Đời sống văn hóa

Sức sống mới từ phong trào văn hóa văn nghệ quần chúng Thủ đô

Khánh Thư 06:00 19/10/2023

Xây dựng đời sống văn hóa cơ sở thông qua việc phát triển phong trào nghệ thuật quần chúng đã và đang là một hướng đi được nhiều quận huyện trên địa bàn Thành phố Hà Nội triển khai. Không chỉ đáp ứng nhu cầu hưởng thụ, sáng tạo văn hóa ngày càng cao của nhân dân, hoạt động này góp phần không nhỏ trong việc phát triển văn hóa – một trong những nhiệm vụ trọng tâm đã được đặt ra trong Chương trình 06 - CTr/TU của Thành ủy Hà Nội.

Từ những hạt nhân văn hóa cơ sở

Đều đặn vào tối thứ 6 hằng tuần, khoảng sân nhỏ của văn chỉ làng Mọc (phường Quan Nhân, quận Thanh Xuân, Hà Nội) lại rộn rã những lời ca tiếng hát của các hội viên Câu lạc bộ (CLB) dân ca làng Mọc - Quan Nhân. Nghệ nhân Phan Thị Kim Dung - Chủ nhiệm CLB Dân ca làng Mọc - Quan Nhân chia sẻ, CLB ra đời năm 2009 từ niềm mong mỏi sâu thẳm của bà đó là tạo sự lan tỏa âm nhạc truyền thống. Từ hơn chục thành viên thuở ban đầu đến nay CLB đã có tới gần 40 thành viên trong đó có cả các cháu thiếu niên nhi đồng. Hằng tuần, vào những buổi sinh hoạt định kỳ, nghệ nhân Kim Dung lại say sưa truyền dạy cho các hội viên CLB kỹ năng biểu diễn hát xẩm, các làn điệu dân ca, quan họ, hát chèo văn, các điệu múa dân gian, các vở chèo cổ… Không chỉ mang lại những phút giây thư thái, vui vẻ cho mỗi thành viên, vào mỗi dịp lễ hội, ngày Tết, ngày kỵ thánh, ngày mừng thọ các cụ cao tuổi hay các hội nghị của phường, của quận, CLB lại mang những tiếng hát lời ca đậm chất nhân văn để phục vụ đời sống tinh thần cho người dân địa phương. Đặc biệt, tiếng thơm của CLB không dừng ở làng Mọc mà đã vươn xa hơn tới các phường, xã bạn và nhiều địa phương trong cả nước.

suc-song-moi-1.jpg
Một buổi tập luyện của các hội viên CLB Dân ca làng Mọc - Quan Nhân.

Không chỉ riêng ở làng Mọc, phường Quan Nhân mà ở rất nhiều quận huyện trên địa bàn TP. Hà Nội, hoạt động văn hóa nghệ thuật quần chúng ngày càng phát triển mạnh mẽ, phong phú về nội dung, đa dạng về hình thức trở thành nếp sinh hoạt tinh thần bắt rễ sâu trong đời sống của nhân dân.

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Tây Hồ cho biết, nhận thức rõ tầm quan trọng của việc phát triển văn học nghệ thuật nói chung, phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng nói riêng, trong những năm qua quận Tây Hồ đã xây dựng các đề án, chương trình về xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh trên địa bàn quận nhằm thống nhất về nhận thức và cách làm từ quận xuống cơ sở.

“Hiện nay, trên địa bàn quận có 29 CLB văn hóa văn nghệ, trong đó 8/8 phường đều có CLB thơ, văn nghệ, ca trù… Nhiều địa bàn dân cư đã thành lập các đội văn nghệ riêng. Các CLB văn hóa văn nghệ duy trì hoạt động thường xuyên, tiêu biểu như: CLB Thơ Tây Hồ, CLB Dân ca Tây Hồ và các CLB thơ, văn của người cao tuổi đã thu hút sự tham gia của đông đảo hội viên; các sáng tác hay của các hội viên được in thành tập thơ và phổ biến rộng rãi góp phần nâng cao đời sống tinh thần trong nhân dân”, ông Nguyễn Anh Tuấn cho hay.

Phó Chủ tịch UBND Thị xã Sơn Tây Lê Đại Thăng chia sẻ, tại huyện Sơn Tây, công tác phát triển phong trào văn nghệ quần chúng luôn được chính quyền địa phương quan tâm, chú trọng. Trên địa bàn thị xã Sơn Tây hiện có 4 CLB thơ (CLB Văn nghệ sĩ xứ Đoài, CLB Thơ truyền thống Việt Nam, Chi nhánh thơ lục bát Nguyễn Du, CLB Thơ Trung Sơn Trầm) hoạt động thường xuyên với tổng số hơn 300 hội viên. Ngoài ra, còn có các CLB: Mỹ thuật, Âm nhạc, Nhiếp ảnh, Sân khấu, Văn học nghệ thuật, Khiêu vũ... Tại các xã/ phường, phong trào văn hóa, văn nghệ từng bước phát triển, diễn ra khá sôi nổi và rộng khắp. Các CLB văn nghệ, đội văn nghệ xung kích, CLB thơ được thành lập ở các xã, phường đã mang lại không khí vui tươi, phấn khởi, tích cực trong các tầng lớp nhân dân…

Còn tại huyện Đông Anh, hoạt động hội diễn, liên hoan văn hóa văn nghệ cũng liên tục được tổ chức với nhiều nội dung phong phú, đa dạng, sôi nổi, thu hút đông đảo mọi tầng lớp nhân dân tham gia. Trung bình hằng năm có 178 buổi văn nghệ quần chúng được tổ chức tại các thôn, tổ dân phố, chủ yếu bằng nguồn xã hội hóa…

