Sự kiện & Bình luận

Diễn đàn Quốc gia ngành Game 2023: Khai mở tiềm năng - Nâng tầm phát triển game Việt Nam

T. Trang - Đ.Thế 15:29 31/10/2023

Sáng 31/10, tại Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Hà Nội diễn ra Diễn đàn Quốc gia ngành Game Việt năm 2023 (Vietnam GameMaker Conference 2023) với chủ đề "Khai mở tiềm năng - Nâng tầm hệ sinh thái phát triển game tại Việt Nam".

Diễn đàn nằm trong khuôn khổ Triển lãm quốc tế Đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2023 (VIIE 2023) kết hợp Lễ khánh thành Cơ sở hoạt động mới của Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Hà Nội.

huy.jpeg
Ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia phát biểu khai mạc Diễn đàn.

Ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia phát biểu tại Diễn đàn: “Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia được thành lập để tham gia hỗ trợ vào việc hiện thực hóa chủ trương của Đảng và Nhà nước. Với tầm nhìn trở thành hạt nhân cho việc phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Việt Nam và hướng đến trở thành Trung tâm Đổi mới sáng tạo hàng đầu khu vực, chúng tôi xác định truyền thông số và ngành công nghiệp game là một trong 8 lĩnh vực trọng tâm sẽ giúp Việt Nam có những bước phát triển đột phá, góp phần vào công cuộc đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

10 năm qua ngành công nghiệp game Việt Nam có những bước tiến vượt bậc. Chúng ta thấy điều này qua những con số, doanh thu ngành game Việt Nam đã vượt 500 triệu đô la Mỹ và đứng thứ năm tại Đông Nam Á, hơn một nửa dân số Việt Nam tiếp cận giải trí với sản phẩm game.

Hệ sinh thái ngành Game Việt cũng đã từng bước có một số tên tuổi dẫn đầu như VNG, Amanotes, Sky Mavis, Appota, VTC,... trong đó có những tên tuổi mang tầm quốc tế như Amanotes và Sky Mavis. Ngành Games cũng tạo ra nhiều việc làm có giá trị kinh tế cao và sức cạnh tranh toàn cầu trong mảng lập trình games, thiết kế games, đồ họa games…

Với những cột mốc phát triển quan trọng trong quá khứ và dư địa phát triển dồi dào cho tương lai, chúng tôi tin rằng game có cơ hội trở thành ngành xuất khẩu giá trị cao, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao dựa trên đổi mới sáng tạo và khoa học kỹ thuật, nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu. Đây chính là lý do chúng tôi lựa chọn ngành game để tổ chức hội thảo quốc tế trong chuỗi sự kiện Triển lãm quốc tế Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2023.

Với dư địa và sự phát triển như vậy trong 10 năm qua, ngành game Việt tuy có vài doanh nghiệp game phát triển nhanh nhưng xét toàn ngành thì vẫn chậm. Vì Việt Nam chưa hình thành một hệ sinh thái game thực sự, các công ty không đi cùng nhau nên không tận dụng được lợi thế của nhau. Kỹ sư công nghệ giỏi làm game thì thiếu kinh nghiệm phát hành nên khó tiếp cận đông đảo người dùng, nhà phát hành có kinh nghiệm thì không tìm được nhiều game Việt chất lượng.

Nếu đánh giá chất lượng sản phẩm trên nhiều tiêu chí như tính phức tạp, cảm giác game, đồ họa… thì chúng ta vẫn còn khoảng cách khá xa nhóm hàng đầu thế giới. Chúng tôi hiểu rằng, để cho ngành Game Việt thực sự trở thành một ngành công nghiệp giá trị cao và có sức cạnh tranh trên thế giới, tạo ra nhiều việc làm chất lượng cao và giá trị kinh tế lớn thì chúng ta cần phải xây dựng được một đội ngũ nhân sự chất lượng quốc tế và một hệ sinh thái đa dạng, gắn kết và hỗ trợ lẫn nhau”.

dg.jpg
Các diễn giả tham gia "Diễn đàn ngành game quốc gia 2023".

Chia sẻ tại "Diễn đàn ngành game quốc gia 2023”, ông Lã Xuân Thắng - Giám đốc phát hành trò chơi trực tuyến Công ty Cổ phần VNG cho rằng, trên thế giới hiện nay có khoảng 3 tỷ người chơi game, chiếm 40% tổng dân số toàn cầu. Doanh thu từ ngành game trong năm 2023 được dự báo đạt mốc 187 tỷ USD, trong đó 1 nửa đến từ game mobile.

