Đặng Huấn – võ tướng dày dạn chiến trận
Đặng Huấn người làng Lương Xá, huyện Chương Đức (nay là huyện Chương Mỹ, Hà Nội), là một danh tướng thời Lê trung hưng. Đặng Huấn sinh năm Kỷ Mão (1519), là người mở dòng huân phiệt cho họ Đặng Lương Xá. Nguyên có tài võ bị, Đặng Huấn được Phụng Quốc công triều Mạc Phúc Hải là Lê Bá Ly yêu quý đem gả cháu gái, lại ủy cho cùng giữ việc binh, từng được nhận đến tước Bá.
Đến triều Mạc Phúc Nguyên, nhà vua nghe gièm ruồng bỏ công thần, Lê Bá Ly đem toàn quân quy thuận nhà Lê ở Thanh Hóa. Về việc này, Phan Huy Chú trong Lịch triều hiến chương loại chí chép: “Năm đầu Thuận Bình (1549), ông Đặng Huấn theo Bá Ly quy thuận nhà Lê. Lượng quốc công Trịnh Kiểm mới gặp lần đầu cùng nói chuyện lấy làm kỳ, hỏi: Làm tước gì? Ông thưa: Tước Khổng Lý bá; ngay hôm đó được cất làm tước Khổng Lý hầu, sai quản đốc quân bộ làm tiên phong, nhiều lần ra trận có công”. Kể từ đấy, Đặng Huấn nổi tiếng là tướng lĩnh tài giỏi của triều Lê, cùng với Vũ Văn Uyên, Phạm Đốc, Hoàng Đình Ái, Nguyễn Hữu Liêu, Hà Thọ Lộc, Lại Thế Khanh, Vũ Sư Thước, Ngô Cảnh Hựu, phò giúp nhà Chúa, lập nhiều chiến tích dẹp giặc, yên Tây kinh, lấy lại Đông kinh Thăng Long cho triều Lê.
Cuộc đời Đặng Huấn gắn liền với các trận giao tranh giữa hai thế lực Trịnh - Mạc. Tính từ năm Thuận Bình thứ nhất (1549) quy thuận vua Trung Tộng, trải triều vua Anh Tông đến năm Quang Hưng thứ 6 (1583) triều vua Hy Tông, khi ông thọ bệnh mất, hơn bốn mươi năm làm tướng dưới ba triều vua, Đặng Huấn đã phụng sự nhà chúa, từ Thái vương Trịnh Kiểm, sau đó là Triết vương Trịnh Tùng, bình định bờ cõi, giữ an ngôi vua, từng bước khắc phục hoàn cảnh chiến tranh loạn lạc. Sử sách còn ghi lại một số chiến công của ông cùng các tướng lĩnh đương thời, khẳng định lòng quả cảm, mưu trí và ý hướng tôn phò đạo thống.
Trở lại với chiến cuộc Lê - Mạc, ngay khi có thêm lực lượng của Lê Bá Ly, tập đoàn Lê - Trịnh đã muốn ra lấy lại Thăng Long. Tháng 6 năm Thuận Bình thứ 3 (1551), Trịnh Kiểm làm tổng chỉ huy, sai Lê Bá Ly và Vũ Văn Mật hội quân cùng tấn công Thăng Long. Mạc Phúc Nguyên rút về Kim Thành, ủy cho Mạc Kính Điển làm Đô tổng súy cầm quân giữ kinh đô. Trận này, tuy Trịnh Kiểm đã tiến vào đến giáp Thăng Long nhưng thế nhà Mạc vẫn mạnh, phải rút về Thanh Hóa tiếp tục củng cố lực lượng. Đặng Huấn từ vai trò quản đốc quân bộ tiên phong trong trận này, dần khẳng định được tài năng của mình, được theo Trịnh Kiểm rong ruổi qua nhiều trận đánh và trở thành một chiến tướng uy dũng, gồm tài thao lược.
Năm Chính Trị thứ ba (1560), Trịnh Kiểm đem quân ra đóng ở Lãm Sơn, Mạc Kính Điển đóng đồn ở Vũ Ninh, hai bên quan quân đối nhau. Phan Huy Chú có chép: “Ông Đặng Huấn nhân thuận tiện sang sông, đi đường tắt tiến đánh bị thua, dưới cờ chỉ còn vài trăm người, bèn thu tàn quân về nghỉ ở Cao Bằng. Lúc bị giặc vây bốn phía ông ra lệnh cho bản bộ không được động xằng, dòm lúc giặc trễ nải, ruổi binh thẳng xuống, nhất tề cố đánh vượt ra khỏi vòng vây, rồi đến được chỗ đại quân đóng ở Lãm Sơn, được Thái sư Trịnh Kiểm khen ngợi, rồi ít lâu thăng tước Nghĩa Quận công”.
