Làm sao để trẻ yêu việc đọc giữa “thời đại Smartphone”?
Khi mà điện thoại, tivi, các công cụ hiện đại cung cấp đa phương tiện đang rất phổ biến, thì việc rèn thói quen đọc sách cho trẻ không phải là điều dễ thực hiện, nhất là khi các em còn phải dành thời gian rất nhiều cho việc học thêm và làm bài tập… Vậy phải làm sao để rèn thói quen đọc sách và nuôi dưỡng tình yêu việc đọc cho trẻ?
Xây dựng Tủ sách gia đình
Sinh thời, nhà nghiên cứu Giang Quân từng chia sẻ về văn hóa đọc của người Hà Nội trước đây. Ông cho hay, phần lớn các gia đình đều có tủ sách, giá sách trong nhà. Nhất là các nhà giáo, nhà văn, nhà khoa học… thường có phòng đọc riêng và cũng là phòng làm việc (thư phòng). Ngoài các sách chuyên môn của chủ nhân gia đình, trên giá sách ấy đều có Tủ sách gia đình, để dùng chung cho cả nhà và kèm theo quy định những đầu sách được đọc và chưa được đọc đối với trẻ em dưới 16 tuổi.
Câu chuyện về Tủ sách gia đình với hàng nghìn cuốn sách quý của gia đình cố nhà văn Vũ Ngọc Phan nay đã trở thành “gia bảo” của con cháu họ Vũ vẫn khiến nhiều người ngưỡng mộ. Tương tự thế đối với các nhà khoa học/ nhà văn hóa lớn khác, tại tư gia con cháu họ vẫn còn những Tủ sách gia đình, vừa là kỷ vật của người quá cố, vừa là “tài sản” tinh thần mà họ truyền lại cho thế hệ sau.
Trong bối cảnh hiện nay, khi mà đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày một nâng cao hơn thì dường như Tủ sách gia đình cũng không mấy xa lạ với nhiều gia đình, đặc biệt là các gia đình tri thức. Nhịp sống vội vã của thời đại công nghệ số, thế giới phẳng, truyền thông đa phương tiện phát triển mạnh mẽ phần nào chi phối truyền thống văn hóa đọc của người Hà Nội ngày nay. Song vẫn còn đó nhiều cá nhân luôn gìn giữ truyền thống đọc sách và nỗ lực lan tỏa văn hóa đọc. Nguyễn Quốc Vương - một diễn giả tự do với nhiều hoạt động khuyến đọc sôi nổi trên khắp cả nước cũng là tác giả, dịch giả của hơn 70 đầu sách đã được xuất bản là một trong số đó.
Theo chia sẻ của tác giả Nguyễn Quốc Vương, bố của anh lập Tủ sách gia đình từ những năm 1980. Nhờ thế mà anh đọc sách từ rất sớm và hình thành nên thói quen, tình yêu với sách từ bé đến nay. Sau thời gian dài học tập và làm việc tại Nhật, khi trở về Việt Nam, Nguyễn Quốc Vương đã không chọn một công việc văn phòng ổn định như bao người khác. Tự nhận mình là “Người bán sách rong” với trang Facebook cá nhân có hơn 34 nghìn lượt theo dõi, Nguyễn Quốc Vương luôn chia sẻ việc đọc của gia đình anh cũng như những hoạt động khuyến đọc ở mọi vùng miền mà anh tham gia. Với mong muốn người người xem việc đọc sách quen thuộc, bình thường như việc ăn uống mỗi ngày, anh luôn sẵn sàng chia sẻ cách đầu sách phù hợp cho bất cứ ai muốn thành lập danh mục thư viện hay Tủ sách gia đình.
Tiếp nối truyền thống gia đình, Nguyễn Quốc Vương đã “biến phòng khách thành thư viện gia đình”. Đó vừa là không gian làm việc của anh, vừa là nơi anh thường đọc sách cho con nghe. Những ai theo dõi trang cá nhân của anh đều dễ dàng nhớ tới hình ảnh quen thuộc là anh ngồi làm việc bên máy tính khi xung quanh là các con đều đang tự đọc sách của mình; hoặc là những hình ảnh anh đọc sách cho con nghe vào bất cứ thời gian rảnh nào trong ngày.
Tác giả Nguyễn Quốc Vương cho rằng, không gian đặt Tủ sách gia đình cũng vô cùng quan trọng, nhất là trong bối cảnh nhà chung cư giữa nhịp sống internet như hiện nay. Tủ sách gia đình nên đặt ở nơi mà mọi người trong nhà luôn lui tới, dễ tập trung. Sách dành cho trẻ em nên để ở tầm thấp, tiện cho tầm với của trẻ. Bố mẹ, người lớn nên làm gương cho trẻ bằng việc giữ thói quen đọc sách mỗi ngày. Việc làm gương ấy không chỉ ở thói quen đọc mỗi ngày, mà còn cách đọc sách cùng những tương tác khác với kiến thức đã tiếp thu từ sách - đó là đọc và tưởng tượng, đọc và suy ngẫm, đọc và viết, đọc và nói, đọc và thực hành… Việc cập nhật và bổ sung các đầu sách cũng vô cùng cần thiết, phù hợp với nhu cầu đọc của từng thành viên.
