Văn hóa - Xã hội

Mở ra các giải pháp nổi trội, đặc thù về nông nghiệp, nông dân và nông thôn trong Luật Thủ đô (sửa đổi)

Hải Truyền 10/11/2023 07:40

Thay đổi so với Luật Thủ đô năm 2012, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã bổ sung những chính sách, pháp luật đặc thù cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn với mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp Thủ đô theo định hướng "nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh".

a1-1-.jpg
Mùa gặt ở Đông Hội, Đông Anh - Ảnh Đào Kim Thanh

Nông nghiệp, nông dân và nông thôn là những thành tố quan trọng trong xây dựng Thủ đô

Theo số liệu từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, hiện nay Thủ đô có một nền nông nghiệp trị giá khoảng 2 tỉ USD, nhỉnh hơn so với quy mô nông nghiệp của 3 tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng. Do đó nông nghiệp, nông dân và nông thôn vẫn là những thành tố đặc biệt quan trọng, có tác động trực tiếp đến sự phát triển của Thủ đô trong tương lai. Những năm gần đây, công tác xây dựng nông thôn mới (NTM), NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu của Hà Nội đã gặt hái được những thành tựu đáng kể, góp phần nâng cao chất lượng đời sống nông thôn Thủ đô.

Ngoài những chính sách chung đối với nông nghiệp, nông dân và nông thôn như cả nước thì Thủ đô Hà Nội cần phải có những điều chỉnh và hướng đi riêng để phát huy hết tiềm năng và thế mạnh của mình trong lĩnh vực nông nghiệp, do đó Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã đưa nội dung này vào sẽ là cơ sở để xây dựng những chính sách đặc thù cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn của Hà Nội.

Cùng với sự hội nhập ngày càng sâu và rộng của Thủ đô Hà Nội với các Thủ đô và những thành phố lớn trên khắp thế giới, giá trị của nền nông nghiệp Hà Nội không chỉ dừng lại ở sự đóng góp về sản lượng nông nghiệp mà còn ở giá trị tăng thêm khi nông nghiệp được phát triển theo định hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống dân tộc… được nêu trong Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2023, tầm nhìn đến năm 2045”.

Việc đưa nội dung nông nghiệp, nông dân và nông thôn vào Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ là cơ sở để khắc phục những bất cập, hạn chế trong chính sách, pháp luật về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn ở Thủ đô. Thực tế cho thấy Hà Nội đang thiếu những chính sách mở đường cho việc đổi mới và phát triển các mô hình tổ chức kinh tế nông thôn, đặc biệt là các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; pháp luật về quản lý, sử dụng đất nông nghiệp hiện nay là rào cản việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, tổ chức sản xuất theo mô hình hiện đại, thông minh, sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi cung ứng, gây lãng phí trong việc khai thác sử dụng tài nguyên đất; thiếu chính sách, pháp luật để thu hút, huy động nguồn lực xã hội cho phát triển nông nghiệp sinh thái, hiện đại hoá nông thôn, bảo vệ môi trường nông thôn và xây dựng người nông dân đủ năng lực làm chủ được chu trình sản xuất - tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi cung ứng và thụ hưởng thành quả của ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp trong giai đoạn mới.

Với mục tiêu xây dựng và phát triển nông nghiệp hàng hoá tập trung, nông nghiệp sinh thái, thân thiện với môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu; ứng dụng công nghệ cao, tập trung sản xuất cây, con giống năng suất, chất lượng, giá trị cao cho cả nước; xây dựng nông thôn mới, xanh, hiện đại, gắn với phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn, du lịch làng nghề giàu bản sắc văn hoá đặc trưng của Thủ đô; xây dựng người nông dân Thủ đô văn minh, có kỹ năng, trình độ, là chủ thể xây dựng, thụ hưởng thành quả phát triển nông nghiệp, nông thôn… thì những chính sách, pháp luật đặc thù để phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn ở Thủ đô là nội dung không thể thiếu.

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đáp ứng những yêu cầu đặt ra

Bám sát Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2023, tầm nhìn đến năm 2045”, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã bổ sung những quy định về nông nghiệp, nông dân và nông thôn.

Cụ thể, có 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm sau:

Thứ nhất, các giải pháp hỗ trợ thúc đẩy nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, tập trung vào công nghệ sản xuất giống cây, con đặc sản bản địa có giá trị cao; công nghệ sản xuất, bảo quản, chế biến sâu và kinh doanh sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi tuần hoàn, tạo thành chuỗi giá trị nông sản chủ lực của Thủ đô.

