Chính sách & Quản lý

Tạo khuôn khổ pháp lý phù hợp, phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh trong thực hiện quy hoạch Thủ đô

Đình Thế 10/11/2023 05:49

Việc sửa đổi Luật Thủ đô nhằm giải quyết những hạn chế, bất cập, tháo gỡ vướng mắc, điểm nghẽn về thể chế, tạo khuôn khổ pháp lý phù hợp giúp Thủ đô phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh, sử dụng có hiệu quả cao nhất các nguồn lực để phát triển, xứng đáng với vị trí, vai trò Thủ đô.

Phân quyền điều chỉnh quy hoạch

Luật Thủ đô được Quốc hội thông qua ngày 21/11/2012 và có hiệu lực từ ngày 01/7/2013. Đây là văn bản pháp lý quan trọng quy định vị trí, vai trò, trách nhiệm và chính sách xây dựng, phát triển, bảo vệ Thủ đô. Các bộ, ngành, địa phương, nhất là thành phố Hà Nội đã dành sự quan tâm đặc biệt, tích cực, chủ động triển khai đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm để triển khai thi hành Luật.

ha-noi.jpeg
Quy hoạch và đảm bảo thực hiện quy hoạch trong dự thảo Luật Thủ đô (Sửa đổi).

Qua gần 10 năm thi hành Luật Thủ đô 2012, việc thực hiện một số mục tiêu, giải pháp, quy định đề ra trong Luật Thủ đô 2012 còn nhiều tồn tại, hạn chế, thiếu quy định trong một số lĩnh vực, đặc biệt là công tác lập, quản lý, triển khai thực hiện quy hoạch chung, quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành, nhất là trong quy hoạch quản lý không gian, không gian ngầm, công trình kiến trúc cổ, bảo tồn và phát triển văn hóa và quy hoạch xây dựng nhà ở, khu đô thị. Vấn đề này đòi hỏi cần phải có các giải pháp được quy định trong Luật Thủ đô (sửa đổi).

Quy định liên quan đến vấn đề Quy hoạch và Bảo đảm thực hiện quy hoạch được quy định tại một số Điều của Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi, tập trung ở Điều 19 và Điều 20. Bên cạnh một số quy định kế thừa từ Luật Thủ đô 2012, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) có một số nội dung được sửa đổi và bổ sung mới với những lý do, mục tiêu có tính đặc thù.

Để kịp thời thể chế hóa các quan điểm, mục tiêu, định hướng phát triển của Hà Nội theo các nghị quyết Trung ương, Bộ Chính trị, thời gian qua, thành phố Hà Nội đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành trung ương chuẩn bị nghiên cứu và đề xuất sửa đổi toàn diện Luật Thủ đô.

Theo Bộ Tư pháp, từ yêu cầu thực tiễn của Hà Nội, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) quy định phân quyền từ Thủ tướng Chính phủ cho UBND thành phố được điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, quy hoạch chung đô thị, quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật nhằm tạo sự chủ động, linh hoạt cho địa phương trong quản lý, thực hiện.

Dự thảo luật bổ sung 3 lĩnh vực mà HĐND thành phố Hà Nội được quy định mức phạt tiền cao hơn nhưng không quá 2 lần mức phạt chung do Chính phủ quy định. Cùng với đó, phân quyền thẩm quyền đầu tư từ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ theo quy định của Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công cho HĐND, UBND thành phố Hà Nội.

Đây là một quy định mới nhằm tạo điều kiện chủ động cho UBND thành phố Hà Nội được điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị, quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật của Thành phố đã được Bộ Xây dựng thẩm định và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Tuy nhiên để bảo đảm tính khả thi, tránh chồng chéo, mâu thuẫn với các quy định khác của pháp luật có liên quan, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị, cơ quan chủ trì soạn thảo lưu ý một số nội dung như: cần có các giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về quy hoạch trên địa bàn; bổ sung quy định về nguồn vốn lập quy hoạch và việc lựa chọn đơn vị tư vấn trong công tác lập quy hoạch; cụ thể hóa nguyên tắc quản lý và sử dụng không gian ngầm phải bảo đảm yêu cầu về quốc phòng, an ninh, gắn với công tác phòng thủ dân sự ,...

