Văn hóa – Di sản

Nguyễn Bá Lân – đại lão quan chức, thi nhân

Phạm Văn Hưng 09/11/2023 17:09

Nguyễn Bá Lân sinh năm Canh Thìn (1700) tại xã Cổ Đô, huyện Tiên Phong, phủ Quảng Oai, trấn Sơn Tây (nay thuộc huyện Ba Vì, ngoại thành Hà Nội). Cụ thân sinh của ông là một trong “Tràng An tứ hổ” - Nguyễn Công Hoàn - vốn là một tay lừng lẫy làng văn mặc lúc bấy giờ, tuy nhiên lại là một người nếm trải hơn ai hết vị đắng của định mệnh “học tài thi phận” và cam lòng với nghề gõ đầu trẻ qua ngày. Hổ phụ Nguyễn Công Hoàn là người đứng thứ ba trong nhóm “Nhất Quỳnh, nhị Nhan, tam Hoàn, tứ Tuấn” chốn Thăng Long đã góp phần to lớn trong việc hình thành nên nhân cách “hổ tử” Nguyễn Bá Lân, một trong “An Nam đại tứ tài” (cũng còn gọi là Tràng An tứ hổ) sau này, trở thành niềm tự hào sâu sắc của đất Cổ Đô và Thăng Long văn vật.

Quê tổ của Nguyễn Bá Lân xưa thuộc huyện Tiên Du, trấn Kinh Bắc (nay thuộc tỉnh Bắc Ninh), đến tổ đời thứ ba mới dời đến làng Cổ Đô. Nơi đây là miền đất địa linh nhân kiệt, làng lụa, làng khoa bảng, nơi tụ thủy của ba con sông “dòng biếc lẫn dòng đào - nước đen pha nước bạc”, ngã ba sông Hồng hợp lưu với sông Đà tại gót Nung, sông Lỗ hợp lưu với sông Hồng tại Việt Trì. Theo học với cha từ năm 15 tuổi, Nguyễn Bá Lân được cha rèn cặp rất nghiêm khắc. Sự nghiêm khắc ấy đã đi vào giai thoại. Dân gian còn truyền rằng Nguyễn Công Hoàn từng bắt con ngồi học trên xà nhà, bên dưới đặt bàn chông, nếu ngủ gật mà ngã xuống thì coi như “xong”. Tuy nhiên, nhờ sự thông minh của cậu bé Lân mà bố ông đã phải thay đổi cách dạy. Từ đó ông không dạy nhồi dạy nhét mà dạy cho con một cách có chọn lọc những điều sở học, sở đắc của mình. Tính ham học, ham đọc, và trên hết là tinh thần hiếu tri đã sớm bộc lộ ở Nguyễn Bá Lân từ thuở thiếu niên. Tương truyền khi ông học lúc nào cũng đặt bản đồ bên sách cho tiện việc tra cứu. Chính phương pháp dạy học khá “khác người” của cụ đồ Hoàn và tinh thần cầu học của Lân đã giúp cậu phát huy được khả năng và tư chất của mình. Giai thoại còn kể lại nhiều câu chuyện về cặp đôi “cùng tiến” này (vì ông Hoàn lận đận đường khoa hoạn) nên vừa dạy vừa học cùng con. Truyện kể rằng, một hôm hai cha con qua sông, nhìn thấy đàn dê bên kia bờ sông, ông Hoàn bèn ra đề làm bài Dịch đình thừa dương xa phú và đặt điều kiện nếu sang bên kia sông mà ai chưa làm xong sẽ bị người làm xong trước ném xuống sông. Tuy nhiên người làm xong trước lại là Nguyễn Bá Lân nhưng ông không dám ném cha nên bị cha đánh bởi tội “hèn”. Bài phú này của ông còn có tên Nhất độ giang thành chương phú (Bài phú làm trên một chuyến đò qua sông). Khó có thể tìm thấy mối quan hệ và những quy ước nào “tự do, bình đẳng” đến thế giữa hai con người được đặt vào mối quan hệ song trùng: vừa là thầy - trò vừa là cha - con trong thời đại ấy! Và có thể đằng sau mối quan hệ cặp đôi mang tính song trùng đó còn có thể có cả quan hệ của những người bạn vong niên.

nguyen-ba-lan.jpg
Nguyễn Bá Lân diệt giặc ở Cao Bằng. Tranh vẽ minh họa.

