ nhân, người thực hành di sản văn hóa phi vật thể; cho phép áp dụng đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) trong lĩnh vực văn hóa… Đáng chú ý, dự thảo quy định đầu tư mới vào một số ngành công nghiệp văn hóa gồm: Điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, du lịch văn hóa; cho phép thành lập Quỹ Bảo tồn di sản và phát triển văn hóa Thủ đô.

Những đề xuất trong nhóm chính sách văn hóa này có vai trò rất quan trọng, thúc đẩy sự phát triển văn hóa Thủ đô nhất là trong phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.

PV: Văn học nghệ thuật là “lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hóa”. Từ thực tế hoạt động văn học nghệ thuật Thủ đô thời gian qua, theo ông, những chính sách văn hóa được đề xuất trong Luật Thủ đô (sửa đổi) cần tập trung giải quyết những bất cập nào?

NSND Trần Quốc Chiêm: Thực tế sôi động của đời sống VHNT nói riêng, văn hóa nói chung của một Thủ đô luôn đòi hỏi những cơ chế đặc thù và nguồn lực dồi dào để có thể đáp ứng yêu cầu của một trung tâm văn hóa của cả nước. Hà Nội đang tập trung các nguồn lực để phát triển công nghiệp văn hóa, bởi thế Luật Thủ đô (sửa đổi) cần có những quy định tạo điều kiện để Hà Nội hình thành các Trung tâm công nghiệp văn hóa, tạo “vườn ươm” phát triển văn hóa, văn học nghệ thuật, tạo môi trường thực hành nghệ thuật cho các nghệ sĩ của Thủ đô, qua đó góp phần lan tỏa những giá trị văn hóa.

Với số lượng di tích và số lượng nghệ nhân trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể được Nhà nước phong tặng đứng đầu cả nước, Thủ đô Hà Nội cần phải có quy định đặc thù, vượt trội về bảo tồn di sản, hỗ trợ cho văn hóa, phát triển không gian sáng tạo, trung tâm văn hóa...

Luật Thủ đô cần tối đa các cơ chế, chính sách đặc thù về văn hóa sao bảo đảm tính khả thi và đồng bộ. Ngoài ra, cần phân cấp, phân quyền, quy định tương ứng trách nhiệm của chính quyền đồng thời có cơ chế kiểm tra, giám sát việc thực hiện quyền lực nhà nước của chính quyền Thủ đô…

PV: Tại điều 23 của dự thảo Luật Thủ đô có đề xuất cho phép thành lập Quỹ Bảo tồn di sản và phát triển văn hóa Thủ đô. Theo ông, việc thành lập Quỹ di sản có ý nghĩa như thế nào ý nghĩa như thế nào trong việc tạo động lực bứt phá cho văn hóa Hà Nội?

NSND Trần Quốc Chiêm: Thực tế cho thấy, hoạt động bảo tồn di sản và phát triển văn hóa ở Thủ đô là một nhu cầu hết sức cần thiết, nhất là khi nhiều di sản của Thủ đô đang đứng trước nguy cơ mai một. Việc cho phép thành lập Quỹ Bảo tồn di sản và phát triển văn hóa Thủ đô trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) rất phù hợp với chủ trương của Đảng, của Thành phố về phát triển văn hóa. Đây cũng chính là động thái tạo cơ chế đặc thù, tiếp sức cho sự phát triển của văn hóa Thủ đô, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, tạo nền tảng, động lực cho Thành phố sáng tạo. Tuy nhiên, từ chính sách cho tới việc triển khai, vận hành Quỹ là cả một quá trình, cần có sự kết nối, chung sức của các đơn vị tổ chức, cá nhân. Để đảm bảo cho Quỹ hoạt động có hiệu quả thì cần có nguồn lực tài chính và phương thức vận hành chuyên nghiệp, đảm bảo sự công khai, minh bạch. Làm thế nào để biến di sản văn hóa Thủ đô Hà Nội trở thành nguồn lực nội sinh đó chính là bài toán đặt ra đối với Quỹ Bảo tồn di sản và phát triển văn hóa Thủ đô nếu được thành lập.

PV: Với vai trò Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội, ông kỳ vọng gì khi Luật Thủ đô (sửa đổi) được Quốc hội thông qua?

NSND Trần Quốc Chiêm: Tôi mong muốn Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này sẽ có những quy định về cơ chế, chính sách mang tính đặc thù, “đón đầu” về văn hóa, “tiếp sức” cho văn hóa, để văn hóa Thủ đô phát triển xứng tầm với truyền thống nghìn năm Thăng Long – Hà Nội, để Thủ đô Hà Nội thực sự là trung tâm hội tụ, kết kinh văn hóa của cả nước. Những chính sách văn hóa sẽ là cơ sở nền tảng góp phần xây dựng văn hóa người Hà Nội hào hoa, thanh lịch, nghĩa tình, văn minh, tiêu biểu cho văn hóa, lương tri và phẩm giá con người Việt Nam; đưa văn hóa, con người Hà Nội trở thành nguồn lực nội sinh để phát triển bền vững Thủ đô.

Xin cảm ơn NSND Trần Quốc Chiêm!

Thụy Phương