Văn hóa – Di sản

Lý Thái Tông – nhà chính trị, nhà quân sự tài giỏi

Lê Văn Lan 25/10/2023 11:50

Lý Thái Tông là miếu hiệu của Lý Phật Mã, con trưởng Thái tổ Lý Công Uẩn. Lý Phật Mã sinh tại Hoa Lư ngày 26 tháng 6 năm Canh Tý (dương lịch là năm 1000). Đấy là đời trị vì của Đại Hành hoàng đế nhà Tiền Lê (Lê Hoàn), niên hiệu Ứng Thiên năm thứ 7.

tuong-vua-ly-thai-tong.jpg
Tượng Lý Thái Tông.

Khi Lý Công Uẩn trở thành Thuận Thiên hoàng đế, khai sáng vương triều nhà Lý vào năm 1009, thì Lý Phật Mã được chọn làm người kế vị ngai vàng: hoàng thái tử. Và, vị thái tử 10 tuổi, khi theo phụ hoàng dời đô cũ Hoa Lư, lên Thăng Long, định đô mới, thì từ đấy nghiễm nhiên cũng trở thành “Người Thăng Long”.

Hai năm sau, vào năm Nhâm Tý, niên hiệu Thuận Thiên năm thứ 3 (1012) giữa tân đô Thăng Long, Lý Phật Mã, 12 tuổi, chính thức được phong tước vương, trở thành “Khai Thiên Vương” và được xây cho một tòa cung điện riêng: cung Long Đức. Tòa cung điện này, rồi sẽ có một vị trí trọng đại trong đời Lý Phật Mã. Nhưng trước hết, bấy giờ, đó đã là nơi có một ý nghĩa đặc biệt. Ở phía đông hoàng cung - là một quần thể kiến trúc nguy nga đồ sộ, gồm 8 điện 3 cung, châu tuần quanh tòa chính điện Càn Nguyên ngự trên đỉnh núi Nùng - của phụ hoàng, nhưng cung Long Đức của Đông cung thái tử Khai Thiên Vương lại không được vua cha cho xây cất cận kề hoàng cung, mà lại đưa ra ngoài cửa Đông - cửa “Tường Phừ” (điềm lành), cấy vào giữa khu dân cư kinh thành. Sử cũ sau đấy đã sáng suốt bình luận về ý nghĩa của việc này: đó là do “ý (của hoàng đế) muốn cho thái tử hiểu biết mọi việc của dân!”.

Chắc chắn đó là một ý định tốt lành, nằm trong một chủ trương trọng đại của Lý Thái Tổ và triều đình nhà Lý: chọn lựa, đào tạo và rèn luyện

công phu người kế ngôi hoàng đế! Và trước hết, đó phải là một người “hiểu biết mọi việc của dân", vì sống gần dân! Chính nhờ vậy, mà về sau, khi đã trở thành vị hoàng đế thứ hai của triều Lý, Lý Phật Mã vẫn và đã có được những lời hay ý đẹp, chẳng hạn như câu sau đây đã được sử cũ ghi nguyên lại (trong biên niên sử về năm 1039); "Trẫm là người ít đức, đứng đầu thần dân, dậy sớm thức khuya, lúc nào cũng lo sợ như lội vực sâu..." (Đại Việt sử ký toàn thư. Bản kỷ, Quyển II)....

Cũng chắc chắn rằng, trong việc đào tạo, rèn luyện cho người rồi sẽ quản trị đất nước, vì cũng còn là người xuất thân võ tướng, nên Lý Thái Tổ Công Uẩn, đã hướng kỹ con trai mình vào binh nghiệp.

Theo định hướng ấy, vừa đến tuổi trưởng thành, vào các năm 1020, 1024, 1026, 1027, Lý Phật Mã đã bốn lần được vua cha xuống chiếu, trao cho trọng trách cầm quân đi chiến trường, hết lên Phong Châu trên mạn Tây Bắc, châu Thất Nguyên ở mạn Đông Bắc đánh dẹp các thể lục “nội phản” thuộc miền biên viễn núi non, lại vào Bố Chính, Diễn Châu ở hướng nam gió cát nắng nóng, chống lại sự quấy phá của lân bang Chiêm Thành, Trong tất cả các lần mang cờ nguyên soái mà xuất chinh ấy, vị thái tử đang độ tuổi hai mươi đều lập võ công, chiến thắng, mà hiển hách nhất, thì chính là trận núi Mũi Rồng (Long Ty - Quảng Trạch, Quảng Bình bây giờ) năm 1020 vừa chém tại trận tướng địch Bố Linh, vừa tiêu diệt đến quá nửa chiến binh của đạo quân Chiêm Thành gây hấn.

