Văn hóa – Di sản

Lương Thế Vinh – nhà toán học xuất sắc thế kỷ XV

Lưu Minh Trị 05/11/2023 16:34

Trạng nguyên Lương Thế Vinh, tự là Cảnh Nghị, hiệu là Thụy Hiên, sinh ngày 1 tháng 8 năm Tân Dậu (1441) trong một gia đình nông dân có học ở làng Cao Hương, huyện Thiên Bản, nay là thôn Cao Phương, xã Liên Bảo, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định.

luong-the-vinh.jpg
Tranh Trạng nguyên Lương Thế Vinh.

Thời niên thiếu, Lương Thế Vinh đã nổi tiếng là thần đồng, thông minh, nhanh trí. Chuyện kể rằng Lương Thế Vinh học rất mau thuộc, mau hiểu mà chơi cũng rất tài tình (thích thả diều, câu cá, bẫy chim cùng các bạn trẻ chăn trâu). Lớn lên, Lương Thế Vinh càng học giỏi, học có phương pháp, kết hợp học với lao động, vui chơi giải trí. Khác với những người “dùi mài kinh sử”, học như con vẹt, chỉ thuộc nhiều “thi thiên, phú bách, văn sách năm mươi”, không cần hiểu không cần sáng tạo, Lương Thế Vinh học đến đâu đều có đào sâu hiểu rộng. Khi học thì chuyên tâm, khi thả diều thổi sáo, xem chèo thì thoải mái. Trong khi vui chơi thả diều, Lương Thế Vinh rung dây diều để tính toán ước lượng chiều dài, chiều cao; khi câu cá, Lương Thế Vinh tìm hiểu đời sống của sinh vật, ước tính đo lường chiều sâu ao hồ, chiều rộng sông ngòi và kiểm tra lại bằng thực nghiệm. Lương Thế Vinh đã nghĩ ra cách đo bóng cây và chiều dài của cây.

Chưa đầy hai mươi tuổi, tài học của Lương Thế Vinh đã nổi tiếng khắp vùng Sơn Nam. Năm 23 tuổi, đời vua Lê Thánh Tông, năm Quang Thuận thứ tư (1463), Lương Thế Vinh đỗ Trạng nguyên. Theo Đại Việt sử ký toàn thư khoa thi có tới 4.400 cử nhân dự và chọn được 44 tiến sĩ, Lương Thế Vinh đỗ đầu. Vua Lê Thánh Tông phấn khởi trước thắng lợi của khoa thi khi mình mới lên ngôi đã đặc ân ban một lá cờ khoa, tự tay đề tên ba vị khôi khoa thành một bài thơ:

Trạng nguyên Lương Thế Vinh,

Bảng nhãn Nguyễn Đức Trinh,

Thám hoa Quách Đình Bảo,

Thiên hạ cộng tri danh.

“Thiên hạ cộng tri danh” nghĩa là mọi người trong thiên hạ đều biết tên. Từ đó, danh tiếng của Trạng nguyên Lương Thế Vinh vang lừng khắp nước.

Cuộc đời 32 năm làm quan, Lương Thế Vinh đều ở Viện Hàn lâm, trải thăng đến chức Hàn lâm Thị thư chưởng Hàn lâm viện sự, đứng đầu Viện hàn lâm. Ông có biệt tài về ngoại giao, được nhà vua tin yêu, giao trọng trách soạn thảo văn từ bang giao và đón tiếp sứ thần nước ngoài. Nhiều bài biểu do Lương Thế Vinh soạn gửi cho vua Minh để giải quyết mối quan hệ giữa hai nước, đều được vua Minh chấp thuận. Vua Minh phải khen là “nước Nam có lắm người tài”.

Trạng nguyên Lương Thế Vinh còn dạy học ở Quốc Tử Giám, Sùng văn quán và Tú lâm cục là những trường cao cấp thời bấy giờ, chuyên đào tạo nhân tài cho đất nước về văn chương và toán học. Học trò của ông có nhiều người đỗ đạt cao như Nguyễn Tất Đại đỗ Tiến sĩ năm 1469; Trần Bích Hoành đỗ Thám hoa năm 1487; Trần Xuân Vinh đỗ Tiến sĩ; và Lương Đắc Bằng đỗ Bảng nhãn năm 1499. Lương Đắc Bằng lúc 12 tuổi đã học Lương Thế Vinh, được thầy truyền thụ về toán học, sau này là thầy học của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Lương Thế Vinh không những dạy toán học ở Tú lâm cục, ông còn giữ chức Cấp sự trung khoa công, chuyên khảo sát việc tạo tác, xây dựng các công trình như cung điện, đền đài, thành quách, đường sá, đê điều... cần đến toán học. Lương Thế Vinh đã biên soạn cuốn Đại thành toán pháp để tiện dùng, đó là cuốn sách giáo khoa toán đầu tiên ở nước ta. Trong cuốn sách, ông đã tổng kết những kiến thức toán thời đó và cả những phát minh của ông. Mở đầu cuốn sách, Lương Thế Vinh đề bài thơ khuyên mọi người học toán:

Trước thời biết cách thương lường,

Tính toán bình nhân ở cửu chương.

