Người Hà Nội thanh lịch, văn minh

Nhiều kinh nghiệm và cách làm hay từ thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình trên địa bàn Thủ đô

Ly Ly 19:43 13/10/2023

Sáng 13/10, tại phường Bồ Đề (quận Long Biên, Hà Nội), Sở Văn hóa và Thể thao (Sở VH&TT) Hà Nội phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố, Thành đoàn Hà Nội, Ban đại diện Hội người cao tuổi Thành phố tổ chức Hội nghị tọa đàm “Cách làm và kinh nghiệm hay trong thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình góp phần nâng cao chất lượng Gia đình văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”.

Tham dự Hội nghị tọa đàm có các đồng chí: Khuất Văn Quý - Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình, Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch; Trần Thị Vân Anh – Phó Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội, Chủ trì Hội nghị toạ đàm; Lê Thị Thiên Hương – Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hà Nội; Đào Đức Việt – Phó Bí thư Thành đoàn Hà Nội; Nguyễn Thế Toản – Phó trưởng ban Thường trực Ban đại diện Hội người cao tuổi thành phố Hà Nội, Đinh Thị Thu Hương – Phó Chủ tịch UBND quận Long Biên, Hà Nội.

z4779613117070_fde7ded036d97782bf23b5e7c4ed9a38.jpg
Quang cảnh Hội nghị toạ đàm

Văn hóa ứng xử trong gia đình có vai trò quan trọng

Thực hiện Kế hoạch số 250/KH-UBND ngày 27/9/2022 của UBND Thành phố về triển khai Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2025; thực hiện Kế hoạch số 616/KH-SVHTT ngày 12/9/2023 của Sở VH&TT Hà Nội về việc triển khai thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình gắn với nâng cao chất lượng xây dựng Gia đình văn hóa trên địa bàn Thủ đô năm 2023, Sở VH&TT Hà Nội đã từng bước đưa vào cuộc sống các chuẩn mực giá trị đạo đức, văn hóa con người Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Đồng thời củng cố ý thức pháp luật, đề cao đạo đức, lương tâm, trách nhiệm của mỗi người với bản thân, gia đình, cộng đồng, xã hội và đất nước; ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức trong gia đình và xã hội. Nâng cao nhận thức xây dựng, giữ gìn hạnh phúc bền vững của mỗi gia đình, khơi gợi tình yêu thương, chia sẻ trách nhiệm giữa các thành viên gia đình trong xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh, làm nền tảng xây dựng cộng đồng hạnh phúc, quốc gia phồn thịnh.

Năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị số 11/CT-TTg về việc đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình, giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng và triển khai “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình”.

z4779613068074_060e67ab2eb85db0129962aafb79bb2b-1-.jpg
Bà Lê Thị Thiên Hương - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hà Nội phát biểu đề dẫn Hội nghị toạ đàm

Phát biểu Báo cáo đề dẫn khai mạc Hội nghị tọa đàm, bà Lê Thị Thiên Hương - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hà Nội nhấn mạnh, với vị thế là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước; các giá trị văn hóa của Hà Nội, trong đó có giá trị gia đình mang đặc trưng hội tụ, kết tinh và lan tỏa; trở thành nguồn lực quan trọng để Hà Nội trở thành Thủ đô văn hiến, anh hùng. Trong những năm qua, Đảng bộ và chính quyền các cấp của Thành phố luôn coi trọng công tác gia đình. Thành ủy Hà Nội đưa công tác xây dựng gia đình Thủ đô thời kỳ mới là nội dung quan trọng trong thực hiện các chương trình công tác toàn khóa, đặc biệt là Chương trình 06 - CTr/TU về phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch - văn minh giai đoạn 2021- 2025 và Chương trình 08 - CTr/TU về phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của Nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021 – 2025 của Ban chấp hành Đảng bộ Thành phố khóa XVII.

thang.jpg
Đại biểu Đinh Việt Thắng, Ủy viên Thường trực Ban đại diện Hội Người cao tuổi thành phố Hà Nội trình bày tham luận tại Hội nghị toạ đàm

Trình bày tham luận tại Hội nghị, đại biểu Đinh Việt Thắng, Ủy viên Thường trực Ban đại diện Hội Người cao tuổi thành phố Hà Nội cho biết, các cụ ông, cụ bà sống mẫu mực chính là tài sản quý giá, một yếu tố quan trọng trong sự phát triển chung của xã hội. Người cao tuổi trong mỗi gia đình luôn có những tác động trực tiếp, quyết định nên sự hình thành, phát triển của nền văn hóa dân tộc thông qua việc giáo dục con cháu. Thời gian qua, Hội luôn chú trọng việc nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của công tác gia đình đối với sự phát triển ổn định của xã hội, của các cấp, các ngành và các địa phương thành phố Hà Nội. Các cập Hội đã có nhiều giải pháp, biện pháp đồng bộ từ công tác tuyên truyền, phổ biến Bộ tiêu chí đến vận động, phát hiện, nhân rộng các mô hình, cách làm trong triển khai thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình.

z4779613006530_8a2ca3a9fa3a0aa53df716132289c43e.jpg
Cô giáo Đào Thị Hồng Hạnh, Tổng phụ trách Đội Trường Tiểu học Tô Hoàng tham luận tại Hội nghị toạ đàm

Theo cô giáo Đào Thị Hồng Hạnh, Tổng phụ trách Đội Trường Tiểu học Tô Hoàng chia sẻ, mỗi người giáo viên cần phải là 1 tấm gương sáng, gương mẫu, hiểu tâm lý học sinh và có tâm huyết với việc giáo dục học sinh trở thành công dân Thủ đô thanh lịch, văn minh. Các em luôn để ý đến thầy cô, từ cách ăn nói đến những cử chỉ hàng ngày. Hành vi ở trường của thầy cô tác động rất lớn đến việc hình thành nhân cách học sinh. Vì vậy, mỗi bản thân người giáo viên phải luôn trau dồi đạo đức, tác phong, không ngừng học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh để trở thành tấm gương sáng cho học sinh noi theo.

