Đời sống văn hóa

Phát triển tiềm năng du lịch văn hóa Hòa Bình: Bài 2: Bản làng bình yên giữa núi rừng Tây Bắc

Đình Thế 11/09/2023 10:43

Tiếp tục chuyến hành trình đến với núi rừng Tây Bắc, đoàn chúng tôi được đến xóm Chiến - một bản Mường nhỏ với cảnh sắc hoang sơ, một không khí trong lành, bình yên; được hoà mình vào thiên nhiên xanh mướt, đượm đà hương ngát của núi rừng đại ngàn.

dt-7520221115-dji-0507-1664848049.jpg
Điểm du lịch cộng đồng xóm Chiến xã Vân Sơn, huyện Tân Lạc.

Cảnh sắc nên thơ xóm Chiến

Từ cung đường trên cao nương theo sườn núi, sẽ thấy ngọn đồi hình chiếc bát úp giữa thung lũng xanh với từng làn mây trắng đang sà xuống. Cảm giác nắng quyện trong mây khiến mây chầm chậm ấm lên. Đó là xóm Chiến, nơi những ngôi nhà sàn của người Mường nằm rải rác quanh đồi. Đi xuyên qua những thửa ruộng, độ vài trăm mét, thì xóm Chiến hiện ra với thấp thoáng nhà sàn dưới những lùm cây. Nhìn từ xa, vượt lên khỏi những nóc nhà sàn, chúng tôi đã thấy một cây vải to lớn lừng lững, cành lá xum xuê che cả một góc trời.

Đến đây, chúng tôi có thể cảm nhận khí hậu trong lành, mát mẻ ôn hoả về mùa hè; tìm hiểu nét văn hoá truyền thống của dân tộc Mường với chương trình văn nghệ đặc sắc, ẩm thực dân tộc và ngủ trên các ngôi nhà sàn truyền thống của người Mường. Ðây cũng là một trong những cái nôi văn hóa cổ và lớn nhất của dân tộc Mường ở Hòa Bình.

img_9145-min.jpg
img_9159-min.jpg
Nhịp sống bình yên giữ núi rừng Tây Bắc của người dân xóm Chiến.

Hỏi người già về bí quyết trường thọ, các cụ nhìn khách xa, móm mém nở nụ cười nhân hậu, kể chuyện rằng đó là nhờ không khí trong lành và sự hài hòa, cân bằng giữa con người với thiên nhiên. Văn hóa Mường nói chung đề cao sự thích nghi một cách ôn hòa, nhiều bí quyết văn hóa, tập quán tới các bài thuốc quý giúp con người chống chọi với sự đổi thay, khắc nghiệt được truyền tụng.

Dạo quanh một vòng xóm Chiến, chúng tôi cảm nhận được không gian yên tĩnh, không khí trong lành. Những ngôi nhà sàn nằm san sát, ranh giới phân định bởi những hàng rào bằng tre, nứa tạo nên hình ảnh thôn dã, mộc mạc. Có lẽ, đó chính là điểm độc đáo ở bản Mường còn khá nguyên sơ này. Với những người cần một chút "lặng” sau những xô bồ chốn thành thị hay những du khách ưa khám phá, thích những trải nghiệm mới mẻ thì xóm Chiến quả thật là một địa điểm lý tưởng. Thêm nữa, với vị trí chỉ cách Hà Nội hơn 2 giờ đồng hồ, gần các điểm du lịch nổi tiếng như bản Lác (Mai Châu), thác Mu (Lạc Sơn) thì xóm Chiến là một điểm dừng chân lý tưởng cho một tour du lịch dài ngày.

Đời sống khởi sắc nhờ vào du dịch

Xóm Chiến là một bản Mường nhỏ, với hơn 70 hộ dân sinh sống. Nơi đây cao hơn mực nước biển 1.000m, rừng bao phủ còn nhiều, tạo nên một hệ sinh thái thiên nhiên khác biệt. Chiều cuối hè mà thời tiết se lạnh, khác hoàn toàn cái nắng nóng ở trung tâm huyện Tân Lạc. Đoàn chúng tôi đến với Homesay Hải Thạn, một trong những cơ sở lưu trú du lịch cộng đồng xóm Chiến đầu tiên của xã Vân Sơn, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình.

