Chính sách & Quản lý

Quận Tây Hồ (Hà Nội): Phát huy tiềm năng di sản và giá trị văn hóa đặc sắc trong phát triển công nghiệp văn hóa

T. Trang - Đ.Thế 19/10/2023 08:11

Chiều 18/10, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến đã chủ trì Đoàn kiểm tra số 1 của Ban Thường vụ Thành ủy làm việc với Quận ủy Tây Hồ về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện Chương trình số 06-CTr/TU, ngày 17/3/2021 và Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 22/2/2022.

14 chỉ tiêu thuộc chương trình đều thực hiện đạt và vượt

Báo cáo tại buổi làm việc, Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Tây Hồ Nguyễn Anh Tuấn cho biết, sau 3 năm triển khai, 14 chỉ tiêu với 7 nhóm nhiệm vụ, 15 đề án, 64 văn bản thực hiện Chương trình 06-CTr/TU của quận đều đạt và vượt kế hoạch quận và Thành phố giao. Cụ thể, Ban Thường vụ Quận ủy đã chỉ đạo thành lập Ban Chủ nhiệm Chương trình 03-CT/QU về “Phát triển toàn diện sự nghiệp văn hóa xã hội; xây dựng phường văn hóa, phường đạt chuẩn đô thị văn minh góp phần nâng cao đời sống tinh thần của Nhân dân trên địa bàn quận, giai đoạn 2020-2025”, gồm 17 đồng chí, do đồng chí Phó Bí thư Thường trực Quận ủy làm chủ nhiệm chương trình.

tuan.jpg
Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Tây Hồ Nguyễn Anh Tuấn báo cáo tại buổi làm việc.

Quận đã tổ chức các hội nghị, tập huấn, tọa đàm, sinh hoạt chi bộ, câu lạc bộ, phát tin bài trên hệ thống truyền thanh; tuyên truyền cổ động trực quan; phát tờ rơi, tờ gấp; biên tập thông tin tuyên truyền với 21 tin, bài trên Cổng thông tin điện tử quận – phường, trang Zalo “UBND Quận Tây Hồ” và nhóm zalo tổ dân phố, … thu hút được sự quan tâm của đông đảo cán bộ, đảng viên, các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn Quận.

Qua đó nắm được các nội dung cơ bản của Chương trình 06-CTr/TU, Nghị quyết số 09-NQ/TU và các quan điểm chỉ đạo của Trung ương, Thành phố và Quận về xây dựng và phát triển văn hóa xã hội, xây dựng nếp sống văn hóa người Hà Nội, đặc biệt là xây dựng công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô nói chung và quận Tây Hồ nói riêng để đời sống văn hóa cơ sở đi sâu vào đời sống nhân dân. Có 52 bài viết trên các báo, tạp chí, trang thông tin điện tử đưa tin, viết bài về công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Chương trình 06-CTr/TU và Nghị quyết 09-NQ/TU của Thành ủy trên địa bàn Quận.

Sản xuất và phối hợp sản xuất các phóng sự, video clip, phim tư liệu (có phụ đề tiếng Anh) về du lịch Tây Hồ phát sóng trên truyền hình Trung ương, Hà Nội và các nền tảng mạng xã hội; xây dựng chuyên mục Di sản - Du lịch trên Trang Zalo “UBND quận Tây Hồ”, xây dựng trang Web tayho360.vn và fanpage Facebook Tây Hồ 3600; tăng cường tuyên truyền, quảng bá hình ảnh quận Tây Hồ ra nước ngoài thông qua việc phối hợp tuyên truyền trên các kênh thông tin đối ngoại quốc gia VTC10, chuyên trang tuyên truyền về Hà Nội của Vietnamplus Thông tấn xã Việt Nam.

Trong giai đoạn 2021-2025, chỉ đạo thực hiện rà soát, tổng hợp danh mục dự án tu bổ 22 di tích xuống cấp với tổng mức đầu tư 313 tỷ đồng. Triển khai thực hiện 15 dự án tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử văn hoá với tổng mức đầu tư 242,284 tỷ đồng. Năm 2023, dự kiến lập, phê duyệt chủ trương đầu tư và triển khai thực hiện 12 dự án với tổng mức đầu tư khoảng 103 tỷ đồng. Hoàn thành việc kiểm kê, lập hồ sơ 5.229 hiện vật tại 42 di tích đã xếp hạng, chụp ảnh 2D, 3D hiện trạng để lưu trữ quản lý và quảng bá… Bên cạnh đó, đã đổi mới hoạt động của không gian biểu diễn nghệ thuật đường phố quận Tây Hồ - Phố đi bộ Trịnh Công Sơn thành không gian văn hóa sáng tạo; Tổ chức 230 chương trình nghệ thuật, tạp kỹ, biểu diễn đường phố, sự kiện tạo điểm nhấn, ấn tượng đối với du khách và Nhân dân…

