Văn hóa – Di sản

Nguyễn Thật – quan chức, sứ thần trung thực

Nguyễn Vinh Phúc 07/11/2023 9:52

Trong sách Tang thương ngẫu lục, truyện Cụ Thái tể tôi, tác giả Nguyễn Án viết về ông tổ tám đời của mình như sau: “Cụ tổ tám đời nhà tôi là Thái tể Trung Thuần, huý là Thật, người làng Vân Điềm, huyện Đông Ngàn. Đời ông của người huý là Bồn, tặng phong Thái bảo Duyên phúc hầu”. Làng Vân Điềm ấy có tên Nôm là Kẻ Đóm, nay thuộc xã Vân Hà, huyện Đông Anh, Hà Nội.

nguyen-that.jpg
Tranh minh họa.

Ông Bồn sinh ra ông Vĩ. Ông Vĩ được học hành nhưng không thi cử gì. Ông làm nghề thầy đồ dạy trẻ trong làng. Năm 30 tuổi ông sinh con trai đầu lòng, đặt tên là Bảo. Lúc đó là năm Quang Bảo thứ hai đời Mạc Phúc Nguyên (1555). Gia phả học Nguyễn làng Vân Điềm ghi cụ thể ngày sinh: 24 tháng 6 năm Ất Mão. Cũng vào lúc đó nhà Lê đã Trung hưng ở Thanh Hoá và là năm Thuận Bình thứ bảy đời Lê Trung Tông, mãi 41 năm sau, Bảo mới đổi tên là Thật.

Nguyễn Thật (1555 - 1637) thông minh dĩnh ngộ, bốn tuổi đã thuộc mặt chữ, 12 tuổi làm được thơ phú, đến năm 18 tuổi thì lầu không kinh sử. Khi đó ở bên làng Ông Mặc (tên Nôm là làng Me) có ông Đàm Cư, Nhị giáp Tiến sĩ, làm quan với nhà Mạc đến chức Thượng thư, có quân công nên được vua Mạc đem mấy làng Ông Mặc, Kim Thiều, Vân Điềm, Thiết Ủng cho làm ấp phong. Ông Đàm xây dinh thự ở quê, bắt dân ở các xã trong ấp phong tới phục dịch. Nguyễn Thật cũng bị bắt đi phu sang làng Me. Hôm ấy Thật đang đội đất đắp nền thì gặp ông Đàm Cư cũng đang đi xem xét công việc. Thấy anh dân phu nhanh nhẹn mà có vẽ nho nhã, ông Đàm bèn gọi lại, hỏi gốc gác, tên tuổi rồi ra cho anh một vế câu đối bắt đối. Vế ấy như sau: Thập bát lực năng đảm thổ (Mười tám có sức đội đất). Thật không cần phải nghĩ lâu, xin đối ngay: Cửu ngũ long phi tại thiên (Chín năm rồng bay tại trời). Ông Đàm tấm tắc khen, lập tức tha không bắt đi phu nữa. Lại thưởng cho mấy quan tiền và truyền cho huyện tuần từ nay miễn mọi sai dịch cho Thật. Ông Đàm nói với người nhà: “Thằng ấy ngày sau sự nghiệp ghê gớm lắm, ta đây không theo kịp”. Ít lâu sau, ông còn gọi gả cho Nguyễn Thật cô cháu gái út của ông, cô Đàm Thị Thành.