Là một trong những người đầu tiên trong việc mở Homestay phục vụ khách du lịch, anh Hà Văn Thạn, chủ Homestay Hải Thạn cho biết, từ năm 2019 địa phương được Quỹ Australia vì nhân dân châu Á và Thái Bình Dương hỗ trợ kinh phí triển khai dự án “Cải thiện sinh kế bền vững thông qua phát triển du lịch cộng đồng”. Nhận được được tiềm năng lớn về phát triển du lịch của địa phương, tôi đã học hỏi kinh nghiệm, lựa chọn mô hình phù hợp để áp dụng.

img_9_637338927698215329.jpg

Trước đó, gia đình ông cùng hai hộ khác đầu tư sửa sang nhà cửa, công trình phụ vừa bảo đảm giữ gìn nét truyền thống, vừa đủ tiện nghi phục vụ du khách trong nước và nước ngoài. Từ khi làm du lịch cộng đồng, bà con nhân dân càng chú trọng chăm sóc cảnh quan môi trường, quy hoạch khu chăn nuôi tập trung xa khu dân cư, nâng cấp đường làng, ngõ xóm... anh Hà Văn Thạn chia sẻ.

Đến đây, du khách có thể tận hưởng không khí trong lành với Homestay nên thơ. Ngay từ đầu bản, phóng tầm mắt bao quát, du khách đã thấy được những ngôi nhà sàn truyền thống ẩn hiện lưng chừng núi, bên dưới là những thửa ruộng bậc thang tầng lớp tạo nên bức tranh phong cảnh thiên nhiên hài hoà.

z4761000746411-4b96c979b10e816d549938e83569c02f2023100710081720231007181211.jpg
Những điệu nhảy múa của người dân tộc Mường chào đón du khách dừng chân nghỉ qua đêm tại xóm Chiến, xã Vân Sơn, huyện Tân Lạc.

Đặc biệt, dù đi trên đường hay ghé thăm bất cứ vào ngôi nhà sàn nào trong bản, du khách cũng được người dân nơi đây chào đón bằng tình cảm nồng hậu và có thể tìm hiểu văn hóa Mường qua câu chuyện với chủ nhà. Dừng chân nghỉ qua đêm, du khách còn được chủ nhà mời uống đặc sản rượu cần và thưởng thức các món ăn dân tộc như xôi nếp nương, cá đồ, thịt lợn bày cỗ lá.

4bd2f21bf543221d7b52.jpg
Du khách cùng nhau thưởng thức rượu cần.

Khách du lịch đến khiến bản vui hơn, đội văn nghệ xóm với những bộ trang phục truyền thống của dân tộc Mường sẽ biểu diễn những bài hát, điệu múa đặc sắc của dân tộc Mường như xéc bùa, múa quạt, hát trong tiếng trống, chiêng, sáo ôi.

Thành công của xóm Chiến có sự đóng góp rất lớn của chính quyền, Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Lạc Lê Chí Hyên bày tỏ: Trong các chiến lược phát triển của huyện là bước đầu đã làm thay đổi được tư duy, cách làm dịch vụ của bà con các dân tộc thiểu số. Sự thay đổi ở những bản dân tộc Mường đang tạo nên một sinh khí mới cho địa phương trong phát triển kinh tế, nơi trước kia là là vùng đất cổ Mường Bi, cái nôi của nền văn hóa Hòa Bình nổi tiếng.

Sau nhiều năm đi vào hoạt động, du lịch cộng đồng xóm Chiến tuy vẫn còn ở hình thái sơ khai, nhiều dịch vụ còn thiếu, không gian cảnh quan còn cần được bổ sung, hoàn thiện để hấp dẫn hơn. Bên cạnh đó, xóm Chiến đã được du khách biết đến nhiều hơn và đã có tên trên bản đồ du lịch Hòa Bình.

Nhờ được thiên nhiên ưu đãi kết hợp du lịch và dịch vụ đang mang lại cho người Mường tại xóm Chiến một cuộc sống mới. Nhiều hộ dân thoát nghèo, thậm chí đã có được một cuộc sống khấm khá nhờ việc đón khách du lịch. Tư duy, tác phong lao động của người Mường ở bản đã đổi khác. Họ chủ động cập nhật thông tin, quảng bá điểm đến, giới thiệu nét hóa dân tộc mình đến gần hơn với du khách. Nhằm tạo đà phát triển tiềm năng văn hóa du lịch huyện Tân Lạc nói riêng, tỉnh Hòa Bình nói chung, đưa du lịch thành ngành tinh tế mũi nhọn./.

Đình Thế