Quận cũng chỉ đạo các đơn vị chức năng liên quan thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn 15/15 lễ hội truyền thống trên địa bàn quận. Hoàn thành việc kiểm kê, lập hồ sơ 5.229 hiện vật tại 42 di tích đã xếp hạng, chụp ảnh 2D, 3D hiện trạng để lưu trữ quản lý và quảng bá. Chỉ đạo triển khai xây dựng Đề án điều chỉnh, cập nhật, bổ sung dữ liệu hồ sơ di tích giai đoạn 2023- 2025, định hướng đến năm 2030 nhằm rà soát, củng cố, cập nhật đầy đủ hồ sơ các di tích được xếp hạng, đảm bảo đúng yêu cầu quy định, phục vụ công tác nghiên cứu, quản lý và lưu trữ, khai thác; hoàn thiện các sản phẩm của dự án “Xây dựng các cơ sở dữ liệu nền tảng (số hóa) phục vụ công tác bảo tồn văn hóa, quản lý di tích và phát triển du lịch trên địa bàn quận” dự kiến chính thức đưa vào sử dụng tháng 11/2023 nhằm bảo vệ, phát huy giá trị và quảng bá di sản trên địa bàn phục vụ yêu cầu phát triển văn hoá và công nghiệp văn hoá trong tình hình mới.

chi-hang.jpg
Đồng chí Lê Thị Thu Hằng – Thành uỷ viên, Bí thư Quận uỷ Tây Hồ phát biểu.

Đồng chí Lê Thị Thu Hằng – Thành uỷ viên, Bí thư Quận uỷ Tây Hồ cho biết Quận uỷ đã thực hiện theo nội dung theo quy chế đảm nhiệm, qua đó đó bám sát để thực hiện CT 06 và NQ 09, ban hành các văn bản cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quan tâm đặc trưng của công tác tuyên truyền, hoàn thiện tạo đồng thuận cho cấp ủy, chính quyền và người dân trên địa bàn. Với lĩnh vực văn hóa, Quận cũng đã liên kết với các cơ quan báo chí của thủ đô, của trung ương, trên cơ sở đó cũng truyền tải để tạo nhận thức sâu rộng để gắn trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, nhân dân, vai trò của mỗi người dân quận Tây Hồ trong việc phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn.

Theo Bí thư Quận uỷ, xác định các nhiệm vụ không phải là trước mắt, để phát triển và bảo tồn di sản văn hoá thời gian tới Quận sẽ tập trung chăm lo lâu dài cho công tác giáo dục về di sản, tuyên truyền sâu rộng, gắn với phát triển du lịch, xây dựng các kế hoạch về đại sứ du lịch để giới thiệu đến người dân và du khách về các giá trị của di tích trên địa bàn Quận.

Công tác bảo tồn phát huy giá trị văn hóa luôn được cả hệ thống chính trị từ Quận đến cơ sở xác định là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong phát triển văn hóa. Chỉ đạo UBND Quận ban hành Kế hoạch số 57/KH-UBND ngày 16/2/2023 về “Quản lý bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn quận Tây Hồ giai đoạn 2023-2025”; Kế hoạch số 58/KH-UBND ngày 16/2/2023 về “Tăng cường công tác quản lý di sản văn hóa trên địa bàn quận Tây Hồ năm 2023”. Gắn nhiệm vụ bảo tồn phát huy giá trị di sản văn hóa với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng Phường Văn hoá, phường đạt chuẩn đô thị văn minh.

Tiếp tục nâng cấp và xây dựng các sản phẩm văn hóa mới mang bản sắc riêng

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến đánh giá cao tinh thần chuẩn bị nghiêm túc; công tác triển khai, sự vào cuộc tích cực của các cơ quan và sự tham tích cực của người dân quận Tây Hồ.

Nhấn mạnh quận Tây Hồ có điều kiện tự nhiên đặc biệt với hồ Tây, giáp sông Hồng, cùng dày đặc các di tích, loại hình văn hóa truyền thống, 5 làng nghề truyền thống, trong đó, có những làng nghề nổi tiếng đã xây dựng thành công thương hiệu như Hoa đào Nhật Tân, Quất cảnh Tứ Liên, Trà Sen Quảng An, Xôi Phú Thượng... Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến cho rằng đây là những điều kiện thuận lợi để quận Tây Hồ phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cũng như phát triển công nghiệp văn hóa. Đồng chí khẳng định: “Đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho nền tảng và phát triển dịch vụ, du lịch thành kinh tế mũi nhọn cho quận”.

chi-tuyen-be-mac.jpg
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến phát biểu kết luận buổi làm việc.