Trong Văn bia đề danh Tiến sĩ khoa Tân Hợi năm thứ 3 niên hiệu Vĩnh Khánh (1731), có ghi lại việc mùa đông tháng 10 năm ấy, hoàng thượng chuẩn lời tâu của Bộ Lễ mở khoa thi Hội, qua tháng sau mở khoa thi Đình, trong khoa đó Nguyễn Bá Lân đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân. Con đường học tập và thi cử của ông, theo đúng sự lập trình mang tính quy ước “thập niên đăng hỏa”, từ tuổi ba mươi “tam thập nhi lập” bắt đầu rẽ sang một ngả mới. Đó là ngả “dụng - hành”, điều mà nhà Nho nào tâm huyết với thời cuộc cũng mong đạt tới.

Vì chính vào tuổi ba mươi, hoạn lộ của Nguyễn Bá Lân cũng có những nét khác với lẽ thường. Vị Tiến sĩ trẻ tuổi dưới thời vua Lê Duy Phường đó chỉ sau một thời gian ngắn đã được bổ làm Giám khảo kì thi Hội rồi kinh qua rất nhiều chức vụ khác nhau: làm đường quan rồi làm học quan, làm văn quan rồi làm võ quan. Từ chỗ làm Phiên tào ở phủ chúa Trịnh Giang, đến đời Cảnh Hưng (1740 - 1786), ông được giao làm Tả chấp pháp ở Bộ Hình. Năm 1744, ông được bổ làm Lưu thủ trấn Hưng Hóa rồi sau làm Đốc trấn Cao Bằng và làm trọn cương vị của một bậc đại quan được giao đi phủ dụ, vỗ về miền biên viễn, phên giậu của nước nhà. Năm 1756, ông được vời về kinh để sung vào chức Thiêm đô Ngự sử và vào phủ chúa Trịnh giữ chức Bồi tụng, tước Lễ Trạch hầu kiêm giữ chức Tế tửu Quốc Tử Giám, một cương vị tương tự như Hiệu trưởng giúp vua quản lí Trường Giám, dạy dỗ các giám sinh, và để giữ chức này phải là những vị có thực tài thực học, đạo cao đức trọng, có uy tín với Nho lâm. Bên cạnh việc làm quan, làm thầy, ông cũng là một trong những gương mặt nổi bật của làng Nho khi ấy, góp phần tạo nên cả một thế hệ, một thời kì mà trong tầng lớp nho sĩ diễn ra sự phân hóa mạnh mẽ từ sau Lê trung hưng cho đến hết thời Lê mạt, với những tên tuổi như Hồ Sĩ Dương (1621 - 1681), Vũ Công Đạo (1628 - 1714), Nguyễn Quý Đức (1648 - 1755), Nguyễn Tông Quai (Khuê) (1693 - 1767), Vũ Phương Đề (1697 - ?), Nguyễn Thiếp (1723 - 1804), Lê Quí Đôn (1726 - 1784), Phạm Nguyễn Du (1739 -1786), Ngô Thì Nhậm (1746 - 1803),...

Hoạn lộ của Nguyễn Bá Lân hanh thông bởi ông lập được nhiều công trạng và vốn ông là người nghiêm cẩn, mẫn cán, chính trực, không xu nịnh, a dua. Khi bước vào tuổi 65, theo lệ thời đó có thể đã lên lão được 15 năm, đã là một lão thần, và với một “bảng vàng thành tích” như vậy, ông xứng đáng được nghỉ ngơi và thanh thản với tâm thế “công danh đã được hợp về nhàn” nhưng hưu quan “chưa ấm chỗ” thì ông đã được (hay bị) chúa Trịnh Doanh mời ra giúp việc hình, xét xử án từ. Đặc biệt hơn, đến năm 1770, khi đã bước vào tuổi “cổ lai hi”, ông dâng khải xin cáo lão về hưu vì tuổi tác, chúa Trịnh Sâm lại dùng dằng lần lữa và không chuẩn y mà giữ ông lại Thăng Long để “hỏi ý kiến khi cần thiết”. Một vị lão thần nhận được sự tín nhiệm của đương triều đến như vậy là một trường hợp hiếm có, mà hiếm hơn nữa đó lại là một người “chất phác, thẳng thắn, mạnh dạn, dám nói” (Việt sử thông giám cương mục), một người vốn có thể đã gây biết bao điều “nghịch nhĩ” với các đấng bề trên vì ba tấc lưỡi “trực ngôn” của bản thân mình.

