Giáo dục

“Hà Nội học” góp phần đào tạo nguồn nhân lực cho Thủ đô trên nhiều lĩnh vực

Quỳnh Chi 16/10/2023 10:42

Thủ đô Hà Nội có chủ trương đưa môn “Hà Nội học” thành môn học trong giáo dục phổ thông tại Thành phố, được khẳng định trong Chương trình số 06-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội qua nội dung: “Xây dựng và phát triển đề án đào tạo giáo viên môn học Hà Nội học trong hệ thống giáo dục phổ thông trên địa bàn Thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 – 2025”.

Chạy đà từ sớm, từ xa

Thực hiện nội dung trên, Thành ủy Hà Nội giao nhiệm vụ cho Đại học Thủ đô Hà Nội xây dựng và triển khai Đề án “Bồi dưỡng kiến thức Hà Nội học cho giáo viên phổ thông trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” (Đề án 1209).

hanoi-1.jpg
TS. Đỗ Hồng Cường, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Thủ đô Hà Nội và TS. Lê Thị Thu Hương, Trưởng khoa Văn hóa Du lịch nhận Giải Ý tưởng – Vì tình yêu Hà Nội thuộc Giải Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội năm 2023, vừa qua.

Theo Đề án 1209, đến năm 2025 bảo đảm 100% số giáo viên giảng dạy môn giáo dục địa phương ở 3 cấp Tiểu học, Trung học cơ sở và Trung học phổ thông được bồi dưỡng cơ bản về kiến thức Hà Nội học. Đề án cũng bảo đảm 100% số sinh viên sư phạm được đào tạo tích hợp kiến thức Hà Nội học khi tham gia học tập tại Trường Đại học Thủ đô Hà Nội.

Chủ trương và các bước chuẩn bị tích cực của Thành phố Hà Nội, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội cùng các đơn vị liên quan nhằm đưa môn Hà Nội học thành môn học trong giáo dục phổ thông tại Hà Nội vừa được vinh danh Giải Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội lần thứ 16 năm 2023, hạng mục “Giải Ý tưởng”. Đây sẽ là sự khích lệ, hứa hẹn một ngày không xa học sinh các cấp học trên địa bàn Thành phố sẽ được học môn Hà Nội học.

Câu hỏi “Có cần thiết đưa Hà Nội học trở thành môn học trong hệ thống giáo dục Thủ đô ?” được nhiều người đặt ra. Tiến sĩ Lê Thị Thu Hương, Trưởng khoa Văn hóa - Du lịch (Trường Đại học Thủ đô Hà Nội), Chủ nhiệm Đề án 1209, chia sẻ, để bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa của Hà Nội, khơi dậy niềm tự hào, khát vọng của nhân dân Thủ đô nhất là thế hệ trẻ thì rất cần phổ biến kiến thức về Hà Nội trên các lĩnh vực cho các tầng lớp nhân dân, trước hết cần phổ biến trong trường học để giáo viên và học sinh Thủ đô nắm được.

Qua thực tiễn nghiên cứu về Hà Nội học và vấn đề đưa kiến thức Hà Nội học vào các trường phổ thông, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội nhận thấy, Thủ đô đã thực hiện việc dạy tích hợp kiến thức địa phương Hà Nội vào các môn học ở các cấp học từ năm 2008-2009. Năm 2010, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội có chủ trương đưa nội dung giáo dục nếp sống văn minh của người Hà Nội vào dạy cho học sinh các trường phố thông trên địa bàn Thủ đô.

3.jpg
Các em học sinh trong chương trình giáo dục di sản tìm hiểu về Thầy giáo Chu Văn An tại Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội).

Ngay sau khi Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành ngày 26/12/2018, Hà Nội đã chủ động ban hành kế hoạch triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 trên địa bàn Thành phố với mục đích chuẩn bị các điều kiện và tổ chức triển khai thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo lộ trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Đến năm 2019, Hà Nội ban hành Kế hoạch số 274/KH-UBND về việc tổ chức biên soạn và thực hiện nội dung giáo dục địa phương trong Chương trình giáo dục phổ thông trên địa bàn Thành phố Hà Nội. Một nội dung kiến thức về Hà Nội được đưa vào trong chương trình này đã và đang tiến hành dạy ở các cấp học theo chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Năm học 2020-2021, cùng với việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, môn Giáo dục địa phương Hà Nội cũng được đưa vào dạy thí điểm và dạy chính thức cho học sinh phổ thông. Nhưng từ việc dạy và học môn Giáo dục địa phương Hà Nội đã bộc lộ hạn chế như cơ sở vật chất, học liệu để nghiên cứu học tập những nội dung kiến thức liên quan đến Hà Nội còn thiếu, đặc biệt thiếu nguồn nhân lực (giáo viên). Chính vì thế, Thành ủy Hà Nội giao nhiệm vụ cho Đại học Thủ đô Hà Nội xây dựng và triển khai Đề án 1209.