Đồng chí Nguyễn Thị Tuyến cũng đánh giá cao tinh thần chỉ đạo và sự vào cuộc, cụ thể, sâu sắc của cấp ủy Tây Hồ. Đáng chú ý, Tây Hồ đã chỉ đạo xây dựng được các sản phẩm mới, có đề án tập trung thực hiện, chỉ đạo tổ chức thực hiện rõ quy trình, sát thực tiễn; đã xây dựng được một số bộ quy tắc ứng xử là điểm đến hấp dẫn, mô hình mang tính đặc trưng của quận như mô hình: Cơ quan văn hóa, chung cư văn hóa; biên soạn các tài liệu chỉ dẫn các địa chỉ, tuyên truyền phát triển văn hóa… Các chỉ tiêu trên địa bàn khá rõ nét, trong đó: Tỷ lệ gia đình văn hóa, Tỷ lệ Tổ dân phố văn hóa cao, Tỷ lệ trường chuẩn thuộc tốp đầu Thành phố; có hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý các di tích. Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến cũng đánh giá cao việc quận đã chủ động đề xuất trong công tác quản lý hồ Tây. Sau nửa đầu thực hiện, các chỉ tiêu Quận đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ.

Cùng với những kết quả trên, đồng chí Nguyễn Thị Tuyến cũng chỉ ra một số hạn chế như việc quảng bá của quận còn chưa tạo được điểm nhấn, thương hiệu riêng; vẫn còn hiện tượng vi phạm lấn chiếm lòng đường, vỉa hè tại các di tích…

Thời gian tới, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến đề nghị, trên cơ sở những tiềm năng, thế mạnh riêng, quận Tây Hồ tiếp tục làm tốt việc thấm nhuần về nhận thức trong thực hiện Chương trình số 06-Ctr/TU, ngày 17/3/2021 và Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 22/2/2022 và chỉ đạo đến cùng để có sự tiếp nối giữa các giai đoạn.

Đồng thời, quận tiếp tục tập trung nghiên cứu và tạo sản phẩm văn hóa mới, khơi dậy các tiềm năng vốn có. Đối với những sản phẩm đã có, quận tiếp tục nâng cấp thương hiệu và gợi ý quận nghiên cứu tổ chức lễ hội vinh danh quốc hoa vào dịp phù hợp; lồng ghép giáo dục truyền thống gắn với Hội thề trung hiếu Đền Đồng Cổ; tích hợp phát triển các tuyến đi bộ với các tuyến phố mới tạo sản phẩm mới, dịch vụ mới…

Ngoài ra, quận quan tâm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý văn hóa: xây dựng hệ thống dữ liệu phục vụ công tác quản lý văn hóa trên địa bàn; du nhập giao thoa nền văn hoá 5 châu và hợp tác trong nước và đảm bảo an ninh, an toàn trên địa bàn; quan tân xây dựng nguồn lực để phát triển toàn diện./.

Kết quả, sau 3 năm quận Tây Hồ chỉ đạo triển khai thực hiện Chương trình 06-CTr/TU, đến nay, tỷ lệ Gia đình văn hóa đạt 96,31% (vượt 6,31%), tỷ lệ Tổ dân phố văn hóa đạt 98,14% (vượt 23,14%); 08/08 phường đã có Trung tâm Văn hóa - Thể thao; Có 88 nhà sinh hoạt cộng đồng trên địa bàn 08 phường. Trong đó quận có 11/88 nhà sinh hoạt đạt chuẩn theo tiêu chí của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch; 58 sân chơi và 26 vị trí công cộng lắp đặt 284 thiết bị thể dục thể thao ngoài trời.

Đồng thời, quận chỉ đạo rà soát, đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho việc phát triển văn hóa và ngành công nghiệp văn hóa của quận với 56 dự án có tổng mức đầu tư hơn 1.905 tỷ đồng. Hiện nay, quận đang triển khai thực hiện 5 dự án phát triển làng nghề, không gian văn hóa với tổng mức đầu tư là 174,087 tỷ đồng. Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư đối với 2 dự án, tổng mức đầu tư dự kiến 39,168 tỷ đồng.

T. Trang - Đ.Thế