Cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0 và ứng dụng trong trường học
Sáng 27/10, Trường Đại học Giáo dục, Đại học quốc gia Hà Nội chủ trì tổ chức Diễn đàn Hà Nội về Khoa học sư phạm và Giáo dục năm 2023 (HaFPES 2023).
HaFPES 2023 được tổ chức trong không gian mở nhằm tạo ra một môi trường học thuật chuyên sâu, tạo ra các không gian thảo luận theo từng chủ đề, chia sẻ về những trường phái, xu hướng và phương pháp nghiên cứu mới, tham vấn các chính sách về cách tiếp cận và thích nghi mới trong giáo dục và sư phạm, đặc biệt trong bối cảnh đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, trong đó có những đổi mới mạnh mẽ của giáo dục đại học.
34 công trình nghiên cứu từ 33 tác giả trong nước và 18 tác giả quốc tế đến từ (Mỹ, Thái Lan, Anh, Nhật Bản, Nauy, Hàn Quốc) tập trung vào 5 chủ đề quan trọng của giáo dục đương đại được trình bày tại diễn đàn.
Theo các tác giả, chất lượng giáo dục của một quốc gia phụ thuộc vào chất lượng của công dân của nó, và chất lượng công dân này chủ yếu dựa vào chất lượng giáo dục họ nhận được. Trong ngữ cảnh này, chất lượng của giáo viên đóng vai trò quan trọng đối với chất lượng giáo dục. Đào tạo giáo viên trở thành một yếu tố quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giáo dục ở các quốc gia.
Các quốc gia thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) có một tầm nhìn chung về giáo dục và đóng góp quan trọng vào sự phát triển và cạnh tranh của khu vực. Giáo dục được coi là một phần quan trọng của Hiến chương ASEAN và nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác trong giáo dục và phát triển nguồn nhân lực. Viện Nghiên cứu và Phát triển Nghề nghiệp giảng dạy của ASEAN (IRDTP) hợp tác với nhiều quốc gia để hỗ trợ giáo viên trong khu vực ASEAN.
Lĩnh vực thần kinh học đã đóng một vai trò ngày càng quan trọng trong việc hiểu rõ hoạt động não bộ và cơ chế của các rối loạn học tập như tự kỷ, rối loạn tăng động và tập trung (ADHD), rối loạn đọc và viết, và nhiều rối loạn khác. Sự tiến bộ trong việc sử dụng hình ảnh não bộ, như MRI chức năng, đã giúp các nhà nghiên cứu xác định được các sự khác biệt trong cấu trúc và hoạt động não bộ của những người mắc rối loạn học tập.
Hiểu được cơ sở của những kiến thức thần kinh học sẽ giúp người giáo viên phát triển các phương pháp học tập hiệu quả hơn và tạo ra môi trường học tập thích hợp để hỗ trợ các học sinh vượt qua khó khăn học tập của họ. Báo cáo “What can Neuroscience tell us about why Cognitive Strategies benefit Students with Learning disorders?" của GS Susan De La Paz, Trường Đại học Maryland, Hoa Kỳ giúp khám phá sâu hơn về vấn đề này.
Với các cách tiếp cận khác nhau, các báo cáo đề xuất đề cập đến những vấn đề thời sự nhất về lãnh đạo và quản lý trong bối cảnh chuyển đổi kỹ thuật số hiện nay, là cơ hội để nhà lãnh đạo cấp cao, giàu kinh nghiệm thực tiễn cùng trao đổi và mang đến cái nhìn sâu sắc về vấn đề mới, các phương thức đổi mới để hướng tới một nền quản trị trường học có chất lượng hơn, thể hiện tầm nhìn mới trong thời đại ngày nay, đồng thời đưa ra những đóng góp tích cực, những ý tưởng, giải pháp liên quan để góp phần nâng cao chất lượng lãnh đạo và quản lý giáo dục nhà trường trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay./.