Với truyền thống là võ tướng cầm quân đã thành hình và ổn định ngay từ trong quá trình được đào tạo, rèn luyện ở độ tuổi thanh xuân như thế, đến khi vào tuổi trung niên, trở thành vị vua thứ hai của Lý triều, trị vì nước Việt, kế nghiệp vua cha Thái Tổ, trong vai trò của hoàng đế, Lý Phật Mã vẫn và càng luôn có dịp bộc lộ nhân cách nhà vua - võ tướng của mình. Trong cuộc đời ở ngôi 27 năm (1028-1054), thọ 55 tuổi (1000-1054), Lý Thái Tông Phật Mã là vị hoàng đế, vượt lên trên tất cả các đời vua nhà Lý, mà chiếm kỷ lục về số lần xuất chinh thân chinh, cầm quân đánh đủ các loại giặc của mình. Trung bình cứ hai ba năm một lần, vị “Lý gia đệ nhị đế” này đã có tất cả 8 lần giương cờ hiệu tướng quân, lên đường, ra trận! Vừa lên ngôi vào tháng ba (âm lịch) năm 1028, thì đến tháng tư, ông đã trao kinh thành Thăng Long cho chức nội thị là Lý Nhân Nghĩa quản thủ, thân chinh đi dẹp cuộc nổi dậy của chính em trai mình Khai Quốc vương (Lý) Bồ, ở phủ Trung Yên - chính vừa mới thành cố đô Hoa Lar! Sang đến năm thứ hai của niên hiệu Thiên Thành, vì đã phong được cho con trai Lý Nhật Tồn của mình làm Đông cung thái tử rồi, nên, trao cho vị thái tử 7 tuổi chức vụ giảm quốc, ở lại trông coi kinh đô Thăng Long, ông lại cầm quân lên đường đánh dẹp vụ "giáp Đan Nải (Đan Nê) ở châu Ái (Thanh Hóa) làm phản"! Rồi đó, trong các năm 1031, 1033, 1035, 1037, 1039... hết châu Hoan (Nghệ Tĩnh) lại châu Ái (Thanh Hóa), hết Lâm Tây (Sơn La - Lai Châu) lại Quảng Nguyên (Cao Bằng), những miền biên cương xa trung tâm kinh kỳ này đều in bóng ngọn cờ và vó ngựa viễn chinh tiễu phạt để giữ vững lãnh thổ vương quốc của Lý Thái Tông, trong đó cuộc chiến lớn nhất suốt đời cầm quân của vị quân chủ võ tướng, chính là lần chỉ huy hàng vạn chiến thuyền, xuất phát từ Thăng Long, tháng giêng năm 1044, và mãi đến tháng chín mới khải hoàn ca trở về, sau khi đã vào tận kinh đô nước Chiêm Thành, giết và bắt tù hàng mấy vạn - kể cả quốc vương Sạ Đẩu (Jaya Sinhavarman II) cướp phá và đem về vô số của cải, cung tần mỹ nữ, voi trận ngựa chiến... Lý Thái Tông trở thành vị vua đầu tiên của triều Lý (trước cả vua Lý Thánh Tông, năm 1069), và là vị vua thứ hai trong lịch sử nước Việt (sau vua Lê Đại Hành, năm 982) thân chinh, đánh bại và chiếm được kinh đô nước láng giềng đối địch Chiêm Thành!

Tuy nhiên, Lý Thái Tông không chỉ là một vị vua - võ tướng, giỏi việc chiến trận. Ông còn là một bậc quân vương đặc biệt thiện nghệ hành chính - chính trị, có rất nhiều thành tích và kinh nghiệm trong việc cai trị thần dân, quản lý đất nước, xây dựng và phát triển vương triều nhà Lý. Nền văn hóa Thăng Long, trong 27 năm trị vì của ông, đã kết thúc - hoàn chỉnh việc khai sáng - khởi từ phụ hoàng Lý Thái Tổ của ông - đến đời con ông - “Lý gia đệ tam đế, Thánh Tông (Nhật Tôn)" - thì bước vào thời kỳ đỉnh cao huy hoàng.

