Văn hóa – Di sản

Đinh Lễ - danh tướng kháng chiến chống Minh

Lê Văn Lan 04/11/2023 17:07

Đinh Lễ (?-1427) là người ở Lam Sơn, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Theo gia phả họ Đinh ở Thái Bình, ông thuộc dòng dõi Nam Việt Vương Đinh Liễn. Em Đinh Lễ là Đinh Liệt cũng là một công thần khai quốc nhà Hậu Lê. Cả hai anh em ông đều được đặt tên phố ở quận Hoàn Kiếm, trung tâm Thủ đô Hà Nội.

Tháng Giêng năm Mậu Tuất (1418), giữa những ngày đầu dấy quân khởi nghĩa của Lê Lợi, ở Lam Sơn, đã thấy sớm nổi lên gương mặt kiên trung của một danh tướng: Đinh Lễ.

Là cháu gọi Lê Lợi bằng cậu ruột, lại là anh ruột của danh tướng Đinh Liệt, tướng Đinh Lễ còn được sử cũ chép công lao, chiến tích dưới cái tên Lê Lễ, vì đã có vinh dự được “tứ quốc tính”: mang họ của vua.

dinh-le.jpg
Đền thờ Đinh Lễ tại thị trấn Vạn Hà, huyện Thiệu Hóa được công nhận Di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia năm 1994.

Những ngày giữa tháng Giêng năm Mậu Tuất dựng cờ chống quân xâm lược nhà Minh ấy, sau trận đầu đánh thắng tướng giặc Mã Kỳ, khi hắn kéo quân thẳng đến tận căn cứ Lam Sơn, toan tiêu diệt nghĩa quân ngay khi còn trứng nước, Lê Lợi đã lui quân về thủ hiểm ở vùng núi Chí Linh. Bị kẻ phản bội “dẫn đường cho giặc đi lối tắt, đánh úp đằng sau vua, bắt mất gia thuộc của vua và rất nhiều vợ con của quân dân” đây là nguyên văn sách Đại Việt sử ký toàn thư - ở lần thứ nhất rút vào rừng núi Chí Linh nương náu ấy, còn gặp cả cảnh “quân sĩ dần dần chán nản bỏ đi”. Nhưng Bình Định vương Lê Lợi vẫn có bên cạnh mình những tướng quân, không chỉ hăng hái đánh giặc trận đầu, mà còn trung thành theo sát chủ tướng mãi mãi. Danh sách của họ, gồm 5 người - được sử cũ ghi lại - đứng đầu là tên tuổi Lê Lễ.

Năm năm liền sau đấy, quần thảo với quân Minh trên miền thượng du Thanh Hóa, khi thắng khi thua, lúc quang vinh lúc hiểm nghèo, thủ lĩnh phong trào Lam Sơn khởi nghĩa Lê Lợi vẫn luôn có dưới cờ vị tướng và người cháu ruột tài ba, trung thành: Lê (Đinh) Lễ.

Kịp đến khi chuyển hướng chiến lược vào miền xứ Nghệ, những năm 1424 - 1425, những hoạt động của nghĩa quân trên chiến trường này, cũng lại luôn thấy có tướng Đinh Lễ là người dẫn dắt mạnh tợn. Trước hết là trận Bồ Ải, tháng Chạp năm 1424. (Chú thích của bản dịch sách Đại Việt sử ký toàn thư. Bồ Ải là một địa điểm ở phía trên ải Khả Lưu, cách Khả Lưu không xa. Hiện nay ở xã Đức Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An có khe Ải đổ ra sông Lam, và ngọn núi thấp ở đây cũng có người gọi tên là Bù Ải). Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Vua (Lê Lợi) phục quân sẵn ở Bồ Ải, giữa nơi hiểm yếu. Giặc Minh không ngờ tới, đem hết quân ra đánh. Vua bèn tung phục binh xông vào trận giặc. Chém đầu giặc không sao kể xiết. Thuyền giặc trôi ngổn ngang, xác chết đuối nghẹn tắc khúc sông, khí giới vứt đầy cả rừng núi...”. Trong trận đánh “thần sầu quỷ khốc này” - vẫn lời sách Đại Việt sử ký toàn thư. “Các tướng Lê Sát, Lê Phạm Vấn, Lê (Lưu) Nhân Chú, Lê Ngân... đều tranh nhau vượt lên trước, phá quân giặc”. Và, dẫn đầu danh sách các tướng lĩnh dũng mãnh này của nghĩa binh Lam Sơn, trận ấy, sử cũng chép rõ tên: Lê (Đinh) Lễ!