Ở lại kinh thành, Nguyễn Bá Lân được khôi phục làm Thượng thư Bộ Lễ rồi Thượng thư Bộ Hộ, hàm Thiếu bảo, liệt vào hàng Ngũ lão hầu, một bậc “cây cao bóng cả” trong triều ngoài nội. Khi đã đến tuổi 84, qua cái ngưỡng “tòng tâm sở dục bất du cử” một thập kỉ rưỡi, chúa Trịnh (cụ thể là Trịnh Tông) vẫn triệu ông vào để “tư vấn”. Kinh thành khi ấy sau loạn kiêu binh (1782) trở nên tang thương ảm đạm nhiều, và tiếc là bậc lão thần đã ở vào những tháng năm cuối của cái mốc “khảo chung mệnh”. Ba năm sau, ông mất vào năm Ất Mùi (1785), hưởng thọ 86 tuổi, được truy phong chức Thái tể, tước Quận công, được phong Thành hoàng Ngũ Xã, triều đình định lệ hàng năm tổ chức lễ hội tưởng nhớ vào ngày 27 tháng Giêng, do Chánh tổng đứng ra làm chủ tế. Nếu xét theo ngưỡng “nhân sinh bách tuế nội” thì ông còn hao hút một chút nhưng trong số các tác gia của Việt Nam trung đại, số người trùm bóng suốt gần một thế kỉ như Ngô Sĩ Liên, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Bá Lân phỏng độ đã được mấy người?

Nguyễn Bá Lân sinh ra và lớn lên trong khoảng thời gian gần như trùng khít với giai đoạn cuối của nhà Hậu Lê. Xã hội vốn đã bất ổn trong giai đoạn trước thì đến giai đoạn này cũng chẳng khá hơn. Các “điềm” (trong mắt nhà nho) như nhật thực, nguyệt thực, lở đất,... liên tiếp xảy ra. Năm 1732, Trịnh Giang phế truất Lê Duy Phường để rồi ba năm sau (1735) Lê Duy Phường bị chúa Trịnh giết chết. Năm 1738 có loạn Lê Duy Mật. Năm 1740, Trịnh Doanh đoạt quyền, kinh thành bị nạn đói đe dọa, loạn lạc nổi lên khắp nơi. Năm 1769, Trịnh Sâm mưu hại Lê Duy Vĩ. Năm 1780 xảy loạn Trịnh Tông, còn gọi là “vụ án năm Canh Tý”. Năm 1782, loạn kiêu binh, Trịnh Tông lên ngôi. Dễ hiểu là trong hoàn cảnh ấy, sức của một người khó có thể lay chuyển được tình thế nhưng Nguyễn Bá Lân đã làm hết sức mình trong cương vị một triều thần, mang trọn tài năng và đức độ của mình ra giúp dân, giúp nước. Ông vốn trọng người tài, đã từng có một thời gian cùng làm Học sĩ trong Bí thư các với Lê Quí Đôn và sau này ông đứng ra xin phục chức cho Lê Quí Đôn sau vụ án Lê Quí Kiệt. Đồng triều với ông có Tiến sĩ Hội nguyên Phan Huy Cận (1733 - 1800) người làng Thu Hoạch, huyện Thiên Lộc, trấn Nghệ An (nay thuộc xã Thạch Châu, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) là người công minh, liêm khiết, thời mới về triều vì ngay thẳng không chịu lụy Đỗ Thế Giai nên bị thải về. Nguyễn Bá Lân đã hết sức yêu cầu chúa Trịnh phải vời Phan Huy Cận trở lại. Trong suốt 50 năm tại triều, Nguyễn Bá Lân đã có 17 lần thăng quan tiến chức và với trọng trách càng ngày càng lớn. Khoa thi năm 1775, Trịnh Sâm đến giảng sách yêu cầu các quan phải áo mũ triều yết mình như đối với vua Lê, Nguyễn Bá Lân - khi đó là Thượng thư Bộ Lễ (đúng chuyên môn ngành dọc) - đã quyết liệt can ngăn chúa và lên án kẻ a dua khiến những kẻ có ý đồ tiếm lạm phải vừa ấm ức vừa hổ thẹn. Tương truyền, ông là “chuyên gia” trong việc “tiếp sức” và “hồi sức” cho những Bộ đang trong thời kì khủng hoảng. Điều đó có được là nhờ tài năng và phẩm cách của một con người mà theo giai thoại, sẵn sàng đánh trượt bài thi của phụ thân khi phát hiện có sai sót trong đó. Gia phả dòng họ còn kể lại việc ông cầm quân trấn nhậm Cao Bằng khiến cả người Việt và người Hoa được yên ổn làm ăn, buôn bán, là một câu chuyện cảm động về vị đại quan Nguyễn Bá Lân cương trực và cũng rất “cận nhân tình”. Và không thể khác được khi thân phụ ông là một người “học vấn uyên thâm, tính khí nóng nảy, bộc trực”, khi biết mình vô duyên với khoa cử đã rời bỏ lều chõng, lấy cày ruộng đọc sách dạy trẻ làm vui. Hai cha con Nguyễn Bá Lân thực sự là hai người mà soi vào người này có thể thấy được người kia.