Lý Thái Tông được ngai vàng (được quyền kế vị Lý Thái Tổ) năm 1028, nhờ một cuộc “phản đảo chính” - chủ yếu do các tay chân thân tín, đứng đầu là Lý Nhân Nghĩa và Lê Phụng Hiểu tiến hành đập tan cuộc “đảo chính cung đình", do ba vương tước - là chú và hai em ruột của mình (Dực Thánh Vương, Đông Chinh Vương, Võ Đức Vương) khởi xướng để tranh ngôi (sử cũ gọi là “Loạn Tam Vương”). Do đó, để ngồi vững 27 năm trên ngôi báu, ông đã có cả một hệ thống những động thái, mà qua đó, khiến cho sử sách nhận ra được, là ông đã rất lưu tâm và có nhiều thành công, trong việc giải quyết mối quan hệ gắn bó hữu cơ giữa mấy sự nghiệp chủ yếu của một bậc quân chủ đương thời, là: củng cố ngai vàng của mình bằng việc củng cố vương triều; củng cố an ninh và thống nhất quốc gia để củng cố vương triều; đảm bảo an ninh và thống nhất quốc gia, bằng sức mạnh quân sự, cùng lúc với các biện pháp hành chính - chính trị; xây dựng, mở mang các mặt đời sống kinh tế, văn hóa của đất nước làm cơ sở cho tất cả các công việc kia...

Trong tất cả các động thái như thế, Lý Thái Tông có nhiều việc làm, theo tinh thần kế thừa vua cha Thái Tổ. Nhưng cũng có rất nhiều điều là sự sáng tạo của chính ông. Lý Thái Tổ chỉ mới đem công chúa gả cho công thần, vừa để tưởng thưởng, vừa để ràng buộc. Nhưng, vừa lên ngôi năm trước, thì năm sau (1029) Lý Thái Tông đã đem công chúa Bình Dương gả cho châu mục châu Lạng (Lạng Sơn) là Thân Thiện Thái, rồi đến năm 1033, lại đem hai công chúa Kim Thành và Trường Ninh gả cho hai châu mục châu Phong (Phú Thọ) và châu Thượng Oai (Hà Giang) là Lê Tông Thuận và Hà Thiệu Lãm - đều là thủ lĩnh các tộc người thiểu số miền biên viễn. Đó chính là việc làm chỉ có từ Lý Thái Tông, vừa thành hệ thống, vừa có hiệu quả và ý nghĩa lớn, trong việc chống lại sự lôi kéo, quấy phá, lấn chiếm biên cương của nhà Tống ở phương Bắc, đồng thời, củng cố, giữ vững an ninh và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.

Việc “ban Hình thư” vào năm 1042, tạo pháp chế cho nền hành chính đất nước và vương triều, tất cả đều là lần đầu tiên, là sáng tạo và cống hiến của Lý Thái Tông. Trong bộ Đại Việt sử ký toàn thư bình luận: “Trước kia, việc kiện tụng trong nước phiền nhiễu, quan lại giữ luật pháp, câu nệ luật văn, cốt làm cho khắc nghiệt, thậm chí có người bị oan uổng quá đáng. Vua (Lý Thái Tông) lấy làm thương xót, sai Trung thư san định luật lệnh, châm chước cho thích dụng với thời thế, chia ra môn loại, biên thành điều khoản, làm thành sách “Hình thư” của một triều đại, để cho người xem dễ hiểu. Sách làm xong, xuống chiếu ban hành, dân lấy làm tiện. Đến đây, phép xử án được bằng thẳng, rõ ràng, cho nên mới đổi niên hiệu là Minh Đạo, và đúc tiền Minh Đạo” (Kỷ nhà Lý)...

