Sử dụng trái phép chất ma túy: 'Người bệnh' hay 'tội phạm'?
Tin tức - Ngày đăng : 14:04, 09/12/2020
Coi người nghiện là "tội phạm" hay "người bệnh", người sử dụng ma túy ở mức nào thì bị coi là "nghiện ma túy"... là những vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm quanh Dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi). Theo các đại biểu Quốc hội, cần phân định rõ các khái niệm quanh vấn đề này để xác định các đối tượng, có biện pháp tương xứng về mặt pháp luật.
Thống kê của Bộ Công an, năm 2009, cả nước có khoảng 146.000 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý. Sau 10 năm, đến năm 2019 con số này là khoảng 225.000 người, tức là tăng 72.000 người. Vì vậy, với hướng đi của Dự Luật tập trung cho mục tiêu ngăn ngừa việc phát sinh thêm người nghiện ma túy và can thiệp sớm hơn bằng việc bổ sung chế định quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy là cần thiết.
So với Luật hiện hành, Dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) đã tách khái niệm “tội phạm về ma túy” ra khỏi “tệ nạn ma túy” nhằm xác định đúng tính chất. Đồng thời bổ sung khái niệm: Người sử dụng trái phép chất ma túy là người tự ý hoặc đồng ý cho người khác đưa chất ma túy vào cơ thể mình mà không được sự cho phép của cơ quan chuyên môn có thẩm quyền. Việc bổ sung khái niệm này để phân biệt với “người nghiện ma túy”, ngăn chặn họ tiếp tục sử dụng và dẫn đến nghiện; kịp thời giám sát, quản lý, giáo dục không để họ gây rối trật tự, đe dọa tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm và tài sản của người khác.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, cần phân định rõ khái niệm “người sử dụng trái phép chất ma túy” và “người nghiện ma túy”. Theo đại biểu Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn), cần thiết phải phân định chính xác hai trường hợp này để có những biện pháp tương xứng về mặt pháp luật. Các luật hiện hành chỉ quy định quản lý đối với người nghiện, không có quy định quản lý đối với người sử dụng trái phép chất ma túy và những người có hành vi tàng trữ ma túy. Nếu bị phát hiện, người sử dụng trái phép chất ma túy chỉ bị xử phạt hành chính tối đa 1 triệu đồng theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP. Sau này, họ trở thành người nghiện rồi mới bị quản lý và quản lý sau cai. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, nếu đã thành người nghiện thì không dễ cai, lúc đó thậm chí có thể gây ra hậu quả rất nghiêm trọng cho xã hội.
“Trước năm 2009, hành vi sử dụng trái phép chất ma túy đã được quy định thành một tội trong Bộ luật Hình sự và có tính răn đe khá cao. Tuy nhiên, sau đó, do có sự thay đổi trong nhận thức về hành vi này và coi họ là nạn nhân của tệ nạn ma túy nên Bộ luật Hình sự đã bỏ tội danh nêu trên. Cùng với đó, trong toàn bộ hệ thống pháp luật không có bất cứ quy định nào về quản lý cũng như giúp đỡ họ từ sớm nên đã dẫn đến gia tăng nhanh chóng thành người nghiện như trong thời gian vừa qua”- đại biểu Nguyễn Thị Thủy nói.
Theo đại biểu Nguyễn Chiến (đoàn TP Hà Nội), hiện đang có hai quan điểm: Người nghiện ma túy cần điều trị, chữa trị như người bệnh hoặc bị coi là tội phạm. “Quan điểm tôi là cần nghiên cứu sâu nguồn gốc vấn đề" – đại biểu nói. Đồng thời cho rằng, người thành niên, có nhận thức đều hiểu ma túy là chất Nhà nước cấm, pháp luật cấm, nếu buôn bán, tàng trữ, sử dụng phải xử lý bằng biện pháp hình sự với hình phạt rất nghiêm khắc. Tuy nhiên, họ vẫn sử dụng ma túy để tạo ra hoặc trở thành con nghiện. "Chúng ta đang có thuật ngữ “sử dụng trái phép chất ma túy” và “sử dụng trái phép” thì phải có chế tài pháp luật phù hợp để xử lý đối với hành vi này. Nếu không coi là tội phạm, hành vi sử dụng trái phép chất ma túy vẫn phải được xác định là vi phạm pháp luật và xử lý bằng biện pháp hành chính” - đại biểu phân tích nói.
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn TP Hà Nội) cho rằng, quan niệm về người nghiện là bệnh nhân hay tội phạm thì phải tùy theo từng hoàn cảnh. Trước hết, phải xác định nghiện ma túy là trạng thái bệnh lý nên họ là bệnh nhân, cần phải được điều trị về thể chất và tâm thần để hết nghiện. Song, những người nghiện ma túy đó có những hành vi phạm tội, khi đó họ phải bị xử phạt như một tội phạm.
Nhiều ý kiến đề nghị, việc quy định rõ các khái niệm và biện pháp pháp luật kèm theo sẽ bảo đảm tăng cường hiệu lực, hiệu quả của công tác phòng, chống ma túy.