Việt sử thông giám Cương mục khi chép về ông, bên cạnh việc ca ngợi ông “thẳng thắn, mạnh dạn, dám nói”, có khen ông “là người có văn học”. Trên lĩnh vực này ông thực sự là một người đã “lập ngôn” và “lập ngôn” một cách ấn tượng. Ông có một số bài thơ vịnh nhân vật, vịnh cảnh về Bắc sử, được chép cùng với thơ vịnh sử của Nguyễn Trác Luân, Ngô Tuấn Cảnh, Nguyễn Tông Quai (Khuê)… trong Vịnh sử thi quyển, Quốc âm thiMao thi ngâm vịnh thực lục. Bên cạnh thơ, ông là một tay bút mạnh về thể phú. Phú chữ Hán của ông được chép trong các tuyển tập phú như Danh phú hợp tuyển, Hoàng Lê bát vận phú, Danh phú sao tập, Danh phủ tập... mà tiêu biểu là Dịch đình thừa dương xa phú, Cung nhân trúc diệp phú... Ngoài phú chữ Hán, ông còn sáng tác phú Nôm như Giai cảnh hứng tình (đã thất lạc) và bài duy nhất còn lại là Ngã ba Hạc phú. Đặc biệt, nhớ tới Nguyễn Bá Lân là hậu thế nhớ tới bài Ngã ba Hạc phú với niềm tự hào chân thực trước vẻ đẹp và sự hùng vĩ của một miền sông nước:

Giải đất Đoàn phương,

Cõi trời Nam quốc.

Trên xô nguồn, nguồn chảy vẩn vơ,

Dưới ngấm nước, nước trôi tuồn tuột.

Bài phú, bên cạnh tính chức năng, quan phương (ca ngợi triều đại) đã thể hiện được giá trị nghệ thuật của nó thông qua những cảm nhận chân thực về khung cảnh sinh hoạt của nhân dân mang đậm phong vị thời đại với một niềm yêu mến và trân trọng, đồng thời nó cũng tạo được nét riêng ở sự “nghịch ngầm” hóm hỉnh mang đặc trưng của trào tiếu dân gian, nằm trong mạch nguồn của folklore, dần thoát ra khỏi quy phạm của văn trường ốc và góp thêm vào mạch sóng của những sáng tác mang “phong cách Hồ Xuân Hương” của thời đại:

Ngóc ngách khôn đo rộng hẹp, dòng biếc lẫn dòng đào,

Lênh lang dễ biết nông sâu, nước đen pha nước bạc...

...Tiêu sái mọi bề,

Thanh tạo nhiều cuộc.

Rủ dây dù ông Lã máy cần,

Trần trụi mặc Chử đồng ngâm nước.

Bè khách thương hạ bến, tượng chân quì gối lắc cày xuôi,

Thuyền ngư phủ trôi dòng, đang nách khom lưng chèo dếch ngược.

Hậu thế, bằng con mắt của sử gia, bằng ngôn ngữ của búa rìu Xuân Thu (một sách kinh mà Nguyễn Bá Lân rất tâm đắc) đã cho rằng: “Khi bàn việc, ông giữ lòng trung thực, không che chở bênh vực ai, chúa khen là ngay thẳng, dám nói” (Phan Huy Chú) và “làm quan thanh liêm, cẩn thận, ra trấn Cao Bằng vỗ về dân chúng, dẹp yên giặc cướp, tỏ rõ công lao, vào triều tham dự chính sự thì giữ đúng pháp luật, không hề a dua” (Đại Nam nhất thống chí). Với nhà Nho, khi nằm xuống ba thước đất, được nghị xét như vậy là quá đủ. Cũng không nên tiếc rằng ông không sống được đến khi khởi nghĩa Tây Sơn nổ ra. Lịch sử có những lựa chọn riêng của mình. Chỉ tiếc rằng vị lão thần Nguyễn Bá Lân, người viết Trương Hàn tư thuần lô phú (Bài phú Trương Hàn nhớ rau thuần cá vược) lại phải nhập thế quá lâu giữa “bụi kinh thành” mà chưa kịp bù đắp cho mình những ngày tháng thanh nhàn nơi quê lụa Cổ Đô và “xứ Đoài mây trắng”..../.

Theo Danh nhân Thăng Long - Hà Nội

Phạm Văn Hưng