Láng giềng gần gũi
Làng chài quê Nam vẫn vậy, đẹp thơ mộng và thanh bình. Nó quen thuộc đến nỗi nhắm mắt Nam cũng có thể đến được chỗ Nam muốn.
Hôm nay, Nam đến nhà bác Ruân chơi. Vừa đến đầu cổng đã nghe tiếng tranh cãi vọng ra. Nam đi nhanh vào sân thì ra là anh Biển và anh Tâm hàng xóm. Hai anh trạc tuổi nhau, đều là dân đi biển.
Nam vừa vào đến sân thì anh Tâm đã nhanh chân đến.
Tâm: A, thằng Nam đây rồi, mày vào nói giúp anh về quyền hạn của Cảnh sát biển đi, không ông Biển đây cứ cãi cùn. Nghe mà tức anh ách.
Biển: Có ông mới là đồ không biết gì đấy?
Tâm: Ê, tôi hơi bị hiểu biết đấy nhé, có ông mới là đồ không biết gì mà cứ nói như loa ấy.
Cả anh Tâm lẫn anh Biển đều không ai chịu ai. Nam đành đứng giữa làm hoà.
Nam: Hai anh bình tĩnh, có chuyện gì ngồi xuống kia nói em nghe. Lời qua tiếng lại thế này còn gì là láng giềng gần gũi nữa.
Biển: Ngồi thì ngồi, tôi sợ gì mà không ngồi.
Ba anh em ngồi yên vị ở chiếu.
Nam: Nào, giờ anh Biển nói em nghe trước, có chuyện gì mà liên quan đến quyền hạn của cảnh sát biển để hai anh phải cãi nhau.
Tâm: Thì anh nói Cảnh sát biển có quyền Xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật mà ông anh họ quý hoá của em cứ bảo không phải.
Biển: Đương nhiên không phải rồi. Xử lý vi phạm hành chính phải là lực lượng khác.
Nam: Về vấn đề này thì anh Tâm nói khá đúng đấy ạ.
Tâm: Thấy chưa, tôi biết ngay mà.
Anh Biển có vẻ không ưng, hỏi ngay lại Nam.
Biển: Đúng là đúng thế nào. Chú có nhầm không?
Nam: Em nhầm làm sao được. Vấn đề các anh nói đến nằm trong quyền hạn thứ 4 được quy định rõ trong Điều 9 Luật Cảnh sát biển Việt Nam, quy định quyền hạn của Cảnh sát biển Việt Nam đó là Cảnh sát biển được xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
Tâm: Đấy, quy định rõ ràng trong luật đàng hoàng, cãi thế nào được.
Biển: Ông chắc nghe hơi nồi chõ chứ biết cái quái gì.
Tâm: Ít ra thì tôi cũng biết hơn ông. Này, Nam tiện thể chú nói cho bọn anh nghe các quyền hạn của Cảnh sát biển xem nào.
Nam: Dạ, em rất sẵn lòng. Cảnh sát biển Việt Nam có tất cả 10 quyền hạn.
Biển: Tận 10 quyền hạn cơ à. Chú nói nhanh, anh háo hức quá rồi đây!
Nam: Thứ nhất là : “Tuần tra, kiểm tra, kiểm soát người, tàu thuyền, hàng hoá, hành lý trong vùng biển Việt Nam theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan”.
Biển: Thảo nào ngày nào cũng gặp tàu cảnh sát biển tuần tra. Mà hôm trước kiểm tra tàu của nhà ông luôn chứ đâu.
Tâm: Có kiểm tra, nhưng tàu tôi đầy đủ giấy phép hoạt động, chở hàng đúng quy định. Mắc gì đâu.
Anh Tâm nói xong vời tay Nam.
Tâm: Thế quyền hạn thứ 2 là gì vậy chú?
Nam: Quyền hạn thứ 2 là Cảnh sát biển có quyền sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ theo quy định tại Điều 14 của luật Cảnh sát biển Việt Nam.
Biển: Người của nhà nước có khác mới được phép sử dụng, chứ dân mình mà dùng lớ xớ là tội to.
