Văn hóa – Di sản

Lý Thánh Tông – vị vua nhân ái, trọng văn hóa

Lê Văn Lan 25/10/2023 16:20

Lý Thánh Tông, tức Lý Nhật Tông, vua thứ ba triều Lý, là con trưởng Lý Thái Tông, chào đời tại Thăng Long ngày 25 tháng 2 năm Quý Hợi (1023).

Vị hoàng đế tương lại có 5 năm tuổi thơ được ông nội Thái Tổ đích thân kèm cặp, và đặc biệt là được vua cha Thái Tông giáo dưỡng cẩn trọng trong suốt 27 năm ngồi trên ngôi báu nước Việt của mình, trước khi trở thành “Lý gia đệ tam đế” - có phần muộn mằn - ở tuổi ba mươi hai.

tuong-tho-ly-thanh-tong.jpg
Tượng thờ vua Lý Thánh Tông.

Chắc chắn Lý Thánh Tông không có gì phải phàn nàn về sự muộn mằn đó. Vì trước tiên, ông biết rõ mình là người đã được lựa chọn. Vào năm Mậu Thìn (1028), ngay sau khi Lý Thái Tổ băng hà (ngày mồng một tháng ba), Lý Thái Tông lên ngôi (ngày mồng hai tháng ấy) thì đến tháng năm, sử cũ đã chép có việc “Lập Nhật Tôn làm thái tử” rồi: “Bấy giờ, bầy tôi xin với vua Thái Tông rằng - lời sử cũ - thái tử là căn bản của nước, nên sớm lập người con có thánh đức, chính vị Đông cung, để yên lòng mong muốn của thiên hạ. Nhà vua bèn theo lời, lập Nhật Tôn làm thái tử”.

Khi ấy, Lý Nhật Tôn mới vừa sáu tuổi. Năm năm sau, ở tuổi mười một, ông đã được phong vương tước, hiệu là “Khai Hoàng”. Đó là việc của tháng tám, năm Quý Dậu (1033). Và liền đó, tháng chín, thì vị Khai Hoàng Vương 11 tuổi ấy, đã được trao ngay trọng trách: thay phụ hoàng “trông coi việc nước” - ở cương vị “Lưu thủ kinh thành” - khi vua Lý Thái Tông “tự làm tướng dẫn quân đi đánh châu Trệ Nguyên, dẹp yên phản loạn ở châu ấy, rồi mới kéo quân về” (Khâm định Việt sử thông giám cương mục, chính biên, Quyển II)... Hẳn là đấng “Lưu thủ kinh thành”, lần ấy đã thực hiện tốt trọng trách của mình. Vì thế, các lần sau, hễ vua cha phải cầm quân đi viễn chinh thì việc “Lưu thủ kinh sư” lại được giao cho, không phải ai khác, mà đều là Khai Hoàng Vương Nhật Tôn, kể cả lần viễn chinh quan trọng nhất: đánh Chiêm Thành, năm 1044.

Việc “thực tập” - chuẩn bị làm hoàng đế Lý triều của Khai Hoàng Vương Nhật Tôn bắt đầu và liên tục, từ đó. Nó gồm rất nhiều việc phải làm, và nằm trong truyền thống đặc trưng nổi nét của nhà Lý lúc sơ khởi, truyền qua các đời vua Thái Tổ, Thái Tông, Thánh Tông... là hết sức coi trọng việc luyện rèn cho người rồi sẽ đứng đầu vương triều, cai trị đất nước và chúng dân. Và cũng đúng như một đặc trưng nổi nét nằm trong truyền thống ấy - vị hoàng đế tương lai phải luôn và trước hết là võ tướng, giỏi việc cầm binh, đánh giặc giữ yên đất nước - chàng thái tử trẻ tuổi, ở và từ Thăng Long, đã không ít lần, mang ấn “Đại nguyên soái” xuất chinh. Đó là những việc lớn, được biên niên sử cũ, liên tục chép vào các năm 1042, 1043:

- Nhâm Ngọ (1042): Tháng 10, mùa đông, Văn Châu (Lạng Sơn) làm phản. Phong Khai Hoàng Vương làm Đô thống đại nguyên soái, đem quân đi đánh (khi này, Nhật Tôn 20 tuổi).

