Chủ tịch UBND TP Hà Nội: Tuyệt đối không để làn sóng dịch Covid-19 thứ ba vào Thủ đô
Tin tức - Ngày đăng : 21:21, 02/12/2020
Nêu nhiệm vụ, vai trò của Thủ đô không chỉ phục hồi phát triển kinh tế mà phải an toàn tuyệt đối, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh đề nghị các đơn vị sở ngành, quận huyện TP không thể bị động, sai sót, không để làn sóng thứ 3 dịch bệnh Covid-19 xảy ra ở Thủ đô.
Chiều 2/12, trước những diễn biến mới nhất của dịch Covid-19 tại Việt Nam, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP Hà Nội giao ban trực tuyến dưới sự chủ trì của Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh. Cùng dự có Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý – Trưởng ban chỉ đạo.
Giữ an toàn tuyệt đối cho Thủ đô
Mở đầu phiên họp, Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh bày tỏ cám ơn sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy chính quyền các cấp cơ sở trong suốt thời gian dịch bệnh bắt đầu. Các quận huyện xã phường đến từng khu dân cư, tổ dân phố, gặp từng người dân để vận động, giám sát việc phòng chống dịch cũng như hoạt động phục hồi kinh tế.
Chủ tịch UBND TP cho biết, Thủ tướng có nhắc phải thực hiện mục tiêu kép và kinh tế Hà Nội đã và đang phục hồi tích cực dù gặp rất nhiều khó khăn. Điển hình là sự kiện kích cầu “Hà Nội đêm không ngủ” vừa qua với doanh số tăng 300%, lượng khách tăng 200%. Chủ tịch UBND TP nêu: “Trong đó có công sức đóng góp của chính quyền các cấp và mọi người dân. Tất cả các cấp cần tiếp tục phát huy tinh thần đấy để tiếp tục làm tốt hơn nữa theo như chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước là Thủ đô phải đi đầu, làm gương và không được phép có sai sót”.
Nhắc lại việc có ca nhiễm Covid-19 mới ở TP Hồ Chí Minh đã lan ra 3 quận, có trường hợp F1,F2 ra các tỉnh thành khác…Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh đặt vấn đề cần tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch bởi: “Chúng ta vừa có kinh nghiệm, vừa có trách nhiệm. Cấp ủy chính quyền đến từng khu dân cư phải vào cuộc quyết liệt; đề cao cảnh giác nhưng không hoang mang. Hà Nội đã 106 ngày chưa có lây nhiễm trong cộng đồng. Cần gắn trách nhiệm từng người, từ cán bộ các cấp đến tận khu dân phố. Đây là vấn đề nhận thức, mỗi người cần làm tốt hơn nhiệm vụ của mình”.
“Nhiệm vụ của Thủ đô không chỉ phục hồi phát triển kinh tế mà phải an toàn tuyệt đối” - Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh.
Xem xét lại quy trình cách ly của tổ bay, tiếp viên
Theo Sở Y tế Hà Nội, việc đã xuất hiện ca bệnh ngoài cộng đồng tại TP Hồ Chí Minh và ca bệnh này lại đi đến nhiều nơi, tiếp xúc nhiều người là điều đáng lo ngại với không chỉ riêng TP HCM mà với cả các tỉnh thành phố khác trong đó có sự giao thương, đi lại của người dân giữa các tỉnh thành.
Nêu việc cách ly ở các nơi lưu trú và tại nhà rất dễ không tuân thủ đúng quy trình, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết, ngay trong sáng 1/12, BCĐ phòng chống dịch TP đã đi kiểm tra khu cách ly tổ bay của Việt Nam Airline tại quận Long Biên. Tại đây, đơn vị đã cơ bản thực hiện tốt công tác cách ly theo quy định.
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội đề nghị các quận, huyện, thị xã phải quản lý tốt các cơ sở cách ly, đối tượng cách ly nhất là tại các cơ sở lưu trú có thu phí và các cơ sở cách ly tổ bay trên địa bàn. “Các đơn vị phải thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch tại cơ sở cách ly. Phải thực hiện đầy đủ việc giám sát y tế đủ 14 ngày với người nhập cảnh sau khi hoàn thành cách ly tập trung; Xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm…” - ông Hạnh nêu rõ sau khi phân tích sự nguy hiểm của các lỗ hổng trong quản lý người cách ly.