Ông Thắng cho rằng, sự phát triển của ngành game hiện hiện nay đang gắn liền với sự phát triển của các thiết bị di động, nhất là mảng điện thoại thông minh. Cũng theo lãnh đạo của VNG, châu Á là khu vực đóng góp 1 nửa số người chơi game và cả doanh thu.

Tại châu Á, Hàn Quốc là một “cường quốc” về ngành game, doanh thu từ game cao gấp 40 lần so với K-pop và gấp 6 lần so với ngành điện ảnh của nước này. Trong khi đó, nếu xét về khu vực, Đông Nam Á là một thị trường quan trọng, có tốc độ tăng trưởng cao hàng đầu thế giới, chỉ sau khu vực Trung Đông. “Việc Trung Đông là khu vực có tốc độ tăng trưởng game nhanh nhất thế giới có vẻ hơi lạ, nhưng không phải là không có lý do.

Trước đó, giới chức của một số nước Ả Rập, như Arab Saudi đã khẳng định, ngành game sẽ là ngành mũi nhọn của nước này, sẽ thay thế dầu mỏ trong tương lai. Vì vậy, quốc gia này đã có nhiều chính sách ưu đãi nhằm phát triển ngành nghề này”, ông Thắng nói. Theo ông Thắng, với riêng thị trường Việt Nam, doanh thu năm 2022 được một báo cáo cho rằng đã đạt 500 triệu USD.

Tuy nhiên, ông Thắng khẳng định con số này chỉ là “bề nổi” của tảng băng chìm, trên thực tế, nếu cộng gộp cả một số loại hình thanh toán, thì doanh thu ngành game có thể vượt qua con số 1 tỷ USD. “Điều này cho thấy rằng, không chỉ thế giới, và cả Việt Nam đang nằm trong xu hướng phát triển chung của ngành game”, ông Thắng nhấn mạnh.

Ông Lã Xuân Thắng đáng giá, dù ngành game có nhiều triển vọng tăng trưởng, thế nhưng tại ngành game tại Việt Nam vẫn chưa được quan tâm về cả mặt chính sách và pháp lý. “Nhiều người nói rằng, muốn ngành game Việt Nam phát triển cần có các chính sách ưu đãi về thuế, hay có thêm giải pháp hỗ trợ. Điều này chỉ đúng một phần, Thực tế, chúng tôi muốn được cơ quan chức năng Việt Nam coi game là một ngành nghề trong xã hội”, ông Thắng chia sẻ.

Nói rõ hơn về vấn đề này, ông Thắng chia sẻ: Hiện nay, chỉ có 2 trường Đại học quốc tế tại Việt Nam có ngành thiết kế game. Đa phần, các trường trong nước có một số ngành có liên quan tới game như thiết kế đồ họa, hoặc lập trình. “Ngay cả các quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo cưa có quy định về riêng ngành thiết kế và phát triển game, điều này đang cản trở triển vọng phát triển của loại ngành nghề này”, ông Thắng nhấn mạnh.

Trong thời gian tới, thế giới sẽ ngày càng thừa nhận game là một ngành nghề, thậm chí là một nghề nghiệp, một môn thể thao trên nền tảng điện tử. Hiện tại, thể thao điện tử đã được tổ chức ở một số sự kiện của Olympic, trong thời gian tới có thể có cả giải World Cup, hay trong các kỳ thế vận hội. “Việt Nam đang cần chừng 30.000 lao động trong thời gian tới, đây cũng là cơ hội cho các bạn trẻ, nhất là thế hệ GenZ.

Dù vậy, chúng tôi đã nhận được một số tín hiệu tích cực từ một số Bộ, ngành, trong việc hỗ trợ ngành game Việt Nam phát triển. Đây chính là nguồn động viên cho chúng tôi, có thể giúp các doanh nghiệp startup Việt Nam trở thành kỳ lân”, ông Thắng nói.

Đồng tình với nhận định này, ông Jin Oh, đại diện quỹ đầu tư Bikraft cho rằng: Thị trường game đang có doanh thu khoảng 200 tỷ USD, xu hướng chơi game hướng đến nhiều đối tượng, độ tuổi khác nhau. Đặc biệt, các nền tảng chơi game hiện nay không chỉ đơn giản là chơi các loại game, mà nó còn tích hợp việc xem phim, tương tác với bạn về.

Đồng thời, ngành game cập nhật rất nhanh các công nghệ mới của thế giới, như AI, thực tế ảo, Blockchain,... “Nhờ đó, doanh thu của các công ty game không hề thua kém các công ty công nghệ. Đây chính là cơ hội và triển vọng trong tương lai, Việt Nam có thể hướng tới”, ông Jin Oh nói.

T. Trang - Đ.Thế