- Quý Mùi (1043): Tháng 3, mùa xuân, Ái Châu (Thanh Hóa) làm phản. Sai Khai Hoàng Vương (21 tuổi) làm Đô thống đại nguyên soái, đi đánh...

Tuy nhiên, riêng trong sự nghiệp luyện rèn cho vị thái tử rồi sẽ là “Lý gia đệ tam đế”, thì, vì thế nước trong đời vua cha Thái Tông đã đi vào ổn định, việc pháp luật trở thành rường cột triều chính, “Lý gia đệ nhị đế” đã là người đầu tiên của Lý triều “ban Hình thư, chế định luật pháp, mở ra một thời kỳ “Minh Đạo” (từ 1042) cho nên việc pháp lý cũng chính là một trọng sự để thái tử Lý Nhật Tôn luyện rèn, “thực tập”, và hơn nữa: phụ trách, ngay từ khi bước vào tuổi 18. Và, người đảm nhiệm việc “cầm cân nẩy mực” của pháp chế quốc gia, phán xử và phán quyết việc tranh chấp, thi hành pháp luật trẻ tuổi của triều đình này, còn được giao riêng cả một tòa cung điện trong thành: - điện Quảng Vũ - để thực thi sự nghiệp “Minh Đạo” của mình. Đây chính là việc đã được chép trong biên niên sử về năm Canh Thìn, 1040: cám

“Tháng tư, mùa hạ. Nhà vua (Lý Thái Tông) xuống chiếu phàm các việc kiện tụng, đều giao cả cho Khai Hoàng vương Nhật Tôn xét xử, định đoạt, rồi tâu lên”.

“Dùng điện Quảng Vũ (ở phía tây Sân Rồng của tòa chính điện Thiên An) làm nơi xử kiện. Phàm các việc kiện tụng trong nước, đều do nơi đó sử đoán, rồi tâu lên vua” (Khâm định Việt sử thông giám cương mục. Chính biên, Quyển III)...

Chỉ một năm sau đấy (1041), một vụ trọng án đã xảy ra: “Tháng sáu, mùa hạ, Điện tiền chỉ huy sứ là bọn Đinh Lộc và Phùng Luật mưu làm phản. Đều bị giết”.

Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục chép việc này, chỉ ghi chi tiết: “Nhà vua (Lý Thánh Tông) hạ chiếu, bắt Đinh Lộc, Phùng Luật, giao cho quan lại trị tội”. Nhưng chính bộ Đại Việt sử ký toàn thư trước đấy đã cho biết rõ: vụ trọng án này là do Lý Nhật Tôn xử lý. Sách này chép: “Điện tiền chỉ huy sứ Đinh Lộc và Phùng Luật mưu làm phản. Xuống chiếu bắt Lộc, Luật, và bè đảng, giao cho quan trị tội. Khai Hoàng Vương xét xử: bọn Lộc, Luật đều phải giết!”...

Có thể nhận ra: Từ cái “truyền thống” chỉ riêng mở cho mình như thế, Lý Thánh Tông sau này mới trở thành một ông vua nổi trội của nhà Lý về phương diện có nhiều hành vi pháp lý đặc sắc. Nhất là tư tưởng pháp lý - sau một thời nghiệt ngã - đã chuyển sang mang nhiều vẻ nhân đạo nhân văn hơn. Sử cũ đã chép được hai lần biểu thị tư tưởng này của Lý Thánh Tông, vào biên niên sử các năm 1055 và 1064:

- Ất Mùi (1055): Ngay vào năm thứ hai trị vì đất nước, Lý Thánh Tông đã “ban ơn chẩn tế cho những tù bị giam trong ngục. Bấy giờ rét dữ, nhà vua bảo những người tả hữu rằng: “Trẫm ở chốn thâm cung, sưởi thứ than chế bằng xương loài thú, mặc áo hồ cừu, mà còn rét thế này. Trẫm rất thương xót những người tù bị giam trong ngục kia: Cơm không đủ no lòng, áo không đủ che cật, thì còn bị gió rét dằn vặt đến đâu. Vậy hạ lệnh cho viên quan có trách nhiệm phát chăn chiếu cho họ, và mỗi ngày cho ăn hai bữa!”.

