Văn hóa – Di sản

Nguyễn Như Đổ - nhà chính trị, nhà ngoại giao tài giỏi

Lê Văn Tấn 05/11/2023 08:18

Nguyễn Như Đổ (1424 - 1526), tên chữ Mạnh An, hiệu Khiêm Trai, người làng Đại Lan Châu, huyện Thanh Đàm, trấn Sơn Nam (nay là thôn Đại Lan, xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì, ngoại thành Hà Nội). Tại kỳ thi Hội đầu tiên thời Hậu Lê (năm Đại Bảo thứ ba, 1442) ông đã đỗ đầu; ngay sau đó thi Đình đậu Bảng nhãn, khi vừa 19 tuổi. Khi Nguyễn Như Đổ vừa thi Đình xong, ông liền được cử làm Soạn chế cáo ở Viện Hàn lâm, năm 1449, thăng lên Trực học sĩ.

nguyen-nhu-do.jpg
Nguyễn Như Đổ (1424-1526) quê làng Đại Lan Châu, huyện Thanh Đàm, nay là huyện Thanh Trì, Hà Nội.

Nhà nước phong kiến lấy con đường đi sứ gian truân làm nơi rèn luyện và thử thách các sĩ phu. Vào mùa thu năm Kỷ Mão (1459), ông được cử đi sứ lần thứ ba sang Minh. Cũng như hai lần trước (1443 và 1449), trong cống phẩm lần này có cả ngọc trai. Nguyễn Như Đổ hiểu rõ nỗi thống khổ của người dân Đại Việt phải lặn tìm nơi biển sâu thứ của quý này, đúng như Nguyễn Trãi đã viết trong Bình Ngô đại cáo: “Mò ngọc trai thì mặc giao long mà giòng lưng lặn biển”. Ông đã cùng Lê Cảnh Huy, và Trạng nguyên Nguyễn Nghiêu Tư biện bạch với vua tôi nhà Minh miễn cho cống phẩm này.

Năm Quang Thuận thứ 3 (1462), Hàn lâm học sĩ Tiền Phổ nhà Minh sang sách phong. Tiền Phổ là người thích tranh luận và hay bắt bẻ. Nguyễn Như Đổ được vua Lê Thánh Tông giao trọng trách tiếp. Trong 12 ngày ở Đại Việt, sứ thần này đã khâm phục tài cao học rộng cũng như tinh thần trung quân ái quốc của Nguyễn Như Đổ.

Trong 16 năm, trải ba lần đi sứ và giữ một số chức quan ở trong triều, ngoài nội, Nguyễn Như Đổ đã trưởng thành. Năm 1460, Lê Thánh Tông lên ngôi, vị vua tài giỏi rất trọng hiền tài, đã chọn ông làm Lại Bộ Thượng thư, giữ việc cất nhắc, tuyển bổ các quan. Việc hệ trọng và chẳng đơn giản chút nào. Tuyển bổ đúng thì được vua khen, tuyển bổ sai thì bị biếm chức. Những việc ông làm góp phần tích cực chỉnh đốn lại bộ máy hành chính từ nội triều đến các làng xã. Cùng với chức Kiêm thừa chỉ Học sĩ Viện Hàn lâm (người đứng đầu của Viện), ông còn được giao chức Tả ty sảnh môn hạ, Tả gián nghị đại phu, coi sổ sách quân dân ở Bắc đạo, tiến lên kiêm Thượng thư Bộ Lễ, Đại học sĩ điện Càn Đức, tân khách của Thái tử.

Như vậy, trong những năm đầu của thời Lê Thánh Tông, Nguyễn Như Đổ đã giữ cả hai bộ quan trọng nhất của triều đình. Trong 38 năm Đại Việt được sống trong hoà bình, kinh tế, văn hoá, giáo dục đều phát triển ở mức cao. Các đời vua sau đều lấy đó làm mẫu mực noi theo. Trong thành tựu chung này, Nguyễn Như Đổ đã có đóng góp đáng kể. Muốn đất nước hưng thịnh, không phải chỉ có vua hiền mà còn cần phải có tôi giỏi.

Ngoài những cống hiến xuất sắc trên các mặt chính trị, ngoại giao, Nguyễn Như Đổ còn là nhà giáo dục có nhiều đóng góp. Là vị quan trẻ, có học vấn uyên thâm, ông được cử vào điện Càn Đức dạy Thái tử. Năm Quý Mùi (1463), ông được cử vào ban độc quyển chấm bài trong kỳ thi Đình. Đó là một trong hai kỳ thi đông vui nhất của thời Lê Thánh Tông. Sĩ tử khắp nước về kinh đô tới 4.000 người. Kỳ thi này lấy Lương Thế Vinh đỗ Trạng nguyên. Sau đó, ông còn được cử làm Đề điệu (Chánh chủ khảo) trong hai kỳ thi Đình năm Bính Tuất (1466) và Kỷ Sửu (1469).

