Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam (quận Cầu Giấy)
Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam nằm trên đường Nguyễn Văn Huyên, quận Cầu Giấy, Hà Nội, được khánh thành tháng 11/1997. Bảo tàng gồm 2 khu vực chính: Trong nhà và ngoài trời.
Khu trong nhà bao gồm các khối nhà trưng bày, cơ sở nghiên cứu, thư viện, hệ thống kho bảo quản, hội trường... Đây là nơi trưng bày và lưu giữ rất đầy đủ những giá trị văn hoá của 54 dân tộc trong đại gia đình Việt Nam. Với 25 nghìn hiện vật, 15 nghìn bức ảnh, hàng trăm băng ghi hình, ghi âm giúp cho việc nghiên cứu và tìm hiểu các dân tộc, bản sắc văn hoá đa dạng của từng tộc người, từng vùng tộc cư, cũng như những giá trị nhân văn truyền thống của các dân tộc.
Hiện tại, trưng bày thường xuyên gồm 9 phần chính:
- Giới thiệu chung.
- Dân tộc Việt (Kinh).
- Các dân tộc Mường, Thổ, Chứt.
- Các dân tộc ngôn ngữ Tày - Thái và Kadai.
- Các dân tộc có nhóm ngôn ngữ H’Mông - Dao, Tạng - Miến, và người Sán Dìu, người Thái.
- Các dân tộc nhóm ngôn ngữ Nùng - Khơme ở miền núi.
- Các dân tộc nhóm ngôn ngữ Nam Đảo ở miền núi.
- Các dân tộc Chăm, Hoa, Khơme.
- Sự giao lưu giữa các dân tộc.
Mỗi dân tộc là một bộ sưu tập được tập hợp theo loại hình vật dụng như y phục, nông cụ, nhạc cụ, vũ khí, chỗ cư trú, hình thức cư trú, lại có tập hợp riêng về tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục trong cưới xin, ma chay và những hoạt động tinh thần xã hội khác.
Bên cạnh việc trưng bày thường xuyên, bảo tàng còn một khu riêng để tổ chức các đợt trưng bày chuyên đề theo các yêu cầu phục vụ nhiệm vụ chính trị, văn hoá, khoa học.
Bảo tàng còn tổ chức nhiều hoạt động biểu diễn, giao lưu văn hoá nghệ thuật của các dân tộc, các vùng miền rất sinh động, hấp dẫn, thu hút đông đảo khách tham quan. Đây cũng là nơi cung cấp tư liệu dân tộc học, đào tạo cán bộ dân tộc học cho các địa phương. Muốn hiểu biết về các dân tộc Việt Nam, không thể không đến Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02