Năm sau - 1425 - mùa hạ, ở mặt trận vây đánh quân giặc cố thủ, trong thành Nghệ An, vào tháng năm “Vua sai Tư không Lê Lễ (Lễ là cháu gọi vua bằng cậu, vốn họ Đinh, được ban họ Lê), đi tuần ở Diễn Châu. (Chú thích của bản dịch sách Đại Việt sử ký toàn thư: Thành Diễn Châu còn có tên là thành Trại, nay còn dấu vết ở xã Diễn Hồng, Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, cách quốc lộ số 1 gần 400 mét về phía đông, và cách Cửa Vạn 2 km). Lễ đặt phục binh trước. Quân Minh không biết. Gặp khi Đô ty Trương Hùng của nhà Minh đem hơn 300 chiếc thuyền chở lương từ Đông Quan (tức Hà Nội ngày nay) đến. Trong thành mừng lắm, tranh nhau mở cửa thành ra đón. Quân phục thình lình nổi dậy, chém viên Thiên hộ họ Tưởng và hơn 300 quân giặc. Hùng tháo chạy, Lễ cướp lấy thuyền lương rồi đuổi theo, vừa đi vừa đánh, đến tận thành Tây Đô (Thanh Hóa)” (Đại Việt sử ký toàn thư, Bản kỷ, quyển 10).

Đấy là những chiến công trên đất Nghệ An của Đinh Lễ. Chiến công này dẫn tiếp đến thành tích quay trở lại, đánh giặc trên đất gốc của phong trào Lam Sơn: Thanh Hóa, mà trước hết là trận Tây Đô - vẫn theo sự ghi chép của Đại Việt sử ký toàn thư - “Bấy giờ, giặc đều đến cứu thành Nghệ An, vua (Lê Lợi) đoán là thành Tây Đô suy yếu. Liền chọn 200 quân tinh nhuệ, 2 thớt voi, sai các tướng Lê (Đinh) Lễ, Lê Sát, Lê (Lưu) Nhân Chú, và Lê (Lý) Triện, Lê (Bùi) Bị, đi gấp theo đường đất, đánh úp thành Tây Đô, chém được hơn 500 thủ cấp giặc, bắt sống được rất nhiều”.

Danh tiếng và sự nghiệp của tướng Đinh Lễ, từ sau những chiến công trên đất miền Trung trong năm sáu năm đầu ấy, của thời kỳ mười năm nằm gai nếm mật, đánh giặc cứu nước dưới cờ nghĩa Lam Sơn - Lê Lợi, bắt đầu dội vang ra và gắn bó với đất Bắc, từ năm Bính Ngọ (1426).

Tháng tám mùa thu năm 1426 ấy, ba đạo quân binh Lam Sơn, có voi chiến đi kèm, được chủ tướng Lê Lợi phóng ra đất Bắc - địa bàn quyết định của chiến trường và sự nghiệp mười năm đánh giặc. Trong khi đạo quân binh thứ nhất được giao cho các tướng Phạm Văn Xảo, Lý Triện... chỉ huy, tiến theo hướng tây bắc, để sẽ đương đầu với đại quân và viện binh giặc Minh từ Vân Nam xuống; đạo quân binh thứ hai do các tướng Bùi Bị, Lê Khuyển... tiến theo hướng đông bắc, rồi sẽ đương đầu cùng đại viện binh địch từ Lưỡng Quảng tới; thì đạo quân binh thứ ba, có nhiệm vụ tiến ra hướng trung tâm đồng bằng Bắc bộ, trước hết nhằm thẳng vào sào huyệt và đầu não giặc là Đông Quan. Đạo chủ lực quân này, được giao cho “cặp bài trùng” - từ đây hình thành, gắn bó - gồm hai danh tướng: Đinh Lễ và Nguyễn Xí.

Họ đã sát cánh bên nhau, cùng các tướng Lý Triện, Đỗ Bí... làm nên đại võ công mùa đông năm 1426: chiến dịch Tốt Động - Chúc Động (trên đất Hà Tây ngày nay). Đối tượng tác chiến của họ là 10 vạn quân Minh, gồm: viện binh từ chính quốc mới sang, cộng với số quân đang cố thủ trong thành Đông Quan, do các tướng giặc gian ác Phương Chính, Mã Kỳ, Sơn Thọ... có Tổng binh Vương Thông, đứng đầu, chỉ huy. Giặc từ sào huyệt Đông Quan, nống ra mạn tây nam thành đô, “dàn doanh trại liền nhau đến vài mươi dặm, cờ xí rợp đồng, giáo mác rực trời, tự cho là đánh một trận thì bắt hết được quân ta” - đấy là lời sách Đại Việt sử ký toàn thư.

