Văn hóa – Di sản

Nguyễn Hữu Liêu – Danh tướng thời Lê Trung Hưng

Vũ Tuấn Sán 07/11/2023 13:44

Nguyễn Hữu Liêu (1532-1597) quê ở làng Tây Đam (nay thuộc xã Tây Tựu, huyện Từ Liêm, ngoại thành Hà Nội) là một viên tướng nổi tiếng, có công trong việc phò nhà Lê trung hưng đánh bại nhà Mạc, lấy lại thành Thăng Long năm 1591.

nguyen-huu-lieu.jpg
Nhà thờ dòng họ Nguyễn Hữu tại Hà Nội.

Tổ tiên bảy đời của ông tên tự là Giác Tính, người Trung Quốc đời Minh sang buôn bán lấy vợ người ở làng Ông Mặc, huyện Đông Ngàn (nay thuộc xã Hương Mặc, huyện Tiên Sơn, Bắc Ninh). Người con (tổ sáu đời) di cư sang làng Tây Đam; ông tổ năm đời làm Tri phủ Hà Trung; ông tổ bốn đời (tằng tổ) làm Đô đốc: năm đời đồng tri, sinh một trai hai gái. Trai làm Trung thư giám sinh là ông nội Nguyễn Hữu Liêu. Một con gái lấy chồng ở Dị Mậu, huyện Thạch Thất, sinh ra Mạc Ngọc Liễn, một danh tướng nhà Mạc. Một người khác lấy chồng ở xã Trung Thụy, Đan Phượng, sinh ra Nguyễn Khải Khang, trước làm tướng nhà Mạc, sau đã bỏ vào giúp nhà Lê ở Thanh Hóa, ông bố tự Thuần Mỹ làm Tri phủ Quảng Oai.

Thủa nhỏ, Nguyễn Hữu Liêu mồ côi, cảnh nhà bần bách. Năm 17 tuổi (1549) ông vào Thanh Hóa tìm cậu họ là Nguyễn Khải Khang hồi đó đã bỏ nhà Mạc vào làm quan với nhà Lê, ông được cậu họ nhận làm con nuôi. Năm 1555, ông theo Nguyễn Khải Khang tấn công huyện Yên Định, giết được 10 tướng bên địch, từ đó ông được trọng dụng và luôn luôn lập nhiều công lớn trong việc đánh nhà Mạc. Sau năm 1558, Nguyễn Khảng Khải bị họ Mạc bắt được đem giết đi, ông càng được Lê Anh Tông và Trịnh Kiểm tin dùng. Ông đã lập được nhiều công trạng trong việc tấn công Yên Mô (Ninh Bình) năm 1559, trong việc đánh chiếm Kinh Bắc năm 1569 (ông sung chức Chánh tiên phong). Khi Mạc Kính Điển vào đánh Thanh Hóa năm 1561, các tướng của vua Lê đều thua chạy. Ông được gọi về gấp và đã đánh bại quân Mạc ở những trận An Tràng (Thanh Hóa) năm 1561, ở Gia Viễn, Yên Mô năm 1563 và ở các huyện ở Sơn Nam năm 1565.

Năm 1570 Trịnh Kiểm mất, Trịnh Cối lên thay định tước quyền của em Trịnh Tùng và đem quân ra Vạn Lại định bức bách vua Lê Anh Tông nhưng không được. Mạc Kính Điển được tin đem quân vào đánh Thanh Hóa, Trịnh Cối liền ra hàng, Nguyễn Hữu Liêu và một số tướng khác không theo Cối và đã đem binh về An Tràng với vua Lê, cùng Trịnh Tùng và các tướng ăn thề, bàn mưu chống quân Mạc. Ông đã giữ vững thành phủ Trường Yên, lập kế làm tòa thành bằng giấy một đêm hoàn thành, khiến quân giặc sợ hãi không dám tiến. Sau đó ông đã tấn công vào quân Mạc ở Nông Cống, Ngọc Sơn, Yên Định, Tống Sơn, rồi dẫn binh vào đóng ở Nghệ An (1572).

Năm 1578, Mạc Kính Điển đánh tấn Thanh Hóa bị ông đem quân ra phá tan. Năm 1579, Mạc Kính Điển lại tiến vào phủ Hà Trung, ông phối hợp với Thái phó Đặng Huấn ra đánh. Mạc Kính Điển đại bại và rồi bị bệnh chết. Sau đó Mạc Mậu Hợp lại nhiều lần đem quân vào tấn công Thanh Hóa, ông đã giữ một vai trò quan trọng trong việc chống cự lại, nhiều lần bắt chém được các tướng Mạc, nên đến 1582 được phong làm Tây quân Đô đốc. Từ năm 1582 đến 1589, ông liên tiếp bẻ gãy những cuộc phản kích của quân Mạc.