Sau đỗ Hương cống, Nguyễn Thật không xin bổ dụng làm quan, chỉ một mực nói là cốt học để biết luân thường đạo lý mà thôi. Thực ra ông đã nhìn thấy sự sụp đổ không tránh khỏi của nhà Mạc. Ông chờ nhà Lê trở về, và điều đó đến thật. Năm 1591, Trịnh Tùng đánh tới Thăng Long. Nhà Mạc khi thì bỏ chạy, khi thì chiếm lại, tới năm 1593 thì vĩnh viễn bỏ kinh đô Thăng Long, lên Cao Bằng. Sang năm 1594, vào tháng 3 âm lịch, Trịnh Tùng đưa vua Lê Thế Tông về Thăng Long. Năm sau mở khoa thi Hội. Trải bao năm chiến tranh, các trường thi cũ bị tàn phá chưa được dọn dẹp, sửa sang lại. Vua Lê quyết định tổ chức thi ở ngay trên Bến Cỏ (chữ Hán gọi là Thảo Tân, nay là khu vực ở mé sau Nhà hát lớn Thành phố). Hơn hai trăm cống sĩ về thi. Xong ba kỳ Hội, một kỳ Đình (kể từ khi nhà Lê Trung Hưng (1527) cho đến lúc này, đây là khoa đầu tiên có kỳ thi Đình), có sáu người đỗ tiến sĩ. Nhất giáp không có ai, Nhị giáp khoa ấy coi là Đình nguyên và người giành được vinh quang ấy chính là Nguyễn Bảo người làng Vân Điềm. Năm ấy ông đã 41 tuổi, vua Lê ngự bút cải tên ông ra là Nguyễn Thật (còn đọc là Thực). Ít lâu sau, ông được bổ làm Đô cấp sự trung ở Hộ khoa, hàm Chánh thất phẩm, và thế là từ đấy cho đến khi về trí sĩ, trải 40 năm khi làm tướng văn, khi làm tướng võ, lúc trong triều, lúc ngoài quận, nào là đi sứ, nào đánh giặc... Nguyễn Thật coi như đã đạt tới mức vinh quang nhất mà kẻ sĩ thời xưa vẫn hằng mong mỏi. Vừa là tiến sĩ khai khoa, vừa là công thần hưng quốc. Năm 1634, chẵn 80 tuổi, ông về trí sĩ, chức tước đang là “Công Bộ Thượng thư kiêm Quốc Tử Giám tư nghiệp, kiêm Hàn lâm viện thị độc trưởng, Hàn lâm viện sự Đông các học sĩ, quốc lão tham dự triều chính, Thái bảo, Lan Quân công”. Về hưu, được gia phong cung hàm Thái phó, Chánh nhất phẩm và được “bất thì triều kiến”, tức là có thể lúc nào cũng có thể vào triều gặp vua chúa. Ba năm sau, ông mất, được truy tặng là Thái tể, Thuy trung thuần.

Hơn rất nhiều nho sĩ, quan lại cùng thời, Nguyễn Thật là một người có phẩm chất đạo đức tốt đẹp. Phan Huy Chú đã nhận định về ông trong Lịch triều hiến chương loại chí (phần Nhật vật chí) như sau: “Ông là người thuần hậu, trong sạch, cẩn thận, không lập sản nghiệp. Làm quan trải những bước vinh hiển trọng yếu mà nhà vẫn thanh bạch, có phong độ như những danh thần đời xưa”.

Tuy phụng sự vua Lê chúa Trịnh, song Nguyễn Thật không nhất nhất cúi đầu tuân theo ý chúa ý vua. Thấy điều sai trái, ông không ngần ngại gì mà không dám đưa ra ý kiến can ngăn. Có lần vì phải bảo đảm phép nước công minh mà ông đã không nhượng bộ chúa Trịnh. Đó là vụ chặt chân Trịnh Xuân vào năm 1623.

Nguyên Trịnh Tùng có hai con trai đã lớn là Trịnh Tráng và Trịnh Xuân. Tùng chọn Tráng làm thế tử. Xuân là con thứ, nhân lúc Tùng bị ốm, liền đem quân bản bộ dàn ra ở phường Đình Ngang, rồi ra lệnh đốt phá phường và phủ chúa, định gây áp lực buộc Tùng phải cho mình làm thế tử. Trịnh Tùng phải chạy ra ở nhà người em là Trịnh Đỗ ở làng Hoàng Mai thuộc huyện Thanh Trì. Nguyễn Thật thấy cơ sự ấy, đang đêm đánh đường tìm gặp Trịnh Tùng và nói:

- Xuân làm loạn xã tắc, xin cho lệnh điều Xuân đến đây giả vờ là trao cho bính quyền. Tôi sẽ đem quân mai phục bắt giết đi.

Trịnh Tùng dùng dằng không quyết. Nguyễn Thật hỏi lại:

- Vương thượng coi con hơn hay phép nước hơn?

Tùng cũng không đáp.

Thế là Nguyễn Thật ra thẳng thành gọi Xuân. Gã này hớn hở đến. Nguyễn Thật cùng Bùi Sỹ Lâm bắt ngay hắn lại, đem chặt một chân. Rồi ông nói với Trịnh Tùng:

- Vương thượng vì tình cốt nhục không nỡ. Tôi đã vì xã tắc chặt chân đứa con bất hiếu, đứa tôi bất trung.

Rõ ràng là, trước sự an nguy của xã tắc, Nguyễn Thật cả gan làm một việc đe doạ sự an nguy đối với tính mạng của mình, vì dù sao đó cũng là một việc làm “phạm thượng”.

Năm 1630 mùa hè tháng 5 (âm lịch), vua Lê Thần Tông lấy con gái của Trịnh Tráng - tên là Ngọc Trúc - làm vợ và lập thành hoàng hậu. Nhưng Ngọc Trúc lại đang là vợ của Cường Quốc công Lê Trụ. Ngọc Trúc đã có bốn con với Lê Trụ. Nay Lê Trụ có tội bị hạ ngục, Trịnh Tráng liền đem Ngọc Trúc gả cho Thần Tông. Thấy việc làm trái đạo lý như vậy, Nguyễn Thật dâng sớ can. Lê Thần Tông không nghe và nói rằng: “Trót cho xong việc, lấy gượng vậy”.

