Danh thắng & Di tích Hà Nội

Bảo tàng Công binh (quận Ba Đình)

Sơn Dương (t/h) 09/10/2023 15:14

Bảo tàng Công binh thuộc loại hình lịch sử quân sự chuyên ngành, có nhiệm vụ nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê, bảo quản, trưng bày, tuyên truyền giới thiệu các hiện vật bảo tàng phản ánh quá trình xây dựng chiến đấu trưởng thành của bộ đội Công binh Quân đội nhân dân Việt Nam.

bao-tang-cong-binh.jpg
Bảo tàng Công binh.

Địa chỉ: Số 459 phố Đội Cấn, quận Ba Đình, Hà Nội. Ngày thành lập 24/11/1982. Tổng diện tích 1.500m2, diện tích trưng bày trong nhà 600m2. Nội dung: Gồm 5 đề mục.

1. Phòng khánh tiết: Trưng bày các hiện vật, hình ảnh nói về sự quan tâm của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh với bộ đội Công binh, các phần thưởng cao quý mà Đảng và Nhà nước trao tặng bộ đội Công binh. Nổi bật nhất là lá cờ “Mở đường thắng lợi”, Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng bộ đội Công binh năm 1952.

2. Binh chủng Công binh trong kháng chiến chống Pháp (1946-1954)

Bảo tàng trưng bày các hiện vật, tài liệu, hình ảnh phản ánh hoạt động của bộ đội Công binh từ khi thành lập (năm 1946) đến khi kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi. Sự phát triển lớn mạnh của bộ đội Công binh qua các chiến dịch Biên giới 1950, Hoà Bình 1951, Tây Bắc 1952. Đặc biệt là thành tích của bộ đội Công binh trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, tham gia bắc cầu, mở đường xây dựng hầm pháo, công sự bảo đảm chiến đấu thắng lợi, thông qua các hiện vật như cuốc, xẻng, dụng cụ, phương tiện mở đường... Trong đó có chiếc máy điểm hoả gây nổ khối thuốc nổ 1000kg đặt ở đồi A1 báo hiệu giờ tổng công kích trong chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử.

3. Binh chủng Công binh trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975)

Trưng bày các hiện vật hình ảnh phản ánh hoạt động của bộ đội Công binh trong huấn luyện, xây dựng lực lượng, chống chiến tranh phá hoại miền Bắc và chi viện tiền tuyến. Công binh tham gia khắc phục hậu quả chiến tranh, đảm bảo giao thông thông suốt, thông qua các hiện vật, phương tiện vượt sông, dụng cụ tháo gỡ bom mìn. Các hình ảnh hiện vật nói về sự phối hợp chặt chẽ của công binh 3 thứ quân, (chủ lực, địa phương, dân quân du kích) mà tiêu biểu là dân quân Nam Sách - Hải Dương trong việc rà phá bom mìn đảm bảo giao thông.

4. Binh chủng Công binh trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (1975 đến nay)

5. Binh chủng Công binh trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02

Sơn Dương (t/h)