Những sáng tạo và chủ động một cách độc đáo, trong việc khích lệ nền kinh tế phát triển, cũng thường xuyên thấy ở và qua những hành vi rất năng động, mang phong cách và tinh thần dân tộc mạnh mẽ của Lý Thái Tông. Ông là vị vua đầu tiên của triều Lý, rời kinh thành, về nông thôn để đi xem gặt (lúa) và “cầy (ruộng) tịch điền”. Vào các năm 1032, 1038, và 1042, ông đã có ba lần về châu thổ Bắc Bộ, trong đó có tỉnh Thái Bình ngày nay, tự tay cầy ruộng. Lặp lại việc làm của vua Đại Hành nhà Tiền Lê mấy chục năm trước, nhưng khác với Lê Hoàn - dùng hành vi biểu tượng (cho chôn lọ vàng, lọ bạc xuống ruộng, chờ khi vua cầy, thì báu vật bật lên) để quảng bá cho vai trò của nhà vua và nghề nông. Lý Thái Tông đã dùng ngôn từ thể hiện ý nghĩa việc “vua đi cày ruộng” của mình để trực tiếp trả lời việc can gián thiển cận của các bề tôi, nhưng chính xác một cách giản dị, đến mức phác thực: “Trẫm không tự cày thì lấy gì làm xôi cúng, lại lấy gì cho thiên hạ noi theo?”...

Ông cũng còn có đến ba lần, vào các năm 1032, 1041 và 1044 đi Lạng Sơn, Kha Lãm (?) để bắt voi, trong đó, lần thứ ba, cụ thể và đặc biệt nhất như lời sử cũ chép: “Vua sai đặt cũi lớn ở Dâm Đàm (Hồ Tây - Hà Nội ngày nay - LVL chú) lấy con voi thuần của Chiêm Thành làm mồi nhử voi rừng vào trong cũi, vua thân đến bắt”!

Việc “làm kinh tế” có ý nghĩa nhất của ông - được sử thần Ngô Sĩ Liên bình rằng: “Việc làm này của vua, trong cái tốt, lại còn cái tốt nữa” - chính là việc năm 1040: “Tháng hai, vua đã dạy cung nữ dệt được gấm vóc - tháng ấy, xuống chiếu phát hết gấm vóc của nước Tống ở trong kho ra, may áo ban cho các quan - từ ngũ phẩm trở lên thì áo bào bằng gấm, từ cửu phẩm trở lên thì áo bào bằng vóc - để tỏ ra là vua không dùng gấm vóc của nước Tống nữa!”.

Ở việc “làm văn hóa”, Lý Thái Tông càng có nhiều động thái đặc sắc, trong công cuộc vừa “văn hóa” triều đình của mình, vừa hoàn thiện bước triển mở nền văn minh Đại Việt - văn hóa Thăng Long cho đất nước. “Chiến lược phục hưng văn hóa” - do phụ hoàng Thái Tổ của ông đề xướng - đã được ông tiếp tục đẩy mạnh, đặc biệt với công tích khai sinh lễ hội (“Hội thề”) đền Đồng Cổ, từ ngay năm đầu nắm quyền điều hành đất nước (Mậu Thìn, 1028, niên hiệu Thiên Thành thứ nhất) với hàng loạt ý nghĩa và tác động của sự thể “trong cái tốt, lại còn cái tốt nữa”: rước thần Trống Đồng (từ thời đại Hùng Vương - văn hóa Đông Sơn) về ngự ở tân đô Thăng Long, vừa tăng cường linh khí của tổ tiên cội nguồn dân tộc cho kinh thành, vừa tạo hạt nhân tín ngưỡng thiêng liêng và độc đáo cho một phong tục mới, để ràng buộc toàn bộ nhân sự triều chính vào và bằng những nghi thức trọng đại mà hạt nhân là lời thề độc: “Làm con bất hiếu, làm tôi bất trung, thần minh chu diệt" ở ngôi đền Đồng Cổ (đến nay vẫn còn ở phường Bưởi, quận Tây Hồ - Hà Nội - LVL chú) trước sự chứng giám của thần linh Trống Đồng, “hàng năm, lấy làm lệ thường (đầu tiên là vào ngày 25 tháng 3, sau chuyển sang mồng 4 tháng 4) quan quân dân chúng kinh kỳ đông đủ và thành kính dự lễ, như ngày hội lớn chốn kinh đô!”...