Tâm: Lại chả thế, nên làm gì thì làm, cấm kị là sử dụng trái phép vật liệu nổ để đánh bắt cá. Cá đâu chưa thấy lại vướng vào lao lý ấy chứ.
Biển: Ông để yên cho Nam nó nói tiếp đi.
Nam: Quyền hạn thứ 3 là Cảnh sát biển được quyền “sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ theo quy định tại điều 15 của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan”.
Còn quyền hạn thứ 4 thì lúc nãy hai anh biết rồi.
Tâm: Chú vào ngay cái quyền thứ 5 cho anh.
Nam: Đó là được quyền “Tiến hành một số hoạt động điều tra hình sự theo quy định của pháp luật về tổ chức cơ quan điều tra hình sự, pháp luật về tố tụng hình sự”.
Biển: Đấy, cũng điều tra hình sự chả kém bên công an. Tất nhiên là các vụ việc lên quan đến phạm vi hoạt động theo quy định thôi chứ nhỉ?
Nam: Dạ vâng anh. Quyền hạn thứ 6 chính là “Truy đuổi tàu thuyền vi phạm pháp luật trên biển”.
Tâm: Đấy, hôm trước nhìn thấy tàu Cảnh sát biển truy đuổi một tàu chở lậu xăng dầu. Tàu nào làm ăn phi pháp là cứ xác định.
Biển: À, hôm đó hình như bên Cảnh sát biển cũng huy động tàu nhà ông Ngư đấy.
Tâm: Chính xác rồi chứ còn hình như gì nữa. Thế bên Cảnh sát biển có quyền đó hả chú?
Nam: Dạ, nhóm quyền hạn thứ 7 và thứ 8 quy định, trong trường hợp khẩn cấp, Cảnh sát biển có quyền: “ Huy động người, tàu thuyền và phương tiện, thiết bị kỹ thuật dân sự của cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam trong trường hợp khẩn cấp” và “Đề nghị tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động trong vùng biển Việt Nam hỗ trợ, giúp đỡ”.
Biển: Truy đuổi, huy động, rồi bắt giữ luôn chú Nam nhỉ?
Nam: Vâng anh, thứ 9 và thứ 10 chính là được “bắt giữ tàu biển theo quy định của pháp luật” và được áp dụng biện pháp công tác theo quy định tại điều 12 của Luật Cảnh sát biển.
Tâm: Quyền hạn thì nhiều thật đấy nhưng cũng đi liền với trách nhiệm. Làm nghề Cảnh sát biển xem ra còn gian nan hơn anh em chúng ta đi biển nhiều.
Biển: Nghề chọn người, người chọn nghề, cái số của tôi với ông là đi biển. Còn chú Nam nhà tôi, sau này chắc chắn vào Cảnh sát biển rồi.
Nam: Em cũng đang cố gắng phấn đấu. Mà hai anh còn cần hỏi gì không?
Tâm: Tạm thời thế đã. Cứ biết là tôi nói đúng rồi đã.
Biển: Ông đúng hôm nay chưa chắc ông đúng mãi. Nam, khi nào nhớ bổ túc thêm cho anh nhé! Đi biển biết luật, cũng tự tin hơn.
Nam: Dạ, em cũng đang trong quá trình học hỏi, biết gì em sẽ cố gắng truyền đạt cho anh.
Tâm: Thôi, hai anh em ngồi đi, tôi chạy về nhà không bà la sát ở nhà lại sắp réo rồi.
Tâm nói rồi hớn hở chạy đi.
Nam: Nãy em cứ tưởng hai anh xích mích lại mất vui.
Biển: Anh với ông Tâm lúc nào chẳng thế, tranh luận, cãi nhau xong rồi thôi, vẫn cứ là bạn bè, hàng xóm thân thiện, thường xuyên giúp đỡ tương trợ lẫn nhau.
Nam: Vâng anh, bán anh em xa mua láng giềng gần mà.
Ngày mai, thuyền của anh Biển, anh Tâm lại vươn khơi. Nam cầu chúc cho các anh sẽ bội thu, trở về mang theo đầy khoang tôm cá, cũng chúc cho tình bạn bè hàng xóm láng giềng của các anh mãi mãi bền chặt.