Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu 5 giải pháp phát triển du lịch Việt Nam
“Việt Nam có tài nguyên du lịch rất phong phú nhưng chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh”- Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh khi trả câu hỏi chất vấn tại Kỳ họp thứ 6 - Quốc hội khoá XV (ngày làm việc thứ 13).
Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Kỳ họp thứ 6 - Quốc hội khoá XV ngày 8/11/2023, liên quan đến lĩnh vực du lịch, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương) đã đặt câu hỏi với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn cho rằng, du lịch là 1 trong 3 ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển du lịch bền vững là yếu tố cần thiết để mang lại sự thành công cũng như lợi ích trong tương lai.
“Thời gian vừa qua, ngành du lịch đã đạt được kết quả đáng ghi nhận. Bên cạnh đó vẫn còn nhiều tồn tại hạn chế dẫn đến không khai thác hết tiềm năng, lợi thế sẵn có để phát triển du lịch bền vững gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, bảo vệ môi trường. Trân trọng đề nghị Thủ tướng cho biết định hướng, giải pháp cụ thể trong thời gian tới, nhất là việc đánh giá tổng thể, tiềm năng, lợi thế sẵn có và các giải pháp đảm bảo nguồn lực về tài nguyên, về vốn, khoa học công nghệ, con người, đặc biệt là hệ thống chính sách pháp luật đồng bộ, khả thi. Xin cảm ơn Thủ tướng Chính phủ”, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn đặt câu hỏi.
Trả lời đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, tài nguyên du lịch của nước ta rất phong phú cả về truyền thống, lịch sử, văn hóa, cảnh quan, môi trường. Đặc biệt Việt Nam có chiều dài bờ biển trên 3.000 km từ Bắc vào Nam. Cùng đó, người dân Việt Nam thân thiện, mến khách, cần cù yêu lao động… Đây là những lợi thế của ngành du lịch nước ta. Đảng, Nhà nước cũng đã có chủ trương, chính sách để phát triển du lịch. “Tuy nhiên chúng ta cũng nhận thấy một thực tế, ngành du lịch chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh cũng như mong đợi của đồng bào cử tri cả nước”, Thủ tướng Phạm Minh Chính, cho biết.
Người đứng đầu Chính phủ cho rằng, nguyên nhân của vấn đề này liên quan đến chính sách, thể chế, lãnh đạo chỉ đạo, nguồn nhân lực, quy hoạch. Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, du lịch là ngành mới nhưng có tính hội nhập cao, do đó sẽ có những vướng mắc, khó khăn chủ quan và khách quan, nhưng du lịch chưa phát triển như kỳ vọng, tiềm năng, lợi thế chủ yếu từ nguyên nhân chủ quan. Qua câu hỏi chất vấn của đại biểu, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đưa ra 5 giải pháp phát triển du lịch Việt Nam trong thời gian tới.
Thứ nhất, chúng ta triển khai hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước về việc phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. “Chúng ta phải triển khai có hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước về phát triển du lịch”, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh.
Thứ hai, chúng ta phải có sự lãnh đạo, chỉ đạo, tập trung để xác định rõ trọng tâm phát triển.
Thứ ba, phải có nguồn lực cho hạ tầng du lịch.
Thứ tư, phải có nguồn nhân lực, đào tạo phù hợp đáp ứng theo yêu cầu hội nhập quốc tế.
Thứ năm, du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành.
Du lịch Việt Nam 2023 khởi sắc, cán đích sớm
Liên quan đến du lịch Việt Nam năm nay, ngành du lịch đặt mục tiêu năm 2023 đón 8 triệu khách quốc tế. Tuy nhiên, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, đến hết tháng 9/2023, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã vượt kế hoạch đặt ra với gần 8,9 triệu lượt khách (tăng gấp 4,7 lần cùng kỳ năm trước). Lượng khách quốc tế đến Việt Nam du lịch chủ yếu từ các nước châu Á, tiếp đó khách đến từ châu Âu và châu Mỹ. Vì thế, Bộ VH-TT&DL thay đổi chỉ tiêu đón khách quốc tế từ 8 triệu lên 12,5 đến 13 triệu lượt khách năm 2023, tăng khoảng 156% so với kế hoạch đặt ra trước đó.
Theo Cục Du lịch Quốc gia (Bộ VH-TT&DL), trong năm nay, Việt Nam có thể đón 12 đến 13 triệu khách quốc tế bởi các lý do: Chính sách miễn thị thực và cấp thị thực điện tử mới có hiệu lực từ 15/8/2023; Chính sách đối ngoại song phương, đa phương của Việt Nam với khu vực và thế giới rất hiệu quả; Chủ trương chấn hưng văn hóa với các di sản trở thành sản phẩm du lịch độc đáo, chuyên biệt, hấp dẫn khách quốc tế; các thị trường lớn và truyền thống của Việt Nam đã mở cửa và phục hồi.
Đối với khách nội địa, hết quý 3 năm nay lượng khách đã đạt khoảng 93,5% mục tiêu đặt ra của cả năm 2023. Đến hết năm nay, dự kiến du lịch nội địa cũng sẽ đạt và vượt mục tiêu đề ra là 102 triệu lượt khách. Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Hà Văn Siêu chia sẻ, riêng trong năm nay, ngành du lịch đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Bên cạnh đó, nhiều nhiệm vụ quan trọng của ngành du lịch được hoàn thành như Chiến lược Marketing du lịch Việt Nam đến năm 2030, Đề án “Một số mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm”…
Doanh thu du lịch lữ hành tính đến hết tháng 9/2023 ước đạt 26,5 nghìn tỷ đồng, tăng 47,7% so với cùng kỳ năm trước. Một số địa phương có doanh thu dịch vụ lữ hành tăng cao so với cùng kỳ năm trước chỉ sau 9 tháng trong năm 2023 là: Đà Nẵng tăng 139,9%; Quảng Ninh tăng 98,8%; Thành phố Hồ Chí Minh tăng 91,3%; Hà Nội tăng 67,4%; Hải Phòng tăng 50,9%; Cần Thơ tăng 39,6%.
Bên cạnh đó, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 9 tháng năm 2023 ước đạt 500,1 nghìn tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước. Một số địa phương ghi nhận doanh thu tăng cao so với cùng kỳ năm trước, gồm: Thành phố Hồ Chí Minh tăng 24,6%; Đà Nẵng tăng 24,5%; Quảng Ninh tăng 22,5%; Hải Phòng tăng 13,8%; Hà Nội tăng 10,5%...