Chính sách & Quản lý

Tập huấn bảo tồn, phát huy loại hình văn hóa phi vật thể của các dân tộc thiểu số

Mai Chi 10/10/2023 07:23

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa ban hành Quyết định 2894/QÐ-BVHTTDL kèm theo Kế hoạch tổ chức lớp tập huấn, truyền dạy về bảo tồn, phát huy các loại hình văn hóa phi vật thể của các dân tộc thiểu số, năm 2023 tại các tỉnh: Bắc Kạn, Quảng Bình, Khánh Hòa và Tây Ninh.

Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, mục đích mở lớp tập huấn, truyền dạy nhằm thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch tại địa phương. Phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư của Nhà nước, xã hội và cộng đồng trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số, đồng thời động viên, khuyến khích đồng bào bảo vệ, bảo tồn, phát huy và lan tỏa các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc thiểu số trong giai đoạn hiện nay.

333-2802.jpg
Hát giao duyên (hát Sình ca) và trò chơi ném pao của người Sán Chỉ tại huyện Pắc Nặm, tỉnh Bắc Kạn. (Ảnh: Báo Bắc Kạn).

Việc tổ chức tập huấn và truyền dạy còn nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức văn hóa xã, các đơn vị về công tác quản lý văn hóa ở cơ sở; trang bị kiến thức cơ bản để tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương về công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch ở địa phương. Qua đây đề xuất giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch. Các lớp tập huấn và truyền dạy được thực hiện trong Quý IV năm 2023.

Cụ thể, lớp tập huấn nâng cao năng lực bảo tồn, phát huy nghệ thuật trình diễn dân gian (dân ca, dân vũ, dân nhạc) dân tộc Chứt gắn với phát triển du lịch tại tỉnh Quảng Bình có 4 chuyên đề: Chủ trương, đường lối của Đảng chính sách, pháp luật của Nhà nước về văn hóa và văn hóa dân tộc; Nhận diện nghệ thuật trình diễn dân gian dân tộc Chứt tỉnh Quảng Bình - truyền thống và biến đổi (làm rõ những tác động tích cực và tiêu cực của cuộc cách mạng công nghệ 4.0); Phương thức bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật trình diễn dân gian dân tộc Chứt trong thời đại mới gắn với phát triển du lịch; Công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Quảng Bình - thực trạng và giải pháp.

Tại tỉnh Tây Ninh sẽ tổ chức lớp tập huấn nâng cao năng lực bảo tồn, phát huy nghệ thuật trình diễn dân ca, dân vũ, dân nhạc của đồng bào dân tộc Khmer gắn với phát triển du lịch cũng (4 chuyên đề tập huấn). Tại tỉnh Bắc Kạn, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch tổ chức lớp tập huấn nâng cao năng lực bảo tồn, phát huy giá trị trang phục truyền thống và kỹ thuật làm ra bộ trang phục truyền thống dân tộc Sán Chỉ gắn với phát triển du lịch tại tỉnh Bắc Kạn.

Nội dung tập huấn tại Bắc Kạn gồm 6 chuyên đề: Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam trong giai đoạn hiện nay; Nét đặc trưng và giá trị, ý nghĩa của bộ trang phục truyền thống trong đời sống người Sán Chỉ; Những thách thức trong công tác bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống của người Sán Chỉ gắn với phát triển du lịch trong thời đại công nghệ 4.0; Nhận diện di sản trang phục truyền thống của người Sán Chỉ ở Bắc Kạn; Một số giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị của trang phục truyền thống của người Sán Chỉ ở Bắc Kạn hiện nay; Hướng dẫn kỹ thuật sản xuất trang phục truyền thống của dân tộc Sán Chỉ huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn.

ad.jpg
Đồng bào Raglay ở Khánh Sơn (tỉnh Khánh Hòa) biểu diễn đánh mã la. (Ảnh minh họa/ Báo Khánh Hòa).

Tại tỉnh Khánh Hòa tổ chức lớp tập huấn nâng cao năng lực bảo tồn, phát huy nghệ thuật trình diễn dân gian dân tộc Raglay gắn với phát triển du lịch tại tỉnh.Có 4 chuyên đề tập huấn tại tỉnh Khánh Hòa, gồm: Tuyên truyền, phổ biến Đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021-2030”; Tổng quan về các dân tộc thiểu số và công tác bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa; Đặc điểm và vai trò, ý nghĩa của dân ca, dân vũ, dân nhạc trong đời sống của đồng bào Raglay ở tỉnh Khánh Hòa và Bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc của dân tộc Raglai gắn với phát triển du lịch trước những thách thức của thời đại công nghệ 4.0.

Báo cáo viên tại các lớp tập huấn gồm lãnh đạo Vụ Văn hóa dân tộc (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Sở Văn hóa và Thể thao các tỉnh: Quảng Bình, Bắc Kạn, Khánh Hòa và Tây Ninh; các chuyên gia văn hóa dân tộc gồm PGS.TS Phạm Văn Dương (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam); TS. Nguyễn Thị Thanh Vân, TS. Chử Thị Thu Hà. TS. Nguyễn Thị Thanh Vân (Trường Đại học Văn hóa Hà Nội); Phó Trưởng khoa Văn hóa dân tộc thiểu số Trường Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh Hứa SaNi, Nghệ nhân Quan Thị Hiệp./.

Mai Chi