- Giáp Thìn (1064): “Nhà vua ngự điện Thiên Khánh xử kiện. Công chúa Động Thiên hầu bên cạnh. Nhà vua trỏ vào công chúa mà bảo ngục lại: “Ta đem lòng cha mẹ đối với dân, cũng như lòng thương con ta đấy. Dân không biết gì, tự mình làm mình mắc phải tội lỗi, ta rất xót xa. Từ nay, không cứ tội nặng hay nhẹ, cốt phải xét một cách rộng rãi, tha cho những kẻ lầm lẫn mà mắc tội!”.

Không chỉ về mặt tư tưởng pháp lý, mà cả về mặt hành vi (tổ chức) pháp chế, Lý Thánh Tông cũng là người có những công việc đột phá. Chẳng hạn như việc: “Cấp lương bổng cho những quan lại giữ việc hình ngục”. Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục - dẫn sách Lịch triều hiến chương loại chí cho biết: dưới triều Lý, các quan trong triều và ngoài các lộ, đều không có lương bổng (quan trong: thỉnh thoảng được vua ban thưởng, quan ngoài: được giao phó cho dân một làng để thu thuế ruộng đất đầm ao, lấy đấy mà tự cung cấp cho mình) - đã chép rõ: Lý Thánh Tông “dùng Ngụy Trọng Hòa và Đặng Thế Tư làm quan “Đô hộ phủ sĩ sư” (quan chức coi việc pháp luật), đổi mười người “thư gia” (coi việc sổ sách giấy tờ) làm “án ngục lại” (giúp việc xét hỏi ngục tụng). Cho Trọng Hòa và Thế Tư, mỗi người được mỗi năm: 50 quan tiền, 100 bó lúa, cá và muối đủ dùng. Cho các ngục lại, mỗi người 20 quan tiền và 100 bó lúa”. Việc cấp lương bổng này cốt để gây nuôi lòng thanh liêm của họ.

Dĩ nhiên, cùng với việc làm một hoàng đế - pháp quan như thế, Lý Thánh Tông cũng còn - nhờ đã quen “thực tập chiến binh” - không hổ danh là một hoàng đế - võ tướng. Vẫn sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục, nhưng lần này thì dẫn sách Vân đài loại ngữ của Lê Quý Đôn, cho biết: Phép hành quân của nước Đại Việt ở thời kỳ Lý Thánh Tông (hẳn là có đóng góp quan trọng của Lý Thường Kiệt chính là người do Lý Thánh Tông khởi sự trọng dụng) đã được viên quan nhà Tống là Thái Diên Khánh mách với vua Tống để học theo - đã viết rõ sự bình luận (đánh giá) là: “Binh pháp triều Lý, được Trung Quốc phỏng theo là thế đấy! Nhà Lý, phía bắc, phá được châu Ung, châu Liêm, phía nam bình được Chiêm Thành, Chân Lạp, đánh đâu được đấy, thật là có cớ như thế chứ!”.

Những việc “phá Tống bình Chiêm” thế này, nói cho công bằng, là chủ yếu nhờ và do Lý Thường Kiệt thực hiện, vào đời Lý Nhân Tông, vốn là hoàng trưởng tử của Lý Thánh Tông, ít năm sau thời trị vì của Lý gia đệ tam đế. Nhưng, cũng vẫn nói cho công bằng, thì quả là những tiền đề, đã có từ ngay trong đời vị hoàng đế - võ tướng Lý Thánh Tông rồi. Ấy là những sự việc, trước hết thuộc về biên niên sử năm Kỷ Hợi (1059), được chép vắn tắt trong bộ Đại Việt sử ký toàn thư. “Mùa xuân, tháng 3, đánh Khâm Châu nước Tống, khoe binh uy rồi về, vì ghét nhà Tống phản phúc". Còn ở trong bộ Khâm định Việt sử thông giám cương mục thì được chép kỹ hơn: “Tháng 3, mùa xuân. Sang đánh Tống, quân ta kéo đến Khâm Châu rồi trở về. Quân ta kéo đến Tư Lẫm doanh thuộc Khâm Châu, diễu võ dương uy rồi trở về. (Có) việc hành quân này, vì ghét nhà Tống tráo trở”...

