Đức Thành hoàng làng Cầu Đơ
Hà Nội xưa - nay - Ngày đăng : 15:08, 23/06/2022
Làng Cầu Đơ, tên cổ là Cầu Đa (cầu đa phúc, đa lộc…), thuộc tổng Thượng Thanh Oai, huyện Thanh Oai, phủ Ứng Thiên, trấn Sơn Nam Thượng, nay ở cạnh nhà số 85 phố Quang Trung, quận Hà Đông, Hà Nội.
Một góc đình làng Cầu Đơ.
Làng nằm bên dòng Nhuệ Giang, trên đường Lai kinh Thượng đạo cổ phía Tây kinh thành Thăng Long, có vị trí đặc biệt nằm trên huyết mạch từ Thanh Hóa ra Đông Quan (nay là quốc lộ 6). Trong cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược, vùng này là cứ điểm quan trọng được nghĩa quân Lam Sơn chọn làm nơi ém quân trong các cuộc đánh lớn tiến vào kinh thành Thăng Long.
Cầu Đơ là một làng Việt cổ có truyền thống văn hiến lâu đời. Vẻ đẹp văn hiến ấy còn được biểu hiện phong phú ở các di tích tôn giáo tín ngưỡng mà tiêu biểu là ngôi đình làng. Đình làng Cầu Đơ bề thế, mặt quay ra đường lớn, trước mặt là hồ sen tỏa hương thơm ngát, nằm sát Quốc lộ 6. Đình là nơi thờ tướng quân Đỗ Bí - một trong những danh tướng của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đầu thế kỷ XV do Lê Lợi lãnh đạo. Ngài đã từng được dân làng Cầu Đơ che chở, nuôi dưỡng trong những ngày nghĩa quân phục kích, ém quân tại đây.
Bản thần phả còn lưu ở đình chép rằng: Tướng quân Đỗ Bí là người tỉnh Thanh Hóa, phủ Vĩnh Long, ấp Trung Hòa (nay là xã Minh Nghĩa, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa). Thân phụ là Đỗ Công, thân mẫu là Hoàng Thị, sinh được hai người con, một trai, một gái. Người con trai được đặt tên là Đỗ Bí. Đỗ Bí từ nhỏ đã ham thích đọc binh thư, trí dũng hơn người, sức trai tráng kiện, dũng lược tinh anh. Thương xót dân tộc xã tắc lầm than, Ngài đã cùng Trịnh Đồ, Hà Mông, Lê Khương, Hà Đệ là những hào kiệt cùng quê ở huyện Nông Cống tìm về với cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Bình Định vương Lê Lợi thấy Ngài là người có tài năng bèn giao cho chỉ huy một đạo quân ra Bắc tìm kế đánh thành Đông Quan. Ngài đã cùng các tướng lĩnh và đại binh tham gia nhiều trận đánh trong đó có 7 trận được ghi vào sử sách. Nổi bật nhất là chiến thắng lịch sử Tốt Động - Chúc Động tháng 11 năm 1426.
Cuộc kháng chiến chống quân Minh thắng lợi, Lê Lợi đăng quang, lấy hiệu là Lê Thái Tổ, lập ra triều Hậu Lê. Đỗ Bí được vua cử làm phụ chính trông coi việc trong triều, ngoài nội kể từ niên hiệu Thuận Thiên (1428 - 1433) kế theo là Thái Tông (1434 - 1442) và Nhân Tông (1443 - 1459) trải mấy chục năm đất nước thái bình, nhân dân no ấm. Ngài là người cầm cân nảy mực suốt ba triều và được phong Quyền hầu Lê Triều khai quốc Nguyên huân.
Đến tháng 10 năm Kỷ Mão niên hiệu Diên Ninh thứ 6 (1459) triều đình hỗn loạn khi Lê Nghi Dân là anh cùng cha khác mẹ của vua Lê Nhân Tông nổi loạn giết vua và tự xưng vương. Nhóm trung thần gồm Đỗ Bí, Lê Ngang, Lê Thụ bí mật lật đổ nhưng việc bại lộ và bị giết chết ngày 22 tháng Giêng năm Canh Thìn (1460), lúc đó ông 60 tuổi. Phải đến 8 tháng sau các đại thần Nguyễn Xí, Đinh Liệt xướng nghĩa giết bọn phản nghịch, giáng Lê Nghi Dân xuống tước hầu, lập hoàng tử Tư Thành lên ngôi vua, đó là vua Lê Thánh Tông.
Việc làng Cầu Đơ tôn thờ tướng quân Đỗ Bí làm đức Thành hoàng được lưu truyền trong dân làng qua câu chuyện “Sự tích giọt máu” như sau: Dạo ấy, vào một buổi chiều u ám ở đầu làng Cầu Đơ, (khu vực cầu Trắng bây giờ), trên cầu gỗ lợp mái, có bà cụ bán nước chè. Khi cụ sắp dọn hàng về thì thấy một ông tướng ghìm dây cương ngựa ngay trước cửa lều. Cụ chưa kịp định thần thì ông tướng đã cất tiếng:
- Chào cụ, cụ có thấy ai bị đứt cổ như ta mà vẫn sống được không?
