Lễ hội Áo dài Du lịch Hà Nội 2023 vượt kế hoạch khi đón hơn 60.000 lượt khách tham quan
Theo chia sẻ của bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội với Phóng viên Tạp chí Người Hà Nội, chỉ sau 2 ngày, Lễ hội Áo dài Du lịch Hà Nội 2023 đã đón hơn 60.000 lượt khách, qua đó vượt kế hoạch Ban tổ chức đặt ra trước đó.
Lễ hội Áo dài du lịch Hà Nội 2023 do UBND Thành phố Hà Nội chỉ đạo, Sở Du lịch Hà Nội và Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố Hà Nội tổ chức từ 27 – 29/10, tại không gian phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm. Lễ hội đã trở thành không gian văn hóa độc đáo với tà áo dài Việt làm trung tâm. Thông qua hàng loạt sự kiện như trưng bày, triển lãm, trình diễn áo dài, biểu diễn nghệ thuật, con đường cộng đồng Dạo bước Hồ Gươm, nhiều gian hàng trưng bày và giới thiệu sản phẩm áo dài… đã tôn vinh di sản áo dài Việt Nam tới người dân trong nước và quốc tế.
Sự kiện lần này được Ban tổ chức chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng nhằm đem đến cho người dân và du khách đến Lễ hội có trải nghiệm tốt nhất, thêm yêu tà áo dài Việt đã tồn tại, phát triển theo dòng chảy lịch sử của Thủ đô nói riêng, Việt Nam nói chung. Chính sự sáng tạo cùng công tác chuẩn bị chu đáo đã làm nên thành công của Lễ hội Áo dài du lịch Hà Nội 2023, đóng góp vào sự nghiệp phát triển công nghiệp văn hóa Hà Nội, đưa Thủ đô trở thành điểm đến du lịch hàng đầu trên thế giới.
Theo kế hoạch ban đầu Ban tổ chức, trong 3 ngày Lễ hội Áo dài du lịch Hà Nội 2023 diễn ra, dự kiến sẽ đón khoảng 60.000 lượt du khách. Tuy nhiên, với sức hút của tà áo dài cùng không gian thơ mộng của phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm, tiết trời mùa thu đặc trưng của Hà Nội, các hoạt động diễn ra liên tục, chỉ sau hai ngày, Lễ hội Áo dài du lịch Hà Nội 2023 đã có hơn 60.000 lượt du khách đến tham quan, trải nghiệm.
Thông tin này được bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội, chia sẻ với Phóng viên Tạp chí Người Hà Nội trưa ngày 29/10, sau khi chương trình diễu hành Áo dài tại phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm khép lại. Tại cuộc trao đổi ngắn với Phóng viên Tạp chí Người Hà Nội, bà Đặng Hương Giang cũng khẳng định “vẫn mong muốn lan tỏa hình ảnh, thông điệp áo dài không chỉ là một đại sứ văn hóa mà còn là đại sứ du lịch”.
PV: Thưa bà, bà đánh giá thế nào về hình ảnh áo dài trong việc quảng bá hình ảnh của Việt Nam cũng như kết nối du lịch?
Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang: Áo dài đóng vai trò, vị trí rất quan trọng trong việc quảng bá hình ảnh của Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng ra với bạn bè quốc tế. Thông qua tà áo dài, du khách nhìn thấy ở đâu có áo dài, nón lá là nhìn thấy hình ảnh của Việt Nam.
Chúng tôi mong muốn qua Lễ hội Áo dài Du lịch Hà Nội 2023, trước tiên tôn vinh văn hóa áo dài và qua tà áo dài, chúng tôi quảng bá những di sản, hình ảnh, đất nước con người Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng. Với mỗi sự kiện này, ngoài việc trực tiếp thu hút du khách đến với Hà Nội thì tất cả những hình ảnh Ban tổ chức sắp đặt như Hoàng thành Thăng Long, Khuê Văn Các, Ô Quan Chưởng, cầu Long Biên… trong không gian Lễ hội, khi du khách đến đây chụp hình và quảng bá, truyền đi những thông điệp về áo dài, về hình ảnh của một hồ Gươm rất đẹp, một Việt Nam rất thân thiện. Người dân và du khách đến Lễ hội chụp hình với các di tích, di sản, đó là một cách quảng bá, truyền thông tốt nhất.
Trong thời gian tổ chức sự kiện, chúng tôi mong muốn du khách đến đây đều mặc bộ áo dài và nhiều du khách đã làm điều này. Mọi người hoàn toàn tự tin để khoe hình ảnh trong chiếc áo dài cùng với cảnh đẹp của Hà Nội. Chúng tôi mong sự kiện sẽ được tổ chức thường niên và với mỗi một năm, chúng tôi đều hướng đến mục tiêu “Hà Nội hội tụ và lan tỏa”, lan tỏa nhiều hơn thông điệp về áo dài để quảng bá du lịch Hà Nội.
PV: Bà đánh giá thế nào về Lễ hội năm nay trong việc quảng bá tà áo dài cũng như du lịch tới công chúng, đặc biệt là giới trẻ?
Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang: Không chỉ 3 ngày diễn ra sự kiện này mà trước đó, Hội Liên hiệp phụ nữ Thành phố Hà Nội phát động phong trào mặc áo dài đến tất cả các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thành phố. Qua đây các mẹ, các cô, các chị đều rất phấn khởi và mặc áo dài, tạo thành ngày hội mặc áo dài với người dân Thủ đô.
Qua các ngày Lễ hội diễn ra, chúng tôi cũng thấy du khách đến đây rất phấn khởi và người ta nói rằng đây cũng là một cơ hội để họ có thể khoe áo dài của mình. Nhiều người họ mong muốn sẽ có nhiều sự kiện như thế này hơn để có thể tiếp tục mặc áo dài, khoe tấm áo dài của mình.
Khi xây dựng kế hoạch của Lễ hội năm nay, chúng tôi cũng đặt mục tiêu dự kiến có khoảng 60.000 lượt khách sẽ đến thế với Lễ hội. Nhưng chỉ qua hai ngày, con số đã hơn 60.000 lượt khách rồi. Chúng tôi sẽ rút ra những kinh nghiệm của nội dung năm nay, cái nào làm tốt thì sẽ tiếp tục phát huy, cái nào chưa tốt sẽ khắc phục. Và thời gian tiếp theo, chúng tôi vẫn mong muốn lan tỏa hình ảnh, thông điệp áo dài không chỉ là một đại sứ văn hóa mà còn là đại sứ du lịch.
Xin cảm ơn bà về cuộc trao đổi này!