Năm 1589, Trịnh Tùng đem quân ra Bắc tiến đến Yên Mô. Tổng soái của quân Mạc là Đôn Nhượng đem đại binh vừa đến, ông đem trên một vạn quân mai phục, vừa đánh vừa dụ đến nơi hiểm yếu, rồi ra lệnh đồng thời phản kích, quân giặc tan rã. Trận này cả phá quân Mạc, bắt sống được hai tướng nhà Mạc. Năm 1591, Trịnh Tùng đem đại quân ra Bắc, ông lĩnh một đội quân làm tiên phong. Ngày 27 tháng 12 âm lịch, tới xứ Đồng Bún, xã Phấn Thượng, huyện Phúc Lộc, trấn Sơn Tây (nay thuộc huyện Phúc Thọ, ngoại thành Hà Nội). Khi ra trận ông miệng hô quân, tự mình thúc roi vào trận, chém hai tướng giặc chỉ huy. Quân Mạc tan rã, bị chết nhiều, tranh nhau xuống đò chạy qua sông lại bị chết đuối quá nửa, xác chết trên sông Hát khiến dòng sông không chảy được. Trong trận này, Mạc Mậu Hợp định đánh một đòn quyết liệt nên đã huy động tới 10 vạn quân, lấy ở bốn trấn, bốn vệ và năm phủ. Không ngờ ngay trận đầu đã tan tành. Mạc Mậu Hợp phải một mình một ngựa ruổi chạy. Ngay đêm hôm chiến thắng, ông đã dẫn quân tấn công thành Thăng Long, xung phong vào cửa Tây Bắc. Quân Mạc bỏ chạy, trong thành rối loạn. Ông vào thành đốt cháy Mạc phủ, đến sáng mới rút quân về. Mấy ngày hôm sau, mùng 6 tháng giêng Nhâm Thìn (1592) ông lại cùng Trịnh Tùng tiến đánh Thăng Long. Ông lĩnh 10 nghìn binh tượng qua sông Tô Lịch đến Cống Mọc công phá cổng thành Cầu Dừa, theo cửa Tây tiến vào kinh thành Thăng Long, chấm dứt thời kỳ Nam Bắc phân tranh giữa nhà Mạc và nhà Lê có họ Trịnh giúp sức, Nguyễn Hữu Liêu đứng công đầu. Do đó ông được phong chức Thái úy Dương Quốc công. Năm 1593 - 1594 ông còn liên tiếp đánh bại quân Mạc ở Hải Dương (Thanh Lâm) và Quảng Ninh (Đông Triều), Lạng Sơn (Đại Đồng) và Thái Nguyên (Phổ Yên).

Ông được cấp thưởng, hưởng quyền thu thuế ở bốn phủ xứ Sơn Tây, một số làng ở huyện Đường An, huyện Đường Hào (nay thuộc tỉnh Hải Dương), huyện Ngọc Sơn (Thanh Hóa), ở các huyện La Sơn, Thanh Chương, Châu Phúc, Quỳnh Lưu (Nghệ An, Hà Tĩnh) và ở huyện Hương Trà - Thuận Hóa (Thừa Thiên - Huế).

Tháng 3 âm lịch năm Đinh Dậu (1597), ông cùng Hoàng Đình Ái, Trịnh Đỗ, Nguyễn Hoàng đem năm vạn binh voi đưa vua Lê đến ải Nam Quan hội khám cùng sứ thần Trung Quốc, việc xong, ông về. Đến ngày 5 tháng 7 năm đó, ông mất, thọ 66 tuổi. Nhận xét về đức tính ông, Phan Huy Chú viết: “Ông là người tinh anh, sáng suốt, dũng cảm và quyết đoán. Mỗi khi ra trận, khí hăng hái lên tận mây, tiếng gầm thét như nổi gió mạnh, ba quân vì thế hăng say chiến đấu, không trận nào không thắng. Thế mà vẫn chất phác, trung thực, giữ đúng lễ, đương thời khen ông là tướng giỏi” (Lịch triều hiến chương loại chí).

Hiện nay, tại xóm Thạch Khê, phường Tây Tựu (quận Bắc Từ Liêm) còn đền thờ, trong đó có pho tượng của ông./.

Theo Danh nhân Thăng Long - Hà Nội

Vũ Tuấn Sán