Văn hóa – Di sản

Trần Quang Triều - nhà Nho thanh cao

Nguyễn Hữu Sơn 02/11/2023 15:25

Nhà thơ Trần Quang Triều (1286 - 1325), còn có tên là Nguyên Đạo, Nguyên Thụ, hiệu Cúc Đường, Vô Sơn Ông, sinh năm Bính Tuất (1286). Ông là con cả Trần Quốc Tảng, cháu nội Trần Quốc Tuấn và là anh vợ vua Trần Anh Tông. Năm 14 tuổi (1301), ông được phong tước Văn Huệ Vương, sau đó làm quan trong triều. Ông giỏi cả văn lẫn võ, từng cầm quân đi đánh dẹp Thích Na. Có thời gian Trần Quang Triều lui về ở tại am Bích Động, gần chùa Quỳnh Lâm (nay thuộc huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh).

Không phải ngẫu nhiên mà Trần Quang Triều lại về sống bên chùa Quỳnh Lâm. Cùng với non thiêng Côn Sơn và Yên Tử, chùa Quỳnh Lâm là một trong ba trung tâm Phật giáo nổi tiếng của Đại Việt thời Lý - Trần. Chùa nằm trên triền đồi thuộc xã Tràng An, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh. Đây là một trong những ngôi chùa cổ, nơi truyền kinh giảng đạo, đào tạo tăng ni và tổ chức nhiều kỳ lễ hội Phật sang trọng, có lần nối dài tới “bảy ngày, bảy đêm”. Theo truyền thuyết, tại Quỳnh Lâm, nhà sư Không Lộ đời nhà Lý đã cho xây một tấm bia đại với hoa văn hình rồng uốn lượn mềm mại và đúc pho tượng Di Lặc to lớn bằng đồng, được coi là một trong “Tứ đại khí” ở Đại Việt thời ấy. Đương thời, vào năm Bính Thìn (1316), đệ nhị Tổ Pháp Loa Đồng Kiên Cương (1284-1330) đã cho xây dựng và thành lập Phật viện Quỳnh Lâm với kiến trúc đồ sộ... Tại vùng quê thanh bình này, Trần Quang Triều còn cho lập thi xã Bích Động, thường xướng họa với các bạn thơ như Tự Lạc tiên sinh, Nguyễn Sưởng, Nguyễn Trung Ngạn, Nguyễn Úc... Năm Giáp Tý (1324), vua Trần Minh Tông cho mời ông giữ chức Kiểm hiệu Tư đồ phụ chính. Đến năm Ất Sửu (1325), ông qua đời, thọ 41 tuổi.

tran-quang-trieu.jpg
Trần Quang Triều múa bút làm thơ. (Hình minh họa – Nguồn: sachxua.net).

Tác phẩm của Trần Quang Triều có Cúc Đường di cảo do Nguyễn Ức và bạn bè sưu tập, nay đã thất truyền. Hiện chỉ còn 11 bài thơ chữ Hán chép trong Việt âm thi tập và Toàn Việt thi lục.

Thơ Trần Quang Triều biểu cảm một tiếng nói trữ tình, hòa hợp với đời sống tự nhiên, thanh nhã, tự tìm thú vui trong du ngoạn và ẩn dật. Thơ ông thường nói đến những chuyến đi chơi thuyền, thăm chùa chiền, khi ở bến sông, khi xuôi đường Hoàng Châu (tỉnh Nam Định), khi ngược sông An Long (Tuyên Quang)... có phần cách biệt với thế sự đa đoan. Phù hợp với tâm trạng một ẩn sĩ, ông dễ chạnh lòng với một nhà sư kiệm lời (tăng vô ngữ), một cụ già đi câu vốn biết coi nhẹ miếng mồi phú quý trong bài Điếu tẩu (Ông già câu cá):

Đồn lãng xuy triều thướng bích than,

Lỗ thanh di nhập bích vân hàn.

Kỷ hồi bạc nhị huyền chung đỉnh,

Na trọng Đồng Giang nhất điếu can.

Phạm Tú Châu dịch thơ:

Thác biếc triều dâng sóng cá heo,

Mây lồng hơi lạnh tiếng bơi chèo.

Đồng Giang cần trúc từng xem nặng,

Hơn cả mồi câu vạc đỉnh treo.