Đến sự việc năm Canh Tý (1060) thì cả hai bộ chính sử triều Lê và triều Nguyễn đều chép giống nhau: “Châu mục Lạng châu là Thân Thiệu Thái đuổi bắt những kẻ trốn tránh, vượt sang đất Tống, bắt chỉ huy sứ nhà Tống là Dương Bảo Tài đem về. Quân Tống tràn sang xâm lấn bên ta, nhưng thất bại. Đến lúc này, nhà Tống sai Lại bộ thị lang là Dư Tĩnh đến Ung Châu để hội nghị. Vua (Lý Thánh Tông) sai Phí Gia Hựu sang dự hội. Dư Tĩnh đưa lễ vật hậu hĩ tặng biếu Gia Hựu, nhân đấy đưa thư xin ta trả lại Bảo Tài cho nhà Tống. Nhưng nhà vua không nghe!”...

Rõ ràng, chỉ đạo cương quyết việc này - 5 năm trước lần “tiên phát chế nhân” của Lý Thường Kiệt: đem quân sang đánh phá các căn nhà Tống chuẩn bị xâm lược Đại Việt là Lý Thánh Tông.

Còn đối với Chiêm Thành, thì càng tỏ tường là vị hoàng đế - võ tướng Lý Thánh Tông, không những không thua kém phụ hoàng Thái Tông của mình trong việc tiến hành chiến tranh, mà còn hơn cả bậc tiên hoàng, trong việc phát huy chiến quả, khai thác tác dụng của chiến công. Cuộc chiến tranh lớn, do Lý Thánh Tông phát động, có Lý Thường Kiệt là tiên phong chống Chiêm Thành vào năm Kỷ Dậu (1069), từ mùa xuân tháng hai đến mùa hè tháng sáu, đã giành đại thắng, với chiến tích: nâng chủ soái Thánh Tông năm 1069 lên ngang hàng với chủ soái Thái Tông năm 1044 trong việc đánh chiếm kinh thành, tiêu diệt quốc vương nước địch. Nhưng nếu Thái Tông đã giết đến 3 vạn người (trong đó có cả vua Sạ Đẩu “Jaya Sinhavarman II”) mà chỉ bắt về 5 nghìn tù binh (trong đó có “phu nhân My Ê”) và rất chăm việc cướp bóc hết của cải và phụ nữ Chiêm Thành thì, Thánh Tông lại tập trung vào việc dùng nhân lực (nhân sự) nước bại trận trong công cuộc mở mang xây dựng nước nhà: bắt sống vua Chế Củ “Rudravarman IV” nhưng lại đổi mạng quốc vương Chiêm Thành lấy đất ba châu Địa Lý, Ma Linh, Bố Chính, và điều đến 5 vạn tù nhân Chiêm Thành về Đại Việt để lao động (lao dịch)!

Ngay sau và nhân vũ công đánh phá Chiêm Thành này, vào tháng 7 năm 1069, Lý Thánh Tông đã cho đổi niên hiệu của mình, từ đây, thành “Thần Vũ”. Trước đấy, niên hiệu của ông là: “Thiên Huống Bảo Tượng” dùng từ mùa xuân năm 1068, nhân việc châu Đăng (mạn Tây Bắc đất nước) dâng về triều hai con voi trắng! Trước đấy nữa, ông dùng niên hiệu “Long Chương Thiên Tự”, do việc năm 1066, làm chùa Phật Tích, nguyên phi Ỷ Lan sinh cho ông quý hoàng thái tử Lý Càn Đức... Những việc dùng và thay đổi niên hiệu như thế này của Lý Thánh Tông đặc biệt là việc sáng tạo ý tứ trong niên hiệu đầu tiên: “Long Thụy Thái Bình” (1054) là một tín hiệu, trong rất nhiều thông tin, minh chứng một khía cạnh nhân cách, một phương diện con người, ở ông, còn lớn và quan trọng, chính yếu hơn cả hai con người mà ta đã vừa thấy ở ông: “Hoàng đế pháp quan” và “Hoàng đế võ tướng” - Đó là: Hoàng đế thi thư văn hiến!