Còn theo ông Hoàng Văn Sướng, Phó Bí thư Thường trực Quận đoàn Cầu Giấy , xây dựng văn hóa ứng xử trong gia đình có vai trò đặc biệt quan trọng, không chỉ giúp đem lại cuộc sống ấm no cho mỗi cá nhân mà đem lại cuộc sống bình yên cho cộng đồng. Văn hóa ứng xử trước tiên phải được giáo dục từ chính mỗi gia đình để hình thành nhân cách, đạo đức, lối sống con người. Nền nếp gia phong đã tạo nên “sức đề kháng” giúp cho mỗi thành viên trong gia đình có điểm tựa tinh thần, vững tin vào cuộc sống.

Nhiều thành tựu bước đầu quan trọng

Gia đình có vị trí, vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa ở Việt Nam. Xây dựng gia đình là một bộ phận cấu thành trong chỉnh thể các mục tiêu phấn đấu của xã hội, vì sự ổn định và phát triển của đất nước và Thủ đô, là trách nhiệm chung của mỗi người, mỗi cấp, ngành.

Năm 2019, thành phố Hà Nội là một trong 12 tỉnh, thành trên cả nước được Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch quan tâm lựa chọn triển khai thực hiện thí điểm Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình. Thành phố đã chọn phường Khương Trung, quận Thanh Xuân và xã Phú Cường, huyện Ba Vì để triển khai thực hiện. Năm 2021, Thành phố thí điểm thực hiện thêm tại 05 xã, phường, thị trấn của 05 quận, huyện: Hai Bà Trưng, Gia Lâm, Sóc Sơn, Phúc Thọ, Thạch Thất để làm căn cứ triển khai nhân rộng trong thời gian tiếp theo. Năm 2022, tổng số hộ gia đình toàn Thành phố là 2.090.892, trong đó có 88% gia đình Thủ đô đạt danh hiệu Gia đình văn hóa (tăng 0.5% so với năm 2019), có 63% Làng văn hóa (tăng 2% so với năm 2019), 72,5% tổ dân phố văn hóa (tăng 1% so với năm 2019)…

Qua 4 năm thí điểm và triển khai thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình trên địa bàn Thành phố, các sở, ban, ngành, đoàn thể từ Thành phố đến quận, huyện, thị xã và cơ sở đã có những cách làm, kinh nghiệm hay, sáng tạo trong triển khai thực hiện, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình, về vai trò, ý nghĩa của đạo đức, lối sống, cách ứng xử tốt đẹp trong gia đình; vai trò các thành viên trong gia đình đối với việc giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của gia đình, của dân tộc. Qua đó tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của các tầng lớp nhân dân đối với việc giữ gìn, phát huy các giá trị đạo đức, lối sống, cách ứng xử tốt đẹp trong gia đình, góp phần xây dựng gia đình Việt Nam nói chung và Thủ đô nói riêng thật sự là tổ ấm của mỗi người, là tế bào lành mạnh của xã hội, đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Trong khuôn khổ Hội nghị tọa đàm, với 20 tham luận cũng như các phát biểu trực tiếp của các đại biểu tham dự đã nêu bật thực trạng gia đình Việt Nam hiện nay; chia sẻ những kinh nghiệm và cách làm hay nhằm giữ gìn hạnh phúc gia đình; vai trò của chính quyền địa phương và hộ gia đình tham gia thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình.

z4779612961843_17b29c83b8e9357ce3223faa99617f34.jpg
Bà Trần Thị Vân Anh – Phó Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội phát biểu tổng kết tại Hội nghị toạ đàm

Phát biểu tổng kết và bế mạc Hội nghị toạ đàm, bà Trần Thị Vân Anh – Phó Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội ghi nhận tất cả những ý kiến tham luận, chia sẻ từ các đại biểu tham dự. Sở VH&TT Hà Nội với vai trò là cơ quan tham mưu các vấn đề liên quan cho Thành phố sẽ tổng hợp và trình UBND Thành phố những nội dung, vấn đề mà các đại biểu quan tâm. Ý kiến đóng góp từ Hội nghị toạ đàm ngày hôm nay là cơ sở quan trọng trong quá trình triển khai, thực hiện và hoàn thiện để Bộ tiêu chí gia đình hạnh phúc, phù hợp với thực tiễn đặt ra. Ban Tổ chức sẽ tham khảo, vận dụng các ý kiến, đồng thời, mong muốn các ban ngành đoàn thể, đơn vị, tổ chức tiếp tục phát huy những kết quả đạt được trong những năm vừa qua, đề ra những giải pháp, mô hình mới để cùng nỗ lực hoàn thành tốt công tác xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, phát triển bền vững trên địa bàn Thủ đô./.

Ly Ly