Sở Y tế Hà Nội cũng kiến nghị BCĐ Trung ương phối hợp chặt chẽ với Hà Nội để kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện cách ly tại nhà với người nhập cảnh, nhất là ở các chung cư vì người dân có ý kiến và lo lắng về việc này.
Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Khắc Hiền cho biết 5 đoàn kiểm tra của TP tiếp tục kiểm tra công tác phòng chống dịch ở các quận huyện và còn 1 số tồn tại ở cơ sở cách ly vẫn chưa được khắc phục như xử lý rác thải và đặc biệt là hệ thống giám sát không đầy đủ, người giám sát không thường xuyên cần phải chấn chỉnh ngay. Các cơ sở lưu trú cách biệt thì thực hiện tốt biện pháp phòng chống dịch nhưng ở các chung cư thì chưa đảm bảo an toàn.
Ông Hiền cho biết, với phi hành đoàn, tiếp viên hàng không phải cách ly thì đang có vướng mắc khi nhận thức của họ vẫn chủ quan trong việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch. Vì vậy, ông Hiền cho rằng, các trường hợp này nếu cách ly nhà phải có đủ điều kiện (có phòng riêng, giám sát thường xuyên) nếu không tốt nhất nên cách ly ở khu cách ly tập trung để đảm bảo an toàn.
Phó Giám đốc Sở Y tế Trần Văn Chung cho biết, ngành y tế của TP cũng rất băn khoăn với các đối tượng cách ly 14 ngày nhưng chỉ có 7 ngày ở nơi cách ly tập trung, còn lại 7 ngày cách ly tại nơi lưu trú. Theo ông Chung, nhiều trường hợp cách ly ở nơi lưu trú không thực hiện nghiêm quy trình của Bộ Y tế.
“Với các tổ bay, trên địa bàn TP Hà Nội đã có 10.000 lượt người rồi, chưa xảy ra vấn đề gì, nhưng thực tế rất dễ xảy ra. Hiện nay trên địa bàn TP có 3 cơ sở cách ly với các tổ bay, nhưng sau khi xét nghiệm âm tính thì họ được về nhà cách ly. Để họ về nhà rồi thì có yên tâm không, như trường hợp ở TP Hồ Chí Minh vừa qua. Do vậy, phải xem xét lại quy trình cách ly với tổ bay” - ông Chung nói và đề nghị các xã phường phải rà soát kỹ các đối tượng này.
Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý - Trưởng BCĐ phòng chống dịch bệnh Covid-19 cho biết, ngày 1/12, Thủ tướng đã họp và yêu cầu Hà Nội, TP Hồ Chí Minh phải quyết liệt hơn nữa trong các biện pháp phòng chống dịch. Phó Chủ tịch UBND TP yêu cầu các đơn vị khắc phục ngay các tồn tại ở các khu cách ly; siết chặt quản lý, quy trình người cách ly nhất là với tổ bay...
Sở Y tế thường xuyên liên hệ với CDC TP Hồ Chí Minh để kiểm soát chặt chẽ các trường hợp có liên quan đến bệnh nhân mới mắc Covid-19; làm tốt công tác phòng dịch ở nơi công cộng, sự kiện nào không cần thiết thì dừng tổ chức; thực hiện nghiêm phòng dịch ở các bệnh viện.
“Thành phố sẽ tiếp tục đi kiểm tra ở các quận huyện. Nơi nào chủ quan để xảy ra dịch bệnh sẽ xử lý trách nhiệm người đứng đầu” - Trưởng BCĐ phòng chống dịch bệnh Covid-19 TP nói.