Thông hay mọi nhẽ điều vinh hiển,

Học lấy cho tinh giúp thánh vương!

Trong sách dạy các kiến thức về số học, phương pháp đo lường bóng (phương pháp đồng dạng), hệ số đo lường, cách cân, đo, đong, đếm, định vị, đơn vị, tiền vải và dạy toán đạc điền...

Ở mỗi phần, mỗi phương pháp, ông còn có bài thơ Nôm cho người ta dễ nhớ. Ví dụ dạy cách tính diện tích hình thang, ông viết:

Tam giác bị cụt đầu,

Diện tích tính làm sao?

Cạnh trên cạnh dưới cộng vào,

Đem nhân với nửa bề cao khắc thành!

Điều đáng chú ý là cuốn sách soạn từ thế kỷ XV, mà mãi đến thế kỷ XIX nó vẫn được dùng làm sách giáo khoa để dạy toán trong các trường học. Thời Lương Thế Vinh, các công cụ tính toán thật là thô sơ, nghèo nàn. Ở Việt Nam lúc đó công cụ tính toán chủ yếu vẫn là hai bàn tay bằng cách “bấm đốt ngón tay”. Khi đó người ta còn dùng một sợi dây với những nút thắt làm công cụ đếm (thắt nút, cởi nút)...

Sau nhiều ngày đêm suy nghĩ, Lương Thế Vinh sáng chế ra một công cụ tính toán lợi hơn. Cuối cùng ông đã sáng chế ra bàn tính gẩy - chiếc bàn tính đầu tiên của Việt Nam. Lúc đầu ông nặn những hòn bi bằng đất có khoan lỗ ở giữa, xâu vào một cái đũi, các sâu buộc cạnh nhau thành một bàn tính. Ông cải tiến dần những “viên tính” bằng đất thành những đốt trúc ngắn, rồi những viên tính bằng gỗ sơn màu khác nhau để dễ tính, dễ nhớ.

Lương Thế Vinh am hiểu sâu sắc về âm nhạc và hát chèo. Vốn là người thích xem chèo, nên dường như không một tối diễn chèo nào ở kinh đô lại vắng mặt ông. Cũng vì Lương Thế Vinh gần gũi nhiều phường chèo, biết nhiều tích, nhiều vai, nên Lương Thế Vinh thấy được chỗ yếu, chỗ mạnh của từng phường. Ông đã cùng Thân Nhân Trung và Đỗ Nhuận soạn hai bộ Đồng văn và Nhã nhạc dùng trong quốc lễ và triều hội. Ông nghiên cứu hàng trăm phường chèo, biên soạn cuốn Hý phường phả lục ghi lại các khoán ước của phường chèo, kịch bản và diễn xuất, cách đánh trống chèo, phương pháp múa và hát... Năm 1501, năm năm sau khi ông mất, bạn ông là tiến sĩ Quách Hữu Nghiêm (người Thái Bình) đã đề tựa và đưa in tác phẩm trên. Sách Lịch sử Việt Nam, Tập I (1971), đã ghi nhận: “Cuốn Hý phường phả lục của Lương Thế Vinh xuất bản năm 1501 có thể coi đó là tác phẩm lý luận đầu tiên về nghệ thuật kịch hát cổ truyền. Tác giả đã tổng kết kinh nghiệm và nêu lên những nguyên tắc có tính chất lý luận về nghệ thuật biểu diễn, diễn viên, múa hát và đánh trống”.

Về văn thơ, Lương Thế Vinh cũng có nhiều đóng góp. Ông giữ chức Sái phu trong hội thơ Tao đàn của vua Lê Thánh Tông, là người chuyên phê bình, sửa chữa thơ trong hội, nhiều lần đã ngâm họa với vua Lê như bài Tư gia tướng sĩ (Tướng sĩ nhớ nhà) và bài Lục Vân động (Động Lục Vân)... Ông còn cùng với Đỗ Nhuận, Thân Nhân Trung, Đào Cử... soạn nhiều bài ký, văn bia ở Văn Miếu, ở chùa Diên Hựu (Một Cột). Ông để lại hai bài phú ca ngợi cuộc sống thanh cao, không màng danh hoa phú quý. Văn thơ của Lương Thế Vinh, nhìn chung thể hiện sâu sắc tư tưởng yêu nước, thương dân, căm ghét bọn quan lại tham nhũng, thích cuộc sống thanh cao, gần gũi với dân quê...