Khi khác Trần Quang Triều như có ý đồng cảm với một cụ già an nhiên thoát tục, say sưa đến bất cần đời, con người hòa nhập với cảnh chiều tà trong bài Chu qui tức sự (Tức cảnh khi quay thuyền về):

Điểu đề yên thụ một,

Phàm đới tịch dương hành.

Thu tước sơn dung sấu,

Trào khai thủy giám minh.

Tuý ông hồn vị tinh, Hồng diệp vãn giang thành.

(Chim kêu khuất trong đám cây lồng khói,

Cánh buồm đi mang theo bóng chiều tà.

Hơi thu đẽo gầy dáng núi,

Triều lên, mặt nước như gương sáng.

Ông già say vẫn chưa tỉnh,

Lá đỏ rơi đầy thành ven sông)

Và trên hết cả là hình ảnh con người nhà thơ với những nỗi nhớ tiếc, những ám ảnh buồn thương và mộng mị cô liêu, những cảnh một mình uống rượu và tưởng vọng những gì đã một đi không trở lại. Một lần đến nơi vùng biển xa, Trần Quang Triều chợt nhớ nhà, nhớ bạn, nhớ chuyện đèn sách và một mình uống rượu giải khuây:

Thu mãn sơn thành bội tịch liêu,

Gia thư bất đáo hải thiên diêu.

Nhân tình sơ mật xao bồng vũ,

Thế thái cao đê phách ngạn triều.

Tùng cúc cố giao ta dị lộ,

Cầm thư tuế vãn hỷ đồng điều.

Kỳ đa lỗi khối hung trung sự,

Thả hướng tôn tiền thí nhất kiêu.

(Thu về đầy thành núi càng khiến hiu quạnh bội phần,

Thư nhà không đến miền biển xa xăm này.

Tình người thưa nhặt như mưa gõ mui thuyền,

Thói đời lên xuống như nước triều vỗ bờ.

Tùng cúc bạn cũ, than ôi, nay đã khác nẻo,

Tuổi già đèn sách mừng rằng hợp điệu.

Biết bao nỗi niềm chồng chất trong lòng,

Hãy thử giải khuây trước chén rượu xem sao)

Đó cũng là những ám ảnh của thời gian tuổi già, bóng chiều (tà huy, tịch dương, nhật tà), những không gian hoài cổ về một Trường An đã dần phai trong mưa bay, một ngôi chùa hoang ở xóm Mai, một dòng sông và con thuyền lẻ loi. Đó là tâm trạng có thực của thi nhân, một khía cạch của tinh thần nhân văn trong sáng. Mặt khác, tiếng thơ trầm lắng của Trần Quang Triều còn bộc lộ sự nhạy cảm, đóng vai trò kết tinh tâm thức dân tộc, thời đại đang chuyển dần từ hưng thịnh sang giai đoạn thịnh - vãn Trần.

Khi có một người là Liêu Nguyên Long tặng cho chiếc quạt vẽ phong cảnh, Trần Quang Triều có bài thơ đề vịnh. Rất có thể họ Liêu là bạn (hoặc người khách) từ phương Bắc nên Trần Quang Triều mới ngụ ý nói về vẻ đẹp đất “Nam quốc”, nơi có cái đẹp tâm hồn thẳm sâu không thể dễ dàng đưa được vào tranh vẽ. Qua bài thơ Đề Liêu Nguyên Long tổng họa cảnh phiến (Đề chiếc quạt vẽ phong cảnh do Liêu Nguyên Long tặng), Trần Quang Triều xa gần bộc lộ tình yêu thiên nhiên và niềm tự hào dân tộc:

Nam quốc na kham nhập họa đồ,

Tân An trì quán trưởng cô bồ.

Niên niên lãnh lãm nhàn phong nguyệt,

Trúc ngoại nhất thanh đề giá cô.

Phạm Tú Châu dịch thơ:

Cảnh Nam hồ dễ vẽ nên tranh, xanh.

Ao quán Tân An cỏ

Một tiếng đa đa ngoài rặng trúc,

Năm năm thâu lượm gió trăng thanh.

