Văn hóa – Di sản

Nguyễn Công Hãng – quan chức, sứ thần, thi nhân

Nguyễn Huy Bỉnh 09/11/2023 15:46

Nguyễn Công Hãng (1680 - 1732), tên tự là Thái Thanh, hiệu là Tĩnh Trai, người làng Phù Chẩn, huyện Đông Ngàn, trấn Kinh Bắc, nay là thôn Phù Chẩn, xã Phù Chẩn, thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Ông đậu đồng Tiến sĩ khoa Canh Thìn (1700), niên hiệu Chính Hòa đời Lê Hy Tông năm 21. Khi ấy Nguyễn Công Hãng là một người có tài và trẻ tuổi nhất khoa thi.

nguyen-cong-hang.jpg
Sắc phong ban cho Nguyễn Công Hãng năm 1741 hiện đang lưu giữ tại đình làng Rích Gạo, xã Phù Chẩn, thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.

Sau khi thi đỗ Tiến sĩ, Nguyễn Công Hãng được bổ ra làm Đốc trấn An Bang (nay là Quảng Ninh). Có giai thoại kể rằng, nhân một hôm đi chơi ngoài bể, xem những bài thơ khắc vào vách đá, ông sao chép nhầm mất một chữ, bị các bạn chế nhạo. Thấy mình học còn kém, ông xin từ chức, về kinh đô học lại ba năm, hiểu hết kinh sử, lại đến trường Quốc Tử Giám nghe giảng văn, sau đó mới lĩnh chức. Dần dần, ông được thăng đến Binh Bộ Hữu thị lang, gặp kỳ tuế cống được cử làm Chánh sứ sang nhà Thanh (Trung Quốc).

Trong lần đi sứ này, Nguyễn Công Hãng đã đấu tranh xóa bỏ lệ cống người bằng vàng. Lệ này có nguồn gốc từ khi Lê Lợi đánh bại quân Minh ở trận Chi Lăng, quân ta giết chết tên tướng chỉ huy là An Viễn hầu Liễu Thăng ở đèo Mã Pha. Khi giảng hòa, người Minh bắt đền mạng tên ấy; vì muốn cho công việc giảng hòa kết thúc, Lê Lợi sai đúc một tượng vàng để thay thế, gọi là “Đãi thân kim nhân” (Người bằng vàng thay người thật). Đến khi nhà Mạc cướp ngôi nhà Lê, nhà Minh sai bọn Mao Bá Ôn và Cừu Loan đem quân đến cửa Nam Quan hỏi tội, hạch sách, đòi đồ cống. Nhà Mạc sợ xảy ra chiến tranh, lại phải đúc người vàng lễ tạ, từ đấy thành lệ cống.

Khi Nguyễn Công Hãng sang sứ, ông đề nghị triều đình ta thôi không làm người vàng. Quan tiếp sứ xét đồ cống phẩm thấy không có người vàng, tâu lên vua nhà Thanh, thế là các quan chức ở các bộ viện nhà Thanh đem việc ra hỏi. Công Hãng trả lời: “Quốc vương tôi ngày nay giữ gìn nghiệp cũ, không dám bỏ khoán việc tuế cống, còn các việc thu thành, nạp khoán hay bồi thường thì sứ thần này không dám biết”. Họ lại mang câu chuyện Liễu Thăng ra hạch sách, ông trả lời: “Liễu Thăng là tên bại tướng của nhà Minh, nhà Hoàng Thanh ta ngày nay bao gồm cả muôn nước, lại đi khư khư đòi món “của đút” của kẻ thua trận để trả thù cho người xưa, như vậy sao đủ làm gương mẫu cho các triều đại sau này”. Lệ cống của ta còn phải có một hũ nước giếng lấy ở cái giếng trước đền thờ An Dương Vương ở Cổ Loa mang sang Trung Quốc để rửa ngọc trai, vì tương truyền nước giếng ấy dùng để rửa hạt ngọc trai mới sáng. Nguyễn Công Hãng sai quân lính đem đổ nước ấy đi, múc nước giếng khác đem theo. Khi người Thanh đem thử, rửa ngọc trai không sáng, mới hỏi lại, ông nói: “Đó là tại khí mạch lâu ngày đã biến đổi đi!”. Thế là cả hai thứ đồ cống của ta từ đó được miễn đều bắt đầu từ Nguyễn Công Hãng.

Đi sứ về, Nguyễn Công Hãng được chúa Trịnh Cương cử làm tể tướng coi việc triều đình, ông đã đem hết tài năng ra làm việc. Năm Vĩnh Thịnh Tân Mão (1711), ông làm quan Đề hình. Vì nói thẳng, ông được thăng thưởng bạc lụa; rồi ngày càng được chúa tin dùng. Ít lâu sau, ông được thăng chức Thiêm đô ngự sử.