Nguyễn Thật rất ghét bọn tham quan ô lại. Khoảng năm 1632, hai viên Tả Hữu thị lang Bộ Lại là Nguyễn Tuấn và Nguyễn Lai, trong việc tuyển bổ các chức vụ quan lại, đã ăn đút lót nhiều nên rất giàu. Đương thời có câu ca: Các chức bị viên, lưỡng Bột tận điền (Các chức vụ bổ cho đủ người thì hai làng Bột hết ruộng). Lưỡng Bột là hai làng Bột Thương, Bột Hạ ở Thanh Hoá, đó là quê quán của Nguyễn Tuấn và Nguyễn Lai, mà bổ cho đủ các chức vụ quan lại thì chúng sẽ đủ tiền mua hết ruộng của hai làng nọ. Thấy chúng quá quắt như vậy, tháng 4 năm 1632, Nguyễn Thật dâng sớ đàn hặc. Tuy chúa Trịnh rất yêu bọn Tuấn, Lai nhưng cũng phải nghe theo Nguyễn Thật mà bãi chức chúng.

Nguyễn Thật có làm thơ nhưng thơ ông bị thất lạc nhiều. Sau này Lê Quý Đôn có sưu tầm được mười bài và chép vào tập Toàn Việt thi lục, phần lớn là thơ làm trong khi đi sứ và thơ tả cảnh, thơ thù tiếp... Nói chung thơ Nguyễn Thật thiếu chất bay bổng, không có gì sâu xa, chỉ được cái là mộc mạc, chân chất, giản dị, giống ý như con người ông vậy.

Dưới đây xin chép lại ba bài thơ đi sứ và một bài ông viết khi về trí sĩ:

Vu tung tự suỷ phạp kinh luân,

Thượng quốc quan quang hi dụng tân.

Phiếm phiếm Hoàng giang sà quán đẩu,

Sân sân chu thấp mã trì ân.

Thiên cao phong bệ đăng chiêm cận,

Nhật noãn huyện đường nhập vọng tần.

Sự tế công thành hoàn quốc tảo,

Bình an nhị tự báo quân thân.

(Phụng sứ đăng trình tự thuật)

Trần Lê Văn dịch thơ:

Xét mình kém việc kinh luân,

Mà đi làm khách sứ thần bên kia.

Sông Hoàng, thuyền tới sao Khuê,

Cõi Chu rong ruổi quản gì vó câu.

Trời cao bước tới xa đâu,

Nắng nôi, nhớ mẹ quay đầu ngóng quê.

Mong sao xong việc trở về,

Bình an hai chữ, trọn bề quân thân.

(Tự thuật về việc đi sứ)

Bài thơ đi sứ thứ hai:

Tiên chu phiếm phiếm Tứ tân qua,

Tứ cố giang thiên đái vãn hà.

Nhạn tự tung hoành hồi tử tái,

Ngư thoa bát thích ức tình ba.

Nguyên Long hồ hải khâm hoài khoát,

Tư Mã sơn xuyên hứng thưởng đa.

Thả hỷ đế kinh kim tiếp cận,

Tam đình khách phảng thính ngư ca.

(Giang trung vãn diểu)

Trần Lê Văn dịch thơ:

Bồng bềnh sông Tứ, thuyền tiên,

Trời sông vương vấn bốn bên ráng chiều.

Ải xa cách nhạn bay vèo,

Sóng êm cá lội dặt dìu thoi đưa,

Nguyên Long chí lớn hải hồ,

Núi non Tư Mã say sưa không cùng.

Đế kinh gần gũi ta mừng,

Ông chài ca hát, thuyền dừng lắng nghe.

(Chiều giữa sông ngắm cảnh)

Khi về tới Ngũ Lĩnh ở Trung Quốc, tức dãy núi làm ranh giới hai nước Sở, Việt thời cổ (Sở là khu vực tỉnh Hồ Nam phía Nam hồ Động Đình và Việt là khu vực tỉnh Quảng Đông ngày nay), Nguyễn Thật bày tỏ niềm vui:

Ngũ Lĩnh điêu nghiêu trấn Việt thuỳ,

Hứa đa cảnh trí chiếm thanh kỳ.

Uất thông đông hậu thuỳ thiên cán,

Nùng diễm xuân tiền mai nhất chi.

Đồng trụ Trưng Vương lưu cựu tích,

Thạc nhai Trương tướng phục tùng tư.

