Danh thắng & Di tích Hà Nội

Di tích lưu niệm Bác Hồ thăm Nhà máy cơ khí Hà Nội (quận Thanh Xuân)

Sơn Dương (t/h) 06/10/2023 15:58

Di tích lưu niệm Bác Hồ về thăm Nhà máy cơ khí Hà Nội, nay là Công ty Cổ phần cơ khí Hà Nội, địa chỉ 74 đường Nguyễn Trãi, phường Thượng Đình, quận Thanh Xuân, Thành phố Hà Nội.

bac-ho-voi-nha-may-co-khi-hn.jpg

Nhà máy cơ khí Hà Nội ra đời ngay từ những ngày đầu tạo dựng nền công nghiệp non trẻ của nước ta với sự giúp đỡ của Đảng, Chính phủ và nhân dân Liên Xô anh em. Nhà máy được xây dựng trong gần 3 năm (từ ngày 15/12/1955 đến 12/4/1958) và cùng với ngành công nghiệp cả nước bước vào thực hiện kế hoạch 3 năm khôi phục kinh tế 1958 - 1960.

Trải qua quá trình phát triển, Nhà máy cơ khí Hà Nội đã 9 lần được đón Bác về thăm và làm việc. Đó là các ngày:

- Ngày mùng 1 tết Mậu Tuất (18/2/1958), lần đầu tiên Bác về thăm và chúc tết cán bộ công nhân nhà máy. Bác đã ân cần khuyên bảo cán bộ, công nhân nhà máy: “Chi bộ Đảng, chi đoàn Thanh niên và Công đoàn phải phối hợp chặt chẽ, lãnh đạo công nhân thi đua thực hiện thắng lợi kế hoạch Nhà nước. Trong phong trào thi đua, phải khen thưởng kịp thời và phải biết phê bình để bổ khuyết kịp thời những thiếu sót. Sinh hoạt và tác phong của cán bộ phải giản dị, gần gũi, thân mật với công nhân. Công nhân thì phải thi đua sản xuất, thực hành tiết kiệm, lấy kế hoạch sản xuất mà nhà máy đã giao làm mức phấn đấu thực hiện”.

Sau khi Bác nói xong, tất cả cán bộ, công nhân đều vỗ tay hồi lâu, rất xúc động và thành kính chúc Bác năm mới sức khoẻ, sống lâu.

Từ ngày 12/4/1958, nhà máy khánh thành và chính thức đi vào hoạt động với nhiệm vụ lúc bấy giờ là sản xuất các loại máy công cụ có độ chính xác cấp 2 để trang bị cho ngành cơ khí non trẻ của nước ta, đáp ứng yêu cầu khôi phục và phát triển kinh tế, trên cơ sở đó, phát huy vai trò của nhà máy trong nền kinh tế quốc dân, thực hiện công nghiệp hóa nước nhà.

- Vào ngày 30/8/1958, một lần nữa Bác về thăm nhà máy, Bác nói chuyện với cán bộ, công nhân ở trước cửa phòng thiết kế và phân xưởng mộc mẫu. Sau khi ân cần thăm hỏi mọi người, Bác đã thẳng thắn phê bình cán bộ công nhân nhà máy, Bác nói “kế hoạch đề ra 2 phần mà làm không đầy một nửa... nếu như nhà máy điện, nhà máy nước cũng như thế, nhà máy này có điện, có nước mà dùng không?...”

Cán bộ, công nhân nhà máy đều thấm thía lời Bác dạy và sau lần Bác về thăm, phong trào thi đua làm theo lời Bác được phát động sâu rộng trong toàn nhà máy.

Ngày 25/12/1958, nhà máy lại vinh dự đón Bác về thăm lần thứ 3, Bác khen ngợi tập thể lãnh đạo, cán bộ, công nhân nhà máy đã đạt được những tiến bộ đáng kể, nhưng Người vẫn nhắc nhở: “Đây mới là thành tích bước đầu, công nhân và cán bộ phải cố gắng hơn nữa... không nên vì thành tích bước đầu mà tự kiêu, tự mãn... Cần phải đẩy mạnh cuộc vận động cải tiến quản lý xí nghiệp, đẩy mạnh đấu tranh tư tưởng hơn nữa. Tư tưởng thông suốt thì mọi việc làm đều tốt, phải làm cho tư tưởng xã hội chủ nghĩa hoàn toàn thắng, tư tưởng cá nhân chủ nghĩa hoàn toàn thất bại”. Lần này Bác còn giao trách nhiệm: “Nhà máy cơ khí Hà Nội có đông đảng viên và đoàn viên thanh niên lao động hơn các xí nghiệp khác, đó là một điều kiện thuận lợi, Bác giao trách nhiệm cho cán bộ và công nhân phải làm cho nhà máy trở thành một nhà máy kiểu mẫu.”