Mùa đông năm Ất Mùi (1715), chúa sai ông làm Đốc trấn Cao Bằng. Vì chức vị này vốn rất quan trọng nên vua muốn để ông làm, nhưng ông không muốn đi. Nhân vương cố sai người nói rõ chủ ý của mình, ông mới vâng mệnh. Khi vào tạ chúa, chúa tin tưởng cho ông được tùy nghi làm việc.

Mùa đông năm Đinh Dậu (1717), ông được triệu về và được thăng Tả thị lang Bộ Binh, được cho vào phủ Bồi tụng. Mùa hạ năm sau, ông sung Chánh sứ sang Thanh tâu về việc Chương hoàng (Lê Hy Tông) mất và xin sách phong vua mới. Mùa thu năm Kỷ Hợi (1719), ông đi sứ về. Năm Canh Tý (1720), khi khảo các quan văn võ, ông đứng bậc nhất và được thăng Thượng thư (năm ấy ông mới 42 tuổi). Chúa lại xét công ban ơn, cho ông tước Sóc quận công, cho cùng Cảo quận công Nguyễn Công Cơ và Điện quận công Lê Anh Tuấn cùng vào phủ làm Tham tụng. Khi ấy, Nhân Vương hết lòng lo toan việc nước, ông giữ chức trọng yếu, thường tỏ hết những điều mình biết và có nhiều sáng kiến tâu lên vua. Bấy giờ, các chính sách về binh, dân, tiền của, thuế má, ông có nhiều sáng kiến mới, đem xếp đặt đâu ra đấy, rất đầy đủ và hợp lý.

Luật lệ giai đoạn ấy quy định, cứ đo công điền công thổ mà đánh thuế và chia làm ba hạng. Hạng nhất đóng một quan, hạng nhì đóng 8 tiền, hạng ba đóng 6 tiền. Thu các loại thuế đó phục vụ cho việc tế tự trong đền vua, phủ chúa, sửa sang trường thi, làm cầu cống, đắp đê điều... Nguyễn Công Hãng nhận thấy việc làm này chưa được hợp lòng dân. Năm 1923, ông sửa lại theo các phép là phép tô, phép dung và phép điệu của nhà Đường, rồi dâng lên chúa Trịnh Cương, được chúa đồng ý ban hành. Cụ thể của việc ban hành thuế như sau: Thứ nhất Phép tô, tức là phép đánh thuế điền thổ, cứ mỗi mẫu công điền là phải nạp 8 tiền thuế, mà ruộng nào cấy hai mùa thì chia ba, quan lấy một phần thóc. Những đất bãi của quan, cứ mỗi mẫu nạp thuế 1 quan 2 tiền; chỗ nào trồng dâu thì nộp một nửa bằng tơ, chỗ nào không trồng dâu thì nộp cả bằng tiền. Các ruộng tư điền ngày trước không đóng thuế, đến bây giờ mới đánh: ruộng hai mùa mỗi mẫu 3 tiền, ruộng một mùa mỗi mẫu 2 tiền. Thứ hai Phép dung, tức là phép đánh thuế thân, cứ mỗi suất đinh là đồng niên đóng 1 quan 2 tiền. Những người sinh đồ, lão hạng và hoàng đinh (Lão hạng là những người từ 50 tuổi đến 60 tuổi, hoàng đinh là người mới có 17 đến 19 tuổi) thì đóng một nửa. Thứ ba Phép điệu, tức là phép bắt dân đóng tiền sưu dịch, cứ mỗi một suất đinh, một năm 2 mùa, mùa hạ phải đóng 6 tiền, mùa đông phải đóng 6 tiền. Quan lấy tiền ấy mà làm các việc, không phiền đến dân nữa. Cùng năm đó, ông kiến nghị Trịnh Cương cho phép dân chúng được yết bảng góp ý kiến với quan lại địa phương. Trịnh Cương đồng tình cho thi hành, bố cáo gửi các địa phương có ghi rõ: “Những điều yết lên bảng phải xuất phát từ lẽ công bằng, cả loạt đều cùng một giọng. Người nào yết ghép theo ý mình, khen chê bậy bạ sẽ bị tội”.

Năm Bảo Thái năm Ất Tỵ (1725), chúa cho Nguyễn Công Hãng kiêm Đô ngự sử, lại sai làm Bảo phó (chức quan giảng dạy cho thế tử), cho được mở quân dinh Trung Nhuệ. Mùa xuân năm Bính Ngọ (1726), ông được thăng Thiếu bảo.

Mùa đông năm Đinh Mùi (1727), Nhân Vương dựng hành cung ở Cổ Bi. Khi cung làm xong, xét công ban ơn, thăng ông làm Thiếu phó. Nhân đó, ông xin từ việc kiêm chức trưởng ở đài Ngự sử. Khi nhàn rỗi, ông thường để ý về việc học kinh sách, đem các văn quan vào Quốc Tử Giám, tập làm kinh nghĩa 8 vế, thường có ý muốn thay đổi thể văn để sửa chữa, khuyến khích sĩ tử.