Phật giáo và Phật học tất nhiên vẫn càng được con người vốn mang tên là “con ngựa của Đức Phật” - nay đã trở thành hoàng đế - sùng mộ, khuếch trương. Nhưng điều đặc sắc ở đây, chính là trong khi xây dựng hệ tư tưởng làm hạt nhân cho văn minh - văn hóa đương thời, Lý Thái Tông không chỉ sử dụng đạo Phật, mà còn là người đầu tiên đã thực hiện thành công chủ trương “Tam giáo đồng tôn”, khi lấy áo ngự ban cho đạo sĩ Trần Tuệ Long ở quán Nam Đế, để cho nhân vật của Đạo giáo này, ngay trong đêm được thưởng áo, đã có động tác cổ vũ cho ngôi vua thật lợi hại: hô hoán khắp nơi nói rằng chiếc áo của đấng “chân mệnh thiên tử” đã phát sáng, và hơn thế nữa, còn chứa cả rồng vàng! Còn đối với Nho học và nho sĩ, thì câu chuyện sau đây đã cho thấy rõ Lý Thái Tông là nhà vua đầu tiên của triều Lý đi đâu cũng luôn có lực lượng “Nho thần” (bề tôi theo đạo nho) kèm bên, chờ được sử dụng: “Vua ngự đến chùa cổ Tùng Sơn ở châu Vũ Ninh, thấy dấu người vắng vẻ, nền móng nứt hở, trong chùa có cái cột đá lệch nghiêng sắp đổ. Vua thở than, muốn sai sửa chữa nhưng chưa kịp nói gì thì cột đá bỗng tự đứng thẳng lại. Vua lấy làm lạ, sai nho thần làm bài phú để nêu rõ việc kinh dị!” (Đại Việt sử ký toàn thư, năm Quý Mùi, 1043)...

Những việc “sai làm thơ phú” tương tự như thế này, luôn được Lý Thái Tông thi hành (kể cả trong những dịp như - vào tháng chín năm 1035 - khi khánh thành chiếc cầu Thái Hòa bắc qua sông Tô Lịch, “vua ngự đến xem (cũng) sai các quan hầu làm thơ”) chính là một cách để nhà vua cổ động và xây dựng nền “thơ văn Lý Trần”, với những hạt ngọc văn chương mà vẫn được truyền tụng. đến nay

Kết hợp cùng Phật - Lão - Nho, còn có cả một chủ trương lớn nữa để “làm văn hóa”, là phát triển tín ngưỡng thần linh bản địa, cổ truyền. Ở lĩnh vực này, cũng giống như Lý Thái Tổ đã thu phục được thần Lý Phục Man thời Tiền Lý, vị thần vốn chính là quan Thái úy Phạm Cự Lạng thời Tiền Lê, cũng đã được Lý Thái Tông tìm thấy trong mộng, và phong thánh - “Hoàng Thánh đại vương” để chuyển sang giúp mình, lo việc xử kiện và tù ngục!

Qua những việc tìm kiếm và vận dụng những giá trị văn hóa quá khứ trong lịch sử, và trong dân gian (chẳng hạn như việc nhà vua còn nhiều năm liền, ngự ra điện Hàm Quang trên bờ sông Hồng, dự xem lễ hội dân gian bơi trải cổ truyền mùa thu) như thế này, tính dân tộc của nền văn hóa Thăng Long đã được Lý Thái Tông vun đắp tích cực, hiển nhiên.

Cuối cùng, với việc xây dựng những công trình vật thể đặc sắc cho nền văn hóa Thăng Long, lịch sử cũng cho thấy chính Lý Thái Tông là người đã có những đóng góp to lớn. Ngôi chùa Diên Hựu (chùa Một Cột) với kiến trúc độc đáo hình tòa sen đặt trên cột trụ đá - cho tới nay vẫn là một hình ảnh tiêu biểu của kiến trúc và văn hóa dân tộc thời Lý - ở cửa Tây thành Thăng Long, chính là một công trình của Lý Thái Tông. Nhưng, lịch sử quy hoạch và kiến trúc thành ở kinh đô Thăng Long còn ghi công đầu cho Lý Thái Tông ở hệ thống công trình văn hóa vật thể còn quan trọng hơn nữa. Ấy là vào năm 1029 - tôn tạo khu hạt nhân trung tâm kinh thành, với 6 điện (Tuyên Đức, Diên Phúc, Văn Minh, Quảng Vũ, Phụng Thiên, Trường Xuân), 4 lầu gác (trong đó có 2 lầu chuông để dân sử dụng vào việc báo hiệu khiếu kiện) và 2 lầu (Chính Dương để trông coi tính toán giờ khắc, gác Long Đồ để vua du ngoạn), thềm (sân) rồng Long Trì (có 4 dãy hành lang bao quanh) để tụ họp quan quân, tất cả quây quần quanh tòa chính điện Thiên An, dựng lại - nguy nga đồ sộ - trên nền tòa chính điện Càn Nguyên xây từ thời Lý Thái Tổ. Tòa chính điện này vừa bị phá hủy trong vụ “Loạn Tam Vương” tháng 3 năm trước (1029), khi nổ ra giao tranh dữ dội giữa đám cận thần cận vệ của Lý Thái Tông lúc ấy vẫn đang còn là hoàng thái tử Phật Mã, vừa được rước từ Đông cung Long Đức bên ngoài hoàng thành vào nơi chính điện này, để sửa soạn lên ngôi, kế nghiệp vua cha mới băng hà - cùng lực lượng tranh giành ngôi báu của các chú và em thái tử Ngựa Phật!