Có tiếng là người đi nhiều, ưa thích cảnh sắc thiên nhiên và cuộc sống phóng khoáng nhưng Trần Quang Triều cũng là một trong những nhà thơ nhớ nhiều, viết nhiều về kinh thành Thăng Long. Trong bài Trường An hoài cổ, Trần Quang Triều bâng khuâng trong chiều thu mưa bay, cảm giác ngậm ngùi trước dòng thời gian đang qua mau:

Hà nhạc chung tồn cố quốc phi,

Sổ hàng lăng bách bối tà huy.

Cựu thời vương khí mai thu thảo,

Mộ vũ tiêu tiêu dã điệp phi.

Huệ Chi dịch thơ:

Núi sông còn đó nước xưa đâu,

Nắng xế gò cao bách dãi dầu.

Vương khí một thời chôn dưới cỏ,

Bướm đồng chao cánh dưới mưa mau.

Trong bài thơ Mai thôn phế tự (Chùa hoang ở xóm Mai), Trần Quang Triều có ý nhắc đến “ngôi chùa triều trước” với cảnh hoang tàn sau thời chiến và bộc lộ cảm xúc bâng khuâng trước cõi đời dâu bể:

Hoang thảo tiền triều tự,

Thu phong cựu chiến trường.

Tàn bị trầm mộ vũ,

Cổ Phật ngọa tà dương.

Thạch thất tàng vân nạp,

Hoa đài cúng dã hương.

Ứng thân vô xứ sở,

Dữ thế cộng hưng vương (vong).

Phạm Tú Châu dịch thơ:

Cỏ chen ngôi chùa cổ,

Gió thổi chiến trường xưa.

Tượng cũ chiều dãi nắng,

Bia tàn tối dầm mưa.

Áo mây, nhà đá trữ,

Đài hoa, hương nội đưa.

Ứng thân không xứ sở,

Theo thế tục vật vờ.

Tiếp nối không khí Phật giáo một thời vừa đạt tới đỉnh cao, Trần Quang Triều dễ có sự cảm thông với lẽ sắc sắc không không. Bên cạnh những bài thơ viết về những chuyến du ngoạn nơi xa, Trần Quang Triều còn có bài thơ Đề Gia Lâm tự (Đề chùa Gia Lâm):

Tâm khôi oa giác mộng,

Bộ lý đáo thiền đường.

Xuân vãn hoa dung bạc,

Lâm u thiền vận trường.

Vũ thu thiên nhất bích,

Trì tịch nguyệt phân lương.

Khách khứ tăng vô ngữ,

Tùng hoa mãn địa hương.

Huệ Chi - Hoàng Lê dịch thơ:

Nguội ngắt lòng danh lợi,

Am thiền rảo gót qua.

Xuân chầy họa mỏng mảnh,

Rừng thẳm ve ngân nga.

Mưa tạnh da trời biếc,

Ao trong ánh trăng ngà.

Khách về sự biếng nói,

Thông rụng nức mùi hoa.

Trong cuộc đời thường, chắc chắn Trần Quang Triều đã viết nhiều thơ xướng họa với thi hữu trong thi xã Bích Động và được bạn bè tặng lại. Riêng bạn thơ Nguyễn Sưởng chí ít đã có tới năm bài: Tống Vô Sơn Ông Văn Huệ Vương xuất sơn bái tướng (Tiễn Vô Sơn Ông Văn Huệ Vương dời núi nhận chức Tể tướng), Cúc Đường đề Khai Nguyên quán Tự Lạc tiên sinh kiều cư nhân thứ kỳ vận (Cúc Đường đề thơ ở quán Khai Nguyên, nơi trọ của tiên sinh Tự Lạc, nhân họa vần), Chu trung dữ Đức Văn Tì khưu dạ thoại biệt hữu tác, phụng trình Cúc Đường chủ nhân (Đêm ở trong thuyền trò chuyện cùng Tì kheo Đức Văn, khi từ biệt làm thơ trình Cúc Đường chủ nhân), Văn Tư đồ Văn Huệ Vương (Viếng Tư đồ Văn Huệ Vương), Trùng đáo Quỳnh Lâm Bích Động am lưu đề (Đề thơ khi trở lại am Bích Động ở Quỳnh Lâm)... Điều này chứng tỏ mối quan hệ tốt đẹp giữa Trần Quang Triều với bè bạn cũng như sự tồn tại và phát triển của thi xã Bích Động bên chùa Quỳnh Lâm./.

Theo Danh nhân Thăng Long - Hà Nội

Nguyễn Hữu Sơn