Phòng chống dịch với tinh thần không có vùng trống, không có ngoại lệ
Tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đánh giá cao hoạt động chuẩn bị và chủ động của Hà Nội trong công tác phòng, chống dịch. Tại Việt Nam, sau 88 ngày không có ca mắc ngoài cộng đồng, đến nay đã xuất hiện 4 ca dương tính và hơn 800 trường hợp F1 được cách ly và xét nghiệm. Thứ trưởng cho rằng cần xác định đây là nguy cơ tiềm tàng đối với công cuộc phòng, chống dịch. Theo Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, Hà Nội là nơi tổ chức nhiều sự kiện lớn của của nước nên công tác phòng, chống dịch càng cần quyết liệt hơn nữa…
Thông tin thêm về công tác phối hợp, Thứ trưởng cho biết, Bộ Y tế đã nhiều lần làm việc với Hà Nội hỗ nhằm hỗ trợ thành phố, đặc biệt trong công tác xét nghiệm sớm. Đồng thời, ban hành thông điệp 5K trên cả nước trong tình hình mới để ngăn chặn lây lan trong cộng đồng. Thứ trưởng đề nghị Hà Nội quan tâm thực hiện thông điệp này nhất là ở khu vực đông người như: chợ, TTTM, phố đi bộ…
Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị TP Hà Nội nhanh chóng áp dụng bộ tiêu chí cho các phòng khám (Bộ Y tế đã ban hành ngày 1/12) kiểm tra các cơ sở y tế công lập, tư nhân trên địa bàn theo mục tiêu đảm bảo an toàn để phục vụ các nhiệm vụ chính trị. Đối với các khu vực cách ly tại khách sạn và cách ly tổ bay, mặc dù đã có kế hoạch kiểm tra, song vấn đề đáng lo ngại là "đầu vào" (người nước ngoài vào Việt Nam, tổ bay). Lãnh đạo Bộ Y tế đề xuất quan tâm, tích cực triển khai cách ly 14 ngày với tổ bay; đối với các chuyên gia, phải thực hiện nghiêm túc công tác xét nghiệm. Khi vào Việt Nam, tất cả thành viên trong đoàn, kể cả cấp cao nhất, cũng phải tiến hành kiểm tra…
"Ngăn chặn quyết liệt mới có thể phòng ngừa dịch bệnh. Thực hiện nghiêm theo quy định, không có vùng trống, không có trường hợp ngoại lệ" - Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh.
Làm tốt công tác phòng chống dịch từ mỗi hộ gia đình
Chỉ đạo tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh lưu ý từ ca bệnh mới ở TP Hồ Chí Minh đã có trường hợp liên quan ở Đà Nẵng và đó là nguy cơ không nhỏ. Vì vậy trước hết, theo Chủ tịch UBND TP, việc đầu tiên là cần kiểm soát tình hình tốt nhất là ở các nơi công cộng.
Chủ tịch UBND TP cũng yêu cầu các đơn vị quán triệt ngay các khuyến cáo “5k” của Bộ Y tế, phải làm thế nào để đi vào cuộc sống như một thói quen của mọi cá nhân, gia đình, tổ chức.
“Không thể bị động, sai sót, không để làn sóng thứ 3 dịch bệnh Covid-19 xảy ra ở Thủ đô” - Chủ tịch UBND TP đặc biệt nhấn mạnh.
Bám sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND TP yêu cầu cả hệ thống chính trị phải cảnh giác cao độ, không lơ là chủ quan, kiểm soát từ bên ngoài, ngăn chặn tốt từ bên trong, không để người dân hoang mang lo lắng.
“Trách nhiệm phải gắn vào người đứng đầu. Tăng cường công tác lãnh, chỉ đạo, cấp ủy từ quận huyện xuống tới các tổ dân phố. Để làm tốt hơn nữa, thì phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát ngay từ cơ sở, bởi công tác này là rất quan trọng”, Chủ tịch UBND TP nhắc nhở.
Chủ tịch UBND lưu ý các quận huyện, xã phường, những nơi đông người như công viên, vườn hoa, quảng trường, phố đi bộ, trường học, bến xe phải thực hiện nghiêm “2K”: khẩu trang và khử khuẩn phải bắt buộc thực hiện…
Các ngành phải yêu cầu tự rà soát, đánh giá việc thực hiện các yêu cầu mà ngành y tế đưa ra về phòng chống dịch, từ đó xem xét trách nhiệm các đơn vị không thực hiện nghiêm.
Chủ tịch UBND TP chỉ đạo các đơn vị phải chú ý, ngăn chặn, phát hiện xử lý kịp thời các đối tượng nhập cảnh trái phép. Tăng cường tần suất, mức độ kiểm tra từ tổ dân phố, khu dân cư để phát hiện khả năng tiếp xúc với các ca nhiễm Covid-19, không để bùng phát, F1, F2.
“Mỗi người cần nhận thức rõ trước hết là tự bảo vệ mình rồi sau đến là xã hội. Phải làm tốt công tác phòng chống dịch từ mỗi hộ gia đình” - Chủ tịch UBND TP nói.