Tăng cường quản lý điểm đến du lịch hiệu quả, văn minh, thân thiện
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa có văn bản đề nghị các địa phương trên cả nước tăng cường giám sát, chấn chỉnh hoạt động điểm đến du lịch.
Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, thực hiện công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực du lịch năm 2023, Bộ Văn hóa đã chỉ đạo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam phối hợp với một số địa phương tổ chức chương trình kiểm tra chuyên đề việc chấp hành quy định pháp luật trong kinh doanh du lịch.
Qua công tác kiểm tra tại một số địa phương cho thấy còn tồn tại một số vấn đề cần tiếp tục tăng cường giám sát, chấn chỉnh: việc tuân thủ quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ lữ hành; đảm bảo tiêu chuẩn về cơ sở vật chất kỹ thuật và chất lượng dịch vụ lưu trú du lịch theo hạng sao đã được công nhận; việc đảm bảo an ninh, an toàn cho khách du lịch, vệ sinh môi trường tại các khu, điểm du lịch …
Để tích cực triển khai Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 18/5/2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững theo hướng Sản phẩm đặc sắc - Dịch vụ chuyên nghiệp - Thủ tục thuận tiện, đơn giản - Giá cả cạnh tranh - Môi trường vệ sinh sạch, đẹp - Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Du lịch; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì phối hợp với các cơ quan chức năng tập trung thực hiện hiệu quả 5 nội dung lớn.
Thứ nhất, yêu cầu các doanh nghiệp du lịch, ban quản lý các khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về du lịch và pháp luật liên quan; chủ động kiểm tra, nâng cấp cơ sở vật chất, quy trình phục vụ, đảm bảo an ninh, an toàn, chất lượng dịch vụ phục vụ khách du lịch. Tuân thủ các quy định về phòng, chống cháy nổ, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong các cơ sở kinh doanh du lịch; có biện pháp bảo vệ môi trường du lịch, thu gom, xử lý rác thải, chất thải đúng quy định và thực hiện nghiêm quy định về niêm yết giá công khai, bán đúng giá niêm yết.
Thứ hai, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân không đảm bảo điều kiện kinh doanh du lịch, tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ du lịch; các hành vi vi phạm pháp luật du lịch và pháp luật liên quan. Kiểm soát chất lượng dịch vụ du lịch trên địa bàn, đặc biệt là các dịch vụ lữ hành, lưu trú, vận chuyển khách du lịch, hướng dẫn du lịch, ăn uống và dịch vụ du lịch khác tại các khu, điểm du lịch và các cơ sở vui chơi giải trí.
Thứ ba, triển khai các biện pháp bảo đảm an ninh trật tự, an toàn, phòng chống cháy nổ, vệ sinh an toàn thực phẩm tại các khu, điểm du lịch. Tổ chức rà soát, chỉ dẫn, phân luồng giao thông, phòng chống tai nạn, ùn tắc, tạo điều kiện thuận lợi tiếp cận các khu, điểm du lịch. Kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và kiên quyết xử lý các hành vi gây mất an toàn cho khách du lịch nhất là vận chuyển khách du lịch bằng ô tô, phương tiện thủy nội địa... Rà soát, cảnh báo, có phương án đảm bảo an toàn cho khách du lịch tại các khu, điểm du lịch đặc biệt trong mùa mưa bão và các điều kiện thời tiết bất thường.
Thứ tư, thực hiện công tác xúc tiến quảng bá điểm đến, tổ chức các sự kiện thu hút khách du lịch trong và ngoài nước, thúc đẩy liên kết phát triển sản phẩm du lịch giữa các địa phương và doanh nghiệp. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền ứng xử văn minh du lịch tại điểm đến. Đảm bảo các trung tâm hỗ trợ du khách, đường dây nóng hoạt động hiệu quả, kịp thời cung cấp thông tin và giải quyết khiếu nại của khách du lịch trên địa bàn.
Cuối cùng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Du lịch, Sở VH-TT&DL đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch. Đồng thời xây dựng, vận hành các hệ thống du lịch thông minh nhằm quản lý điểm đến du lịch hiệu quả, an toàn, văn minh, thân thiện./.