Thứ hai, các giải pháp hỗ trợ phát triển các mô hình kinh tế nông thôn (HTX kiểu mới, kinh tế trang trại, gia trại...) liên kết với phát triển du lịch nông nghiệp sinh thái gắn với tiêu thụ sản phẩm làng nghề, làng có nghề giàu bản sắc văn hoá Thủ đô; thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp, thực hiện việc di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm trong khu dân cư, làng nghề, làng có nghề ở nông thôn.

Thứ ba, các giải pháp thu hút, khai thác, phát huy các nguồn lực cho phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân: ưu đãi đầu tư thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, chú trọng ứng dụng công nghệ cao, vào các Dự án sử dụng công nghệ cao, tiên tiến trong lĩnh vực môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, xử lý chất thải, nước thải; dự án phát triển làng nghề truyền thống. Ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược cho các Dự án khu công nghệ cao, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, dự án nghiên cứu và hỗ trợ chuyển giao công nghệ cao trong lĩnh vực công nghệ sinh học. Trong liên kết Vùng Thủ đô ưu tiên Phát triển nông nghiệp sinh thái theo chuỗi giá trị; Quản lý và bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Thứ tư, các giải pháp Khai thác hợp lý, hiệu quả nguồn lực từ đất đai cho phát triển nông nghiệp, nông thôn, Dự thảo Luật giao cho Chính quyền Thành phố được quyết định: Chuyển đổi cơ cấu sản xuất trên đất trồng lúa sang trồng cây hằng năm, cây lâu năm, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và các hoạt động sản xuất nông nghiệp khác. Việc góp quyền sử dụng đất, cho thuê quyền sử dụng đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong các trường hợp tập trung đất nông nghiệp để thực hiện sản xuất nông nghiệp. Sử dụng, khai thác quỹ đất nông nghiệp ở bãi sông để sản xuất nông nghiệp sinh thái kết hợp tham quan, giáo dục trải nghiệm, du lịch trải nghiệm. Cho phép xây dựng trên đất nông nghiệp các công trình phụ trợ bán kiên cố phục vụ trực tiếp cho sản xuất nông nghiệp hàng hoá tập trung.

Thứ năm, các giải pháp hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao đời sống của nông dân, người lao động tại các tổ chức kinh tế nông nghiệp:

Thực hiện các chương trình, đề án đào tạo nghề, chuyển đổi nghề của Thành phố cho lao động nông thôn theo nhu cầu của từng đối tượng hình thành và phát triển đội ngũ “công nhân nông nghiệp”; thành phố hỗ trợ hình thành các trung tâm quốc gia, trung tâm vùng về đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao trên địa bàn Thủ đô; hỗ trợ học phí cho học viên học nghề tại các cơ sở đào tạo nghề chất lượng cao của thành phố Hà Nội.

Việc hỗ trợ đất sản xuất cho hộ dân tộc thiểu số nghèo sinh sống ở xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi làm nghề nông, lâm nghiệp không có hoặc thiếu từ 50% đất sản xuất trở lên. Trường hợp không bố trí được đất sản xuất thì hỗ trợ chuyển đổi nghề, tìm việc làm; xem xét, quyết định giao đất để làm nhà ở cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo sinh sống tại xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi của Thành phố chưa có đất ở; trường hợp người dân đã có đất ở nhưng chưa có nhà hoặc nhà bị dột nát thì hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà phù hợp với điều kiện, tập quán ở địa phương.

Hỗ trợ mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện: 100% đối với người thuộc hộ nghèo; tối thiểu 60% đối với người thuộc hộ cận nghèo; tối thiểu 20% đối với các đối tượng khác. Hỗ trợ 100% kinh phí mua bảo hiểm y tế đối với người khuyết tật, người cao tuổi từ 70 tuổi trở lên, phụ nữ thuộc hộ nghèo; Hỗ trợ khám sức khỏe miễn phí hằng năm cho người cao tuổi thường trú trên địa bàn Thủ đô.

Những quy định trên trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cũng hoàn toàn phù hợp với định hướng bảo đảm phát triển hài hoà giữa nông thôn và thành thị, giữa các địa phương của Thủ đô; gắn kết chặt chẽ giữa phát triển công nghiệp, dịch vụ với nông nghiệp, giữa phát triển nông thôn bền vững với quá trình đô thị hoá theo hướng "nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh"./.

Hải Truyền