Khát vọng về một ngành công nghiệp văn hóa trong nghệ thuật múa
“Công nghiệp văn hóa” – một cụm từ đã phổ biến tại các nước phát triển, đang dần trở nên quen thuộc, xuất hiện nhiều trong vài năm gần đây tại Việt Nam và tốn khá nhiều giấy mực của báo giới cũng như những nhà nghiên cứu, quản lý văn hóa, nghệ thuật. Để phát triển công nghiệp văn hóa trong nghệ thuật múa, còn rất nhiều vướng mắc cần được tháo gỡ…
Công nghiệp văn hóa tại Việt Nam
Năm 2014, trong Nghị quyết số 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững đất nước, khái niệm “công nghiệp văn hóa” và “thị trường văn hóa” đã được đưa vào Nghị quyết: “Xây dựng thị trường văn hóa lành mạnh, đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa, tăng cường quảng bá văn hóa Việt Nam… Phát triển công nghiệp văn hóa nhằm khai thác và phát huy những tiềm năng và các giá trị văn hóa đặc sắc của Việt Nam; khuyến khích xuất khẩu các sản phẩm văn hóa, góp phần quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới.”
Theo chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2016, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam bao gồm: Quảng cáo; kiến trúc; phần mềm và các trò chơi giải trí; thủ công mỹ nghệ; thiết kế; điện ảnh; xuất bản; thời trang; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; truyền hình và phát thanh; du lịch văn hóa... Ngành này dựa trên sự sáng tạo, khoa học công nghệ và bản quyền trí tuệ; khai thác tối đa yếu tố kinh tế của các giá trị văn hóa.
Tại Việt Nam, ngành công nghiệp văn hóa được đặt ra trong tiến trình đổi mới, hội nhập và ra đời trong bối cảnh thị hiếu cũng như trình độ thưởng thức của khán giả ngày càng cao với những đòi hỏi đa dạng, khắt khe hơn. Công nghiệp văn hóa trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, trong đó có nghệ thuật múa được kỳ vọng là một trong những mũi nhọn với mục tiêu đến năm 2030 đạt khoảng 31 triệu USD (Theo Quyết định phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030).
Riêng ở lĩnh vực nghệ thuật múa, thuật ngữ “công nghiệp văn hóa” dường như còn khá mới mẻ bởi thói quen thưởng thức nghệ thuật miễn phí đã ăn sâu vào tiềm thức khán giả Việt. Trải qua một giai đoạn bao cấp khá lâu, công chúng mặc định đi xem nghệ thuật là được “free”. Nhưng bước vào cơ chế thị trường, các đoàn nghệ thuật, các nghệ sĩ múa phải chịu vô vàn chi phí từ mặt bằng, trang phục, diễn viên, âm thanh, ánh sáng… Đây là những khó khăn, trăn trở mà không phải ai cũng có thể thấu hiểu.
Một vài nghệ sĩ, đặc biệt là trưởng các vũ đoàn đã tính tới phương án xã hội hóa và công nghiệp hóa cho nghệ thuật múa, song dường như họ vẫn đang loay hoay trong bài toán về cơ chế, chính sách, thu hút vốn đầu tư và phát triển thị trường. Để ý kỹ, chúng ta thấy, gần đây hàng loạt các vũ đoàn, các studio, nhóm nhảy thi nhau xuất hiện trên thị trường nghệ thuật sôi động. Tuy nhiên, chỉ một số ít trong đó hoạt động tốt và có tên tuổi, còn lại đa phần chỉ dừng lại ở các nhóm nhỏ lẻ, tự phát, “xào xáo” lại tiết mục để múa phụ họa, hiếm khi được biểu diễn tiết mục độc lập trên các sân khấu chuyên nghiệp. Một thực tế là các vũ đoàn có thực lực như: HT Team, Carmen; Grammy; Lavender hay Lam Sơn… cũng không có ai hay đơn vị nào “đỡ đầu”, định hướng nghệ thuật, hỗ trợ chuyên môn… Đáng nói là có quá ít cuộc thi chuyên nghiệp để họ có cơ hội được cọ xát và mở rộng cơ hội hợp tác. Rồi nghịch lý là một vài vũ đoàn thành công ở quốc tế nhưng phải loay hoay trên “sân nhà”.