Đầu đời Vĩnh Khánh, Thuận Vương (Trịnh Giang) nối ngôi cầm quyền chính, xét công ban ơn, ông được thăng Thượng thư Bộ Lại, gia hàm Thái tử Thái phó. Năm Long Đức (Nhâm Tý, 1732), chúa phong cho ông là Thái bảo, hiệu là Tá lý công thần, bấy giờ ông 53 tuổi.

Vì ngay thẳng nên Nguyễn Công Hãng bị rất nhiều quan lại trong triều đình ghen ghét. Mùa đông năm 1732, Thuận Vương nghe lời gièm pha của bọn xu nịnh rằng ông muốn thay ngôi thế tử. Vì thế, Trịnh Giang ngầm giáng ông làm Thừa chính sứ ở Tuyên Quang, rồi bắt ông phải chết.

Nguyễn Công Hãng là một tể tướng tài năng, đứng đầu ngôi tướng trong 13 năm, mưu kế bày đặt tài giỏi. Chỉ vì ông quả quyết tự làm theo ý mình nên bị nhiều người gièm pha, gây nên bè đảng, nên cuối cùng gặp nạn. Đầu đời Cảnh Hưng lại cho trả chức tước cũ của ông, mới cho con cháu đem hài cốt về chôn cất.

Trong thời gian làm Chánh sứ bên Trung Hoa, Nguyễn Công Hãng có viết tập thơ đi sứ Tinh sà kỉ hành, trong đó gồm các bài thơ tả tình, vịnh cảnh, tiếp sứ bộ Triều Tiên, v.v... Thơ ông đề cập đến trách nhiệm của người cầm quyền, đến truyền thống văn hiến và vận mệnh của đất nước. Ông còn viết về nếp sống chất phác, đức tính giàu tín nghĩa của quê hương. Phan Huy Chú xác định thơ Nguyễn Công Hãng “có khí cách thanh nhã, trôi chảy, đáng đọc”. Ông từng có thơ tặng sứ thần Triều Tiên:

Thương hải dương trần kỷ độ tam,

Viêm bang tự tích trạch giao Nam.

Lục kinh dĩ ngoại vô tha đạo,

Nhất tuế chi trung thục bát tàm.

Vạn hộ ngư diêm thường cấp túc,

Tứ thời hoa thảo cộng phu đàm

Qui lai tuyên thất như tiền tịch,

Tự dữ quan phong trợ nhất đàm.

(Gián Triều Tiên quốc sứ Du Tập Nhất, Lý Thế Căn)

Bản dịch thơ:

Bụi trần mặt bể nổi ba lần,

Bờ cõi từ xưa đất Việt Nam.

Sách vở sáu kinh chung một đạo,

Tơ tằm tám lứa kéo hàng năm.

Hoa màu bốn tiết trồng đều tốt,

Cá muối muôn dân có đủ ăn.

Về nước nhà vua như hỏi đến,

Quan phong vài nét hẵng tâu lên.

(Thơ tặng sứ bộ Triều Tiên là Du Tập Nhất, Lý Thế Căn)

Khi đi thuyền trên sông nơi xứ người, ông trải lòng với thiên nhiên nhưng vẫn bồi hồi nhớ về đất nước:

Giang tân quế trạo phiếm thanh y

Tráng khí thừa phong trực hứng phi.

Thuyền bối vũ xao kinh ngọ mộng,

Sơn đầu điểu quá lộng tà huy.

Ca tàn ái nãi phiên hồng diệp,

Thanh triệt câu châu lạc thúy vi.

Hồi thủ gia hương hà xứ thị,

Bạch vân thâm xứ chính y y.

(Giang hành tức sự)

Dịch nghĩa:

Nơi bến sông đưa chiếc chèo quế lướt trên làn nước trong,

Chí khí hăng hái, cưỡi gió phi thẳng.

Mưa xối vào mui thuyền làm tỉnh giấc ngủ trưa,

Chim bay qua đầu núi đùa giỡn ánh chiều tà.

Khúc chèo đò hát xong lay động những chiếc lá đỏ,

Tiếng “câu châu” vang khắp chìm dần trong rặng núi xanh.

Quay đầu nhìn lại, quê nhà đâu tá? Vời vợi nơi mây trắng thẳm sâu.

(Đi thuyền trên sông làm thơ tức sự)

Trong cuộc đời hoạt động ở chốn quan trường, Nguyễn Công Hãng đã làm được rất nhiều việc cho dân, cho nước. Ngoài những chuyến đi sứ, ứng đáp tài giỏi, ông là người có công tổ chức lại tô thuế, chỉnh đốn quân đội, can chúa không nên xa xỉ, cắt giảm ruộng của các công thần để chia cho dân... Với những đóng góp tích cực vào sự nghiệp phục hưng đất nước, Nguyễn Công Hãng xứng đáng là một danh nhân của vùng đất Thăng Long - Hà Nội nghìn năm văn hiến./.

Theo Danh nhân Thăng Long - Hà Nội

Nguyễn Huy Bỉnh