Các tướng Lý Triện, Đỗ Bí... vào trận trước. “Mai phục binh, tượng ở đồng Cổ Lãm (Sốm - Thanh Oai - Hà Nội), cho du binh đánh dứ vào doanh trại quân (Sơn) Thọ, (Mã) Kỳ, rồi giả vờ thua chạy. Quân Minh đuổi theo, khi qua bờ cầu Tam La (Ba La Bông Đỏ - Hà Đông) chỗ ấy ruộng nước, bùn lầy. Quân mai phục của ta nổi dậy, đánh tạt ngang vào bọn giặc. Quân giặc bị sa lầy. Ta chém hơn một nghìn thủ cấp, đuổi giặc đến tận cầu Nhân Mục (Mọc - Hà Nội). Xác giặc phơi ngổn ngang đến vài mươi dặm. Ta bắt sống được hơn 500 tên” (Đại Việt sử ký toàn thư, Bản kỷ, quyển V)...

Đây là trận đánh mở màn chiến dịch: ngày sáu, tháng mười. Tiếp đó, ngày bảy, tướng Lý Triện chọn thẳng cánh quân của Tổng binh Vương Thông, đóng đại doanh ở Cố Sở (Yên Sở - Hoài Đức - Hà Nội), tiến công. Nhưng trận đánh này không thành công. Vì thế, Lý Triện “tự liệu không thể chặn được giặc, bèn phá hủy doanh trại cũ, thu quân giữ nơi điểm yếu, cáo cấp trước với các tướng Lê (Đinh) Lễ, Lê (Nguyễn) Xí” (Đại Việt sử ký toàn thư, Bản kỷ, quyển X )... Đấy là lý do để danh tướng Đinh Lễ - cùng với Nguyễn Xí trong bộ đôi tướng lĩnh “bài trùng” - vào trận. Bấy giờ, cánh nghĩa quân Lam Sơn do họ chỉ huy, đang đóng ở mạn Thanh Đàm (Thanh Trì - Hà Nội). “Nghe tin các tướng Đinh Lễ và Nguyễn Xí đang đóng quân ở Thanh Đàm, Lý Triện liền sai báo gấp cho họ đến tiếp ứng. Đinh Lễ, Nguyễn Xí lấy ba nghìn quân tinh nhuệ và hai thớt voi, tức tốc ngay ban đêm, đến hội quân ở Cao Bộ (Bụa - Chương Mỹ - Hà Nội). Họ chia quân, mai phục ở Tốt Động và Chúc Động, (Chúc Sơn - Chương Mỹ - Hà Nội). Bắt được gián điệp của địch, ta biết rằng (Vương) Thông đã tiến đóng ở Ninh Kiều, ngầm cho kỳ binh đi rảo đến phía sau quân (Lý) Triện, còn chính binh của Thông thì sẽ qua sông tiến lên phía trước. Chúng hẹn nhau rằng hễ nghe nổ pháo thì các đạo quân đồng thời đánh khép lại. Hồi trống canh năm đêm ấy, các tướng (Đinh) Lễ... sai quân nổ pháo ở nơi yếu hại để đánh lừa địch. Chúng nghe tiếng pháo, đều đổ xô đi chiếm lấy thuận lợi. Địch lùa quân đi tắt vào. Bấy giờ trời mưa, đường lầy lội. Chúng kéo đến Tốt Động, bị quân phục của ta bốn bề nổi dậy. Quân ta hợp sức lại, hăng hái chiến đấu, cả phá được địch: chém Thượng thự Trần Hiệp và Nội quan Lý Lượng. Ta lại đuổi kẻ chạy, rượt kẻ thua, hoặc giết chết, hoặc bắt sống. Quân Minh cùng giày xéo chồng chất lên nhau, chết đến hơn năm vạn. Số quân địch chết đuối cũng rất nhiều, làm nghẽn cả khúc sông Ninh Giang. Ta bắt sống được hơn một vạn địch, tước được quân nhu và khí giới vô kể" (Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Chính biên, quyển XIII )...

Đấy là bức họa toàn cảnh về chiến công Tốt Động - Chúc Động trong sử cũ. Giữa vinh quang của trận thắng lớn này, gương mặt người chỉ huy chủ yếu của chiến dịch - Đinh Lễ - nổi bật lên, không chỉ với tài cầm quân xung sát, mà còn ở cả các phương diện: bài binh bố trận, mưu trí lừa địch... hết sức thần tình. Chẳng thế mà sử thần Ngô Sĩ Liên đã phải thốt lên: “Tướng giỏi thời ấy, thì (Đinh) Lễ, (Lý) Triện xứng đáng đứng đầu”.