Lương Thế Vinh là người trọng thực học, thích mở mang kinh tế. Ông đã dạy dân làng Hương làm nghề thuốc bắc, thuốc nam chữa bệnh cứu người, khuyến khích mở nhiều chợ búa để dân mua bán, trao đổi hàng hóa. Ông thích mở mang dân trí xuống tận dân thôn, giáo dục con người cả tài cả đức. Trong bài văn sách thi Đình, vua hỏi về “Đạo trị nước của bậc đế vương”, Lương Thế Vinh viết: “Việc giáo dục làm tốt thì phong tục đẹp, có tôn sư trọng đạo mới có nhiều người tài giỏi. Giáo chức có quan hệ lớn như vậy đó. Nhưng việc giáo dục hiện chỉ chú ý đến văn chương, cái đáng у lo là chưa dạy đức hạnh”...

Yêu nước, thương dân, ông luôn muốn cho đất nước thanh bình, dân ấm no, triều đình và dân cùng lo việc nước. Với suy nghĩ như vậy, nên đoạn văn sách thi Đình nổi tiếng đó, Lương Thế Vinh Khuyên nhà vua ra sức kén chọn người hiền tài, đặt quan chức để “vì dân mà làm việc”, khuyên nhà vua và triều đình phải “đồng tâm nhất thể”. Ông viết: “Vua tự sửa mình, bầy tôi tự sửa mình thì chính sự sẽ được tốt đẹp, lê dân đều có đức thì chính được lòng người, trừ được tệ xấu”

Cuối đời, Trạng nguyên Lương Thế Vinh về trí sĩ tại quê nhà. Ông về hưu thực ra không phải vì ốm yếu, mà ông muốn rảnh rỗi trở về sống yên tĩnh ở quê hương, làm thêm việc gì có ích trước khi xuôi tay, nhắm mắt. Ý đã quyết, Lương Thế Vinh không nghe theo lời nài ép của vua và cũng không nhận quà của vua ban để giữ lòng cho sạch. Sống ở quê hương, ngày ngày ông leo núi, thả diều, đọc sách, vui chơi với các bô lão nông thôn. Ông đi sâu nghiên cứu về đạo Phật, đã chú giải nhiều kinh Phật và đề tựa cho in nhiều tác phẩm Phật học như Nam tông tự pháp đồThiền môn giáo khoa của nhà sư Thường Chiếu thời Lý.

Nhân dân Cao Hương yêu mến Lương Thế Vinh. Nhưng yêu quí hơn vẫn là những học trò đã và đang học Lương Thế Vinh. Cứ đến mùa sen nở, ông lại một lần tiễn học trò mình đi thi. Học trò Sơn Nam đến theo học ông ngày càng đông và không ít người đã thành đạt.

Trạng nguyên Lương Thế Vinh mất tại quê nhà ngày 26 tháng 8 năm Bính Thìn (1496), thọ 55 tuổi.

Nghe tin Lương Thế Vinh qua đời, vua Lê Thánh Tông đã làm bài thơ Nôm điếu ông:

Chiếu thư thượng đế xuống đêm qua,

Gióng khách chương đài kiếp tại nhà.

Cẩm tú mấy hàng về động ngọc,

Thánh hiền ba chén ướt hồn hoa.

Khí thiên đã lại thu sơn nhạc,

Danh lạ còn truyền để quốc gia.

Khuất ngón tay than tài cái thế,

Lấy ai làm Trạng nước Nam ta.

Nhà bác học Lê Quý Đôn (thế kỷ XVIII) đã hết lời ca ngợi Lương Thế Vinh, đánh giá ông là con người có tài kinh bang tế thế, một con người “tài hoa danh vọng vượt bậc”. Những đánh giá trên, thiết nghĩ là khá đầy đủ và đúng nhất về Trạng nguyên Lương Thế Vinh.

Hình ảnh Trạng nguyên Lương Thế Vinh còn sống mãi trong tâm thức mọi người bằng truyền thuyết và giai thoại về cuộc đời, sự nghiệp, tài đúc và lòng yêu nước yêu dân của ông. Nhân dân làng Cao Hương đã quý mến giữ gìn phần mộ của ông tại khu Mả Trạng. Đền thờ Trạng nguyên Lương Thế Vinh được xây dựng trên chính nền nhà cũ tại Giáp Nhất, làng Cao Hương.../.

Theo Danh nhân Thăng Long - Hà Nội

Lưu Minh Trị