Tòa đại điện Càn Nguyên, tuy chỉ còn lại nền móng, sau khi đã giúp Lý Phật Mã cố thủ, chống bạo loạn thành công, nhưng nay (1029) lại vẫn thấy được rồng vàng hiển hiện, khiến Lý Thái Tông - vừa lên ngôi - phải suy nghĩ: “Có lẽ đó là đất tốt, đức lớn hưng thịnh, ở chỗ chính giữa trời đất chăng?”. Do đấy mới đổi xây thành tòa chính điện Thiên An, làm trung tâm triều chính của triều đại mình (cũng như của cả các đời về sau nữa). Và, đây mới là điều quan trọng hơn cả: quây lấy toàn bộ hệ thống điện, cung, lầu, gác... mới được tôn tạo kỳ vĩ này - hẳn là “rút kinh nghiệm” về sự cần thiết phải bảo vệ và phân biệt thân phận của đấng chí tôn cho cẩn mật và xứng đáng, qua và sau vụ “Loạn Tam Vương” - Lý Thái Tông đã cho “đắp bên ngoài một lần thành bao quanh, gọi là Long Thành”... Tòa “Thành Rồng” (Long Thành) này của Lý Thái Tông - đến đời Trần, sẽ được gọi là “Thành Rồng Phượng” (Long Phượng thành), đến thời Lê, sẽ trở nên khu “Thành Cấm” (Cấm Thành) làm thành hạt nhân của chốn đế đô kinh kỳ Thăng Long, với 3 vòng tường thành lồng nhau, tạo nên 3 khu vực của đô thị Rồng Hiện: Chúng dân ở phần “kinh thành” ngoài cùng; “hoàng thành” của quý tộc và quan lại ở giữa; trong cùng là “cấm thành” của đế vương!

Nền văn minh Đại Việt - văn hóa Thăng Long, có trung tâm và cơ sở là kinh đô Thăng Long, với quy hoạch và kiến trúc “tam trùng thành quách” (ba vòng thành lồng nhau), chính là bắt đầu từ Lý Thái Tông!

Ở chính giữa vùng “tam trùng thành quách” ấy, tại tòa điện cũng do chính nhà vua cho xây dựng từ năm đầu lên ngôi, và đặt cho tên gọi là “Trường Xuân”, ngày mồng một tháng mười lịch trăng năm Giáp Ngọ (1054), sau 27 năm trị vì với nhiều kỳ tích, Lý Thái Tông băng hà, khi sử quan chỉ mới tính đếm cho ông được 55 tuổi xuân. Tuy nhiên, dù chỉ thọ có vậy, Lý Thái Tông vẫn xứng đáng hoàn toàn với lời phẩm bình của các sử thần, viết ngay ở đoạn mở đầu phần chính sử Đại Việt sử ký toàn thư chép về nhà vua: “Là người trầm mặc, cơ trí, biết trước mọi việc, giống như Hán Quang Vũ đánh đâu được đấy, công tích sánh với Đường Thái Tông”, cũng như là lời nhận xét của sử gia Ngô Sĩ Liên: “Là người nhân triết thông tuệ, có đại lược, văn võ lục nghệ không nghề gì không tinh tường. Vì có tài đức ấy, nên có thể làm được mọi việc”...

Theo Doanh nhân Thăng Long - Hà Nội

Lê Văn Lan