Kiều Phú - nhà biên soạn xuất sắc
Kiều Phú là một danh sĩ nổi tiếng đất Thăng Long thời Lê Thánh Tông (1442-1497). Ông sinh năm Bính Dần (1446); chưa rõ năm mất nhưng có sách ghi ông mất năm 1503. Kiều Phú có hiệu Hiếu Lễ, quê quán thuộc Lạp Hạ - Ninh Sơn - Sơn Tây (nay thuộc xã Yên Sơn - huyện Quốc Oai - ngoại thành Hà Nội).
Kiều Phú khi nhỏ sống trong một gia đình nghèo khó, từng phải đi làm thuê cho nhà giàu. Song do bản tính thông minh, ham học hỏi nên mẹ ông đã cố gắng xin cho ông thụ học Trạng nguyên Nguyễn Trực (1417-1473) - người ở xã Nghĩa Hương, cùng huyện. Được thầy giáo tận tình dạy dỗ và đồng niên quý mến giúp đỡ, ông đã lần lượt thi đỗ các kỳ thi Hương, rồi thi Hội. Trong kỳ thi Hội năm Ất Mùi (1475), có tới 3000 thí sinh dự thi, Kiều Phú đã đỗ “đệ nhị giáp đồng tiến sĩ xuất thân” (tức Hoàng Giáp). Sau khi vinh quy bái tổ thì mẹ ông đau yếu và qua đời, ông xin triều đình cho về quê để chịu tang mẹ; hết tang, vua vời ông về kinh đô và bổ nhiệm làm quan. Ông kinh qua nhiều vị trí trong bộ máy quan lại đương thời: Tham chính, Ngự sử, Trấn tị đề hình Thái Nguyên. Kiều Phú là một nhân cách đẹp: không chỉ giữ trọn đạo hiếu với cha mẹ mà hơn thế, ông còn là một người học trò biết tôn sư trọng đạo. Khi được hưởng bổng lộc, nhớ ơn thầy, ông bỏ tiền mua hai đầm thả cá và cấy lúa, giao cho dân làng Văn Khê cúng giỗ thầy học Nguyễn Trực. Ở chi tiết này, có thể nói Kiều Phú đã nêu một tấm gương về hiếu đễ và truyền thống “tôn sư trọng đạo” của dân tộc Việt Nam, xứng đáng là một nhân cách cho hậu sinh noi theo.
Khi làm việc ở kinh thành Thăng Long, Kiều Phú đã cùng Hoàng giáp Vũ Quỳnh (1453-1497) biên soạn Lĩnh Nam chích quái - tác phẩm sưu tập văn học dân gian đầu tiên của Việt Nam. Đây là một tác phẩm từng được chép tay bằng chữ Hán, do một tác giả khuyết danh đời Trần khởi thảo. Hai ông Kiều Phú và Vũ Quỳnh đã bổ sung, hiệu chỉnh và chia thành 2 quyển, gồm 22 truyện.
Nội dung chính của Lĩnh Nam chích quái là những truyện cổ tích, truyền thuyết, thần thoại, dã sử từ thời thượng cổ đến thời Trần, hoặc giải thích nguồn gốc dân tộc (truyện Hồng Bàng, truyện Mộc Tinh...), hoặc kể sự tích các anh hùng, các nhân vật tài giỏi (truyện Phù Đổng Thiên Vương, truyện Hai Bà Trưng...), hoặc giải thích phong tục tập quán (truyện bánh chưng, truyện cây cau...), hoặc có liên quan đến các di tích lịch sử văn hoá (truyện Rùa vàng, truyện Như Nguyệt...). Mặc dù còn in đậm sắc thái huyền thoại, truyền thuyết nhưng Lĩnh Nam chích quái vẫn có nhiều giá trị sử liệu. Từ lâu, tác phẩm này đã được dịch ra chữ quốc ngữ và xuất bản (1960) và đã được tái bản nhiều lần.
Sau khi biên soạn xong tác phẩm trên, Kiều Phú bắt tay vào việc viết lời Tựa. Bài Tựa của Kiều Phú là một văn bản văn học có giá trị nhiều mặt. Nguyên văn bài Tựa như sau:
“Tôi cho rằng việc trên kinh, trên sử cốt để lại cho đời sau. Việc quái gở được ghi chép thành truyện, thành ký, cốt phổ biến để rõ truyện lạ. Thế cho nên việc thời Ngu, thời Hạ, Thương, Chu chép trong sách kinh; việc đời Hán, Đường, Tống, Nguyên, ghi rõ ở sách sử. Còn các truyện ông già ở trên miền sông, con rồng bay xuống đất, tiếng trống kêu trong làng, chim sẻ tha sách đỏ, lại có chép riêng để bổ sung cho các truyện cũ ở các sách còn thiếu sót. Các sách Vũ đế nội truyện đời Hán; Thiên Bảo di sự đời Đường, Triều dã thiêm tái đời Tống, há chẳng phải là những công trình thu thập tất cả các truyện ký quái của từng đời để giúp cho người ta xem đọc.