Năm Canh Ngọ (1570), Thái sư mất, nhân cơ hội Mạc Kính Điển đem quân đánh vào Thanh Hóa. Tuấn Đức hầu Trịnh Cối run sợ cùng bọn Thế Mỹ ra hàng. Khi ấy Đặng Huấn đang ở quân dinh Kim Thành, hợp với cánh quân của Trưởng Quận công Trịnh Tùng, trở về yến kiến vua ở An Trường, cùng với các danh tướng Hoàng Đình Ái, Nguyễn Hữu Liêu hạ quyết tâm diệt giặc. Kính Điển tiến đánh nhiều lần không được, quân lương hao tổn, bấy giờ vua mới hội các tướng ra quân, cánh hữu của Hoàng Đình Ái, Đặng Huấn và Nguyễn Hữu Liêu thắng lớn. Lịch triều hiến chương loại chí chép, quân đi đến đâu giặc đều chạy tan vỡ cả, bình định được cả vùng Nông Cống, Ngọc Sơn, tướng Hữu Liêu còn bắt sống được tướng ngụy là Phấn Quận công đem về. Phan Huy Chú sau đó có bình: “Khi Cối hàng giặc, Biện dinh thất thủ, sự thế khẩn cấp, Kính Điển tự cho chỉ một tiếng trống là hạ được. Thế mà vẫn giữ vững lòng quân, chống giặc mạnh, cuối cùng chuyển thua hóa được, đổi nguy ra yên đều do sức các ông cả”.
Năm sau (Tân Mùi, 1571), triều đình luận công, Đặng Huấn được thăng Thiếu phó. Hai năm sau nữa, Thế Tông lên ngôi, Hoàng Đình Ái và Nguyễn Hữu Liêu cũng đều được tiến lên chức này. Cách thức minh định công trạng rạch ròi, trọng dụng người tài, lại gắn bó trên dưới một lòng nên tập đoàn Lê - Trịnh thu hút được nhiều người về cửa quân. Phan Huy Chú khi chép về các tướng có tiếng và tài giỏi thời này, có lời án: “Công thần thời Trung hưng dự hạng ưu có 11 người. Ngoài ra hơn 30 người được phong chữ “công thần”. Nay chọn ra những người có công lao rõ rệt. Trừ bốn người công thần được phối hưởng ra, còn chép vào hạng thứ có bốn người: từ Hà Thọ Lộc trở xuống đến Ngô Cảnh Hựu. Họ có chiến công thắng địch, tuy không được rực rỡ lắm, nhưng trải gian nguy, gắng mưu sức; công đánh dẹp người nào cũng nhiều. Tóm lại không thẹn là tướng giỏi. Còn kể ra tài lấy được một thành, thắng được một trận như bọn Trịnh Văn Hải, Phạm Văn Khoái thì không kể xiết”.
Tuy nhà Lê có nhiều dũng tướng nhưng lúc đó nhà Mạc vẫn còn mạnh, nhất là dưới sự chỉ huy của Khiêm vương Mạc Kính Điển, giao tranh vì vậy diễn ra liên miên. Năm Quang Hưng thứ 2 (1579), Kính Điển lại vào phạm cửa Chương Quan, kéo đến Tống Sơn, Đặng Huấn đem quân chống nhà Mạc ở Thái Đường, sai tỳ tướng là Văn Hải làm tiên phong, đến khiêu chiến ở núi Kim Âu, bản thân đem quân lẻn ra sông Bình Hòa đến núi Mục chặn hậu, giáp công với tướng Hữu Liêu, đã đem quân chuyển gỗ, đá lấp bến đò Kim Ngọc, phục binh ở phía trước, thành gọng kìm xiết chặt quân Mạc. Trận ấy Mạc Kính Điển bị thua to, mất cả ngàn quân, bản thân phải tìm đường lui về. Năm Quang Hưng thứ 4 (1581), Kính Điển lại xua quân vào đánh phá, vượt biển vào Quảng Xương, đóng đồn lũy ở Đường Nang. Trận này, Đình Ái làm thống lĩnh toàn quân, Hữu Liêu làm tướng tiên phong, cả hai đều lập công lớn, chém hơn 600 thủ cấp, bắt vài trăm tù binh, trong đó có hai tướng hàm Quận công nhà Mạc, sau người được phong Thái úy, người được thăng coi phủ Tây quân. Sau trận thắng này quân Mạc mới không còn hăng hái nữa, vùng đất Thanh - Nghệ mới được yên ổn. Không thấy sử sách chép vai trò của Đặng Huấn trong trận này, có lẽ do lúc này ông đã đau bệnh, bởi hai năm sau (Quý Dậu, 1583), ông thọ bệnh mất. Đánh giá công nghiệp Đặng Huấn, Phan Huy Chú trong Lịch triều hiến chương loại chí ghi: Đặng Huấn trải được phong Tả đô đốc thự phủ sự ở Tây quân, Thái phó, tước Nghĩa Quận công. Khi mất, được truy tặng Nam quân Hữu đô đốc, Chưởng phủ sự, Thái úy, Nghĩa quận công, tên thụy là Cương Chính. Tuy vậy, lời án của Huy Chú còn nhấn mạnh đến khía cạnh khơi dòng thế phiệt của Trịnh Huấn: “Như Đặng Huấn, tuy chiến công ít, nhưng có tài cầm quân chống giữ, cũng không hổ là tướng giỏi. Lại có con gái làm vương phi, đời đời quý hiển; hơn hai trăm năm vinh hoa rực rỡ hơn cả các họ công thần. Tục ngữ có câu “làm quan họ Đặng”, nay nhân chua rõ dòng dõi ông để tiện tra khảo”. Sự chua rõ ấy là: “Ông có con gái lấy Bình An vương Trịnh Tùng, sinh ra Nghị vương Trịnh Tráng. Con trai ông là Đặng Tiến Vinh cũng có chiến công, được phong tước Hà quận công, tặng Tả tư không. Tiến Vinh sinh bảy con. Như Đặng Thế Tài, Đặng Thế Khoa đều có tài lược, ngôi kiêm cả tướng văn, tướng võ. Một nhà quý hiển ít ai sánh kịp”.