Người lớn là tấm gương cho trẻ noi theo
Chị Hoàng Phương (phường Nhật Tân, quận Tây Hồ) chia sẻ: Thời bố mẹ chị không có Tủ sách gia đình, do điều kiện khó khăn nên tuổi thơ của chị cũng ít được đọc sách khác ngoài sách giáo khoa. Và phải đến khi kết hôn, sinh con, cùng với sự ảnh hưởng từ sở thích đọc sách của người chồng, trong khoảng 10 năm nay, chị mới thực sự để ý đến chuyện bồi dưỡng việc đọc cho trẻ. Lúc đó, con gái lớn của chị đã 7 tuổi và con trai thì vừa 3 tuổi. Trẻ đang tuổi ham thích đồ chơi điện tử, tivi, điện thoại mà vợ chồng chị cũng chiều lòng con, không tiếc tiền khi con muốn mua món đồ chơi này hay món kia.
“Vì thế, những năm đầu rèn cháu vào thói quen đọc sách thật sự không dễ dàng gì. Tôi đã tự làm những tấm vé xem tivi, vé chơi game tại nhà, vé đọc sách để phát cho mỗi người trong gia đình. Nghĩa là mỗi ngày, mỗi người đều có quyền lợi giống nhau, đều được phát 2 tấm vé xem tivi (30 phút/ vé); 2 tấm vé chơi game trên điện thoại/ đồ chơi điện tử (30 phút/ vé); 2 vé đọc sách (30 phút/ vé) kèm theo quyền được chọn đọc sách cho bố/ mẹ nghe hoặc nghe bố/ mẹ đọc sách. Đặc biệt, ai không sử dụng hết vé đọc sách sẽ phải tăng thời gian làm việc nhà. Cũng có lúc bọn trẻ sao nhãng việc đọc, ham thích chơi game và xem tivi hơn, lúc đó tôi phải dành toàn thời gian và sự tập trung để sử dụng vé đọc sách hiệu quả. Cho đến nay, trong Tủ sách gia đình tôi, ngoài các sách theo sở thích cá nhân của vợ chồng tôi, còn là các đầu sách mới do chính các con chọn tại các hội sách và liên tục được bổ sung. Cháu lớn thích đọc văn học và sách về hội họa, cháu bé không chỉ thích sách về khoa học tự nhiên, sách địa lý, khám phá các vùng đất và các nền văn minh trên thế giới mà còn thích sưu tập truyện tranh… Vì thế Tủ sách gia đình nhà tôi cũng có nhiều thể loại sách khác nhau. Nhiều năm nay chúng tôi không cần dùng vé đọc sách nữa vì các con rất tự giác và yêu việc đọc”, chị Phương nhớ lại và tự hào.
Trong cuộc giao lưu với độc giả mới đây tại Hội sách Hà Nội lần thứ VIII 2023, dịch giả Nguyễn Bích Lan cho rằng việc dạy trẻ rất cần sự làm gương của người lớn, nhất là trong gia đình. Bởi bản năng của trẻ trong những năm đầu đời là bắt chước. Trẻ sẽ bắt chước mọi hành vi, lời nói của người lớn. Kể cả việc đọc sách, cũng rất cần cha mẹ làm gương. Cha mẹ trước tiên phải là người có thói quen đọc sách và yêu thích việc đọc mỗi ngày.
Chia sẻ kinh nghiệm dạy trẻ đọc sách và nuôi dưỡng tình yêu với sách, dịch giả Nguyễn Bích Lan kể: Chị đã nuôi dưỡng tình yêu đọc sách cho bạn nhỏ trong gia đình chị từ những tháng bé còn trong nôi. Lúc bé chưa biết chữ, chị là người đọc sách cho bé nghe và cùng tương tác với bé qua sách vào mỗi tối. Đến nay bé đã học lớp 3, dù có mê chơi đến đâu nhưng tới giờ đọc sách là bé lại reo lên “Đến giờ đọc sách rồi! Đọc sách thôi!”. Và bây giờ, khi bé con đã biết chữ, thì tới giờ đọc sách, bé là người đọc cho chị nghe hoặc đôi khi là người lớn và trẻ thay nhau đọc từng chương của một cuốn sách.
“Tôi cho rằng, nếu khuyên một bạn sinh viên chưa từng thích đọc sách trước đó rằng hãy đọc sách đi thì thật sự rất khó. Hãy rèn các thói quen tốt từ bé, tốt nhất là ngay từ những năm đầu đời của trẻ. Trước khi sinh con, hãy có một tủ sách trong nhà. Phải làm sao để mỗi ngày trẻ mở mắt ra là nhìn thấy sách. Phải làm cho sách trở thành một đồ vật quen thuộc như gấu bông, quần áo hay bất cứ mọi đồ dùng khác trong nhà. Cuộc sống của ai cũng rất bận rộn, chỉ là ta ưu tiên việc gì mà thôi. Một ngày có 24 tiếng, bạn có ưu tiên 20 phút cho việc đọc hay không? Hãy dành toàn thời gian, sự tập trung cho việc đọc sách, cho bạn nhỏ. Nhất là khi đọc sách cho trẻ, rất cần sự tập trung hoàn toàn của người lớn. Ta không thể và không nên vừa đọc sách cho trẻ nghe lại vừa bấm điện thoại hay làm việc gì khác. Chính những điều đó làm cho trẻ bắt chước ta và hình thành thói quen”, dịch giả Nguyễn Bích Lan nhấn mạnh.
Có thể nói, truyền thống gia đình và cách sống của cha mẹ chính là nền tảng quan trọng nhất trong việc giáo dục con cái. Trong “thời đại Smartphone” hay bất cứ thời đại nào đi chăng nữa, việc giáo dục thói quen tốt cho trẻ nói chung và thói quen đọc sách nói riêng là vô cùng cần thiết và trước tiên cần sự làm gương từ chính các cha mẹ./.