Nhân thân của một vị hoàng đế thi thư văn hiến, ở Lý Thánh Tông, đã bộc lộ rõ ràng, đầu tiên, ngay ở năm thứ nhất trị vì đất nước của ông, bằng việc đặt tên cho nước là “Đại Việt”. Quốc hiệu “Đại Việt”, từ năm Giáp Ngọ 1054, bắt đầu có, là do Lý Thánh Tông. Về việc này, sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục khẳng nhận: “Trước kia, Đinh Tiên Hoàng thống nhất đất nước, đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt. Các triều đại sau vẫn theo như thế. Đến đây mới đổi lại (là Đại Việt)”...

Vị hoàng đế thi thư văn hiến Lý Thánh Tông còn chính là người đã xây dựng không biết mệt mỏi những công trình tiêu biểu nhất của nền văn hóa Thăng Long - văn minh Đại Việt, nền văn hóa văn minh do chính ông hoàn thiện và kết thúc quá trình khởi dựng bắt đầu từ đời vua ông Thái Tổ, và vua cha Thái Tông.

Cho đến nay, quanh khu vực đang có ngôi “Nhà thờ lớn” (ở quận Hoàn Kiếm, thủ đô Hà Nội) xây chồng lên di tích nền móng của tòa tháp Báo Thiên, khởi dựng trong những năm 1056-1057, vẫn thấy xuất lộ từ trong lòng đất những viên gạch cỡ lớn, đỏ au lửa nung già, với hàng chữ nổi nét “Lý gia đệ tam đế, Long Thụy Thái Bình niên tạo” (làm năm Long Thụy Thái Bình đời hoàng đế thứ ba nhà Lý). Đó chính là dấu ấn của Lý Thánh Tông ở một công trình để đời của ông: Tòa tháp 12 tầng, cao vài chục trượng, “cây cột trụ chống trời giữ yên non sông” (Sơn hà bất động kình thiên trụ - thơ Phạm Sư Mạnh, đời Trần) báu vật khổng lồ hàng đầu trong “tứ đại khí” biểu tượng của nền văn hóa Thăng Long thời thịnh vượng nhất! Và ở ngọn núi Tiên Du (Kinh Bắc xưa, Bắc Ninh nay) những tác phẩm điêu khắc đá của ngôi chùa Phật Tích - còn lưu lại tại chỗ, hoặc đã được đưa về các bảo tàng và các bộ sưu tập cổ vật - lừng danh, cũng lại đã làm bằng chứng nữa, cho một công trình kiến trúc - nghệ thuật Phật giáo tuyệt vời của nền văn hóa Thăng Long văn minh Đại Việt, hồi giữa thế kỷ XI hoàng kim. Chính Lý Thánh Tông đã cho xây dựng một tòa bảo tháp nữa tại đây, ngay vào năm đầu, niên hiệu “Long Chương Thiên Tự” (1066) của mình. Ngôi “Thiên tự” của đấng con trời này, còn là nơi chốn thường xuyên lui tới và để tâm để trí lâu dài của Lý Thánh Tông. Một năm trước khi lìa đời, ông vẫn còn tự tay viết bia, với một chữ “Phật”, dài đến 1 trượng 6 thước, đặt ở nơi Tiên Du Phật Tích này.