Năm 1486, cùng với việc sửa chữa lại Văn Miếu, Nguyễn Như Đổ nhận chức Tế tửu Quốc Tử Giám trong 10 năm rồi mới về hưu trí. Là hiệu trưởng trường đại học của quốc gia, ông có dịp chăm lo việc học cho những học trò ưu tú trong cả nước. Sử cũ còn ghi một số cải cách của ông trong việc tuyển lựa, khảo xét học trò và được Lê Thánh Tông ưng thuận.

Nguyễn Như Đổ mất đã gần 500 năm, nhưng vua các đời sau đều nhắc nhở đến ông. Lê Quý Đôn, Lê Cao Lãng, Phan Huy Chú, Nguyễn Văn Tố, Trần Văn Giáp... đều có những công trình viết về ông. Đặc biệt, khi soạn bộ Lịch triều hiến chương loại chí (đầu thế kỷ XIX), trong phần Nhân vật chí, Phan Huy Chú đã đánh giá Nguyễn Như Đổ là một trong 18 người có công lao phò tá tài đức thời Lê sơ: “Ông lúc trẻ thi đỗ khôi nguyên, khi lớn thì làm quan to, được hưởng cõi thọ trăm tuổi, trải qua tám triều, cũng là một sự ít có trong hoạn đồ”.

Trong sách Danh nhân Hà Nội (1973), Trần Văn Giáp viết: “Ông vừa là nhà chính trị, nhà ngoại giao vừa là nhà quân sự, nhà giáo dục có một tài năng hiếm có. Ngoài ra, ông còn là một nhà văn, nhà thơ lỗi lạc”. Trong đời Thái Hoà, ông vâng mệnh soạn bài văn bia miếu Lê Khôi, tướng giỏi và là cháu của Lê Thái Tổ đặt ở núi Nam Giới (nay thuộc địa giới hai huyện Can Lộc và Thạch Hà, Hà Tĩnh). Theo Phan Huy Chú, ông có tập thơ nhưng đã thất truyền, nay chỉ còn 6 bài chữ Hán chép trong Toàn Việt thi lục của Lê Quý Đôn, và một bài Biểu tạ ơn chép trong Hoàng các di văn hiện lưu tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm.

Trong thơ Nguyễn Như Đổ, chúng ta thấy hiện lên một thi nhân ung dung, tự tại, vui cảnh sống điền viên, vườn ruộng. Bài thơ nổi tiếng nhất ông viết về chủ đề này là bài Thành nam viên cư:

Nam thành bốc trúc kỷ kinh xuân,

Dược phố, sơ huề thử thứ tân.

Tiểu kính bất hiềm thông tử mạch,

Đoản ly khước hỷ cách hồng trần.

Trí đường vũ quá oa thanh náo,

Đình viện âm nung điểu ngữ tần.

Hoa trúc khả cung u đạm hứng,

Triều hồi nhật nhật lạc vong bần.

Nhóm Lê Quý Đôn dịch thơ:

Nhà dựng nam thành trải mấy xuân,

Đám rau vườn thuốc mở mang dần.

Chẳng e lối hẻm liền đường tía,

Lại được rào thưa cách bụi trần.

Mưa tạnh ếch kêu hồ rộn tiếng,

Cây râm chim hót bóng đầy sân.

Trúc hoa sẵn đủ mùi thanh đạm,

Mỗi buổi chầu tan hưởng thú bần.

(Nhà ở trong vườn phía nam thành)

Nhà thơ cũng gửi gắm tâm sự, tình cảm của mình cho bè bạn đồng liêu với mình:

Nhất quan quý ngã nhàn vô bổ,

Bách lý tả quân phụ hữu vi.

Tá vấn Trường An hiền quận giáo,

Ninh vô thư tín ký tương tư.

(Thanh minh hậu, tặng chuyến vận sứ Trần Văn Huy, kiêm tấn vấn Trường An giáo thụ Nguyễn Tử Tấn)

Tác giả của Hoàng Việt thi văn tuyển dịch thơ:

Thẹn tớ viên quan không bổ ích,

Tiếc người trăm dặm phụ tài hay.

Trường An muốn nhắn thăm nhà giáo,

Tưởng nhớ tin thư chẳng tới đây.

(Sau tết thanh minh, tặng quan

Chuyển vận sứ Trần Văn Huy và hỏi thăm quan giáo thụ Tràng An Nguyễn Tử Tấn)

Nguyễn Như Đổ cũng có những đóng góp ít nhiều vào chủ đề ngợi ca cảnh sắc và con người Thăng Long. Qua thơ văn ông, người đọc ngày nay cũng có dịp hiểu thêm về hình bóng không gian, thiên nhiên của một Thăng Long bình dị vào thế kỷ XV:

Thành Nam xuân sắc mộ,

Mao ốc yểm sài quynh.

Thế bạn đài ngân lục,

Đình tiền thảo sắc thanh...

(Phía nam thành vào lúc cuối xuân,

Nhà lợp tranh, ngoài đóng cửa ván.