Bài học kinh tế từ công nghiệp văn hóa mang tên “thương hiệu”
Có thể nói, bài học kinh tế về cách làm công nghiệp văn hóa từ chuyến lưu diễn của nhóm nhạc Hàn Quốc Black Pink vừa qua là minh chứng cho sự hấp dẫn và khả năng thu hút lớn của thị trường nghệ thuật biểu diễn. Con số 630 tỷ đồng cho 2 đêm diễn của họ quả thực là con số biết nói cho sức hút mang tên “thương hiệu”. Nó cũng cho thấy họ đã có sự liên kết rất đồng bộ, chuyên nghiệp giữa các thành phần tham gia vào sáng tạo, phát hành, phân phối và công tác truyền thông…
Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: “Công nghiệp sáng tạo, công nghiệp văn hóa muốn phát triển thì phải phát triển đầy đủ như một thị trường của các ngành kinh tế khác: Nhân lực sáng tạo (nghệ sĩ, người làm sáng tạo); doanh chủ (người bỏ tiền đầu tư); doanh nhân, nhà quản lý (người vận hành); khách hàng (người trả tiền mua sản phẩm); hệ thống phụ trợ (các nhà cung ứng dịch vụ, sản xuất); hệ thống đào tạo (nguồn nhân lực); và hệ thống chính sách phù hợp (quản lý nhà nước). Hiện tại, chính sách của ta chưa có nhiều ý nghĩa hỗ trợ phát triển cho các nhà đầu tư, kinh doanh công nghiệp văn hóa”.
Tại Việt Nam, vấn đề đầu tư cho phát triển văn hóa nghệ thuật còn rất hạn hẹp, cầm chừng và dàn trải, vì thế việc thúc đẩy sáng tạo những tác phẩm đỉnh cao còn rất hạn chế. Thực trạng các biên đạo múa chuyên nghiệp tạo ra tác phẩm rất chất lượng nhưng lại không có điều kiện để công bố, quảng bá cho “đứa con tinh thần” của mình cũng là vấn đề đáng suy ngẫm. Lý do thì có vô vàn. Nhà nước trả lời “không có đủ kinh phí”; Tự tìm kinh phí hoặc tự bỏ kinh phí ra làm thì vướng phải rất nhiều rào cản từ cái gọi là “cơ chế”.
Đối với các Hội chuyên ngành nói chung và Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam nói riêng, thực tế vấn đề nguồn ngân sách qua các năm chỉ đủ chi cho các hoạt động thường xuyên và đầu tư sáng tạo. Ngoài nguồn kinh phí này, mọi hoạt động khác của Hội phải tự vận dụng linh hoạt. Nhiều hoạt động phải thực hiện xã hội hóa, đặc biệt là “tận dụng” sức ảnh hưởng của các biên đạo, nghệ sĩ múa tài năng, đầu ngành như TS. NSND Phạm Anh Phương, PGS.TS - NSND Ứng Duy Thịnh, NSƯT Trần Ly Ly, ThS biên đạo múa Nguyễn Tuyết Minh,… để có kinh phí tài trợ hoạt động. Rất nhiều nghệ sĩ múa tên tuổi đang thực hiện những dự án lớn do đối tác thuê/ mời, nhưng Hội chưa có hình thức chủ động song phương vì không có sự chủ động về kinh phí và chiến lược. Đây cũng là một sự “tụt hậu” khi thế giới đang phát triển đa phương hóa trong tất cả mọi ngành nghề, lĩnh vực.
