Danh thắng & Di tích Hà Nội

Bảo tàng Địa chất (quận Hoàn Kiếm)

Sơn Dương (t/h) 09/10/2023 14:54

Bảo tàng Địa chất là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường; là bảo tàng chuyên ngành địa chất, có chức năng nghiên cứu, thu thập, lưu giữ và trưng bày giới thiệu mẫu vật bảo tàng địa chất cùng vật phẩm minh hoạ. Bảo tàng Địa chất hiện được đặt tại khuôn viên số 6 phố Phạm Ngũ Lão, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

bao-tang-dia-chat.jpg
Bảo tàng Địa chất.

Cho đến nay, Bảo tàng Địa chất đã có lịch sử hình thành và phát triển hơn 90 năm. Theo lịch sử phát triển của đất nước, lịch sử hình thành và phát triển Bảo tàng Địa chất được chia thành 3 giai đoạn: trước năm 1954, từ năm 1954 đến 1975 và sau 1975.

Theo ông Blondel F., Giám đốc Sở Địa chất Đông Dương: Bảo tàng của Sở Địa chất Đông Dương được xây dựng năm 1914, đó là một toà nhà một tầng nằm phía sau Nhà hát Lớn Hà Nội (số 6, Phạm Ngũ Lão ngày nay), do các ông Lantenois H. và Mansuy H. sáng lập và tổ chức hoạt động. Bảo tàng thuộc Sở Địa chất Đông Dương (Le Musée du Service géologique del’ Indochine) ra đời, gồm một toà nhà một tầng diện tích 400m2.

Kể từ thời điểm chính thức mở cửa phục vụ công chúng (1919) đến năm 1928, trong Bảo tàng đã có khoảng 5.000 mẫu vật các loại thu thập ở Lào, Campuchia, Việt Nam và Vân Nam (Trung Quốc), được lưu giữ và trưng bày theo 3 nội dung: 1. Khoáng vật và đá; 2. Cổ sinh vật; 3. Địa chất ứng dụng, trong đó mẫu vật cổ sinh vật (hoá thạch) là phong phú hơn cả.

Năm 1954, sau chiến thắng Điện Biên Phủ và hiệp định Giơnevơ được ký kết, đất nước tạm thời bị chia cắt, người Pháp đã chuyển đại bộ phận mẫu vật (đặc biệt là những mẫu vật quý hiếm, những mẫu vật có giá trị nghiên cứu) vào Sài Gòn và lập nên ở đó một Bảo tàng Địa chất thuộc Sở Địa chất Việt Nam Cộng hoà (Le Musée du Gesologique de Republique duVietnam). Các mẫu vật đó được trưng bày trong một diện tích nhỏ ở Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia.

Số mẫu vật còn lại ở Bảo tàng tại số 6 Phạm Ngũ Lão, Hà Nội, không đáng kể, hầu hết bị thất lạc hồ sơ. Trong đó có một vài mẫu vật riêng lẻ có giá trị như: quặng Calamin thu thập ở Chợ Đồn (Bắc Cạn), thiên thạch, vài mẫu hóa thạch và một phiên bản đầy đủ của xương đùi khủng long (Titanoarus falloyti) thu thập ở Mường Phalan (Nam Lào), một sưu tập cá nước ngọt Neogen thu thập ở Trấn Ninh (Lào).

Năm 1955, Tổng cục Địa chất được thành lập trực thuộc Chính phủ. Bảo tàng Địa chất trực thuộc Vụ Kỹ thuật của Tổng cục Địa chất và vẫn sử dụng Nhà trưng bày cũ.

Cùng với việc tiến hành các công tác đo vẽ lập Bản đồ địa chất miền Bắc Việt Nam tỷ lệ 1/500.000 và tìm kiếm thăm dò khoáng sản, sau này được sự giúp đỡ của chuyên gia Liên Xô, Tổng cục Địa chất đã cho khôi phục lại Bảo tàng và chính thức lấy tên là Bảo tàng Địa chất. Cơ cấu trưng bày lúc này gồm 2 phần: Địa chất khu vực (theo đới tướng - cấu trúc) và địa chất khoáng sản.

Nội dung trưng bày tuy vẫn giữ nguyên hai phần như đã nói trên cho đến trước năm 1996, nhưng đã có những đóng góp nhất định cho công tác của ngành địa chất, đồng thời đáp ứng được một phần nhu cầu tham quan và học tập.

Những năm gần đây, việc lưu giữ quốc gia các mẫu vật về địa chất và tài nguyên khoáng sản đã được Luật Khoáng sản (1996) quy định, Bảo tàng Địa chất được nâng cấp cả về cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật cũng như quy mô tổ chức, nội dung trưng bày và phương thức hoạt động. Nhà Bảo tàng trước đây từ một tầng (400m2) thành ba tầng 1.200m2 giữ nguyên trang trí kiến trúc mặt tiền đã có. Đề án “Trưng bày mẫu vật và các mô hình về địa chất và khoáng sản” được thực hiện. Nội dung trưng bày mới và mở rộng Bảo tàng Địa chất được khai trương vào ngày 15/9/1999.

Nội dung trưng bày:

Hệ thống trưng bày thường trực của Bảo tàng Địa chất được thể hiện ở Nhà trưng bày 3 tầng có tổng diện tích 1.200m2 và một không gian ngoài trời là sân số 6 Phạm Ngũ Lão. Nội dung trưng bày tại Bảo tàng Địa chất hiện nay gồm ba chủ đề: 1 - Lịch sử địa chất Việt Nam và hành tinh của chúng ta, 2 - Địa chất và khoáng sản Việt Nam và 3 - Các sưu tập chuyên đề.

Nội dung trưng bày dẫn dắt người xem từ đại cương đến chuyên sâu, từ tổng thể đến chi tiết.

Chủ đề 1 (trưng bày ở tầng 1): Lịch sử địa chất Việt Nam và hành tinh của chúng ta

Chủ đề 2 (trưng bày ở tầng 2): Địa chất và khoáng sản Việt Nam

Chủ đề 3 (trưng bày ở tầng 3): Các sưu tập chuyên đề

Bảo tàng Địa chất là thành viên quan trọng của hệ thống Bảo tàng Việt Nam và từ năm 2006 là thành viên trong hệ thống Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam. Năm 2001, Bảo tàng Địa chất được tổ chức ICOM (Hiệp hội Bảo tàng quốc tế) công nhận là thành viên của tổ chức này và là một trong năm thành viên đầu tiên của ICOM Việt Nam./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02

Sơn Dương (t/h)