Trước đó, trình bày Tờ trình về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nêu rõ, việc ban hành Luật Thủ đô (sửa đổi) là cần thiết nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng, phát triển, quản lý, bảo vệ Thủ đô tại một số Nghị quyết của Bộ Chính trị, như Nghị quyết số 06-NQ/TW, Nghị quyết số 30-NQ/TW, đặc biệt là Nghị quyết số 15-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó xác định xây dựng, phát triển Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” và khắc phục những tồn tại, hạn chế đã được nhận diện qua gần 10 năm thi hành Luật Thủ đô năm 2012.

Luật Thủ đô từ khi được thực thi đã đem lại nhiều thay đổi, thành tựu nổi bật cho Hà Nội. Trong đó, hệ thống giao thông vận tải, hạ tầng kỹ thuật của Thủ đô đã có những bước phát triển vượt bậc cả về quy mô, số lượng các dự án, công trình trọng điểm được kết nối thông suốt, đồng bộ, thúc đẩy liên kết phát triển kinh tế - xã hội giữa các tỉnh, thành phố trong Vùng Thủ đô. Cảnh quan kiến trúc của nhiều tuyến phố của Hà Nội được chỉnh trang sạch đẹp, các dự án khu đô thị mang tầm vóc của đô thị hiện đại dần hiện hữu; phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân ngày càng phong phú, các di sản văn hóa - lịch sử được quan tâm bảo tồn, tôn tạo…

Triển khai đồng bộ các chủ trương di dời

Theo định hướng Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2011 (QHC 2011), đối với các cơ quan chính trị, hành chính cấp quốc gia tiếp tục được bố trí tại khu vực Ba Đình, cải tạo và nâng cấp thành quần thể kiến trúc cảnh quan tiêu biểu. Đồng thời, thực hiện di dời một số chức năng tại khu vực này để có điều kiện cải tạo, nâng cấp về điều kiện làm việc và cơ sở hạ tầng. Đối với công sở cơ quan TW, thực hiện di dời trụ sở các bộ, ngành ra khỏi khu vực nội đô lịch sử về các khu vực Tây Hồ Tây và Mễ Trì. Quỹ đất sau khi di dời dành để giải quyết nhu cầu mất cân đối về hạ tầng xã hội của địa phương và thành phố.

Tại Điều 9 Luật Thủ đô 2012, Nghị quyết 15-NQ/TW nhằm hạn chế mở rộng diện tích sử dụng đất của các bệnh viện hiện có, không mở rộng xây mới các cơ sở sản xuất công nghiệp, cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, nghề nghiệp… trong khu vực nội đô lịch sử.

nha-may-thuoc-la.jpg
Công ty TNHH MTV Thuốc lá Thăng Long là một trong những đơn vị phải di dời khỏi khu vực nội đô. Ảnh: Phạm Đông

Theo đó, 9 cơ sở nhà, đất phải di dời gồm: Công ty In báo Nhân dân tại 15 Hàng Tre, Công ty TNHH Một thành viên In báo Hà Nội mới tại 35 Nhà Chung (quận Hoàn Kiếm); Nhà máy Bia Hà Nội tại 183 Hoàng Hoa Thám (quận Ba Đình); Công ty TNHH Một thành viên Thuốc lá Thăng Long tại 235 Nguyễn Trãi; Công ty TNHH Một thành viên In và thương mại Thông tấn xã Việt Nam tại 70/342 Khương Đình (quận Thanh Xuân); Nhà máy xe lửa Gia Lâm tại số 551 Nguyễn Văn Cừ; Tổng kho xăng dầu Đức Giang tại 26 phố Đức Giang (quận Long Biên); Công ty TNHH Một thành viên Nhà xuất bản Nông nghiệp tại 167/6 phố Phương Mai (quận Đống Đa); Viện Hóa học công nghiệp Việt Nam, tại phường Phúc Diễn (quận Bắc Từ Liêm).