Bên thềm có ngấn rêu biếc,

Trước sân màu cỏ xanh...)

Về mặt nghệ thuật, nhìn chung thơ Nguyễn Như Đổ được viết giản dị, mộc mạc, có hơi hướng hiện thực, được các tác giả đời sau kế thừa và phát huy. Đây chính là một đóng góp của ông cho lịch sử văn học dân tộc. Nhà sử học Phan Huy Chú từng viết trong Lịch triều hiến chương loại chí: “Như Bảng nhãn họ Nguyễn ở Lan Châu là người đỗ khôi nguyên lúc mới khai quốc, văn chương có tiếng ở đời” (1809-1919). Học giả Trần Văn Giáp nhận xét: “Trú ở phía nam thành Thăng Long, ông là một nhà thơ đặc biệt Hà Nội; thơ của ông thanh đạm mà phóng khoáng, tả cảnh sắc rất hoạt động. Câu cuối bài Thành nam viên cư nhắc người ta nhớ đến câu Triều hồi nhật nhật điển xuân y (Chầu về ngày ngày cố áo xuân) của Đỗ Phủ. Bài Thư trai xuân mộ chứng tỏ cái ung dung, thích thảng của một người có đạo đức cao quý, tự tin ở mình, coi thường danh lợi. Bài thơ trên có cái tài hoa, đôi nét phóng khoáng của con người Hà Nội xưa, đóng góp vào kho tàng văn học viết về Thăng Long - Hà Nội” (Danh nhân Hà Nội). Đúng như nhận xét về thơ văn ông, các tác giả Tinh tuyển Văn học Việt Nam, Tập IV (2004) đánh giá ngắn gọn: “Thơ của ông chân thực, mẫu mực”... Và ngày nay, nhớ về Nguyễn Như Đổ, chúng ta nhớ một con người tài ba đức độ. Ông làm quan to, có 112 mẫu điền lộc, được hưởng nhiều đặc ân của triều đình mà hằng ngày vẫn sống một cuộc đời thanh bần. Ông đã nêu một tấm gương về lối sống và đức độ cho đời sau.

Ngoài ra, đối với quê hương Đại Lan, ông dành cho dân làng nhiều nghĩa nặng tình sâu. Tại văn tế đình làng còn chép một đôi câu đối nói về tài năng của ông:

- Trợ thần bút điểm chu đầu, ton chù quả tam khôi cập đệ

- Phát thiên quang trình bạch nhĩ, cung giai vi lục bộ thượng thư

Chính vì có đạo lý nên ông đã để lại trong tâm khảm người dân niềm kính trọng sâu xa. Trong lịch sử khoa cử Việt Nam, tên tuổi Bảng nhãn Nguyễn Như Đổ được ghi trong sách Lê triều đăng khoa lục. Năm 1484, triều Lê cho dựng loạt bia đá ghi danh các tiến sĩ đầu tiên đặt tại Văn Miếu. Trên tấm bia khoa thi năm Đại Bảo thứ 3 (1442), khoa thi mở đầu của thời Lê sơ, Nguyễn Như Đổ đứng tên thứ hai, sau Trạng nguyên Nguyễn Trực. Tấm bia này hiện được đặt tại đình bia ở bên phải giếng Thiên Quang trong khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Tại làng Huỳnh Cung, xã Tam Hiệp (huyện Thanh Trì) có ngôi đền thờ Đức thánh Chu, do Phạm Sư Mạnh và Lê Bá Quát dựng trên nền trường cũ của Chu Văn An từ đời Trần. Hậu cung có 63 bài vị thờ những người đỗ đại khoa của huyện. Bài vị của Nguyễn Như Đổ đặt ở vị trí thứ hai, sau bài vị của Chu Văn An. Tại làng Đại Lan Châu, tên tuổi ông ghi trong Bản xã tiên hiền và có tên trong văn tế đọc tại đình làng vào sáng mồng một Tết Nguyên đán và lễ khai hạ mồng 6 tháng Giêng. Ngoài ra, trong bản văn tế của làng Trung Quan Châu (nay thuộc xã Văn Đức, huyện Gia Lâm) và văn tế hàng tổng Đại Quan Châu (nay thuộc huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên); tổng Vạn Phúc Châu (nay thuộc huyện Thanh Trì, Hà Nội) đều có nêu công danh Nguyễn Như Đổ, bậc khai khoa của làng Đại Lan. Tại làng Trung Quan Châu (vốn từ làng Đại Lan Châu tách ra) hiện có đền thờ Nguyễn Như Đổ và dân làng này còn truyền tụng nhiều giai thoại về ông. Từ năm 1994, tên tuổi danh nhân Nguyễn Như Đổ đã được đặt cho một tuyến phố bên cạnh Văn Miếu, trường đại học đầu tiên của Thăng Long - Hà Nội và cả nước./.

Theo Danh nhân Thăng Long - Hà Nội

Lê Văn Tấn