- Ngày 24/3/1959, nhà máy vinh dự đón Bác về thăm cùng Tổng thống Ấn Độ Praxát. Lần này Người đã trồng cây vú sữa làm kỷ niệm tại nhà máy. - Ba tháng sau, ngày 27/6/1959, lần thứ 5 nhà máy vinh dự được đón Người về thăm. Lần này Người cùng đi với Tổng thống Inđônêxia là ngài Xucácnô.

- Ngày 17/1/1960, lần thứ 6 Bác về thăm nhà máy. Hôm đó là ngày chủ nhật, Bác vào thăm nhà ăn tập thể, khu tập thể, ân cần thăm hỏi sức khoẻ toàn thể cán bộ, công nhân nhà máy. Hôm ấy, các đồng chí lãnh đạo của nhà máy cũng như toàn thể cán bộ, công nhân nhà máy đều vô cùng xúc động trước sự quan tâm của Người, và lấy làm ân hận do cách tổ chức của mình chưa tốt nên nơi ăn, chốn ở còn luộm thuộm. Ngày hôm sau, Đảng uỷ nhà máy đã ra Nghị quyết vận động toàn thể cán bộ, đảng viên, công nhân viên chức đẩy mạnh phong trào vệ sinh phòng bệnh, thực hiện tốt lời căn dặn của Người. Phong trào đó ngày càng đi vào nề nếp.

- Ngày 2/2/1960, Bác cùng ông bà luật sư Lôdơbai (người đã từng bào chữa trắng án cho Bác Hồ ở toà án Anh tại Hồng Kông) và con gái luật sư đến thăm nhà máy. Bác khen nhà máy hoàn thành tốt kế hoạch Nhà nước năm 1959; nhưng lần này Bác đặc biệt quan tâm đến công tác quản lý và vai trò làm chủ tập thể của cán bộ, công nhân. Bác phê bình quản lý vật tư chưa tốt, còn để lãng phí. Nói chuyện xong, Bác qua khu tập thể thăm chỗ ở của công nhân cơ khí tại nhà B, thăm vườn trẻ ở nhà 1 tầng, thăm lớp mẫu giáo và chia kẹo cho các cháu.

- Tối 20/10/1960, cán bộ, công nhân nhà máy đến dự khai giảng năm học bổ túc văn hoá mới 1960 - 1961, trong đêm khai giảng, Bác đã về thăm lần thứ 8. Bác đã xuống hội trường dự khai giảng và gửi lại 10 huy hiệu để tặng cho những người có thành tích học tập bổ túc văn hoá tốt nhất.

- Ngày 12/3/1963, Bác Hồ về thăm nhà máy lần thứ 9 với vua Lào Vátthava và nói chuyện với cán bộ, công nhân nhà máy tại khán đài ở phân xưởng cơ điện.

Như vậy, chỉ trong vòng 5 năm từ 1958 - 1963, Bác đã về thăm nhà máy 9 lần. Đây thực sự là sự quan tâm hết sức to lớn của Đảng, Bác Hồ đối với nhà máy cơ khí còn non trẻ - con chim đầu đàn của ngành cơ khí Việt Nam.

Nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh nhật Bác, công ty đã cho gắn biển ghi lại năm tháng sự kiện những lần Người về thăm nhà máy ngay cạnh gốc cây vú sữa Người trồng năm xưa; năm 2001 đã dựng tượng đài Bác giữa khoảng sân vườn phía trong nhà máy tạo nên một khu vực trang nghiêm mà gần gũi, là nơi thường xuyên diễn ra các lễ dâng hương, tưởng niệm, mít tinh, báo công với Người./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02

Sơn Dương (t/h)