Duy chỉ có chủ soái Lê Lợi là cảnh giới: “Trước kia, mỗi lần (Đinh) Lễ ra trận, vua thường răn chớ nên khinh địch. Đến khi thắng trận ở Tốt Động, mọi người đều khen Lễ là giỏi. Vua nói: Trăm trận đánh được cả trăm, không phải là điều hay cả đâu. Hắn cậy quân tinh, quen mui được luôn, thất bại có thể đứng mà chờ đó!”.

Chỉ có sách Đại Việt sử ký toàn thư chép được điều lo âu chí tình này của Lê Lợi. Còn khi ấy, ngay sau chiến thắng Tốt Động - Chúc Động, cục diện chiến trường chính ở đồng bằng đất Bắc đã thay đổi hẳn, tướng Đinh Lễ đã hết sức nhanh nhạy khai thác tình hình: một mặt, thừa thắng tiến vây ngay Đông Quan, một mặt báo cho chủ soái Lê Lợi đem hết đại quân từ Trung ra Bắc, đánh lớn những trận cuối cùng.

Đấy là chiến dịch Chi Lăng - Xương Giang, và trận ải Lê Hoa, đầu đông năm Đinh Mùi 1427. Danh tướng Đinh Lễ không dự được vào phần chiến công ở những trận đánh quyết định, kết úc sự nghiệp quét sạch giặc Minh xâm lược khỏi cõi bờ đất nước ấy. Vì lúc này, ngay sau Tốt Động - Chúc Động, chiến dịch bao vây, tiến công giải phóng Đông Quan đã mở màn vào canh ba, đem 23 tháng mười, năm Bính Ngọ 1426. Tướng Đinh Lễ là người chủ động khởi xướng chiến dịch này, vì nghiệp lớn, nghĩa cả, và vì công cuộc giải phóng miền địa linh nhân kiệt đứng đầu đất nước này. Tên tuổi của ông gắn bó với Thăng Long - Đông Kinh - Hà Nội, trực tiếp từ đây, và bởi đây, ông trở thành nhân vật lớn, dầy công lao với đất và người Thượng Kinh, thậm chí gắn bó bằng máu xương, tính mạng, sự nghiệp của mình, với thành đô.

Sử cũ chỉ chép được vài dòng vắn tắt về sự hy sinh của Đinh Lễ trong chiến dịch giải phóng Đông Quan, ngày 4-4-1427: “Hôm ấy, Vương Thông đem quân trong thành ra đánh thái giám Lê Nguyễn ở Tây Phù Liệt (Kẻ Vẹt - Thanh Trì). Nguyễn giữ vững thành lũy chống lại. Vua (Lê Lợi) vội sai Lê (Đinh) Lễ, Lê (Nguyễn) Xí đem hơn 500 quân Thiết đột đến đánh, đuổi giặc tới Mi Động (Mai Động - quận Hai Bà Trưng - Hà Nội). Vương Thông thấy Lễ ít quân, mới đánh kẹp vào. Lễ và Xí cưỡi voi cố sức đánh. Voi sa lầy, bị quân Minh bắt sống, đem vào thành Đông Quan. Lễ không chịu khuất phục, bị giết chết”.

Chiến dịch vây đánh và giải phóng Đông Quan còn kéo dài đến cuối năm 1427, và chỉ kết thúc thắng lợi cùng với “Hội thề Đông Quan”. Đông Quan giải phóng, trở thành Đông Kinh. Góp xương máu vào sự nghiệp trọng đại, thiêng liêng này, không chỉ có danh tướng Đinh Lễ, mà còn có cả danh tướng Lý Triện, ở mặt trận phía bắc thành đô, và nhiều anh hùng liệt sĩ nữa. Nhưng Đinh Lễ là người được tiếc thương trân trọng nhất, vì công lao và nhân cách trội vượt của mình. Ngay trong tháng Tư năm Đinh Mùi (1427) đã có việc được chép vào sách sử cũ: “Phong Đinh Liệt là em Lê (Đinh) Lễ làm Nhập nội Thiếu uý Á hầu; các vợ lẽ của Lễ là bọn Hà Ngọc Dung 5 người, đều phong làm Tông cơ, để đền công Lễ chết vì nước”...

Theo Danh nhân Thăng Long - Hà Nội

Lê Văn Lan