Phong cương tự cổ phân trung ngoại,

Thâm tiễn thiên công xảo thiết thi.

(Nam hoàn chí Ngũ Lĩnh)

(Núi Ngũ Lĩnh chất ngất trấn ở vùng biên cương đất Việt,

Biết bao cảnh trí tươi tắn kỳ lạ.

Sau mùa đông ngàn cây tùng xanh um,

Trước mùa xuân một nhành mai diễm lệ.

Cột đồng còn lưu dấu cũ Trưng Vương,

Đường đá ngả nghiêng, ngôi đền Trương tướng.

Chốn biên cương từ xưa phân rõ trong, ngoài,

Rất phục thợ trời sao khéo đặt bày)

(Về Nam đến rặng Ngũ Lĩnh)

Về tứ thơ thì hồn hậu. Có thể khi đó là cuối mùa đông nhưng gió xuân đã thổi nên tùng bách vẫn xanh um mà một bông hoa mai trắng đã nở chào mùa xuân mới đang tới. Song chúng tôi muốn lưu ý một chi tiết về lịch sử ở trong câu luận: Trưng Vương cựu tích (Dấu cũ Trưng Vương). Trưng Vương đây đích thị là bà Trưng Trắc. Điều này thực phù hợp với điều mà hai thế kỷ sau Ngô Thì Nhậm đã có dịp nhắc lại khi ông đi sứ nhà Thanh. Số là, Ngô Thì Nhậm có một tập thơ và họa do ông sáng tác (viết và vẽ) nhan đề Hoàng hoa đồ phả (Thơ hoạ đi sứ) ghi chuyện chuyến đi sứ năm 1793. Trong tập thơ hoạ này có bài Phân Mao lĩnh (Núi Phân Mao, một ngọn trong Ngũ Lĩnh), trong đó có câu: Trưng Trắc kiếm mang khai động phủ (Lưỡi kiếm bà Trưng mở ra động phủ).

Trong một tập thơ khác, tập Yên Đài thu vịnh cũng gồm những bài Ngô Thì Nhậm làm khi đi sứ năm 1793 có một ghi chú: “Phía nam hồ Động Đình có miếu thờ bà Trưng Trắc. Bà đã chống Mã Viện ở Hồ Nam... Nay ở đó còn có miếu thờ, tục gọi là miếu Bà Trắc, rất linh ứng”. Năm 1617, Nguyễn Thực đã thấy miếu thờ Trưng Vương ở Ngũ Lĩnh, năm 1793 Ngô Thì Nhậm vẫn còn thấy miếu đó. Như vậy sự tồn tại miếu Bà Trắc là có thật.

Còn dưới đây là bài thơ ông viết trong dịp về trí sĩ từ biệt các bạn cùng ở trong triều:

Tao phùng thịnh vận túc duyên hài,

Lạm tiếu công minh vị đẩu thai.

Đài các qui mô trung điển định,

Quốc gia sự vụ dự tham bồi.

Minh nông tăng xí Chu thần chí,

Trí sĩ trung hàn tử lý hồi....

(Trí sĩ giản đồng triều)

Trần Lê Văn dịch thơ:

Gặp thời thịnh vận duyên may,

Dự nơi cao sáng thân này xứng chưa?

Gác đài, phép tắc qui mô,

Nước nhà mình cũng chăm lo góp phần.

Chỉ mong rạng rỡ nghề nông,

Quê hương, mừng được thong dong quay về.

(Về hưu từ biệt bạn đồng triều)

Nói chung thơ của Nguyễn Thật khá là bằng phẳng. Đôi lúc ông có bắt được những cái đẹp của thiên nhiên. Như ở bài Giang trung vãn diểu, một lá thuyền ở bến sông Tứ bồng bênh, chìm trong ráng chiều, một bày nhạn giăng hàng bay về ải xa, đàn cá dặt dìu dỡn sóng, đó đây vắng tiếng ca thuyền chài... quả cũng là một cảnh đẹp, thanh thoát, bình dị.

Nhưng nổi bật vẫn là những tình cảm của tác giả: đó là sự khiêm tốn, tình nhớ mẹ, lòng yêu quê hương... Đỗ Đình nguyên Hoàng giáp mà vẫn tự xét mình là “kém việc kinh luân”. Khi đi sứ, đã ngoài 50 tuổi mà vẫn “nắng nôi nhớ mẹ quay đầu ngóng quê”. Và khi về hưu thì “quê hương mừng được thong dong quay về”... Đối với Nguyễn Thật, văn cũng tức là người vậy./.

Theo Danh nhân Thăng Long - Hà Nội

Nguyễn Vinh Phúc