Nói về việc di dời cơ sở nhà đất tại Hà Nội khỏi nội đô, KTS Phạm Thanh Tùng - Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam - nêu rõ, việc di dời đang đặt ra cho chính quyền Hà Nội một quyết tâm chính trị rất lớn giữa phát triển bền vững hay kinh tế trước mắt.

Theo KTS Phạm Thanh Tùng, việc tạo không gian xanh, không gian công cộng trên quỹ đất này như xây dựng trường học, trung tâm y tế, cụm nhà văn hoá, sinh hoạt cộng đồng là vô cùng cần thiết.

Bên cạnh đó, quỹ đất của các cơ quan, đơn vị, cơ sở di dời khỏi đô thị trung tâm theo quy định được ưu tiên sử dụng để xây dựng không gian công cộng và bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa…

Căn cứ vào từng vị trí, địa điểm cụ thể cần xem xét đánh giá để sử dụng hiệu quả quỹ đất và công trình cho các chức năng đào tạo, nghiên cứu khoa học, bố trí cơ sở hạ tầng và công cộng phù hợp quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành. Đối với những công trình có giá trị lịch sử, văn hóa và kiến trúc cần thực hiện bảo tồn, phục chế tôn tạo và ưu tiên sử dụng cho mục đích công cộng.

Về nội dung quy hoạch, phát triển, khai thác không gian ngầm, khoảng không đã được quy định trong Luật Quy hoạch đô thị, tuy nhiên một số vấn đề về tiêu chuẩn, khai thác, đầu tư, kinh doanh sử dụng không gian ngầm chưa được pháp luật hiện hành quy định cụ thể: giới hạn độ sâu phần ngầm của các trình xây dựng trên mặt đất gồm phần thuộc sở hữu của chủ công trình, phần thuộc sở hữu nhà nước; công trình ngầm độc lập có mục đích kinh doanh thương mại, dịch vụ, chủ yếu hướng đến việc phát triển hạ tầng kỹ thuật ngầm; công tác xác định giá thuê đất xây dựng công trình ngầm có nhiều bất cập (việc xác định đơn giá thuê đất xây dựng công trình ngầm được tính theo tỷ lệ % giá trị đất bề mặt là chưa phù hợp, đặc biệt nếu đất bề mặt là đất công cộng; đơn giá không gắn với hệ số sử dụng không gian ngầm); vấn đề đấu nối hạ tầng ngầm chưa được quy định rõ.

Đặc biệt, trong các khu vực TOD khi mà khả năng vận chuyển hành khách công cộng đáp ứng được nhu cầu của số đông dân cư thì các chỉ tiêu quy hoạch, nhu cầu sử dụng không gian ngầm, khoảng không tại khu vực này sẽ khác với các khu vực thông thường khác. Vấn đề này cần có quy định đặc thù cho Thủ đô.

“Khi điều chỉnh, bổ sung quy hoạch không gian ngầm thành phố Hà Nội cần bố cục tổng thể không gian ngầm của thành phố để hài hòa giữa không gian trên mặt và không gian ngầm, thuận lợi khai thác các công năng trên mặt và công năng dưới ngầm, ưu tiên phát triển các loại hình công trình ngầm phục vụ giao thông công cộng như: hệ thống đường hầm tàu điện ngầm và hệ thống thoát nước mặt” - PGS.TS. Đào Viết Đoàn nói.

Hà Nội đang lập Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 và điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065. Theo TS.KTS Phan Đăng Sơn - Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam nhấn mạnh, trong các bản quy hoạch cần xem xét không gian ngầm là một nội dung trọng điểm, nhấn mạnh phát triển hạ tầng ngầm, từ giao thông đến hệ thống thương mại, dịch vụ. Đây là một không gian rất quan trọng phát triển Hà Nội trong tương lai, nhất là giải pháp chính cho vấn đề giao thông của thành phố.

Cùng đó, xây dựng chiến lược tổng thể quản lý, khai thác sử dụng không gian ngầm; xây dựng hoặc hoàn thiện các cơ chế, chính sách tài chính huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển không gian ngầm./.

Đình Thế