Như vậy, xét về mặt dòng dõi, Đặng Huấn là nhạc phụ Trịnh Tùng, ông ngoại Trịnh Tráng, hai đời chúa có nhiều đóng góp cho Thăng Long: một lấy lại Thăng Long từ tay ngụy Mạc, một dựng xây Thăng Long trở nên giàu mạnh. Về Văn tổ Nghị vương, Phan Huy Chú nhận định: “Khi mới cầm quyền tuổi đã 47, chúa trừ hết nạn nước, hòa hợp nhân dân. Khi trong nước đã thịnh, chúa tin trọng nho thần, giảng cầu chính lý, kính cẩn, cần kiệm, khiêm tốn, nhún nhường, giữ gìn phép tắc, công nghiệp hơn đời trước, nêu đời sau”. Về phả hệ trực truyền, con cháu ông cũng nối đời lùng lẫy danh tiếng. Thế Khoa ban đầu được cất vào hàng võ do dòng dõi nhà tướng, lập nhiều chiến công, lại giữ mình liêm khiết, chính trực, trau dồi học thức, nên được thăng đến Tham tụng, kiêm dụng cả văn võ; Thế Tài trải việc quan cũng được phong Doanh quận công, lấy công chúa, trấn giữ vùng Sơn Tây. Con trai Thế Tài là Tiến Thự cũng nổi tiếng uy dũng, 15 tuổi đã trải tới Trấn thủ Nghệ An, chức Thái phó, được phong họ chúa là Trịnh Liễu, khi mất truy tặng Thái tể, phong làm phúc thần. Mười bảy người con của Thế Tự đều vinh hiển, trong đó Tiến Sở, Tiến Luân, Tiến Lân, Tiến Cẩm, Đình Tướng, Đình Trứ giữ nhiều trọng trách triều đình. Tiến Luân trải phong đến Bộc Quận công, làm Đốc phủ Sơn Tây, Hải Dương; Đình Sở được phong Lại Quận công, trải làm Trấn thủ Sơn Tây; Tiến Lân mấy lần được phong đến Gia Quận công, tặng Đại Tư đồ, Tiến Cẩm được phong Dận Quận công... Đặng Đình Tướng đỗ Tiến sĩ, lại con nhà dòng dõi nên được tin dùng, trước ở ban văn, sau vì biết việc binh nên đổi sang ban võ, đương triều được gia tới Thái phó, tham dự triều chính ở hàng Quốc lão, sau được gia Đại tư mã, mất tặng Đại tư không, phong phúc thần. Các con Đặng Đình Tướng là Đình Hiển, Đình Gián, Đình Quỳnh đều lấy hàng quận chúa, cũng đều làm tướng trong triều, ngoài trấn cả. Con của Tiến Cẩm là Tiến Đông cũng xếp vào hàng danh tướng. Họ Đặng Lương Xá tuy sau có tản cư nhiều nơi, song nối đời về sau cũng nổi danh nhiều người tài đức.
Ngày nay, ở từ đường họ Đặng tại Lương Xá còn giữ được câu đối do vua Lê ban tặng:
- Cự Mạc phù Lê, công tại hoàng gia danh tại sử
(Chống Mạc phù Lê, công ghi ở triều đình, danh lưu sử sách)
- Quy tiền dụ hậu, sinh vi lương tướng tử vi thần
(Quy chế tốt đẹp đời trước tỏ rõ ở đời sau, sống là lương tướng, chết là phúc thần)
Người dân địa phương còn lưu truyền câu ca:
Bao giờ núi Chúc hết cây,
Vực Ninh hết nước Đặng này hết quan.
hay:
Giầu thì Quảng Bị, Bối Khê,
Làm quan Lương Xá, ngoại đê Đại Từ.
Nhìn vào một dòng họ vinh hiển đến vậy mới thấy hết công đức dựng nghiệp của Đặng Huấn. Không chỉ là một vị tướng soái tài ba, Đặng Huấn còn là người giữ được nếp nhà gia giáo, tề gia trị quốc như vậy là gồm đủ. Trong thời buổi tao loạn, tạo được công nghiệp và nền tảng dòng tộc như vậy cũng là ít thấy. Vì thế, không chỉ trực tiếp làm dạng danh Thăng Long, Đặng Huấn còn khởi đầu cho một gia tộc đóng góp cho Thăng Long nhiều danh nhân văn hóa./.
Theo Danh nhân Thăng Long - Hà Nội