Văn hóa – Di sản

Bảo tồn, phát huy giá trị Thái Y viện triều Nguyễn: Lịch sử và triển vọng phát triển

Hương Giang 23/10/2023 15:03

Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên – Huế vừa tổ chức Hội thảo cấp quốc gia với chủ đề “Thái Y viện triều Nguyễn: Lịch sử và triển vọng phát triển”.

2.jpg
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế Phan Ngọc Thọ phát biểu tại hội thảo (ảnh: SDL).

Theo đó, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên – Huế vừa phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Y tế, Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao, Bệnh viện Trung ương Huế, Trường Đại học Y – Dược (Đại học Huế), Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế và các Hội thành viên như Đông y, Châm cứu, Khoa học Lịch sử tỉnh Thừa Thiên – Huế cùng các chuyên gia, nhà khoa học.

Tại hội thảo, Th.S Trần Như Đăng Tuyên - Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, Thái Y viện ở Việt Nam ra đời vào thời vua Lý Thần Tông và được phát triển qua triều Trần, Hồ, Lê, thời chúa Nguyễn và Tây Sơn. Tuy nhiên, dưới triều Nguyễn Thái Y viện đã trở thành một tổ chức Y Dược cho triều đình hoàn chỉnh nhất và nhiệm vụ khám chữa bệnh trong cung đình được đặt lên hàng đầu.

Hội thảo “Thái Y viện triều Nguyễn: Lịch sử và triển vọng phát triển” với mục đích hướng đến làm rõ về lịch sử hình thành, chức năng nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức nhân sự, quá trình hoạt động của Thái Y viện (cơ quan y tế cao nhất dưới triều Nguyễn) và cung cấp thêm các tư liệu về các bài thuốc, vị thuốc và phương pháp chữa trị, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe theo y học cổ truyền có nguồn gốc từ đây. Đánh giá đầy đủ, khách quan, chính xác về thành tựu, hạn chế của Thái Y viện dưới triều Nguyễn và khẳng định những đóng góp to lớn đối với triều Nguyễn nói riêng và nền y học cổ truyền dân tộc nói chung.

Trên cơ sở phân tích giá trị của Thái Y viện, định hướng cho các nhà quản lý, nhà khoa học nghiên cứu và phát huy hiệu quả những nguồn dược liệu quý, các bài thuốc, các phương pháp chữa trị và bảo vệ sức khỏe theo y học cổ truyền có nguồn gốc từ cung đình chọn lọc đưa một số hoạt động và phương thuốc vào chương trình du lịch chăm sóc sức khỏe tại Thừa Thiên - Huế.

Bên cạnh đó, nhằm tạo thêm sản phẩm du lịch đặc trưng của Cố đô Huế và đặt ra vấn đề là đề xuất chính sách, sự phát triển trong các lĩnh vực văn hoá, du lịch, y tế, quản lý y học cổ truyền góp phần vào phát triển kinh tế xã hội. Sưu tầm sách về y học cổ truyền, dược liệu, bài thuốc quý trong nhân dân để lưu trữ, nghiên cứu và phát triển những bài thuốc, dưỡng sinh ăn uống…

Hội thảo đã nhận được hơn 40 báo cáo tham luận từ các cơ quan quản lý nhà nước, các nhà nghiên cứu, các chuyên gia, các nhà khoa học đầu ngành y học, sử học, văn hóa, kinh tế, du lịch trên toàn quốc tập trung vào hai nội dung là “Giá trị lịch sử của Thái Y viện triều Nguyễn” và “Thái Y Viện triều Nguyễn: Triển vọng phát triển”. Tại Thừa Thiên - Huế, các hội nghị, hội thảo, dự án nghiên cứu liên quan đến Thái Y viện triều Nguyễn (cơ quan nghiên cứu y thư, chuyên trách chăm sóc sức khỏe cho vua) cũng như các hoạt động sưu tầm, biên dịch và triển khai ứng dụng nền y học cổ truyền xuất phát từ Thái Y viện triều Nguyễn đã thu được một số thành quả nhất định. Qua hội thảo đã góp phần đánh giá một cách hệ thống, định hướng bảo tồn, kế thừa và phát triển giá trị di sản có nguồn gốc từ Thái Y viện dưới triều Nguyễn phục vụ phát triển du lịch, kinh tế – xã hội một cách hữu hiệu.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế Nguyễn Thanh Bình cho biết, trong những năm qua, công tác nghiên cứu liên quan đến Thái Y viện triều Nguyễn cũng như các hoạt động sưu tầm, biên dịch và triển khai ứng dụng nền y học cổ truyền xuất phát từ Thái Y viện triều Nguyễn đã từng bước được chú trọng. Trên cơ sở phát huy những giá trị truyền thống y dược, ngày nay hệ thống y dược Thừa Thiên - Huế tiếp tục phát triển mạnh mẽ đã góp phần quan trọng trong công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân, xây dựng Huế thành trung tâm y tế chuyên sâu của cả nước.

1.jpg
Ông Nguyễn Thanh Bình - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế phát biểu tại hội thảo “Thái Y viện triều Nguyễn: Lịch sử và triển vọng phát triển” (ảnh: SDL).

Các tham luận báo cáo tại hội thảo sẽ là nguồn tư liệu quý để phục vụ cho nghiên cứu, sưu tầm tư liệu để phục dựng lại di sản Thái Y Viện triều Nguyễn nhằm khôi phục những giá trị văn hóa lịch sử truyền thống của dân tộc, đưa vào quảng bá khai thác và phát triển kinh tế - du lịch - dịch vụ ở Thừa Thiên - Huế./.

Hương Giang