Lý Thánh Tông, vậy, cũng còn là một hoàng đế hoằng dương Phật pháp, như các tiên vương tiên đế của mình. Nhưng, ở nhân cách của một vị hoàng đế văn hiến thi thư, Lý Thánh Tông còn hơn cả cha ông ở chỗ biết “tràn bờ Phật giáo” để lan loang vươn xa nữa, tới vùng rừng Nho (Nho lâm), với công trình tạo tác và tinh kết của mình, khởi từ năm Canh Tuất, niên hiệu Thần Vũ thứ hai, (1070). Chiếm lĩnh cả một không gian tốt lành ở ngay mé ngoài cửa Nam hoàng thành Đại Hưng, đây chính là công trình văn hóa tiêu biểu không chỉ của tòa kinh đô Thăng Long nghìn năm văn hiến, mà còn của cả nước Đại Việt thời Lý - Trần thịnh trị: ngôi Văn Miếu của thời Lý Thánh Tông!

Phải chờ đến thời Lê, mới thấy sử sách có mấy dòng vắn tắt về công trình văn hóa có một không hai này: “Mùa thu, tháng tám, làm Văn Miếu, đắp tượng Khổng Tử, Chu Công, và tứ phối, vẽ tượng thất thập nhị hiền, bốn mùa cúng tế. Hoàng thái tử đến học ở đây” (Đại Việt sử ký toàn thư, Bản kỷ, Quyển III)... Tuy nhiên, chỉ qua mấy câu ngắn gọn này, cũng đủ để thấy thêm ở công trình xây dựng này của Lý Thánh Tông ngoài dấu hiệu của Nho học được biểu dương đúng đắn và đúng lúc, phản ánh rõ đặc trưng của văn hóa và lịch sử đương đại, thì việc đưa thêm nhân vật chính trị Chu Công (Đán) vào giữa thế giới của Khổng Tử để biểu dương, tôn thờ, ngay lúc mới khởi lập Văn Miếu (đến năm 1156, đời Lý Anh Tông và Tô Hiến Thành, làm lại Văn Miếu, mới có việc tách Chu Công ra), dường như còn phản ánh một dụng ý riêng của vị hoàng đế văn hiến thư: Khích lệ quần thần hãy chung lo cùng bậc quân chủ đã luống tuổi, trong việc vun đắp cơ đồ nhà Lý và nước Đại Việt, khi chẳng còn bao lâu nữa, đương kim Lý gia đệ tam đế sẽ về chầu tiên tổ, mà ấu chúa kế vị thì hãy còn trứng nước quá! Lý triều và nước Việt, khi ấy rất cần đến một Chu Công (Đán) với tấm lòng trung trinh và tài năng siêu quần phò giúp ấu chúa, lên ngôi, và ngồi vững trên ngai vàng Đại Việt! Sự việc hoàng thái tử Lý Càn Đức, lúc này mới 5 tuổi, cũng phải theo lệnh vua cha, gấp đến nơi biểu dương tôn thờ một Chu Công như thế ở Văn Miếu mà học hành, càng cho thấy rõ điều này.

Với cách làm thông điệp cho ngày mai, qua việc xây dựng một công trình của hôm nay, như thế, Lý Thánh Tông còn khiến cho mọi người nhận thấy ở mình: một vị hoàng đế văn hiến thi thư, biết nhìn xa trông rộng, và biết lo toan sâu sắc, thâm trầm cho đại sự và tương lai.

Hai năm sau khi hoàn thành xây dựng Văn Miếu, vào đầu xuân năm Nhâm Tý (1072), Lý Thánh Tông băng hà ở điện Hội Tiên, giữa tòa Long Thành của kinh đô Thăng Long, thọ 50 tuổi, sau khi đã làm vua được 17 năm. Sử cũ khen ông là: “Khéo kế thừa, thực lòng thương dân, trọng việc làm ruộng, xót kẻ bị hình, vỗ về thu phục người xa, đặt khoa bác sĩ, hậu lễ dưỡng liêm, sửa sang việc văn, phòng bị việc võ, trong nước yên tĩnh, đáng gọi là bậc vua tốt”...

Theo Danh nhân Thăng Long - Hà Nội

Lê Văn Lan