Đi chợ Chuông xem nghề làm nón
Danh thắng & Di tích Hà Nội - Ngày đăng : 15:14, 06/12/2020
Để có nón đẹp thì phải chọn loại lá cọ ở vùng núi Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An. Lá phải sáng màu, xanh đều. Sau khi mua về, người ta vò lá trong cát cho mềm rồi phơi 2 - 3 nắng; sau đó dùng giẻ bọc lưỡi cày hơ trên than củi để là cho lá phẳng, mịn. Công đoạn này đòi hỏi sự cẩn thận, căn chỉnh nhiệt độ vừa phải để lá không bị cháy.
Nón làng Chuông có 16 lớp vòng, được làm bằng cật nứa vót nhỏ, đều, giúp nón có độ bền chắc nhưng vẫn mềm mại. Khâu nón là công đoạn khó nhất. Người thợ giỏi khi khâu phải bảo đảm lá không bị nát, lộ chân kim, đường kim mũi chỉ phải đều tăm tắp và chặt để khi soi lên mặt trời không thấy kẽ hở. Để tránh thấm nước, người ta phết phía ngoài lớp dầu thông mỏng. Tùy loại nón, người thợ sẽ phối màu phần buộc quai nón khác nhau. Cái tài của người thợ làng Chuông là mối nối sợi móc được giấu kín, khi nhìn vào chỉ thấy những mũi khâu mịn màng.
Chợ Chuông họp ngay trước tam quan chùa làng, một tháng họp 6 phiên vào các ngày 4, 10, 14, 20, 24, 30 âm lịch. Tại đây, người dân chỉ bán nón và vật liệu làm nón. Người ta đi chợ Chuông từ tờ mờ sáng. Sau khoảng 3 giờ thì chợ tan nên người đi chợ phải dậy từ lúc mặt trời chưa mọc.
Chợ Chuông là một trong số ít những phiên chợ còn giữ được nguyên vẹn cái không khí của chợ quê, náo nhiệt nhưng không xô bồ. Người đi chợ thường mang theo đèn pin để soi, chọn những vật liệu tốt nhất về khâu nón. Các mẹ, các chị ngồi lọt thỏm sau các chồng nón cao lút đầu người. Chẳng kịp thấy mặt người bán, chỉ nghe tiếng người trả giá, hỏi han. Loáng cái, những chồng nón vơi đi nhanh chóng. Mặt trời ló rạng cũng là lúc chợ tàn. Người mua kẻ bán hay du khách đều hồ hởi khi mua được vật liệu hoặc những chiếc nón ưng ý. Cứ thế, chợ Chuông một tháng 6 phiên đã trở thành nếp sinh hoạt quen thuộc không thể thiếu của người dân làng Chuông từ bao đời nay.