Sắp tới đây, Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam tổ chức Tuần Lễ Múa Việt Nam – Viet Nam Dance Week 2023, trong đó riêng hạng mục lớn là Liên hoan múa Việt Nam – Quốc tế sẽ tiến hành theo hình thức xã hội hóa. Theo Phó Chủ tịch thường trực Hội - ThS. Biên đạo múa Tuyết Minh: “Viet Nam Dance Week 2023 là khởi đầu cho sự kiện múa thường niên lớn nhất Việt Nam, quy tụ đông đảo các nghệ sĩ biểu diễn, nhà sáng tác, nghiên cứu, tài năng biểu diễn, thực hành về múa, những người yêu nghệ thuật múa trong nước và quốc tế. Tuần lễ múa là dịp giới thiệu các tác phẩm, tác giả, nghệ sĩ, những tìm tòi, sáng tạo, những tài năng mới của năm tổ chức sự kiện. Tại đây, các nghệ sĩ múa trong nước và quốc tế gặp nhau, trao đổi kinh nghiệm thông quan phần Liên hoan (Festival) và tranh tài (Competition). Đây cũng là cơ hội để công chúng tiếp cận toàn cảnh nghệ thuật múa Việt Nam, đồng thời tiếp thêm động lực cho nghệ thuật múa Việt Nam phát triển cùng khu vực và thế giới”. Viet Nam Dance Week 2023 là một sự kiện lớn, chứa đựng biết bao tâm huyết của các nghệ sĩ ngành múa, tuy nhiên lãnh đạo thường trực Hội đã và đang phải trăn trở, vận dụng các mối quan hệ nhằm xin tài trợ đầu tư cho dự án.
Chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, biểu diễn phục vụ miễn phí không giúp thu hút sự quan tâm của công chúng, thậm chí nó còn đánh mất thói quen thưởng thức nghệ thuật có trách nhiệm trong khán giả; Các chương trình biểu diễn cũng dần trở nên đơn điệu, nhàm chán bởi không có kinh phí để tái đầu tư, sáng tạo. Đã đến lúc công chúng cần ý thức việc thưởng thức nghệ thuật bằng một tấm vé và việc mua vé xem nghệ thuật là một nếp sống văn minh cần được tạo dựng. Đó cũng là cách thể hiện sự trân trọng đối với lao động nghệ thuật của người nghệ sĩ, tạo động lực cho họ tìm tòi sáng tạo, đổi mới để tạo ra những sản phẩm chất lượng cao.
Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Những tinh hoa văn hóa của một dân tộc đều là tài sản chung của nhân loại và ngược lại, những đỉnh cao văn hóa loài người là những của báu không dành cho riêng ai. Sự hiểu biết lẫn nhau, sự học tập và tôn trọng nhau xưa nay đều thể hiện sâu sắc qua văn hóa, nơi tập trung những biểu hiện rực rỡ nhất của tâm huyết và sức sáng tạo của con người”. Sản phẩm văn hóa nghệ thuật là tài sản cá nhân do mỗi cá thể tạo ra, nhưng lại là tài nguyên vô giá đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế của mỗi đất nước. Từ đây, không gian văn hóa được rộng mở, "sức mạnh mềm" nội sinh được khai thác và hình ảnh quốc gia dân tộc sẽ được quảng bá, gia tăng sự uy tín trên trường quốc tế.
Vai trò của văn hóa nghệ thuật nói chung, nghệ thuật múa nói riêng là không thể phủ nhận, song để nền nghệ thuật múa nước nhà có cơ hội phát huy hết sức mạnh nội sinh vốn có thì cần lắm sự chung tay của các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân. Múa là một trong những loại hình nghệ thuật đặc biệt và nó cần có cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt là chính sách cho các các doanh nghiệp khi họ tham gia vào các dự án, chương trình, đầu tư trong lĩnh vực nghệ thuật múa. Đối với dự án lớn Viet Nam Dance Week 2023, lãnh đạo Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam sẵn sàng tiên phong trong việc tạo hướng đi mới, chỉ mong sao từ bệ phóng này, nhiều ước mơ được nuôi dưỡng, phát triển./.