Nước Việt ta, về khoảng thời gian trước đời Thập nhị sứ quân, tài liệu giấy tờ không còn đủ để chứng thực. Đương nhiên là sự tích các quốc gia (tức triều đại) đã dành thấy chép ở trong các sách Thông giám của Thúc thủy (Tư Mã Quang) và sách sử của các triều. Đến như sông núi linh thiêng, nhân vật kì dị thì tuy không chép trong sử nhưng truyền miệng cũng không sai mấy. Các nhà học giả sau thời đó, biên soạn lại làm thành truyện, gồm được mấy thiên, nhặt nhạnh những chuyện lặt vặt để bổ sung những điều còn thiếu. Trong những việc kì quái, có nhiều điều quan hệ. Than ôi, (trong sách cổ chép) việc trời sai chim huyền điểu xuống đất mà sinh ra tổ nhà Thương, thì việc trăm trứng nở trăm trai, chia nhau trị nước dòng dõi họ Triệu (Triệu Đà) chống chọi Bắc triều, thì truyện Nam Chiếu không thể bỏ được. Nước chảy quanh co mà long mạch tụ hội, ghi lại trong truyện sông Tô Lịch, há chẳng phải là khen cái đẹp của hình thắng kinh đô là gì? Trận đánh thắng lợi mà máy nỏ lơ là chép lại trong truyện móng rùa vàng, hả chẳng phải là chê trách vua An Dương quên lo nguy biến hay sao? Các truyện Tinh cá, Tinh hồ, Tinh mộc ghi rõ sự thực việc trừ hại cho dân. Các truyện Bánh chưng, Mắt rồng, Trĩ trắng chép thật tường tận việc thần tử hết lòng vì nước. Đổng Thiên Vương, Lý Ông Trọng vì đánh giặc giữ nước mà được hiển linh; quả dưa đỏ, buồng cau tươi vì là loài cây cỏ có lợi cho dân mà được khen ngợi. Chép truyện Nhất Dạ trạch Việt tỉnh cương là việc làm thiện trên đời mà được âm đức báo đền, cốt để khuyến khích, chép truyện Hà Ô Lôi, Dạ Thoa Vương là vì dâm ô đến nỗi hại mình mất nước, cốt để khuyên răn. Còn đến như truyện Thần núi Tản Viên thì có công ngăn chặn tai nạn, bà Man Nương thì có công cầu mưa ứng nghiệp liền. Từ Đạo Hạnh phục thù cho cha, Nguyễn Minh Không chữa bệnh cho vua; Dương Không Lộ, Nguyễn Giác Hải làm phép cho rồng xuống đất, cho tắc kè bị rơi, ai cũng phục nghệ thuật thần diệu. Việc tục huyền hoặc nhưng truyền lại rõ ràng, đem mà nói rõ ra cũng chẳng nên ư? Nhưng mà bảo thần Tản Viên là con trai Âu Cơ, Đổng Thiên Vương tức là Long Quân, Lý Ông Trọng nói dối là đi tả mà chết, tôi dám cho là không đúng. Xưa kia sách truyện bảo Y Doãn, do việc bếp núc giỏi được gặp vua Thang, Bách Lí Hề do nghề chăn trâu được gặp Tần Mục Công, nếu không có ông Mạnh Kha hết sức biện bạch thì hai ông ấy cứ bị mang tiếng hèn hạ mãi. Này, Tản Viên là thần có khí thiêng, Đổng Thiên Vương là tướng từ trời xuống. Lý Ông Trọng lại là hào kiệt một thời, sao có chuyện như là lời đã chép được? Vì thế, tôi tìm rộng các sách, phụ thêm ý riêng, thay đổi cho đúng, phân tích cho đúng những điều viễn vông xưa kia, giải chuyện chê cười cho lớp sau này, lại bỏ bớt những điều thừa, làm thật gọn, để bỏ vào trong tráp cho tiện lúc coi, xin các bậc học rộng tha lỗi cho việc tiếm lạm ấy thì thật may lắm” (Trần Nghĩa - Vũ Thanh Hằng dịch)...
Qua bài Tựa trên, chúng ta có thể thấy được ở Kiều Phú một ý thức làm việc nghiêm túc. Một mặt, ông nêu lên một số lí do dẫn đến việc thư tịch, di sản văn hoá của cha ông thất truyền; mặt khác, ông nêu lên mục đích, động cơ biên soạn sách. Đặc biệt hơn, Kiều Phú còn bước đầu phân loại các truyện được chép căn cứ vào đề tài - chủ đề của nó. Qua lời ghi vắn tắt, ngắn gọn, người đọc đời sau có thể hình dung được bước đầu về nội dung của từng truyện. Thêm nữa, với ý thức rất nghiêm túc về vai trò của những yếu tố kỳ ảo trong các truyện, Kiều Phú đã tìm cách “phụ thêm ý riêng, thay đổi cho đúng, phân tích cho đúng những điều viển vông xưa kia, giải chuyện chê cười cho lớp sau này, lại bỏ bớt những điều thừa, làm thật gọn...”. Với phương pháp làm việc khoa học như vậy, có thể thấy ở Kiều Phú phẩm chất tuyệt vời của một người am hiểu nghĩa sách, kinh truyện; trân trọng, yêu mến và có ý thức giữ gìn, bảo tồn nền văn hiến của dân tộc; bước đầu có năng lực phân tích của một nhà biên soạn, ghi chép văn học chuyên nghiệp. Tính tại thời điểm thế kỉ XV, bài Tựa của Kiều Phú càng trở nên có ý nghĩa nhiều hơn, được người sau học tập. Kiều Phú xứng đáng với cách đánh giá của người đời sau, ghi nhận về ông trên tư cách một học giả uyên thâm về lịch sử và văn hoá nước nhà.
Nhân dân nơi quê hương mãi tự hào, yêu mến và trân trọng tài năng cũng như nhân cách Kiều Phú. Tại thôn Liệp Hạ, xã Liệp Tuyết, huyện Quốc Oai đã lập đền thờ để tưởng nhớ đến ông./.
Theo Danh nhân Thăng Long - Hà Nội