Bấy giờ bà cụ mới nhìn kỹ thấy trên cổ ông thắt một chiếc khăn trắng đã loang máu đỏ. Cụ định bụng tìm lời an ủi, nhưng bản tính thật thà, cụ bà ái ngại nói:
- Thưa ngài, già ngồi đây đã lâu, chưa thấy ai bị chém đứt cổ mà vẫn sống được!
Ông tướng nghe dứt, thở dài, lướt nhìn xung quanh hỏi tiếp:
- Đây là đâu?
- Thưa Ngài, đây là làng Cầu Đơ ạ!
“Ta nhớ ra rồi, mảnh đất này tình nghĩa với ta”, rồi ông đưa tay cởi chiếc khăn trên cổ trao cho bà cụ và nói rõ từng lời:
- Ta cho giọt máu này bà đem về mà thờ nhé!
Đoạn ông phi ngựa chạy tiếp về phía Tây. Nghe nói khi chạy đến Tốt Động, đúng chiến trường xưa thì Ngài hóa. Vì thế sau này cả làng Cầu Đơ và làng Tốt Động đều thờ Ngài làm Thành hoàng làng.
Ban đầu đình làng Cầu Đơ chỉ là ngôi miếu nhỏ nằm bên bờ phải dòng Nhuệ Giang, nhưng do nhà Nguyễn dành địa bàn cho quy hoạch xây dựng tỉnh lỵ mới nên ngôi đình đã được chuyển về xây dựng tại vị trí hiện nay vào năm Bính Tuất (1896).
Hiện trong đình làng Cầu Đơ còn giữ 13 đạo sắc phong của các triều vua. Từ đời vua Lê Hy Tông niên hiệu Chính Hòa (1680 - 1705) đến triều Nguyễn - Bảo Đại (1926 - 1945). Thời Lê, Ngài được phong Trung đẳng thần, đến thời nhà Nguyễn từ Duy Tân nguyên niên (1907) phong Thượng đẳng thần và ban điển lệ quốc khánh. Để tỏ lòng thành kính với đức Thành hoàng, dân kiêng húy, gọi đỗ là đậu, quả bí gọi là bầu: bầu ngô, bầu đao, bầu đất…
Ở đình làng Cầu Đơ hiện còn nhiều câu đối ca tụng công đức của Ngài, trong đó có câu:
Minh tướng lũy hàn tâm cố quốc quan hà
dư bách chiến
Lê triều tam phụ chính danh thần khí tiết
túc thiên thu
(Trăm trận lập công khiến tướng Minh
nhiều phen lạnh gáy
Nghìn thu vang khí tiết giúp triều Lê ba
độ hết lòng)
Qua nhiều lần trùng tu tôn tạo, đến nay đình là một tổng thể kiến trúc gồm nhiều hạng mục như: hậu cung, đại bái, phương đình, tả mạc, hữu mạc, cổ miếu, thủy đình… Tất cả các hạng mục được bố cục theo lối đăng đối hài hòa, tạo nên không gian tinh thần vừa tôn nghiêm vừa gần gũi. Ngày 25/4/1990, đình làng Cầu Đơ đã được Bộ Văn hóa - Thông tin cấp bằng Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia.
Hiện nay, theo định lệ 5 năm một lần, làng mở hội từ 14 đến 16 tháng Giêng. Ngày đầu cung rước thần vị của Ngài từ đình làng ra miếu thờ, tế lễ một ngày rồi lại rước Ngài về đình. Lễ vật dâng Thánh trong ngày đại tế là xôi nén và bò thui để nguyên cả con. Đoàn rước có đến hàng ngàn người tham gia, rực rỡ màu cờ màu quạt, lễ phục xiêm y, náo nhiệt tưng bừng tiếng trống chiêng, đàn sáo… Hai bên đường nhiều nhà bày bàn đặt lễ, đèn hương bái vọng cầu khấn, xin Ngài những điều tốt đẹp và may mắn cho gia đình.
Trải bao thay đổi của thời gian đến nay, lễ hội làng Cầu Đơ vẫn được bảo tồn. Tuy nhiên trong diễn tiến của lễ hội làng Cầu Đơ những năm gần đây chỉ thấy nặng về lễ mà nhẹ về hội. Người dự không còn được thấy những tích trò đánh trận như: tích niềm quân, mật tế, tích hành quân, tích đốt đình đụn… gợi nhớ trang sử hào hùng của dân tộc. Phải chăng chính những tục hèm đó là nhân tố cơ bản làm nên bản sắc riêng biệt của lễ hội Cầu Đơ.
Vì vậy việc bảo tồn một làng cổ với kho tàng văn hóa dân gian đặc sắc trong đó có lễ hội độc đáo như ở Cầu Đơ, nên chăng coi đó là những việc cần làm, có sự đầu tư thỏa đáng của các cấp các ngành văn hóa và chính quyền địa phương…