Nỗ lực tiếp sức và lan tỏa

Theo báo cáo sơ kết giữa nhiệm kỳ kết quả thực hiện Chương trình số 06-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh giai đoạn 2021-2025”, để nâng cao chất lượng hoạt động biểu diễn nghệ thuật quần chúng, Thành phố tiếp tục duy trì, tổ chức gắn với đổi mới, sáng tạo các hoạt động văn hóa quần chúng. Trong 2 năm qua Thành phố đã tổ chức 7 liên hoan, cuộc thi nghệ thuật quần chúng dành cho các đội văn nghệ quần chúng, các CLB văn hóa cơ sở và cộng đồng; tham gia 3 liên hoan, hội diễn, hội thi trong nước; thành lập 2 CLB; mở 4 lớp tập huấn nhằm bảo tồn, phát huy, truyền dạy các loại hình văn hóa nghệ thuật dân gian truyền thống và hướng dẫn nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho các cán bộ phong trào văn hóa cơ sở; duy trì hoạt động của hệ thống 16 CLB tại chỗ và gần 20 CLB vệ tinh để trực tiếp tuyên truyền đến quần chúng ở cơ sở nhằm định hướng, nâng cao trình độ cảm thụ văn hóa nghệ thuật và đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ văn hóa của nhân dân.

suc-song-moi-2.jpg
CLB hát dân ca Xa Mạc (xã Liên Mạc, huyện Mê Linh, TP. Hà Nội) thu hút đông đảo người dân địa phương tham gia.

Bên cạnh đó, Thành phố còn tích cực triển khai hướng dẫn các quận, huyện, thị xã và các CLB sáng tác văn học nghệ thuật địa phương tham gia hưởng ứng các cuộc vận động sáng tác do Thành phố phát động; triển khai kế hoạch tổ chức hoạt động văn hóa các CLB hằng năm gồm: nhóm CLB ca múa nhạc, nhóm CLB văn học, nhóm CLB văn hóa – nghề nghiệp. Tổ chức thành công một số cuộc thi văn hóa, nghệ thuật quần chúng như: nhảy hiện đại “Nhịp sống trẻ”, thi ảnh và video clip “Hà Nội trong trái tim tôi”...

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được thì hoạt động văn hóa nghệ thuật quần chúng tại cơ sở cũng phải đối mặt với không ít những khó khăn như: Nguồn kinh phí hoạt động eo hẹp, ở một số nơi hoạt động văn nghệ quần chúng còn kém chất lượng, chưa thu hút sự quan tâm của nhân dân; thiếu các hạt nhân văn hóa, văn nghệ; cán bộ phụ trách văn hóa cơ sở còn thiếu và yếu về chuyên môn.

Tiếp tục triển khai hiệu quả các nhiệm vụ thuộc Chương trình 06-CTr/TU và Kế hoạch số 176/KH-UBND của UBND Thành phố về Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh giai đoạn 2021-2025, TP. Hà Nội đã đề ra các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm trong đó nâng cao chất lượng hoạt động văn hóa nghệ thuật được xác định là một trong những nội dung quan trọng của nhiệm vụ Phát triển văn hóa. Để hoàn thành nhóm chỉ tiêu phát triển văn hóa nghệ thuật, Thành phố tiếp tục triển khai hiệu quả duy trì và tổ chức hoạt động các đội văn nghệ quần chúng, các CLB văn hóa cơ sở; xây dựng, duy trì và tổ chức hoạt động cho các đội văn nghệ quần chúng, các CLB văn hóa cơ sở; quan tâm chú trọng công tác sưu tầm, bảo tồn, truyền dạy, phát huy các loại hình văn hóa nghệ thuật dân gian; tăng cường các hoạt động giao lưu, biểu diễn nghệ thuật quần chúng nhằm khuyến khích người dân tham gia hưởng ứng…

Từ thực tế hoạt động văn hóa, văn nghệ quần chúng tại địa phương, ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Tây Hồ đã rút ra một số kinh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng phong trào nghệ thuật quần chúng. Theo đó, cần tăng cường công tác lãnh đạo của cấp ủy các cấp đối với công tác văn hóa, văn nghệ ở mỗi địa phương; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn nghiên cứu, tham mưu đề ra cơ chế khuyến khích để các CLB, tổ, đội nhóm văn hóa, văn nghệ hoạt động ngày càng hiệu quả. Đặc biệt, cần có cơ chế khuyến khích các nghệ nhân dân gian để họ tham gia truyền dạy và gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống.

Tại Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23 -NQ/TW do Thành ủy Hà Nội tổ chức mới đây, nhiều tham luận đã đưa ra các giải pháp đề xuất nhằm nâng cao chất lượng phong trào nghệ thuật quần chúng. Theo đó, cần có cơ chế khuyến khích, quan tâm phát triển văn hóa, văn nghệ quần chúng; Khuyến khích, động viên các hoạt động văn hóa, văn nghệ từ cơ sở; Đầu tư nguồn kinh phí thích đáng cho các hoạt động văn hóa, văn nghệ; Phát huy khả năng sáng tạo của nhân dân, khuyến khích quần chúng tham gia hưởng ứng…

Hi vọng rằng với sự chung sức, đồng lòng của cấp ủy các cấp và nhân dân phong trào văn hóa văn nghệ quần chúng trên địa bàn Thủ đô sẽ không ngừng được đẩy mạnh góp phần gìn giữ phát huy giá trị văn hóa nghệ thuật truyền thống, làm phong phú đời sống tinh thần của người dân Thủ đô./.

Khánh Thư