Góp phần đào tạo nguồn nhân lực cho Hà Nội trên mọi lĩnh vực

Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Thủ đô Hà Nội, Tiến sĩ Đỗ Hồng Cường đánh giá, giáo dục địa phương trong các trường phổ thông đối với Hà Nội không chỉ thực hiện các nhiệm vụ của chương trình giáo dục phổ thông mới mà còn có trọng trách là sức mạnh mềm, sức mạnh nội sinh khơi dậy khát vọng vươn lên của những công dân dân trẻ trên mảnh đất ngàn năm văn văn hiến.

hanhoc.jpeg
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang và Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh trao Bằng khen cho các thủ khoa tại Lễ Tuyên dương 96 thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp các trường đại học, học viện trên địa bàn Thủ đô Hà Nội năm 2023. (Ảnh minh họa).

Một số ý kiến cho rằng Hà Nội học là môn học mới, nếu đưa vào trường học của Thủ đô sẽ thêm gánh nặng cho các em học sinh. Tuy nhiên không phải như vậy bởi theo chương trình giáo dục phổ thông mới, Giáo dục địa phương là môn học bắt buộc. Kể cả khi Hà Nội học thay thế môn Giáo dục địa phương, đó vẫn không phải là một môn học mới mà là môn học bắt buộc trong Chương trình giáo dục 2018, chỉ khác về tên gọi.

Khác với môn Giáo dục địa phương, Hà Nội học là môn học sưu tầm, nghiên cứu, phổ biến những tri thức mọi mặt và nhận thức tổng hợp về con người và mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên trên địa bàn hàng nghìn năm liên tục là trung tâm chính trị, xã hội, kinh tế và văn hóa hàng đầu của đất nước, phục vụ trực tiếp cho các chiến lược phát triển Thủ đô. Xét về nội dung, Hà Nội học và Giáo dục địa phương Thành phố Hà Nội có nội hàm giống nhau nhưng Hà Nội học rộng lớn và sâu sắc hơn về kiến thức, khoa học và chặt chẽ hơn về phương pháp tiếp cận.

Bởi vậy, Tiến sĩ Lê Thị Thu Hương gần đây tiếp tục nhấn mạnh, việc đưa Hà Nội học trở thành một môn học chính thức trong các trường tiểu học đến trung học phổ thông của Thủ đô là hợp lý và rất quan trọng, điều này sẽ gián tiếp đào tạo nguồn nhân lực cho Hà Nội trên mọi lĩnh vực. Đồng thời giúp học sinh thêm yêu Thủ đô ngàn năm văn hiến, có khát vọng vươn lên thực hiện các nhiệm vụ cao cả mà Đảng và nhân dân cả nước giao trách nhiệm cho Thủ đô.

Tại Hà Nội hiện nay, Trường THPT Chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học KHXH&NV - Đại học Quốc gia Hà Nội) là đơn vị tiên phong đưa nội dung Hà Nội học vào chương trình giảng dạy cho học sinh, bước đầu nhận về những tín hiệu tích cực bởi các em được học thêm những kiến thức mới về Hà Nội và hình thức học tập phong phú. PGS.TS Nguyễn Quang Liệu, Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn cũng cho rằng, cần thiết đưa môn Hà Nội học vào trong các trường học của Hà Nội./.

Theo Tiến sĩ Lê Thị Thu Hương, lộ trình để môn Hà Nội học chính thức được công nhận trong nhà trường đang được Thành phố triển khai hợp lý. Thứ nhất, đó là việc bồi dưỡng kiến thức về Hà Nội học cho giáo viên để giải quyết vấn đề trước mắt về giảng dạy chương trình Giáo dục địa phương. Thứ hai, sự quyết tâm của Thành phố Hà Nội. Quan trọng hơn, các nhà trường cần quyết tâm, mạnh dạn đồng thuận để thay đổi tên môn Giáo dục địa phương thành phố Hà Nội thành môn Hà Nội học.

Quỳnh Chi